Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

LÂM TẶC


CHƯƠNG XXIII

Ông Tám Cá vừa giăng xong rường câu thì nghe tiếng gọi:
     - Thống lĩnh, thống lĩnh cho cha con tôi sang với!
Tiếng già Bân. Ở vùng này chỉ cha con già Bân gọi ông Tám Cá là "thống lĩnh". Có lần, ông Tám Cá bảo:
     - Già cứ gọi là thằng Tám cho thân mật, với lại thời này là thời nào rồi mà già cứ gọi theo cách ngày xưa!
     - Không được, giấy rách phải giữ lấy lề, dù ngày nay xã hội có thay đổi nhưng dòng họ tôi vẫn muôn đời là tôi trung nhà chúa!
     Như lời già Bân, khi chúa Bầu lập nghiệp, ông tổ dòng dõi già là đầu lĩnh bảo vệ chúa, đã lập lời nguyền đời này nối tiếp đời khác mãi mãi trung thành. Gia pháp dòng họ bắt buộc con trai mười tám tuổi phải tinh thông quyền cước, binh khí, ba mươi lăm tuổi phải học hết các phương thuốc chữa bệnh gia truyền. Vì thế, khắp vùng Hà - Tuyên này, không ai không biết dòng họ Vi ở Yên Sơn.
     Thuyền ông Tám Cá vừa cập bờ, già Bân đã lên tiếng:
     - Tức quá đi, thống lĩnh à, không biết bọn nào chặt tiệt kim giao, cau rừng từ Hóc Khe Tó đến Trám Đen!
     - Chúng phá lâu chưa?
     - Mới ba bốn ngày nay thôi, tuần trước tôi và thằng con đi lấy thuốc còn nguyên.
     Nguyên Mạnh, con trai già Bân, giữ thuyền cho cha bước lên, cố nén bực tức mà giọng nói không thể rành rọt:
     - Chúng ác quá, thưa thống lĩnh. Kim giao chúng chỉ lấy khúc gốc thôi, để cành và nhánh lại. Cau rừng già non chúng chặt hết. Con tính bàn với cha lấy lại cành và ngọn kim giao, sấy khô để dành, nhưng nghĩ đi nghĩ lại làm thế cũng dùng được tối đa hai năm, dùng có nhiều lắm đi nữa cũng hết chừng hai vác; sau này biết kiếm ở đâu đây.
     - Chuyện cũng đã rồi, có bực tức thì cũng không làm cây cối sống lại được, giờ trở đi những cây thuốc quý mình cố gắng trồng may ra mới bảo tồn được.
     - Thống lĩnh nói phải, cha con tôi sẽ bảo con cháu trong dòng họ thực hiện ngay, trước tiên trồng trên đất thống lĩnh đã nhé.
     - Chỗ nào hợp với loại cây nào thì trồng cây ấy. Tôi tính giao đất cho anh em thằng Quân, mình không có gì thì cho nó chút đất lập nghiệp.
     - Thống lĩnh tính giao hết hay sao?
     - Không, sức anh em nó tới đâu giao tới đó.
     - Thế công việc ở xưởng mộc?
     - Giao thằng Quân, thằng Ngọc rồi.
     - Tôi tính ba hôm nữa đưa mấy đứa sang đắp nền, hôm ấy nhất thiết thống lĩnh phải ở trại đấy. À mà hai con trâu thằng Quân hỏi, nó làm vào việc gì?
Ông Tám Cá cười:
     - Chút nữa xuống trại già biết thôi.
     Nguyên Mạnh chèo thuyền, cái dáng chèo y hệt thằng Quân, vững vàng mà khoan thai. Khuôn mặt anh giống già Bân, cũng đôi mắt phượng ngủ hơi xếch, mày đậm, cằm vuông.
     - Thống lĩnh à, đợt này sang đắp nền tôi tính truyền cho thằng Quân đường roi Lôi phong và độc chiêu Cầm nã.
     - Sao truyền cho nó, gia pháp họ Vi chỉ truyền cho ngành trưởng dòng tộc thôi kia mà?
     - Tôi nghĩ kỹ rồi, nó sẽ là con rể thống lĩnh, truyền cho nó là không sai. Nó ở bên thống lĩnh như thay chúng tôi bảo vệ thống lĩnh vậy.
     Già Bân đã nói là làm. Có những việc trong gia đình ông, ông chưa quyết thì già Bân đã quyết. Mấy hôm trước, mới hỏi già Bân tìm mua hai con trâu thì hôm sau già đã sai người mang trâu đến. Cặp trâu đực rất đẹp, đầu gồ, bụng thon, mắt có thần và đặc biệt là sừng và móng đen bóng. Cặp trâu đang độ trưởng thành, mấy người dưới Thủy Nguyên, Hải Phòng nằn nì trả giá cao gấp ba bình thường mà già không bán. "Có trả gấp mười tao cũng không bán. Tụi bây mua về để giết chứ gì."- già Bân nói với mấy người lái trâu. Rồi già đe con cháu: "Giống trâu này nhà chúa tuyển chọn từ ngày xưa, kéo gỗ, cày ruộng rất tốt mà chăn dắt lại dễ, thả trong rừng hổ cũng không làm gì được. Bán cho bọn chúng, bọn chúng đem về nuôi trâu chọi, trâu thắng, trâu thua đều giết thịt hết. Tao nghe cụ kỵ xưa kể lại cái tục lệ này do bọn Tàu xui, mục đích của nó là triệt lần sức kéo, triệt hết giống trâu tốt. Như thế chúng làm hại cả dân tộc mà mấy người hiểu biết. Sau này, tao có chết, dòng họ lỡ có mạt, có bán trâu cho thương lái dưới xuôi chỉ được bán trâu cái, nghe chưa. . ."
     Tới cửa suối Lồ, ba người gặp Ngọc Râu, Dũng Nheo đang chống năm mảng nứa chồng lên nhau xuôi dòng. Chưa nghe dứt tiếng chào, gật đầu, già Bân hỏi:
     - Thằng Quân có ở dưới nhà bè không?
     - Dạ, đang cùng Nam Cuội đi kéo nứa cho lâm trường.
Ngọc Râu đáp.
     - Sao lại kéo nứa cho lâm trường?
     - Bọn con khai thác nứa cho lâm trường ăn chia sản phẩm.
     - Chút nữa cháu mày lên thay, bảo thằng Quân về có chút việc.
     Đến nhà bè già Bân ngạc nhiên vì số lượng nứa của anh em Quân, toàn nứa mười, vừa già vừa thẳng, "chẳng khác chi bãi nứa dưới nhà máy", già Bân trầm trồ. Ông Tám Cá kể việc Quân nói mua trâu là để dùng vào việc này và sắp tới sẽ  là kéo đá từ chân núi ra để xây móng, kéo gỗ lũa dưới sông lên. . .Xuống khu đất ông Tám Cá cho phát dọn để làm xưởng mộc đã có một ngôi nhà gần hoàn chỉnh, đòn tay đã lên nhưng chưa gác đòn dông, ba mặt dừng phên chắc chắn, trừ lại mặt trước. Cạnh đấy là đống tranh nứa sắp sẵn...Ông Tám Cá nói với già Bân:
     - Ngôi nhà này anh em nó tranh thủ làm buổi trưa, buổi tối cho vợ chồng Ngọc. Mấy đứa chưa gác đòn dông, trổ cửa là tính nhờ già coi ngày.
Già Bân cười, nói:
     - Chúng nó chẳng khác chi anh em ruột, biết bao bọc, che chở nhau như thế chắc chắn sẽ khá.
     - Mấy đứa tính làm nhà ở đây vừa tiện cho việc trông coi xưởng vừa tiện buôn bán cho vợ chồng Ngọc.
     - Thế thống lĩnh cho đất vợ chồng thằng Nam, thằng Dũng chỗ nào?
     - Trên cửa suối Lồ một đoạn, cái mảnh giáp lâm trường ấy.
     - Mảnh đất đẹp đấy, lại có con suối nhỏ nữa, thuận tiện nước nôi lắm.
     - Thằng Quân bảo sau này sẽ đắp một con đập nhỏ chắn ngang dòng suối làm hồ nuôi cá. Hồ nuôi cá có nước ra nước vào cá nhanh lớn mà ít tốn thức ăn.
     - Cái thằng nhìn đâu cũng thấy việc, giỏi quá!
Ông Tám Cá thở dài:
     - Tôi làm lỡ việc anh em nó mà anh em nó không một mảy may than vãn, lại còn xem tôi như người cưu mang nữa chứ. Hồi mới lên, nghe lời thằng Trí Vịt, tôi bảo anh em nó làm công nhân lâm trường. Tôi vô tâm quá, có biết lâm trường trả công bao nhiêu đâu. Khi anh em nó nghỉ việc, con Man Hoa nói lại, mình hối hận cũng đã muộn.
     - Thống lĩnh nói vậy không đúng, nào cho đất, tạo công ăn việc làm thế chẳng không cưu mang?
     - Cái đó chỉ là trách nhiệm thôi, tôi hối hận là cứ tin vào cái mác "nhà nước", trong suy nghĩ của tôi cái gì thuộc về nhà nước vẫn hơn. Anh em nó nghe tôi vì thằng Quân nể tôi, không muốn làm tôi buồn.
     Già Bân im lặng như chia sẻ điều ông Tám Cá nói; còn ông Tám Cá thấm thía câu tục ngữ: "Một người lo bằng cả kho người làm". Bình thường, với khu rừng của lâm trường, mỗi người chặt nứa kéo về bãi được bốn bó, vị chi mười hai cây một ngày. Công chặt không đáng kể, công kéo nứa mới gian nan, xuống dốc không nói làm gì chứ lên dốc muốn đứt cả ruột. Mồ hôi đầm đìa, mà cứ hễ mồ hôi ra nhiều là thế nào cũng bị ruồi vàng đốt. Còn anh em thằng Quân cứ đốn xong chục bụi nứa thì ba đứa lựa cho mình, hai đứa gom cho lâm trường rồi đóng thành mảng. Mỗi mảng hai mươi cây, bảy cây ở dưới, hai lớp trên mỗi lớp sáu cây. Mổ lỗ đầu gốc, chặt cây săng bằng ngón tay cái luồn qua, chồng lên...Khi kéo gác lên nhánh cây chữ V, buộc thanh đỡ ngang bằng cổ tay, tròng dây kiểu số tám, siết lại; giữa số tám móc vào lủng lẳng dây chão,  rồi cứ thế dắt trâu đi. Hai chục cây nứa với con trâu mộng chẳng khác nào người ta cầm cây thước thợ may. Thấy sản lượng anh em Quân làm có mấy ngày mà hơn cả lâm trường, thằng Trí Vịt nói với Minh Chột: "Phải tính lại thôi anh ạ, tỷ lệ ba phần tư chúng nó lời quá". Minh Chột chửi: "Mẹ kiếp! Không có tụi nó làm như thế liệu có nứa giao cho nhà máy không? Liệu có đất trồng rừng không?"...Chiều hôm qua, vừa mới lên anh em lão Chày đặt cọc mua nứa anh em Quân rồi bảo có rảnh làm thêm gỗ, bao nhiêu cũng mua hết. Chỉ tiền đặt cọc thôi cũng bằng tiền lương mấy tháng của anh em nó làm công nhân lâm trường. Nhận tiền cọc Quân nói: "Để trả tiền trâu cho già Bân, nếu già cho mượn thì phải tính tiền sức kéo theo tỷ lệ...". Cái thằng việc gì cũng chu đáo quá, có trước, có sau. Có được đứa con rể như vậy không cần gì thêm nữa. . .
     Quân về tới nhà bè thì cũng là lúc Huy và Ngàn đi ca nô tới, thành ra già Bân chưa bàn việc cất xưởng mộc với Quân được. Với vẻ mặt ỉu xìu, Huy nói:
     - Gay quá, anh Tám, dạo này lâm tặc lộng hành quá. Tôi chở anh Ngàn sang đây là nhờ anh, già Bân phối hợp trong việc bảo vệ rừng.
     - Có chuyện gì à?
Ông Tám Cá hỏi.
     - Từ Hóc Khe Tó đến rừng Trám Đen, kim giao và cau rừng bọn chúng khai thác hết.
     - Chuyện ấy chúng tôi biết rồi.
 Già Bân lên tiếng.
     - Mấy cây lát còn lại của lâm trường Bình minh cũng bị mất sạch rồi.
Già Bân, ông Tám Cá đưa mắt nhìn nhau như dò hỏi thì Huy tiếp tục:
     - Chưa hết, hôm qua chúng tôi đi tuần rừng thì phát hiện chúng chặt gỗ đốt than bất kể gỗ nhóm nào.
     - Mấy cây gỗ lát mất lúc nào? Tuần trước sang bên này đi lấy thuốc tôi còn thấy ngọn cây ấy mà.
Huy trả lời già Bân:
     - Bây giờ một số cây vẫn còn ngọn. Bọn chúng cưa bằng cưa máy, khoét lấy hộp gỗ, trừ bìa hai bên lại.
     - Thế cây không gãy sao?
     - Bọn chúng chống cây như giàn giáo.
Im lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Lát sau, ông Tám Cá hỏi Quân:
     - Có phải chúng dùng cưa máy, loại  cưa như hôm trước con và sếp Kim nói phải không?
     - Con nghĩ như vậy.
Ngàn hỏi ông Tám Cá:
     - Lâu nay chú có thấy người lạ mặt qua lại trên đoạn sông này không?
     - Không thấy, à mà có, cách đây mấy bữa có bốn đứa xuôi về thị xã trên một cái mảng.
     - Có đứa nào cao lớn, lưng hơi gù không?
     - Không có.
     Quân nghĩ bọn trộm gỗ lấy cưa máy ở đâu ra nhỉ. Tháng trước sếp Kim có nói là trang bị cho các lâm trường nhưng không biết đã trang bị chưa? Có loại cưa ấy trong tay lâm tặc thì mức độ tàn phá rừng nhanh gấy mười mấy lần hiện tại. Rừng mất thì hậu quả khôn lường. Sao nhà nước lại không giao rừng cho dân nhỉ? Chỉ cần mỗi gia đình quản lý vài ba chục ha thì rừng không thể mất khi họ có quyền lợi trong đó. Như đất của "cha" đấy thôi, biết bao nhiêu ha mà có mất gì đâu. Khi rừng là của chung thì mấy ai bảo vệ, cứ trộm được là trộm, phá được là cứ phá chứ nói gì đến chăm sóc. Một trạm kiểm lâm của Huy biên chế lèo tèo mấy người mà có khi nào đủ số vì  thay nhau nghỉ việc riêng, Huy không quản thì ai quản? Có lúc cho nhân viên nghỉ dài dài để dễ làm chuyện bậy bạ hơn, dễ kiếm chác hơn. Năm thì mười họa Huy, Trọng Hói mới tuần rừng, mà thực tế cứ ngồi trên ca nô chạy lên chạy xuống mà thôi. . .
     - Con có suy nghĩ gì mà đăm chiêu vậy Quân?
     - Con nghĩ thế này già xem có đúng không nhé, nếu để rừng không bị mất thì giao cho dân.
     - Thế là đem tài sản tập thể giao cho cá nhân à?
Ông Tám Cá hỏi.
     - Dạ, cũng như nhà nước thuê người giữ rừng thôi. Giao cho họ rồi quy định loại nào được khai thác, số lượng khai thác bao nhiêu, bán lại cho nhà nước chẳng hạn, giá cả như thế nào là hợp lý...Như vậy nhà nước có tiền, dân có tiền và rừng mãi mãi còn.
Ngàn nói:
     - Ý kiến anh Quân tôi thấy có lý. Công việc của lâm trường, kiểm lâm mà giờ đây công an bọn tôi cũng phải vào cuộc trong khi không biết bao nhiêu vụ việc chưa kịp làm.
Già Bân cười:
     - Cái thằng Quân nói gì cũng trúng, làm được như vậy thì thằng Huy nằm võng hút thuốc thôi.
     - Được như thế thì còn gì bằng, cái chính là ở cấp trên.
     - Thì mình đề xuất lên cấp trên. Hôm nào xuống dưới ấy gặp mấy ông trên tỉnh tôi hỏi thử xem.
     - Tôi nói không ai nghe chứ anh Tám nói chắc mấy ổng nghe.
     - Từ khi nghe cho đến khi làm thì có khi không còn rừng nữa để mà giao.
     - Anh Tám nói đúng, nhà nước ta từ nghị quyết đến thực hiện là quãng thời gian rất dài, chậm là do cơ chế. Thôi, giờ Ngàn ở đây làm việc, tôi lên lâm trường xem vụ mất gỗ mấy ổng biết chưa.
Huy nổ máy ca nô, ông Tám Cá nói:
     - Chút nữa về nhậu nghen.
     - Cái gì chứ anh Tám bảo nhậu là nhất trí hai tay.
     Huy đi rồi, ông Tám Cá mở dây buộc thuyền, nói với Ngàn:
     - Chú đi gỡ câu kiếm ít mồi nhậu, có gì cứ bàn bạc với cha con già Bân, thằng Quân là được.

    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét