CHƯƠNG XXV
Cúng hoàn tất nền xưởng xong, già Bân lấy bộ võ phục màu chàm viền vàng đưa cho Quân.
- Con mặc bộ đồ này cho ta.
Quân không hiểu ý định của già Bân nhưng anh vẫn làm theo. Dường như bộ võ phục già Bân thửa cho anh, nó thoải mái, vừa vặn.
Trở lại nền xưởng, già Bân chỉ anh ngồi phía bên trái, đối diện với anh là Nguyên Mạnh trong bộ võ phục màu trắng viền đỏ.
- Cẩn cáo bách thần, anh linh nhà chúa, thưa thống lĩnh, bà con, nay thay mặt thống lĩnh báo việc đầu viên mãn, việc tiếp theo đang chờ, tỏ vẻ mừng vui tiếp đà hưng thịnh, nay có màn đấu võ thay cho việc múa long lân, trên bách thần, thống lĩnh nghé xem, dưới bà con thưởng lãm.
Nói rồi, già Bân mời ông Tám Cá lên ghế chủ tọa, phía tay phải có treo một cái chiêng lớn, như lời già Bân nói, đây là cái chiêng hiệu quân của nhà chúa năm xưa. Bên trái, cái án thư có bát hương cắm một cây hương đang cháy đánh dấu từng đoạn bằng phấn trắng. Cung kính đưa chiếc dùi chiêng đầu đánh buộc vải đỏ cho ông Tám Cá, già Bân nói:
- Hương cháy hết phần trắng là một trận; mở trận thống lĩnh đánh một hồi ba tiếng, tạm ngưng trận đấu là một tiếng, tiếp tục là ba tiếng, kết thúc là một hồi. Hiệu lệnh là vậy, thời gian là vậy nhưng tùy thống lĩnh định đoạt.
Ông Tám Cá không ngờ việc đắp nền xưởng già Bân lại bày vẽ đến thế, ông chỉ nghĩ già Bân thuê người, đắp nền xong trả tiền cho họ là xong. Nhưng khi già Bân bảo cứ giao việc đắp nền, hoàn tất cho cho già thì mọi việc già sắp xếp ông phải nghe theo.
Dứt tiếng chiêng, Quân và Nguyên Mạnh chào chủ tọa, khán giả, bắt tay nhau rồi dương vũ khí nghênh chiến. Quân sử dụng cây côn tề mi hai đầu bọc ngù vàng kim tuyến, Nguyên Mạnh sử dụng đại đao yển nguyệt ngù đỏ. Điểm yếu của côn khi đỡ phải tránh lưỡi đao nên người đỡ phải gần như nhập nội, điểm yếu của đao khi tấn công sát thương chủ yếu ở phần lưỡi, phần mũi. Nhưng khi đã là cao thủ thì ai cũng phát huy hết điểm mạnh của vũ khí, thủ mà công, công để thủ. Đường côn của Quân vun vút, đường đao Nguyên Mạnh loang loáng, cán đao và côn đánh đỡ va chạm vang tiếng cách...cách khi mau khi thưa, khi dồn dập như bão giông chớp giật, khi chậm rãi như nhịp phách ca trù. Thân thủ hai người khi vững như núi Thái Sơn, khi nhẹ nhàng uyển chuyển như mây bay nước chảy...Người xem nhiều lúc thót tim vì những miếng đánh hiểm tưởng chừng như không thể phòng thủ, hóa giải nổi. Cả hai càng đấu càng hăng, người sử đao, người dụng côn phát huy vũ khí trong tay tuyệt kỹ, không chút sơ hở, thật xứng danh như người ta thường ví "long tranh hổ đấu"...
Ông Tám Cá đánh một hồi chiêng dài, trận đấu tạm ngưng, cả hai cúi chào chủ tọa, khán giả mà thần thái không chút biến sắc.
- Các con đã cho chú, bà con xem một trận đấu hết sức đẹp mắt. Nhìn các con đấu mà lòng chú rạo rực như trở lại thời trai trẻ. Cản ơn già Bân đã đào tạo con cháu thành tài. Tôi cũng không rành rẽ lắm về lễ nghi, ăn nói. Vì vậy, già Bân sẽ thay tôi có mấy lời với bà con, con cháu.
Già Bân đứng lên, hai tay chắp trước ngực nghiêm trang, cung kính.
- Thưa thống lĩnh, thưa bà con, được sự cho phép của thống lĩnh, tôi có mấy lời nhân buổi hoàn công hôm nay. Nhà có chắc phải vững nền móng, người có thành tài phải được dạy dỗ từ nhỏ. Bà con ta chưa thật giàu nhưng vùng ta ít người đói khổ. Nhìn xa cái đó do đâu? Do nguồn lợi từ núi rừng sông suối, do sự phù trợ của anh linh nhà chúa. Hai điều này tôi nói không tách rời nhau. Ngày thống lĩnh đi đánh trận, phu nhân ở nhà giúp bà con ta rất nhiều. Thử hỏi phu nhân không mua lại những mảnh ruộng nương bạc màu của bà con, cải tạo trồng lại cho xanh tốt rồi cho bà con mướn lại thì bây giờ núi rừng này ra sao, bà con ta ra sao? Ơn này không kể xiết. Nay thống lĩnh mở xưởng mộc, tận dụng lại những gốc, bìa gỗ, ngọn, cành, nhánh cây bỏ phí trong rừng để làm vật dụng là không bỏ phí của rừng, có lợi cho xã hội, bà con ta nên ủng hộ. Tiếng là ủng hộ nhưng thực sự thống lĩnh tạo thêm công ăn việc làm cho bà con ta. Tôi mong rằng, bà con ta ai đang mướn đất, mướn rừng thống lĩnh cố gắng chăm sóc cho tốt, chặt một cây trồng lại mười cây mới mong sau này bảo tồn được cuộc sống như hiện tại, đừng như bọn lâm tặc tàn phá rừng. Bọn chúng phá hết nơi này thì đi phá nơi khác, còn bà con ta quê cha đất tổ ở đây thì đi đâu? Thử hỏi không còn rừng nữa, đất bạc màu, nước không giữ được thì làm sao mà sống...Vì vậy, thay mặt bà con, báo với thống lĩnh, việc đắp nền, dựng xưởng là việc chung của bà con làng bản. Tiếng là giúp thống lĩnh nhưng thực sự chúng tôi giúp mình về lâu về dài, mong thống lĩnh hiểu cho tấm lòng bà con.
Tiếng vỗ tay kéo dài không ngớt, ông Tám Cá cứ lặp đi lặp lại câu nói: "Như thế không được, không được" nhưng chìm lỉm đi trong tiếng cười, tiếng chúc ông nhanh chóng xây dựng xong xưởng mộc.
Lời nói của già Bân vẫn như phảng phất bên tai Quân. ngắn gọn mà đầy đủ, mộc mạc mà sâu sắc vô cùng, gợi cho người nghe tầm nhìn rộng và nên phải hành động như thế nào. Già Bân đúng là điểm tựa tinh thần cho dân bản, có sức lan tỏa hết sức rộng lớn, giữ được bản sắc, truyền thống mà hiện đại. Trước ngày dạy võ cho Quân, già Bân hỏi:
- Ta biết con đọc nhiều, hiểu rộng, vậy theo con người như thế nào được xem là người có văn hóa?
Suy nghĩ một lúc, Quân trả lời:
- Dạ, thưa già, người có văn hóa là người như già, như chú Tám.
- Hà...hà...Cái thằng giỏi nịnh ghê, thế còn bản thân con thì sao?
- Dạ, con đang cố gắng.
- Con ạ, theo ta người có văn hóa là người nói điều gì, làm điều gì người khác đều nể phục, kính trọng. Khó lắm, không phải con cố gắng mà chính ta cũng phải cố gắng từng ngày...
Nguyên Mạnh vỗ vào vai Quân.
- Anh Quân, tối nay đi săn chứ?
- À, ừ...đi chớ.
- Thế thì giờ chúng ta đi tập nhé!
Vào bìa rừng, Nguyên Mạnh dùng mũi dao khoét miếng vỏ cây bằng đồng xu rồi bảo Quân bắn vào đó.
Cây nỏ đẹp, cánh cứng, Quân dương nỏ bắn 3 mũi tên nhưng không mũi nào cắm đúng vào chính giữa mục tiêu. Nhìn mũi tên, Nguyên Mạnh bảo:
- Anh bắn khá lắm đó, mũi tên chưa đúng giữa là do khi bắn cánh nỏ hơi nghiêng.
- Sao Nguyên Mạnh biết?
- Nhìn cánh tên anh ạ. Cha em dạy thế.
Nguyên Mạnh rút tên ra, tới chỗ Quân. Cầm cây nỏ, nhắc việc lên dây, giữ lẫy, lắp tên, anh nói:
- Tay trái giữ thân nỏ anh đừng lên gân quá, chỉ cần cổ tay thẳng, ngón cái áp vào thân đẩy tới, bốn ngón con áp vào thân nỏ đẩy lui, giữ thăng bằng, nhắm trúng là bắn trúng.
Nói rồi Nguyên Mạnh bóp lẫy, một tiếng "tách" khô gọn, mũi tên găm giữa đích. Làm theo Nguyên Mạnh chỉ dẫn, Quân bắn trúng dễ dàng. Tính bắn nữa cho thỏa nỗi phấn khích thì Nguyên Mạnh cười, nói:
- Con thú không đứng yên cho anh bắn đâu, giờ anh phải bắn cái này.
Lóc một miếng vỏ cây gọt tròn bằng cái trôn bát, treo lên bằng sợi dây rừng, búng cho nó lắc qua lắc lại.
- Được rồi đó!
Quân rê mũi tên theo nhịp lắc miếng vỏ cây, bóp lẫy, mũi tên bay vút vào rừng. Mũi tên thứ hai cũng thế, mũi tên thứ ba trượt qua miếng vỏ rồi cũng bay mất hút.
- Anh bắn như vậy là giỏi rồi đấy, hồi trước em phải tập mãi, Nguyên Mạnh động viên Quân, thôi giờ anh tập bắn găm đi.
Bẻ một cái bắp chuối, lột bớt lớp áo, gọt tròn như quả cam, ném nhẹ lên dốc để nó lăn xuống, Nguyên Mạnh nhắc:
- Anh bắn trúng khi nó cách chân vài mét là không được tính nhé.
Bắn trúng mục tiêu cố định đã khó, bắn mục tiêu di động àng khó hơn. Hồi còn ở bộ đội, anh em trong đơn vị ai cũng phục tài thiện xạ của Quân, nhưng giờ đây, khi sử dụng cây nỏ Quân mới thấy bắn trúng mục tiêu di động bằng súng không là gì so với bắn nỏ.
Cầm bắp chuối có mũi tên xuyên qua, Nguyên Mạnh cười:
- Ngày xưa cha cho em đi săn khi em bắn được như anh bây giờ.
Xế chiều, Nguyên Mạnh chở già Bân qua sông rồi cùng Quân chèo ngược lên vực Cây Sung gỡ rường câu ông Tám Cá thả hồi tảng sáng. Nhìn độ căng dây câu Quân biết cá lớn hay nhỏ. Gần hết rường câu mắc liền hai con cá lớn, bắt con này sợ sẩy con kia, Quân nói:
- Nguyên Mạnh giữ thuyền cho thăng bằng, cản trôi từ từ, tôi lần theo dây câu, luồn tay dưới bụng cá hất lên thuyền rồi tính sau.
Đưa được con cá lên thuyền,điịnh gỡ con cá tiếp theo thì một chiếc mảng trôi xuống, đứng đầu mảng là một người đàn ông trán hói, ngực nở, bàn tay phải cầm sào cụt ngón trỏ và ngón giữa. Cuối mảng là người đàn ông cao lớn, lưng gù, thoạt trông, Quân nhận ra hắn là Cường Gấu.
- Có cá bán không chú em?
Vừa nói ông ta vừa chống mảng sát vào thuyền, thấy Quân đang lần dây câu, ông ta thọc mạnh cây sào vào dây câu miết xuống rồi bất ngờ hất thẳng lên, con cá mắc câu nằm gọn trong lòng thuyền. Gỡ con cá mới được hất lên, Quân nói với người đàn ông:
- Chú cầm con cá này nhậu chơi.
- Không, công sức lao động cả, tôi mua thôi. Tặng nhau ít ra phải quen biết, cậu có biết tôi đâu.
- Không biết ông nhưng biết tôi, phải không Quân?
- Anh đúng là Cường Gấu!
- Giờ chú có bắt tôi không? Trái đất tròn nhỉ. Giới thiệu với chú ông ấy là Cát Cụt,đi bè có tiếng, ông Tám Cá có biết đấy. Ông Cát Cụt không nhận thì chú cho tôi nhé.
Nói rồi Cường Gấu chống mảng tới, dùng cây sào đâm vào mang cá.
- Cho nó khỏi giãy,để sống rớt xuống sông mất ăn. Cảm ơn hai cậu, cho tôi gửi lời thăm ông Tám Cá nhé.
Thu xong rường câu, trở về Nguyên Mạnh hỏi:
- Trông anh ta cũng thật thà sao làm lâm tặc nhỉ?
Quân trầm tư:
- Có lẽ do hoàn cảnh cả thôi...
Sang bờ bên kia, còn độ vài trăm mét là tới trạm kiểm lâm, Cát Cụt nói:
- Tôi không rành coi tướng lắm nhưng tôi nghĩ hai thằng ấy đủ sức bắt ông đấy. Chúng có thần tướng lắm.
- Cũng may chúng là dân thường, Cường Gấu đáp.
- Thế phi vụ tối nay ông có chắc ăn không?
- Không có gì là chắc cả nhưng hãy tin ở tôi.
- Nếu khó thì thôi.
- Cái gì khó làm được mới thích. Ông chuốc cho tụi nó say là được.
- Đến khi chúng tỉnh lại chúng nghi tôi thì sao?
- Nhắm chừng chúng bắt đầu tăng tăng thì ông rút. Chưa thằng nào say thì chúng nghi ông sao được. Tôi nghĩ sau này chúng nghi ngờ nhau, cắn xé nhau mà thích.
- Thực tình thì thí cho chúng cũng được nhưng ghét quá, chỉ đóng vài nhát búa mà hốt cả đống bạc, thằng nào cũng giàu sụ. Nói thực nếu chúng làm đúng, mình làm đúng thì lương thiện biết bao, đỡ đau đầu, kiến tha lâu đầy tổ. Đằng này, đi đúng như giấy phép cũng phải chung, mà đâu có phải một trạm. Nghề này không ma mãnh, liều lĩnh thì chỉ đi một chuyến thôi bán cả mả tổ cũng kông đủ bù lỗ.
- Ông công nhận ma mãnh, lều liĩnh rồi đấy nhé.
- Ma mãnh thì có nhưng liều lĩnh thì chưa. Có lẽ liều lĩnh để dành khi làm chuyến bè cuối giải nghệ.
- Thôi tôi xuống đây, đến gần lỡ chúng phát hiện thì lỡ việc.
Cường Gấu xuống mảng, lội vào bờ. Nước sông trong quá, in bóng núi cô tịch, sâm sẫm. Sông vẫn chảy mà bóng núi vẫn nguyên. Đột nhiên hắn nhớ lại hai câu thơ Nguyễn Trãi:
Nguyệt xiên há dễ xiên lòng trúc
Nước chảy âu khôn xiết bóng non.
Câu thơ trên cô giáo giảng giải nên hểu được, câu sau như một câu đố cả cho lớp. Bất chợt giờ đây hắn hiểu được câu thơ trong hoàn cảnh thật éo le. Bóng non nước chảy không mòn, kiên dịnh là vậy, vững vàng là vậy... Hai câu thơ nói lên chí khí người quân tử, còn hắn, đời hắn giờ lại như thế này đây. Tiếng thở dài của hắn như kéo theo nỗi buồn số phận, u tịch như bóng núi, mênh mang như dòng nước trôi xuôi. . .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét