Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

CHUYỆN NỌ XỌ CHUYỆN KIA (3)


1. Chúng tôi chơi thân với anh hồi anh còn làm trưởng phòng Giáo dục huyện. Giờ anh là trưởng phòng Nghiên cứu khoa học Sở. Vì thân quen nên nhiều lúc chúng tôi đùa giỡn anh hơi quá đà.
     Hè năm ấy, Sở tổ chức cho anh em hiệu trưởng, trưởng phòng đi tham quan, học tập ở Hà Nội. Đến thành phố Vinh, đoàn chúng tôi nghỉ ở khách sạn Kim Liên. Ăn tối xong, uống càfê nghe ca nhạc. Lâu lắm rồi tôi mới nghe lại bài dân ca "Giận thì giận mà thương thì thương" hay đến thế. Hay vì chất giọng Nghệ, hay vì ca sĩ thể hiện có hồn, duyên dáng. Bài dân ca vừa dứt thì anh ôm nguyên cả bó hoa sen chừng hai chục bông lên tặng và ôm hôn ca sĩ. Chuyện tặng hoa ai cũng có thể làm được song ôm hôn ca sĩ trước hàng trăm cặp mắt ở thời ấy chúng tôi cho là...dũng cảm, mặc dù đó là hành vi văn hóa. Tôi nói:
     - Mỗi bông hoa năm ngàn, cả bó hoa ấy mất hai bữa nhậu đấy, anh Ba.
     - Về quê mà sao Thắng tính toán thế, thưởng thức ca nhạc như thế này thì nhậu nào bằng.
     Mỗi lần về công tác tại trường anh bảo cứ về nhà tôi uống vài ly rượu cho tình cảm, quán sá chi cho tốn kém. Khi chúng tôi lên Sở họp, gặp anh bao giờ cũng hỏi thay cho lời chào:
     - Anh Ba, trời có mưa?
"Trời có mưa" nói lái là "trưa có mời?". Câu nói này có xuất xứ, nó là "tác phẩm" của anh Mười Thêm - phó Chủ tịch thị xã Sông Cầu. Anh Mười Thêm đã hỏi anh Tý - Giám đốc Sở Y tế nhân một buổi lên tỉnh công tác. Chuyện nói lái của anh mười Thêm có dịp tôi kể sau. Trở lại chuyện anh Ba, anh chưa kịp phản ứng hẹn địa điểm nhậu với chúng tôi thì bị "tấn công" tới tấp:
- Sở về trường đãi thịt cầy
Trường lên Sở hỏi chú mầy đi đâu,
Tỉnh về huyện đãi thịt trâu
Huyện lên tỉnh hỏi đi đâu chú mày...
     Chọc anh vậy thôi, chứ mỗi cuộc họp ở Sở mà mời nhậu thì nguyên tháng lương không đủ. Nhân lúc thưa người, Chừng - hiệu trưởng trường THPT Trần Phú, nay chuyển sang làm trưởng phòng giáo dục huyện, nói:
     - Trưa nay anh Ba đi nhậu với em và hai Thắng nhé!
     - Ở đâu?
     - Xuống bờ kè cho nó mát.
     - Được, nhất trí.
Giờ gỉải lao, anh bảo với tôi:
     - Thắng nói với Chừng chuyển địa điểm nhậu, quán Hương Xuân nhé.
     - Sao vậy anh Ba?
     - Ở đó không ký nợ được (!)
     Bày chuyện nhậu là để anh em tâm sự, trêu chọc nhau cho vui. Chúng tôi mời anh nhậu nhưng chưa bao giờ ở địa bàn thành phố anh để chúng tôi thanh toán. "Rừng nào cọp nấy", cái triết lý của anh không biết đúng chỗ nào chứ hóa đơn ghi nợ cứ dài theo năm tháng. Cũng may chị vợ biết sẻ chia, thông cảm chứ không thì không biết ra sao nữa. Với anh, tình cảm là quý, tiền bạc là vật ngoài thân. Biết anh là vậy mà mỗi khi lên Sở họp không gọi anh đi nhậu lại cảm thấy thiếu thiếu, chúng tôi nghĩ mãi mà chưa ra cách gải quyết vòng luẩn quẩn ấy đành chậc lưỡi...thôi kệ, rồi cụng ly côm cốp và rang ngô!
     2. Hồi chưa làm công tác quản lý, thỉnh thoảng tôi cũng chơi bi-a với anh em trong trường. Tôi ít chơi vì không có thời gian, không có tiền. Tôi nghĩ đã chơi là phải thoải mái, chơi để tìm niềm vui, giải stress, do đó, đã chơi thì không so đo tính toán.
     Hồi chưa biết chơi bi-a, tôi nghĩ cái trò ấy có gì hay đâu. Thế rồi khi cầm cơ biết "sơn", biết "kéo", biết "a băng" lại đâm ra ghiền. Mình làm thầy còn vậy huống chi trò.
     Trường tôi có một thầy, tạm gọi thầy X cho khỏi mất lòng, râu ria, tăng tướng lắm, cứ rảnh là ôm bàn bi-a tập luyện. Hễ có đối thủ là chơi. Được cái chơi độ đàng hoàng, ai thua chỉ trả tiền giờ, chai nước suối, thế thôi. Có lần, không biết hứng chí lên hay sao lại đánh độ cả thùng bia cho anh em uống để hai bên cùng "thật tình cố gắng hết sức". Lần ấy, anh X thua. Bia uống còn vài lon, anh kêu chủ quán tính tiền. Cầm hóa đơn trong tay, xem qua xem lại, đưa mấy lon bia cuối cùng cho đối thủ, anh em "cổ động viên":
     - Đây, bia đây, mấy ông uống đi, sữa con tui đó!
Nói rồi, ngồi phệt xuống sàn, tựa lưng vào chân bàn bi-a, òa khóc. Chúng tôi lúc ấy không biết làm sao, thôi thì tất cả móc túi, có đồng nào đỡ đồng ấy, góp vào vậy. Tưởng rằng sau vụ đó anh bỏ chơi, nhưng chỉ được tuần lễ lại thấy cầm cơ, "gặp ai củng hỏi, gặp ai cũng chào". Đối thủ nào ế độ, hăng lắm, thi đấu với anh cũng ra điều kiện: "Nước khoáng thôi nhé!"
     Sau cái vụ ấy chừng một năm, anh xin chuyển công tác cho vợ. Ông thủ trưởng cơ quan mới của vợ đồng ý nhận. Anh bảo vợ mua ít quà cáp gì đó biếu, chị vợ gạt đi, bảo; "Anh ấy là ông anh, bà con phía má". Anh hỏi bà con ra sao, chị vợ không giải thích được. Nghĩ người ta giúp mình như thế không có miếng nước không đành. Thế rồi giấu vợ, tiết kiệm để mời thủ trưởng vợ "một trận hoành tráng", gọi là cảm ơn.
     Thế rồi cũng có dịp mời được sếp vợ đi nhậu, nói kín một tí, có cả tiếp viên chân dài chăm sóc. Cuộc vui ngắn chẳng tày gang, ông thủ trưởng bảo "ta nghỉ được rồi nhỉ", nằn nì sếp chơi thêm chút nữa, sếp hẹn "để lúc khác". Anh ra đi ra thanh toán chưa được vài phút, tay xách giày, mặt không còn hột máu, hớt hơ hớt hải chạy vào:
     - Chết rồi sếp ơi...cảnh cáo...
Sếp vội đứng dậy, tái mặt:
     - Cái gì cảnh cáo, ai cảnh cáo?
Anh giở miếng lót đế giày, một mảnh giấy bằng hai ngón tay có ghi hai chữ CẢNH CÁO, nét chữ vợ anh. Thì ra anh giấu tiền dưới miếng lót đế giày mà vợ cũng biết. Hiểu chuyện, sếp vợ anh bảo:
     - Thế mà cậu làm tớ hết hồn, cứ tưởng công an hay công an tóc dài!
     Mở bóp, rút tiền đưa cho anh thanh toán, sếp nhắc nhẹ:
     - Sau này trước khi đi kiểm tra kỹ nhé!
   3. Mỗi người có một thú vui, cao hơn một bậc là đam mê. Nhưng có lẽ là đàn ông khi không làm chủ được gia đình thì đừng nên đam mê cái gì cả, trừ một số điều làm theo ý vợ mà mình thích.
     Chuyện tôi kể đây, phải là người cỡ từ bốn lăm tuổi trở lên ở xã XB mới biết. Chuyện không có gì là to tát, nhưng hồi ấy, nghe xong đúng là... vừa tức vừa cười.
     Gia đình ông Thừa Ngôn đông con, chị vợ buôn bán ở chợ; còn ông, buổi sáng sớm và xế trưa kéo hàng cho vợ, thời gian còn lại làm mấy sào ruộng cạnh nhà. Rảnh chút nào là chăm sóc con cu cườm. Con cu cườm của ông gù rất hay, ai trả giá bao nhiêu cũng không bán.
     Một ngày đầu hè, như thường lệ ông kéo hàng cho vợ. Không biết ế hàng hay sao mà hôm ấy chị vợ về sớm hơn, ông dọn hàng về sau.
     Kéo được xe hàng về nhà, mồ hôi đầm đìa, ông lau mặt bằng cách quệt một cái vào ống tay trái, quệt một cái vào ống tay phải, thế là xong. Cầm cây sào, ông nhấc lồng chim từ cây vú sữa xuống. Không tin vào mắt mình, ông la lớn, lạc cả giọng:
     - Đứa nào...đứa nào...nhổ lông cu của tao...?
Lúc ấy, chị vợ bước ra trước cửa bếp, tay còn cầm đũa cả, chống nạnh:
     - Tui đó, có làm sao không!
     Nhìn bộ dạng bà vợ, ông hạ giọng mà cục nấc cứ nghẹ ngang cổ họng:
     - À... không sao... trời nam nắng vặt lông cho nó mát (!)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét