Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG ĐỜI

CHƯƠNG I
            Đêm. Những ngọn đèn trên sân ga vàng úa. Từ xa trông lại những bóng người đi lại hối hả, cử động cứ như là con rối. Cái nóng hầm hập trong toa tàu hàng hư hỏng, rỉ sét cuối đường ray cụt là không gian trú ngụ của bọn chúng. Thỉnh thoảng những cơn gió quét qua nóng rát. Có lẽ đã mười giờ đêm. Nhanh lắm thì mười hai giờ chuyến tàu chợ từ Huế mới ra tới. Bọn chúng căn cứ vào bảng ghi giờ tàu rồi cá độ tàu chậm mấy tiếng. Nếu hôm nay tàu chậm bốn tiếng trở lên là nó thắng độ, tức là được ngủ thỏa thích, được ăn những gì người ta bán trên bờ ke. Còn thua thì phải kiếm thêm cái túi xách của khách đi tàu chung độ. Tuần trước, thua độ, chung cho Sửu Lé một túi du lịch căng phồng, khi mở ra cả bọn không nhịn được cười, toàn tã em bé. Cái gói giấy báo, “niềm hy vọng cuối cùng” nằn dưới đáy túi xách, tưởng chừng là cái quần tây hay cái áo sơ mi nhưng mùi phân, mùi nước tiểu bay ra nhanh hơn bàn tay Sửu Lé mở. Chỉ mình Sửu Lé không cười, nhổ toẹt bãi nước miếng, vứt gói giấy báo và túi xách ra cửa, chửi: “Đ…mẹ, đen hơn chó mực!”. Rồi hắn quay sang Danh Điếc: “Mẹ kiếp! Mày cho tao mượn năm đồng chơi đĩ xả xui”. Danh Điếc giả bộ không nghe, hỏi lại: “Hôm nay mày kiếm được năm đồng hả?” “Con mẹ mày, cho tao mượn năm đồng” Sửu Lé hét. Đang nằm trên võng, ngồi dậy, đạp chân xuống sàn toa xe cái “rầm”, đại ca chửi: “Chơi đĩ mà phải trả tiền, ngu như chó!”. Cả đám im lặng. Đại ca bảo: “Sửu Lé xuống nhặt cái túi xách lên”. Chúng không biết đại ca muốn dùng cái túi để làm gì nhưng không đứa nào dám hỏi lại.
            Có lẽ đã nửa đêm nhưng cái nóng không giảm đi được bao nhiêu. Thằng Toàn bước ra khỏi toa xe, leo lên đống tà vẹt nằm đếm sao. Mùi khét hắc của tà vẹt khó chịu nhưng bù lại mát hơn. Đại ca bảo nó cứ tưởng tượng nằm trên cái chõng tre dưới giàn mướp cạnh bờ ao đi. Nghĩ sướng là sướng, kêu khổ là nó khổ. “Đứa nào thấy khổ cứ về đi đóng gạch, tao không cản’. Thế nhưng có đứa nào bỏ đi đâu. Nghĩ tới việc đóng gạch nó ớn tới tận cổ. Có hôm ra gạch giữa trưa, nó đứng trong lò chuyền, bụi, nóng làm nó thở không nổi. Lão Hưng Phệ, chủ lò luôn mồm chửi. Đầu nó ong ong rồi mắt hoa lên, ngã xuống. Hơn chục viên gạch rơi vào chân. Nó chỉ nhớ có thế. Mở mắt ra thì nó thấy đang nằm một góc trại, bên cạnh có cái ca tróc men chỉ còn mấy chữ “Việt Triều hữ….ị” đựng đầy nước. Nuốt chưa trôi ngụm nước, lão Hưng Phệ đã đứng trước mặt: “Giả vờ hả mày?” rồi đá văng cái ca. Cổ tay nó đau nhói, sưng lên nhưng nó không dám kêu. Chị Phượng chạy lại, đỡ nó ngồi tựa vào chồng gạch mộc, nhìn thẳng vào mặt lão Hưng Phệ, giọng sắc lạnh:
            - Ông ác vừa vừa chứ!
Vỗ vai Phượng, lão Hưng Phệ cợt nhả:
            - Động lòng hả, con con đĩ làm việc như đĩ.
Phượng rùn vai, bàn tay lão Hưng Phệ rớt xuống nhưng mấy đầu ngón tay của lão cũng chạm được vào ngực Phượng. Chị ném cái nhìn uất ức, căm phẫn vào bộ mặt đểu giả của lão rồi tiếp tục quay lại chuyền gạch. Toàn cắn chặt môi, nó không khóc nhưng nước mắt cứ ứa ra. Nó đau tay thì ít đau trong lòng thì nhiều. Câu nói của lão Hưng Phệ như móng vốt quái ác cào xước lại vết thương mới chớm đông máu. Nó hận mẹ nó, hận lão phó Chủ tịch xã rồi hận chính bản thân nó. Chỉ vì xóa cái bảng tin chữ xấu như ma lem của tay Tịch, con ông Bí thư, tính viết lại thì lão phó Chủ tịch xã bắt gặp, giải thích thế nào lão cũng không nghe. Nó bị quy là phần tử chống đối. Mẹ nó bị kêu lên xã mấy lần, rồi tối tối lão phó Chủ tịch xã đến nhà quản giáo. Cái đêm nó được giao việc thử thách ra trông đầm cá cho hợp tác xã cũng là đêm mẹ nó sa chân. Xỏ xong cái quần, vớ vội cái áo lính cũ, lão bước ra cửa, để lại một lời đe:
            - Câm mồm! Coi như tao xóa tội cho mày.
Mẹ nó khóc rưng rức. Nó không nói. Thế nhưng không hiểu tại sao chuyện mẹ nó quan hệ với lão phó Chủ tịch cả làng đều biết. Một buổi chiều mưa, ông bác nó tới nhà, nói với mẹ nó:
            - Thằng Triệu không biết còn sống hay chết. Nhưng sống hay chết cô cũng không xứng đáng là vợ nó. Cái nhà này giờ tôi giữ cho thằng Toàn. Nó chưa đủ lớn khôn nhưng cũng không còn nhỏ dại. Nó đến ở với tôi, thi thoảng chạy đi chạy lại…
            Ông bác về, mẹ nó thắp một nén hương, cắm lên bàn thờ, quì trên bộ phản, chắp tay vừa lạy vừa khấn trong nước mắt:
            - Con có tội với tổ tông, dòng họ nhà ta. Con không xứng đáng là con dâu trong nhà. Nếu có kiếp sau con xin làm trâu làm ngựa báo đáp. Cầu mong ông bà khôn thiêng phù hộ cho cháu Toàn khỏe mạnh, sớm gặp được bố nó…con xin …tạ tội…
Thằng Toàn lao đến, ôm lấy mẹ, hét lớn:
            - Mẹ không được đi! Không được đi!
Gỡ tay nó ra, chùi nước mắt, nhìn vào mặt nó, mẹ nghèn nghẹn:
            - Mẹ không ở được con à, mẹ không còn mặt mũi nào nhìn bà con chòm xóm. Mẹ phải đi. Cho dù đi đâu lòng mẹ vẫn hướng về con. Con để cho mẹ đi thì mẹ sống, còn ở lại mẹ phải chết…
            Nó lờ mờ nhớ lại, thời gian gần đây, gặp người trong xóm mẹ nó vẫn chào hỏi như mọi khi nhưng không một ai đáp lại. Có người nhổ một bãi nước bọt trước mặt rồi ngoảnh mặt đi. Ruột gan nó rối bời, đau như cắt. Người ta ác quá. Cho nó khi thì nắm trái sim, khi thì quả chuối hay xoa đầu nó làm gì để rồi bắt nó phải xa mẹ, người yêu thương nó nhất. Nó nhớ bàn tay mẹ gội đầu, tắm táp cho nó, hát ru cho nó nghe khi nó đã học tới lớp ba…Những đêm hè mẹ mắc võng dưới giàn mướp cho nó nằm, mẹ ngồi trên cái chõng tre đưa võng, kể chuyện bố cho nó nghe. Rồi mẹ chỉ cho nó đâu là sao thần nông, sao con vịt. Mỗi khi có vệt sao băng mẹ nó lại thở dài. Có đêm, thức giấc nó thấy mẹ nó khóc rồi chạy ra giếng dội nước ào ào. Hỏi mẹ sao lại vậy, mẹ cười buồn bảo “đó là bệnh con à”. Nó nói mẹ phải uống thuốc, mẹ lại thở dài bảo khi nào bố về bố sắc thuốc cho mẹ uống…
            Mẹ nó ra đi trong chiều mưa, chỉ dặn nó khi nào học xong cấp ba thì vào Vĩnh Linh tìm mẹ. Nó đứng trước cổng trông theo bóng mẹ nhập nhoạng trong mưa, mờ dần trong bóng tối. Một cơn đau quặn thắt, nó cố nôn mà không nôn được. Bước vào nhà, nằm vật trên phản, nước mưa, nước mắt ướt đầm, căn nhà tối đen, đặc quánh lại, chỉ có những đốm đỏ nén hương như những con mắt vô tình nhìn nó. Một cảm giác xa lạ bao quanh. Nó trân trân nhìn những que hương cháy lụi. Nó muốn gào, muốn thét, muốn giãy dụa nhưng cổ họng nghẹn đắng lại, tay chân không nhắc nổi…
           
            Những ngày sống chung trong nhà ông bác là những ngày làm việc quá sức. Ngủ dậy, thái xong hai thúng chuối, băm nhỏ, trộn cám cho lợn ăn xong thì ra đồng làm cỏ hay nhổ lạc, dỡ khoai, giặm lúa…hết buổi làm, người ta về nó còn phải cắt gánh cỏ cho trâu. Gánh cỏ dù có nặng bao nhiêu, bà vợ ông bác vẫn chửi: “gánh chi mà có túm cỏ lơ phơ như lông l…con đĩ”. Câm lặng, nép hai đầu gánh vào gốc cây mít, rửa mặt qua quýt, bà bác lại cạnh khóe: “Rửa chi cho lắm, cạn giếng cũng không sạch mô”. Đến bữa, nhai lưng bát cơm hấp khoai khô với quả cà muối mặn muốn điếc tai, bà bác lại chì chiết: “giờ mất mặt nơi mô còn cái nhà này hưởng tiếng thối”. Múc muôi canh vào bát nuốt cho trôi cơn nghẹn, con Lài nói: “canh là để chan với cơm, ở đây không có cái lối ăn vã đâu”. Buông đũa đứng dậy, nó ra gốc mít đầu hồi ngồi khóc. Một lát, con Lài bưng mâm ra giếng gọi: “Thằng Toàn mô, rửa bát”.
            Con Lài quay vào, nó không rửa bát như mọi khi mà vào bếp lấy hai cái nồi, đi cổng sau về nhà nó. Nằm trên cái chõng tre mẹ thường hay ngồi đưa võng, nước mắt chảy tràn. Nó nhớ mẹ kể, hồi bố bằng tuổi nó đã phải đi làm thuê kiếm sống. Phải rồi, làm thuê còn có thời gian nghỉ nghơi, đầu óc muốn nghĩ gì thì nghĩ; còn ở nhà ông bác, không nghĩ được gì ngoài gặm nhấm những câu chửi trổng, những lời nói xóc. Nó nhớ tiếc những ngày sống cùng mẹ. Ngủ trưa xong mẹ bắt nó mang sách vở ra học. “Bố con không được học nhiều, mẹ cũng vậy. Chỉ có học mới thay đổi được số kiếp con à. Khó mới gọi là học, còn dễ thì ai cũng làm được”. Lúc ấy, nó chỉ đau đầu với những bài toán, để rồi ngày hôm sau, đi học về, bao giờ mẹ cũng hỏi: “Thế nào, bài toán con làm có đúng không?”. Lần đầu tiên, nó được điểm mười kiểm tra học kỳ môn toán, về nhà, căn lúc mẹ đang thổi lửa, từ phía sau nó bịt mắt mẹ, mẹ bảo đừng đùa để mẹ nấu cơm, nó buông tay, rút bài kiểm tra hoa hoa trước mặt mẹ. Mẹ ôm nó vào lòng, đét một cái vào mông, khen: “Con giỏi quá” mà hai dòng nước mắt lăn xuống đôi má hồng. Mẹ đẹp thiệt, người ta nói giờ nó mới thấy đúng như vậy. Mẹ chạy ra đầu xóm, vào hàng nước bà Suất mua về cho nó miếng kẹo lạc. Chưa bao giờ nó thấy mẹ vui như vậy…
            Nghĩ tới đó, nỗi nhớ mẹ càng quay quắt. Rồi nó nghĩ sao ông bác không cho nó đi theo mẹ? sao mẹ không trở về dẫn nó trốn đi? Sao nó cứ phải ở trong nhà ông bác với bao nhiêu tủi nhục, dù có cố gắng đến mấy mà bác gái vẫn không vừa lòng? Hay là nó phải giống bố nó? Mẹ từng giải thích cho nó nghe câu tục ngữ “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” đó sao? Có nghĩa là ở cái tuổi này, bố nó phải đi làm thuê, giờ nó cũng như thế…
            Thế rồi mặc ông bác can gián, nó quyết đi làm thuê, đóng gạch cho lão Hưng Phệ. Tháng đầu, đóng được ngàn tám viên gạch, lão Hưng Phệ trả công cho nó chín trăm viên. Lão bảo gạch nó đóng kém chất lượng nên nung vỡ nhiều. Chị Phượng cãi, lão Hưng Phệ cười nhăn nhở: “Anh có tính thiếu em đồng tiền công nào đâu. Sau này, nó muốn tính đủ thì phải dỡ lò”.
            Tháng sau, giữa trưa nắng, lần đầu tiên đứng dỡ lò, nó bị xỉu. Tỉnh dậy bị lão Hưng Phệ đá bong gân tay, chị Phượng bó lá thuốc nam cho nó cả tuần mới khỏi. Trở lại lò gạch, lão Hưng Phệ nói:
            - Lý lịch mày không đáng được làm ở đây!
            Nó không đáp trả, thất thểu đi ra. Chị Phượng chạy theo hỏi: “Em tính đi đâu?”. Nó trả lời: “Có lẽ em đi tìm mẹ”. Chị Phượng móc túi đưa cho nó năm ngàn đồng, dặn dò: “Vô trong đó em cứ đến Ủy ban nhờ họ hỏi giúp”. Rồi chị quay đi, giấu dòng nước mắt, nói với nó: “Cố lên, em là chàng trai rồi đấy”…
            Tiếng còi tàu cắt ngang hồi tưởng của nó. Danh Điếc cầm chân nó lôi:
            - Đi mày.
Nó nhảy xuống. Đại ca gọi:
            - Mày cầm cái túi du lịch.
Xách cái túi nhưng chưa biết để làm gì, nó muốn hỏi nhưng lại thôi. Gia nhập băng “cầm hộ”, điều đầu tiên nó được học là nhìn ám hiệu mà hành động chứ không được hỏi. Một cái búng tay, một ánh mắt hay gật, lắc đầu đều là hiệu lệnh.
            Đoàn tàu chưa dừng hẳn mà đám cửu vạn trên bờ ke đã inh ỏi xí phần:
            - Tao toa số năm, số sáu!
            - Con mẹ mày, hôm nay mày toa một nghe chưa.
            - Chia toa cái con c..c, khứa gọi đứa nào đứa ấy chở.
Tiếng rao hàng vặt, tiếng trả treo níu kéo buôn bán hàng rong, tiếng chân chạy ngược chạy tìm toa xe của khách đi tàu, chen nhau xuống của khách đến; hàng hóa, hành lí lên xuống theo đường cửa sổ, tranh giành chỗ để trên ba ga, dưới gầm ngồi…rồi tiếng trẻ con khóc hòa thành bản nhạc tạp pí lù inh tai nhức óc, náo loạn, xô bồ. Âm thanh ấy chỉ lắng đi khi con tàu rời ga, và cảnh tượng ấy đêm nào cũng vậy.
            Danh Điếc “tia’ đối tượng. Vào nghề chưa lâu nhưng nó khá sành sỏi. Cứ mười túi xách, ba lô lấy được thì sáu cái có giá trị. Nó búng tay. Thằng Toàn đặt cái túi xách bên cạnh cái túi xách vừa được chuyển trên tàu xuống, người đàn ông còn đang tiếp một cái túi khác. Sửu Lé xách cái túi du lịch bên cạnh, lẩn ngay vào đám đông. Lại một cái vẫy tay, xong việc. Thằng Toàn bám theo Danh Điếc đi xuống phía cuối đường tàu. Danh Điếc dừng lại, đưa tay lên gáy gãi gãi. Thằng Toàn nhìn trước nhìn sau, không ai để ý, nó chui xuống gầm tàu bò lom khom song song với bước chân Danh Điếc. “Bịch”, một bao tải lăn xuống, nó chộp lấy, kéo ngược một đoạn rồi chui lên bờ ke bên kia, ung dung vác đi. Cái bao không nặng lắm, có lẽ là thuốc lá, nó nghĩ thế.
            Vác cái bao tải vào cửa sau quán nước Tú Chột, lão hất hàm chỉ chỗ để, nói:
            - Đại ca mày dặn ở đây uống nước, chờ một chút.
Nước chè xanh của lão Tú Chột ngon có tiếng, chát ngọt nơi cổ họng, đượm mùi chè. Những người công nhân kiểm tu trước hay sau ca đều tụ tập ở đây uống nước, vì thế đám dân sống bám vào ga gọi là quán Kiểm tu. Gọi thế để tránh “phạm húy”. Động chạm tới lão, dù công chức hay móc túi, coi như hết đường làm ăn.
            Thằng Toàn ngồi uống nước. Hình như sân ga nhốn nháo hơn. Trong bản tổng ca hợp âm ấy có thêm tiếng chửi, tiếng kêu trời, tiếng khóc của người bị mất cắp. Bỗng dưng trong lòng nó thấy bần thần. Lão Tú Chột thối tiền nước cho khách rồi quay sang hỏi:
            - Mày đọc Tây Du ký chưa?
            - Dạ, chưa. Mới nghe kể.
            - Thầy trò Đường Tăng còn phải trải qua tám mốt nạn huống chi người phàm. Bỏ ngoài tai tất cả đi, muốn ngủ thì nằm xuống gường tao mà ngủ, có cái quạt mo dưới chiếu ấy.
            Sửu Lé, Danh Điếc tới. Chúng tự múc nước uống. Lão Tú Chột hỏi:
            - Có làm chuyến nữa không?
Sửu Lé đáp:
            - Chờ đại ca, bây giờ bọn cá * đang bơi xuôi ngược bờ ke khá đông.
            - Bạ đâu làm đó thì gì mà cá không bơi. Với lại dân tàu chợ là dân khổ. “Cầm hộ” dân tàu nhanh đỡ thất đức hơn.
            - Biết vậy nhưng bọn Hùng Lợn không cho.
            - Được rồi, để tao nói với chúng xem sao.
Danh Điếc nghĩ nếu lão Tú Chột sắp đặt thì chắc chắn rồi. Mối** tàu nhanh thì khá thật nhưng cầm hộ cũng khó hơn, an ninh nghiêm ngặt hơn. Nhưng làm được chắc chắn có số má. Lúc ấy bọn Hùng Lợn có muốn cũng không ăn chặn được nữa. Cứ nghĩ đến Hùng Lợn là nó muốn lụi một dao, đến đâu thì đến. Cùng lắm là bị chém lại, tệ hơn là bóc lịch. Nhưng thà như thế còn hơn là bị đè đầu cưỡi cổ…nếu đại ca không cấm thì nó làm rồi.
            Đại ca của nó đi sau ba thằng công nhân kiểm tu đang vác trên vai ba cái bao tải vào cửa ngách. Vậy là tàu sắp chạy.
            - Mỗi bao kiếm được bao nhiêu, Sàng?
            - Năm đồng chứ mấy.
            - Hàng của ai?
Thằng Sằng chưa kịp trả lời thì một giọng nói ẻo uột, the thé vang lên:
            - Của em đấy, ông anh.
Lão Tú Chột quay lại, thì ra hàng của mụ Bé Tư. Lão nhìn mụ Bé Tư như ước lượng cân nặng bao nhiêu, nói chầm chậm:
            - Mỗi bao qua cửa này năm đồng.
            - Trời ơi, cắt cổ hả ông anh!
Không trả lời mụ, lão Tú Chột nói với mấy đứa kiểm tu:
            - Chúng mày quay lại.
Đặt ba bao tải chụm vào nhau, thằng Sằng nói với mụ Bé Tư:
            - Cho tụi tui xin tiền công.
Sợ dây dưa trong sân ga không có lợi, mụ Bé Tư đành mở túi xách đưa cho lão Tú Chột mười lăm đồng rồi bảo bọn thằng Sằng vác ra ga. Mụ lầu bầu:
            - Biết thế đi cổng chính cho xong.
            - Có ai cấm mụ đâu, chi gấp bốn lần cửa này nếu qua lọt tao gọi bằng mẹ.
Đám thằng Sằng và mụ Bé Tư đi qua, đại ca nói:
            - Chi gấp bốn thì qua được cửa ga nhưng không qua được cửa thuế vụ.
            - Mày tưởng bọn thuế vụ ngu chắc, đi cửa này mụ Bé Tư cũng phải chung cho chúng nhưng lợi hơn rất nhiều.
Châm điếu thuốc, đại ca nói với thằng Toàn:
            - Giờ đi với tao, tập nhảy tàu.
Lão Tú Chột cầm cái quạt mo phe phẩy nói:
            - Mày đừng huấn luyện nó được không? Tao xem tướng tá nó không hợp với nghề này.
            - Chẳng lẽ phải thờ nó?  Tôi có cấm nó về quê đóng gạch đâu.
            - Đóng gạch cũng không hợp với nó. Tạm thời thế đã.
Đại ca không nói, phẩy tay. Sửu Lé, Danh Điếc đi theo. Lão Tú Chột đưa cho nó cái bánh mì, nói:
            - Mày đi phụ đẩy xe đi. Tối mai lại đây.

            Trước sân ga, chiếc ba gác của cha con ông Đức đã chất đầy hàng. Con Liên cười, nói với nó thay lời chào:
            - Toàn không phụ thì cha con tôi không dám đi lối tắt đâu.
Con đường kéo xe băng qua mấy đám ruộng, ngõ xóm giáp ranh phố xá. Không còn những âm thanh, cảnh tượng nhốn nháo và cái nóng hầm hập nữa. Lòng nó nhẹ nhàng, thư thái. Phụ đẩy xe với cha con ông Đức nó thấy ấm áp, bình yên. Thoang thoảng mùi hương đồng, hương tóc. Thỉnh thoảng chiếc kẹp trên mái tóc Liên lấp lánh dưới ánh sao. Nó ước được sống như lúc này đây, mãi mãi…
-------------------------
 * công an
** hành lí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét