Cảm ơn là hành vi văn
hóa, biết ơn là hành vi cảm xúc. Nói như vậy nhiều người không tán thành nếu
xét trên phương diện duy danh định nghĩa, văn hóa, tâm lý học…vân vân và vân
vân. Bài viết này chỉ muốn nêu vấn đề giáo dục lòng biết ơn, cảm ơn đối với trẻ
dưới góc độ đời thường của ngòi bút không phải là nhà lãnh đạo, văn hóa hay tâm
lý học, mà chỉ là của một công dân thứ thiệt.
Trên các phương tiện
thông tin đại chúng dư luận xã hội lâu
nay đánh giá đạo đức xã hội ta xuống cấp.
Điều đó hoàn toàn đúng, có minh chứng rõ ràng, với không biết bao nhiêu kiểu tội
ác khó tưởng tượng nổi. Đáng quan ngại hơn là tỷ lệ trẻ vị thành niên phạm tội
chiếm tỷ lệ rất cao, thống kê sau đây chắc chắn làm cho những công dân đích thực
lo âu, trăn trở:
- Từ năm 2007 đến năm
2013, cả nước có 63.600 vụ án hình sự do trẻ vị thành niên gây ra với 94.300 đối
tượng.
Như vậy, tính bình quân
hơn 10.000 vụ với hơn 15.000 đối tượng trẻ vị thành niên phạm tội/một năm,
tương đương với số vụ tai nạn và số người chết vì tai nạn giao thông.
Nhiều vụ án đặc biệt
nghiêm trọng, tội ác được đẩy tới tột cùng, chúng ta nên nhớ lại:
+ Lê Văn Luyện giết ba
người, gây thương tích một người khác trong một gia đình, cướp tài sản trị giá
một tỷ đồng ở tiệm vàng Ngọc Bích – tỉnh Bắc Giang.
+ Võ Nhật Tùng (Phù Mỹ
- Bình Định) giết bà nội là cụ Trần Thị Vân (83 tuổi) cướp bảy trăm ngàn đồng.
+ Nông Văn Công (Tp Hà
Giang – tỉnh Hà Giang) giết mẹ đẻ là bà Lưu Thị Linh để cướp hai triệu tám ngàn
đồng và một sợi dây chuyền bạc.
Nguyên nhân tội ác mà
cáo trạng đã nêu, báo chí đã đưa là nguyên nhân gần, trực tiếp, phần ngọn.
Nguyên nhân cơ bản, sâu xa hơn là chúng không được giáo dục đến nơi đến chốn,
hành vi cảm xúc lòng biết ơn không có.
Chính sách dân số của
nhà nước xét về mặt xã hội, kinh tế, giáo dục là rất tốt; Công ước Quyền trẻ em nhà nước ta ký với LHQ thể
hiện sự quan tâm, chăm lo thế hệ trẻ là tuyệt vời song không phải là không có mặt
trái. Do con cái ít, điều kiện chăm sóc tốt hơn, nhiều gia đình quá nuông chiều
con cái nên vô tình dung dưỡng cái tôi vị kỷ của trẻ. Theo thời gian cái tôi ấy
lớn lên, chúng nghĩ cái ăn, cái mặc, sở thích vui chơi của chúng được hưởng thụ
là đương nhiên. Khi cha mẹ tỏ thái độ bực bội về hành vi sai trái nào đó của
chúng, la mắng: “nuôi chúng mày tốn cơm tốn gạo” thì rất nhiều trẻ trả lời giống
hệt nhau: “Ai bảo đẻ ra làm gì, đẻ ra thì phải nuôi”.
Kiểu la mắng con cái
như đã nói của cha mẹ là không đúng, còn việc trả treo của con trẻ cho thấy nhận
thức lệch chuẩn, chúng chỉ nghĩ trách nhiệm của cha mẹ mà không nghĩ tới trách
nhiệm của mình, khi đã có suy nghĩ như vậy thì làm gì còn có lòng biết ơn.
Nguy hiểm hơn, trẻ đánh
mất cả trách nhiệm đối với bản thân mình. Biểu hiện dễ thấy nhất, đơn giản nhất
là khi ăn phải có người đút cho dù đã học đến lớp ba lớp bốn, đi ngủ không tự bỏ
màn mặc dù muỗi vo ve bên tai. Như vậy, xét về trách nhiệm riêng với bản thân,
trên phương diện cá thể sống, thua xa loài vật. Gà con theo mẹ đi kiếm ăn phải
tự tìm thức ăn. Đàn sói săn mồi, sói con dù mệt đến mấy cũng phải chạy theo để
nhận được sự che chở và phân chia mồi của đồng loại…Trong thế giới động vật, sự
tồn tại và phát triển không dành cho những cá thể không biết tự bảo vệ mình.
Không có trách nhiệm với
bản thân thì làm gì có trách nhiêm với gia đình, xã hội; cho nên việc phạm tội
của loại người này không khó nhìn ra nguyên nhân. Để ngăn chặn lối sống vị kỷ,
vô trách nhiệm của trẻ - nguồn gốc sâu xa của hư hỏng và tội ác, cần phải có
phương pháp giáo dục đúng đắn, thích hợp.
Phải giáo dục trong môi trường gia đình, trường lớp, đoàn thể, trong đó
môi trường gia đình đóng vai trò quan trọng nhất.
Giáo dục trẻ con bao giờ
cũng phải chuẩn. Thật sai lầm khi đứa trẻ mới học nói, người lớn lại dạy cho nó
nói ngọng, thay vì “con dạ đi nào” lại bằng “con ạ đi nào”. Khi đứa trẻ bập bẹ học chửi bậy, chửi cả cha mẹ, ông bà thì người
nghe lại cười, lại cổ vũ (!) “trẻ con mà, nó biết gì đâu”…Giáo dục kiểu ấy làm
sao trẻ không hư? Như phản xạ tự nhiên, lâu dần thành thói quen xấu. Có lần về
thăm quê, tôi nghe ông anh con dì tôi nói chuyện: “Bữa trước, tau đi đón thằng
cháu nội, con thằng Cằm, học lớp bốn, gặp thằng Thủy cũng đi đón con. Thằng
Hòa, con nó đang chơi bi với cháu lão Tương Lợn. Nó réo thằng con: “Ngọc, ra về
mồ”, thằng con vẫn chơi làm bộ như không nghe. Gọi ba, bốn lần như rứa, thằng
con chửi: “Con cặc, chơi chút mà cứ réo, ngồi cái Wave Tàu đau đít, chút nữa về
xe ô tô với thằng Hòa”. Mi nghĩ rứa có tức hộc máu không? Hồi học lớp bốn bây
đã vác cuốc đi đào giao thông hào rồi, giừ rứa đó. Con cháu tau kiểu đó tau đập
bể đầu”.
Anh tôi nói thằng Thủy mua
được cái Wave Tàu là cố gắng lắm, một mình nó nuôi năm miệng ăn, hai đứa con,
ông bà nội của thằng con mất dạy, vợ bỏ đi theo trai, việc gì cũng tới tay, lo
cho con cái bằng anh bằng em để chúng đỡ tủi thân, thế mà chúng không biết
thương cha thì chớ, còn so bì với con cháu lão Tương Lợn…
Giáo dục trẻ lòng biết
ơn cũng phải làm sao cho chúng hiểu chính lòng biết ơn của chúng là động lực
giúp cha mẹ chúng vượt qua khó khăn, gian khổ trong cuộc sống. Lòng biết ơn của
trẻ đối với cha mẹ bền vững, sâu sắc hơn khi qua “kênh” giáo dục của ông bà, cô
dì chú bác. Cha mẹ cứ ra rả kể công với con cái nhiều lúc làm chúng phản ứng
ngược, chúng thấy trên thế gian này cha mẹ nào chẳng nuôi con, do đó, nhận thức
của chúng đó là trách nhiệm của cha mẹ. Câu nói “đẻ ra thì phải nuôi” của trẻ
có nguyên nhân như đã nêu.
Khi đã có nhận thức
“đương nhiên được hưởng thụ” thì việc giáo dục lòng biết ơn cho trẻ rất khó.
Nhiều đứa trẻ nhận quà của khách không biết nói lời cảm ơn. Cha mẹ nhắc nhở thì
chúng mới nói. Mặc dù nói nhưng mắt chăm chăm nhìn gói quà hay phong bao lì xì
hơn là nhìn thẳng vào người khách. Chúng chỉ có vẻ ‘thân thiện” hơn khi nhận được
món quà ưng ý hay phong bao lì xì kha khá khi đã biết tiêu tiền, còn không,
khách khứa không có trong mắt chúng.
Thông qua đứa trẻ có thể
đánh giá nhận thức, phương pháp giáo dục của gia đình đó đúng hay chưa đúng, chỉ
cần qua vài câu hỏi, nghe trả lời và quan sát hành vi. Chẳng hạn sau khi hỏi trẻ
cháu học lớp mấy, đi học có vui không, thầy cô dạy cho cháu những gì, kết quả học
tập của cháu tốt không?...Sau khi trả lời “phỏng vấn”, trẻ biết: “Cảm ơn (bác
chú cô dì…) đã quan tâm”. Hoặc giả ông bà hay cha mẹ đi làm về biết bưng tới
chén nước với lời hỏi thăm : “(Ông/ bà/ cha/ mẹ) có mệt không?” thì đó là đứa
trẻ ngoan, có lòng biết ơn, giáo dục trẻ của gia đình ấy hiệu quả, đúng đắn.
Giáo dục trẻ chỉ có thể gọi là thành công khi trẻ biết người khác quan tâm tới mình
với giá trị vật chất và tinh thần là như nhau.
Trong giáo dục, nêu
gương đóng vai trò hết sức quan trọng. Cha mẹ là cán bộ công chức hay làm việc
trong công ty X,Y,Z nào đó, cuối năm nhận được tiền thưởng, tiền tăng thêm cứ
xem đó là việc đương nhiên, không biết ơn lãnh đạo, thậm chí có suy nghĩ: “mình
được một lãnh đạo được mười”, hay khi nghe lời hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình,
lại cho là lãnh đạo “mị dân” thì khó có thể giáo dục con cái có lòng biết ơn được.
Biểu hiện của biết ơn
là lời cảm ơn. Lời cảm ơn phản ánh sự thật về lòng biết ơn . Chắc chắn kiểu cảm
ơn nịnh bợ hay đưa đẩy khách sáo thì chủ nhân của lời nói đang có sự so đo tính
toán, vụ lợi cá nhân mà thôi.
Biểu hiện biết ơn còn
thể hiện ở hành động. Cha ông giành độc lập, cho chúng ta cuộc sống hòa bình,
yên ổn như hiện nay, thì trước tiên phải làm trọn bổn phận công dân, có ý thức,
trách nhiệm xây dựng quê hương đất nước bằng trí tuệ, tinh thần, vật chất…Đối với
lớp trẻ là học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo lý tưởng cách mạng Bác Hồ đã chọn.
Tóm lại, giáo dục lòng
biết ơn đối với trẻ phải bắt đầu từ khi mới lọt lòng hay tốt hơn khi còn đang nằm
trong bụng mẹ. Biết dùng những câu ca dao, những điệu hát ru về tình nghĩa để
ru trẻ là tạo môi trường, chuẩn bị tâm thế, định hướng cho trẻ tiếp nhận sự
giáo dục đầu tiên: giáo dục gia đình. Quá trình giáo dục, nuôi dưỡng lòng biết
ơn cho trẻ phải liên tục, không có điểm dừng, với tất cả các thành viên trong
gia đình, trường lớp và các tổ chức xã hội cùng tham gia. Giáo dục trẻ biết ơn
phương pháp tốt nhất là nêu gương, là sự quan tâm, yêu thương thực sự.
Tôi nhớ, hồi còn nhỏ,
khi đi công tác về, thuận đường, cha tôi thường ghé qua nhà bằng chiếc xe ô tô
Com-măng-ca, tôi rất tự hào với chúng bạn vì được chú Quang, lái xe, chở anh em
tôi chạy vài trăm mét trong xóm. Nhưng có một hôm, tình cờ nghe được cha mẹ trò
chuyện, tôi mới biết thương cha tôi nhiều hơn. Mẹ tôi hỏi: “Sao anh không mua
vé xe đi cho đỡ khổ, đạp xe từ Vinh về nhà cả 100 km chứ ít gì”, cha tôi trả lời:
“Chờ mua vé xe, đợi xe hết cả buổi mà chắc chi đi được. Ba giờ sáng dậy đạp xe
đi coi như tập thể dục, với lại đến Diễn Châu vừa tầm chợ họp, mua cho mẹ con
ít cá tươi, đến nhà đôi khi còn sớm hơn xe khách.”
Giáo dục lòng biết ơn
cho trẻ cũng rất cần cho trẻ tham gia lao động, cảm nhận được sự vất vả của lao
động, có như thế trẻ mới hiểu được giá trị vật chất mà chúng đang thụ hưởng.
Tôi rất tâm đắc với tư tưởng giáo dục Nhật Bản, học sinh cấp một của họ học mà
chơi đúng nghĩa. Ở lớp một họ chú trọng giáo dục cho học sinh ý thức tự lập, ý
thức bảo vệ môi trường, ý thức sinh hoạt nhóm, “biết cười” và biết “cảm ơn”,
còn học chữ chỉ là thứ yếu… Hành vi bao bọc, giúp đỡ nhau trước thảm họa sóng
thần, sự cố nhà máy điện hạt nhân, và ngay như kỳ World cup này, tại đất nước
Brazil xa xôi, những cổ động viên Nhật Bản làm vệ sinh sạch sẽ khi rời khỏi chỗ ngồi là
minh chứng rõ ràng nhất cho sự thành công của họ trong giáo dục.
Khi trẻ có lòng biết ơn,
cuộc sống trong cộng đồng dễ hòa nhập, thân thiện, được nhiều người giúp đỡ hơn
và đó là tiền đề quan trọng để chúng thành công trong tương lai.
Vừa rồi em xem bộ phim cuối tuần Ngôi trường yên tỉnh ( ngày 22/6/2014) do VTV1 chiếu, bộ phim để lại nhiều suy ngẫm về ngành GD ta.
Trả lờiXóaNA
Cảm ơn em đã chia sẻ.
Trả lờiXóa