Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

ĐÔI ĐIỀU VỀ BÀI THƠ "CHIỀU TỐI"




Khi đọc tập thơ Nhật ký trong tù, nhà thơ Hoàng Trung Thông viết: “Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp/ Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh/ Vần thơ của Bác vần thơ thép/ Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”. Đó là một nhận xét rất đúng, bởi vì , ngoài cái cứng cỏi cần phải có để chống lại cái ác trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, thơ Bác còn “Mênh mông bát ngát tình”. Bài thơ “Chiều tối” thể hiện rất rõ điều đó:
          Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
          Cô vân mạn mạn độ thiên không
          Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
          Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.
 Bản dịch:
          Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
          Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không
          Cô em xóm núi xay ngô tối
          Xay hết lò than đã rực hồng.
“Chiều tối” (Mộ) là bài thơ thứ 31 trong tập “Nhật ký trong tù"; bài thứ 3 trong 5 bài thơ sáng tác trong chặng đường Bác bị giải đi từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo.

          Bài thơ mở đầu bằng những hình ảnh quen thuộc trong thơ xưa đã trở thành ước lệ. Đó là “cánh chim mỏi”, “cô vân”:
          Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
          Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không.
 Hình ảnh cánh chim chiều bao giờ cũng gợi nỗi buồn:
          Chim hôm thoi thóp về rừng
          Đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành
                                                (Nguyễn Du)
          Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
          Dặm liễu sương sa khách bước dồn
                                                (Bà huyện Thanh quan)
Trong thơ mới, Huy Cận cũng đã sử dụng thi liệu cổ rất tinh tế: dùng hình ảnh cánh chim để miêu tả nỗi buồn với không gian và thời gian gắn kết:
          Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.
Hình ảnh “cô vân” lại gợi cho người đọc sự cô đơn:
          Chúng điểu cao phi tận
          Cô vân độc khứ nhàn.
                                    (Lý Bạch)
     Đối chiếu với nguyên tác chúng ta thấy ở câu thứ hai bản dịch chưa lột tả được thần thái câu thơ giữa “cô vân”/chòm mây; “mạn mạn”/trôi nhẹ. Chính những hình ảnh ấy gợi cho người đọc âm hưởng cổ thi.
         
     Thực ra, hai câu đầu là những cảnh rất thực lúc chiều tối nơi núi rừng. Ở miền núi, có đặc điểm khác biệt chiều tối là tối  từ mặt đất tối lên. Vào thời điểm ấy, ánh sáng mặt trời gần như tắt hẳn, lúc ấy chỉ còn chút ánh sáng của ngày tàn chỉ có thể nhìn thấy nơi đỉnh cao của bầu trời. Khi ngước nhìn lên chút ánh sáng còn sót lại đó, con mắt nhà thơ nhận ra một cánh chim mỏi mệt đi tìm chốn ngủ và chòm mây cô đơn (“cô vân”) chầm chậm trôi qua.
          Cảnh vật buồn, cô đơn, phù hợp với tâm trạng người làm thơ. Nếu ta nghĩ đến hoàn cảnh người tù nơi đất khách, qua một ngày bị giải đi rất mệt nhọc, trong lòng luôn nhớ về quê hương…thì với mạch cảm xúc ấy, những câu thơ sau có lẽ càng buồn hơn. Nhưng không, thơ Bác có một điểm độc đáo là kết thúc thường rất bẩt ngờ:
          Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
          Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng
Bản dịch:
          Cô em xóm núi xay ngô tối
          Xay hết lò than đã rực hồng 
          Khung cảnh được chuyển một cách tự nhiên. Màn đêm buông con người ta thường hướng tới những nơi có ánh sáng, Bác của chúng ta cũng không ngoại lệ. Đó là hình ảnh sáng hồng trong lò than nhà ai nơi xóm núi soi tỏ hình ảnh cô gái xay ngô để chuẩn bị cho bữa ăn chiều.
          Một điều làm người đọc trăn trở là bản dịch không giữ nguyên “thiếu nữ” mà lại dùng “cô em”. Từ “thiếu nữ” cho ta thấy chính xác độ tuổi người con gái, độ tuổi trăng tròn. Độ tuổi đẹp nhất, tràn đầy sức sống nhất của đời người phụ nữ. Rất nhiều bức tranh vẽ thiếu nữ khuê các đề thơ, đánh đàn, thổi sáo, nhưng ‘thiếu nữ” trong bài thơ này của Bác lại là một con người đang miệt mài lao động ngay cả khi màn đêm buông. Hình ảnh thiếu nữ ấy kết hợp với từ “sơn thôn” làm cho câu thơ khỏe khoắn, hiện đại.
          Về nghệ thuật tả cảnh, bài thơ này của Bác có góc nhìn từ cao xuống thấp, chuyển đổi màu sắc từ tối sang sáng. Thiên nhiên mỏi mệt, nghỉ ngơi nhưng con người vẫn đang làm nốt công việc của mình. Chỉ vài nét chấm phá thôi nhưng bức tranh chiều tối miền sơn cước hiện ra rất yên bình, tĩnh lặng. Nếu không biết đây là bài thơ trong tập Nhật ký trong tù, người đọc sẽ lầm tưởng rằng của một tác giả nổi tiếng nào đó thời Đường.

          Thành công của bài thơ là cảnh, tình hòa quyện nhau được thể hiện dưới ngòi bút người nghệ sĩ bậc thầy. Bài thơ là một minh chứng tuyệt vời cho ý kiến: “Thi trung hữu họa”. Toàn cảnh bài thơ như một bức tranh ký họa mực tàu với mấy nét chấm phá:
          - một cánh chim
          - một chòm mây
          - một sơn thôn, một ngôi nhà, một thiếu nữ, một bếp lửa.
Đặc trưng của ký họa là càng ít nét vẽ mà khi xem tranh người xem nhận biết được đối tượng, cảm nhận được cái hồn trong tranh thì đó mới là bức tranh tuyệt bích. Tài hoa của nhà thơ là tinh tế trong  chọn lọc chi tiết, chọn lọc hình ảnh.
          Nghệ thuật sử dụng từ ngữ trong bài thơ là chuẩn mực để các nhà thơ học tập. Người ta xem chữ “hồng” là nhãn tự, đó là điều không phải tranh cãi. Nhưng “mạn mạn”, “thiếu nữ” cũng đáng được xem là nhãn tự lắm chứ. Từ “mạn mạn” sẽ nói ở sau, bây giờ  xét từ “thiếu nữ” trước. Chúng ta thử thay thế một từ khác, đảm bảo luật bằng trắc, xem cái hồn câu thơ sẽ như thế nào:
          Sơn thôn lão bá ma bao túc
Hay:
          Sơn thôn thiếu phụ ma bao túc
Không cần phải phân tích, nếu dùng những từ như đã nêu thì bài thơ thì bài thơ đâu còn lung linh nữa. Vậy, “thiếu nữ” xứng đáng được xem là nhãn tự. Từ “hồng” ở cuối bài thơ như một dấu son đỏ của người họa sĩ đóng vào bức tranh ký họa mực tàu mới vừa vẽ xong.
          Một điểm đặc sắc không thể không nói tới, đó là sự vận động của bài thơ. Cả bốn câu thơ trong bài, câu nào cũng có sự vận động nhưng mức độ khác nhau. Hai câu đầu tả cảnh chiều nơi rừng núi đang chầm chậm vào đêm. Khác với cánh chim mỏi đang vội vã của Bà huyện Thanh quan, cánh chim của Bác không còn vội vã nữa khi đã gần đến đích, trực giác mách bảo chúng ta như vậy là do âm hưởng “mạn mạn” ở câu sau lan tỏa. Suy ngẫm sâu hơn, chúng ta thấy cái vẻ buồn, cô đơn chỉ là vỏ bọc tâm trạng  bên ngoài của Bác, thực chất cốt cách vẫn là phong thái ung dung, tự tại của con người nắm vững quy luật thiên nhiên, xã hội. Cảm nhận như vậy chúng ta mới thấy sự thống nhất trong mạch thơ.
          Hai câu sau của bài thơ tả cảnh sinh hoạt của con người. Sự vận động ở hai câu thơ này gắn kết, liên tục, không ngưng nghỉ trong những vòng xay quay cối ngô của thiếu nữ. Công việc hoàn thành khi ánh hồng lò than tỏa rực trong màn đêm.
          Toàn bài thơ là sự vận động liên tục với hàng loạt động từ như: mỏi, về, tìm, trôi, xay, rực nhưng tuyệt đối tĩnh lặng, không có âm thanh. Khung cảnh núi rừng chiều tối được miêu tả, cảm nhận hoàn toàn bằng thị giác. Không một từ “hoàng hôn”, “tối” hay đêm nhưng đọc bài thơ chúng ta thấy cảnh chiều đang trôi chầm chậm vào đêm  rất rõ; rồi nữa câu thơ nào cũng có sự vận động nhưng cảm nhận của người đọc đây là bức tranh tĩnh lặng, yên bình đến lạ thường. Chỉ khi tâm hồn, tài năng người nghệ sĩ hòa làm một mới viết được bài thơ như thế.

          Chúng ta biết  nhiều bài thơ khác trong tập Nhật ký trong tù, Bác nói về việc bị giải đi từ nhà lao này sang nhà lao khác rất cực nhọc, đau khổ, bị hành hạ đủ điều, thế nhưng ở bài thơ này không có bóng dáng người tù mặc dầu đang bị giải đi. Quên hẳn nỗi bất hạnh của riêng mình, Bác vui với cái vui nho nhỏ đời thường  của một gia đình nào đó nơi xóm núi bên bếp lửa hồng. Đây chính là chủ nghĩa nhân đạo cao cả của Người, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta/ Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa/ Chỉ biết quên mình cho hết thảy/ Như dòng sông chảy nặng phù sa…”

15 nhận xét:

  1. Cảm ơn thầy có bài viết chúng em rất cần. Bài viết của thầy có nhiều điểm mới, sâu sắc. Chúc thầy khỏe, có nhiều bài viết mới.

    Trả lờiXóa
  2. Bạn viết thành công nhiều thể loại, đa tài đấy. Các bài nghiên cứu của bạn mình rất tâm đắc, vận dụng được trong giảng dạy.

    Trả lờiXóa
  3. cũng hay nhưng hơi thiếu ý

    Trả lờiXóa
  4. Nhan đề bài viết là "Đôi điều..." thì tác giả chỉ viết điều mình thích, hoặc giả bạn 'Nặc danh" cho là "thiếu ý" đó thì người khác đã viết. Riêng tôi, đây là bài viết xuất sắc!

    Trả lờiXóa
  5. hay quá thầy ơi

    Trả lờiXóa
  6. nhầm chỗ hơi lãng,k hay cho lắm

    Trả lờiXóa
  7. bạn "nặc danh" chỉ ra chỗ ko hay cho lắm của bài viết để chúng tôi được học hỏi, xin cảm ơn nhiều!

    Trả lờiXóa
  8. cam on thay vi bai viet

    Trả lờiXóa
  9. Đào Mậu Thắnglúc 07:11 19 tháng 9, 2014

    Cảm ơn các bạn, các em đã động viên, chia sẻ.

    Trả lờiXóa
  10. Đoàn Ngọc Phương Liênlúc 01:47 24 tháng 9, 2014

    Bài nghiên cứu của anh có phát hiện mới, rất thuyết phục. Chúc anh sức khỏe để có nhiều tác phẩm mới!

    Trả lờiXóa
  11. Tôi khoái cái "láu lỉnh" của pác khi phân tích từ "thiếu nữ".

    Trả lờiXóa
  12. Một bài thơ biết bao nhà nghiên cứu phân tích, cày xới thế mà tác giả vẫn có những cảm nhận mới rất thuyết phục thì thật đáng nể. Với tư cách là người thụ hưởng, chân thành cảm ơn anh.

    Trả lờiXóa
  13. Bài viết siêu chất lượng. Em cảm ơn ạ và chúc thầy nhiều sức khỏe

    Trả lờiXóa