Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

VĂN HÓA GIA ĐÌNH VIỆT TRONG GIÁO DỤC CON CÁI - NHỮNG HẠN CHẾ




     Gia đình Việt là môi trường văn hóa rất quan trọng đối với người Việt Nam. Đây là nét đặc thù, truyền thống để khu biệt văn hóa Việt với các tộc người khác. Văn hóa gia đình Việt có tinh hoa và lạc hậu, nghĩa là, để xã hội Việt phát triển hơn cần loại trừ yếu tố lạc hậu đeo bám dân tộc từ mấy ngàn năm nay và mới nảy sinh trong thời kỳ hội nhập.
     Trước tiên, nói về người có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong gia đình, đó là người mẹ chứ không phải người cha, cho dù người cha được xem là chủ hộ. Điều này khác với văn hóa Trung Quốc, người cha chỉ huy tất cả. Còn ở Việt Nam,  về hình thức người cha  đóng vai trò chỉ huy nhưng thực tế người mẹ lại quản lý, quán xuyến tất cả. Do đó, văn học Việt nam từ ngàn xưa cho tới nay thì những tác phẩm có nội dung ca ngợi bà mẹ rất lớn còn nói về người cha hết sức hiếm. Và nữa, khác với các dân tộc khác, vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong việc dựng nước và giữ nước rất rõ. “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “Còn cái lai quần cũng đánh”…Khi người đàn ông ra trận người phụ nữ ở lại lo việc “Gánh vác giang sơn nhà chồng”, lo tăng gia sản xuất để đảm bảo cuộc sống cho gia đình và đóng góp cho xã hội. Có lẽ vì vậy mà khắp trên dãi đất hình chữ S, đâu đâu cũng có đền thờ Mẫu.
     Trong giáo dục con cái, người phụ nữ chịu trách nhiệm chính: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Nhìn chung giáo dục con cái trong gia đình Việt bằng tình thương và nêu gương. Ở phương diện này vừa là tinh hoa nhưng cũng vừa là lạc hậu. Thương con rồi chiều con, trẻ con được nuông chiều một lần tất sẽ có lần thứ hai, lần thứ ba…sự đòi hỏi của chúng mật độ ngày càng dày hơn, cho tới một khi chịu hết nổi, mặc chúng muốn làm gì thì làm, thành ra đứa trẻ hư hỏng. Có rất nhiều gia đình con học đến lớp 12 Trung học phổ thông vẫn còn đón đưa. Được sự chăm sóc, bao bọc thái quá thành ra chúng giống như “gà công nghiệp”. Thậm chí, có em học xong Đại học, về quê công tác, thấy người ta đi bộ đội cũng xung phong đi nhưng 3 tháng huấn luyện tân binh, tháng nào không có người nhà đến thăm là khóc, mỗi khi được “xả trại” là điện thoại về nhà mách mẹ “bị mấy đứa trong đơn vị ăn hiếp”(!). Ở phương Tây, trẻ con mong sao đủ 18 tuổi để được tự lập, tự do, tự chịu trách nhiệm về sở thích, việc làm của mình, không còn chịu sự giám sát của gia đình. Vì thế, cùng một lứa tuổi, thanh niên phương Tây tự tin hơn thanh niên Việt Nam.
     Văn hóa nêu gương trong gia đình Việt nhìn chung là tốt, ông bà cha mẹ nêu gương cho con cái về lễ nghĩa, lối sống và cả sự thành đạt. Gia đình nào chưa có sự thành đạt thì “mượn” những tấm gương thành đạt của bà con dòng tộc, xa hơn nữa là người trong làng, trong xã….Mặt trái của vấn đề này là đôi khi thái quá, áp đặt quá, làm cho con cái họ sợ, tự ti: “Thua thầy một vạn không bằng thua bạn một li”. Con em mình không
bằng bạn bằng bè thì xem đó là tủi nhục, vậy nên, rất nhiều em để làm vui lòng cha mẹ bằng cách lừa dối trong việc học hành, bắt đầu từ việc quay cóp, sử dụng tài liệu trong giờ kiểm tra. Có nhiều học sinh  phạm lỗi, nhà trường mời cha mẹ đến để nghe kiểm điểm, phối hợp giáo dục, thì đã nghĩ ra “chiêu” thuê một bà bán nước mía hay bánh xèo nào đó đi họp thay…Có bà , cùng một trường, đi dự họp kỷ luật cho học sinh đến lần thứ năm nhà trường mới phát hiện. Hỏi ra, không phải chỉ dự họp kỷ luật một trường mà cả 3 trường trong địa bàn thành phố. Cái lạc hậu của các ông bố, bà mẹ trong gia đình Việt là kỳ vọng vào con cái lớn quá, lại thêm sĩ diện, không hiểu năng lực đích thực của con cái, thành ra nêu gương lại tạo ấp lực cho chúng.
     Nguyên nhân sâu xa của việc nêu gương là áp đặt theo một khuôn mẫu định sẵn mà không đếm xỉa tới sở thích của con cái. “Làm hồ sơ thi Đại học hả, không phải lăn tăn gì hết, ngành Y cho bố, chả lẽ dòng họ Trần mình thua kém họ Lê!”, ngoài ông bố ra, bà mẹ, ông bà nội ngoại, cô bác chú dì  hai bên mỗi người “động viên” một câu nên rốt cuộc đứa trẻ phải nghe theo. Một điều đáng nói, bản thân đứa trẻ được bao bọc bởi các quan hệ gia đình, dòng họ nên khó có thể làm khác nguyện vọng của người lớn. Cái khác giữa học sinh Việt và học sinh phương Tây ở chỗ: trẻ em phương Tây sợ bóng tối, sợ một số con vật, còn trẻ em Việt sợ bố mẹ không vui lòng, sợ không làm tròn bổn phận.
     Giải pháp tốt nhất để giáo dục trẻ đúng hướng, tạo điều kiện cho trẻ phát triển cần quan tâm đến sở thích của trẻ để định hướng cho đúng đắn. Người ta chỉ có thể thành công khi người ta đam mê công việc. Cần phải biết khuyến khích trẻ tìm tòi, khám phá. Có như vậy mới khơi nguồn sáng tạo của trẻ. Chính điều này giúp trẻ tự tin hơn trong cuộc sống.
     Trong gia đình, để giáo dục trẻ cần có sự phối hợp tốt giữa bố mẹ và ông bà. Điều tối kỵ nhất là trẻ tìm được chỗ dựa khi mắc lỗi. Phải phân tích cho trẻ biết hành vi sai trái của mình với thái độ nghiêm túc nhưng không đay nghiến và không nói đi nói lại nhiều lần. Khi muốn nêu gương cho trẻ cần kín đáo, tế nhị. Chẳng hạn tặng cho trẻ một cuốn sách về danh nhân, sau đó khơi gợi trẻ kể lại chuyện danh nhân đã đọc, gợi cho trẻ nhận xét, bình luận. Đối với trẻ, tấm gương tốt nhất là những người thân trong gia đình về ứng xử, hành vi; cho nên khó có trẻ trung thực khi bố mẹ trộm cắp, cờ bạc, gian tham.
     Giáo dục con cái trong gia đình Việt là giáo dục khép. Khi mới chẵn tháng, ông nội hay ông bố làm mâm cơm kính cáo tổ tiên dòng tộc thêm một thành viên mới. Khi học nói, đứa bé được dạy cách phân biệt một hệ thống chức danh tôn ti trật tự hai họ nội ngoại…ngoài bố mẹ, ông bà trực hệ, bà con họ tộc ít nhiều đều quan tâm đến sự dạy dỗ; mà dạy dỗ ở đây chỉ quanh quẩn với hiếu thảo, lễ nghĩa. Chính điều này ăn sâu vào tiềm thức đứa trẻ. Nỗi sợ lớn nhất của trẻ em Việt Nam là làm bố mẹ phiền lòng, điều này khác với nỗi sợ hãi của trẻ em phương Tây, được giáo dục mở. Nếp sống họ tộc với nhiều lễ nghi, yêu cầu hạn chế sức khám phá của trẻ. Cùng một sự việc, ví như các em “chế tạo” một cái gì đó, nó làm tốn kém ít nhiều vật liệu, trẻ em Việt hãy coi chừng cái mông, còn trẻ em phương Tây lại được khuyến khích.
     Việc giáo dục con cái có ý thức cộng đồng trong gia đình Việt ít được chú ý. Một ai đó dẫm phải cái vỏ chuối trượt ngã các em có thể chạy đến nâng đỡ, đó là biểu hiện tình thương, tình nhân ái. Nhưng cũng chính các em đó vẫn sẵn sàng vứt vỏ chuối ra đường, đó là biểu hiện của sự thiếu ý thức. Mà ý thức sao được khi hàng ngày bố mẹ nó vẫn vứt rác bất cứ nơi nào, miễn là xa xa nhà mình một chút. Ngay ở Thủ đô “Không thơm cũng thể hoa lài/ Dẫu không lịch sự cũng người Tràng An”, lễ hội hoa xuân, Ngày văn hóa Nhật Bản mấy năm trước bị người dân Hà Thành cướp hoa, bẻ hoa “đem về nhà để lấy khước!”
     Khi con cái trưởng thành, việc “định hướng” hôn nhân ngày xưa là “môn đăng hộ đối”, hiểu cho đúng là tương đương nhau về truyền thống gia đình, về thành đạt trong khoa cử, tiêu chí giàu nghèo là hàng thứ yếu. “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem họ” là cơ sở của “môn đăng hộ đối”, còn gì vinh hạnh bằng chồng đỗ đạt vinh quy bái tổ, “võng anh đi trước, võng nàng theo sau”. Chính quan niệm đó cũng phần nào làm tăng thêm động lực của người học, thể hiện sự kính trọng của xã hội đối với người học, người dạy. Hiện nay, có lẽ vì các “ông Cử”, “bà Thạc” nơi hang cùng ngõ hẻm nào cũng có nên “mất giá” chăng? Xu hướng định hướng cho con cái lấy chồng, lấy vợ giàu trở nên phổ biến, con có chồng Việt kiều được xem là vinh hạnh, tệ hơn, nhiều gia đình gả con cho người Đài Loan, Hàn Quốc mà không biết con rể, gia đình con rể ra sao…Đã rất nhiều trường hợp sau kết hôn cô dâu phải bỏ trốn vì bị hành hạ, bị làm nô lệ tình dục, có trường hợp bố mẹ phải ra nước ngoài mang xác con về nhưng hầu như vẫn chưa đủ độ cảnh tỉnh những ông bố bà mẹ Việt ích kỷ.
     Con người chỉ tự quyết khi có tri thức, bản lĩnh, không phụ thuộc, nhất là về vật chất. Để con trẻ có lối sống đẹp, có công việc tốt trong tương lai phải giáo dục ý thức tự lập ngay từ nhỏ; và trong mỗi gia đình, tấm gương của ông bố, bà mẹ là luôn luôn phải vươn lên dù khó khăn, vất vả đến đâu. Giáo dục cho con cái phải tỉ mỉ, kiên trì, phải “đặt” mình vào vai đứa trẻ để hiểu chúng để từ đó có phương pháp giáo dục tốt nhất. Đứa trẻ ngày một lớn khôn, lượng thông tin trong thời đại ngày nay ngày một lớn, do đó, cha mẹ không đọc sách báo, không nâng tầm hiểu biết của mình thì khó giáo dục con cái thành đạt.

1 nhận xét:

  1. Dài quá, giờ rất nhiều quan điểm, suy nghĩ phải thay đổi.
    Ông Ô ba đen say: Thay đổi làm chúng ta phát triển!
    Kiên định với nhất quán là chít đấy?

    Trả lờiXóa