Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

LÂM TẶC


CHƯƠNG XVIII

     Mở đầu cuộc họp toàn thể cán bộ, công nhân lâm trường Minh Chột yêu cầu mọi người bàn bạc cách giải quyết ba việc mà sếp Kim đã giao. Một không khí trầm lặng, nặng nề, người nọ nhìn người kia, chờ đợi một ai đó lên tiếng. Minh bắt đầu sốt ruột. Bản thân Minh từ sau cuộc họp kiểm điểm tới giờ cũng chưa nghĩ ra một phương cách gì cả. Phải rồi, phải để thằng Trí Vịt nói trước để xem nó "trí tuệ" hay 'trí vịt". Nó nói đúng thì anh em người ta bổ sung, mình chốt lại là xong, trí tuệ tập thể cả. Ngược lại, nó không tìm ra giải pháp gì thì nó xứng danh Trí Vịt cả về hình dáng lẫn trí tuệ.
     - Trong lúc mọi người đang suy nghĩ, đề nghị đồng chí Trí phát biểu đề xuất giải pháp trước. Là người phụ trách kỹ thuật, tôi tin đồng chí sẽ đem ra giải pháp hợp lí.
Trí Vịt đứng dậy:
     - Ý kiến tôi thế này, như cuộc họp với lãnh đạo ngành, Ban lãnh đạo chúng ta cần phát huy trí tuệ tập thể, do đó, tôi xin được lắng nghe ý kiến của anh chị em trước. Tôi sẽ phát biểu sau.
Mẹ kiếp! Mày cũng còn láu cá gớm. Ở cái lâm trường này ai không hiểu mày đâu. Nếu mày có giải pháp thì đã thao thao: "tôi cho là...", "tôi tin chắc chắn là..." rồi. Thôi được, nếu có giải pháp, tao chốt luôn ý kiến để mày câm mồm luôn. Được lắm, mày né thì xem đệ tử mày có chạy tội được không. Hãy để thằng Cơ làm đẹp mặt nhé.
     - Đề nghị anh Cơ nói suy nghĩ của mình về việc trồng lại diện tích cây chết ở tiểu khu 1a.50.
Cơ ngập ngừng:
     - Cây chết thì phải trồng lại thôi, tôi cũng có muốn thế đâu.
     - Có muốn thế đâu - Minh giằn giọng, vậy hôm kiểm tra tôi nói phải trồng đúng kỹ thuật, vậy đội anh có trồng đúng kỹ thuật không? Tại sao trên cùng một tiểu khu mà đội cô Man Hoa trồng số cây chết dưới định mức cho phép, còn đội anh gần như chết trắng?
Cơ nín thinh, Minh Chột sẵng giọng:
     - Không trả lời được chứ gì? Vì không bóc bao bầu ra, thanh tra đã kết luận như vậy! Anh tính tiền đâu, người đâu mà trồng lại diện tích cây chết đó?
Diệp giơ tay xin phát biểu, Minh Chột gật đầu.
     - Tôi có ý kiến như thế này, đúng ra nhiệm vụ lâm trường chúng ta là khai thác nứa nguyên liệu và trồng mới diện tích khai thác ấy. Việc trồng lại diện tích cây chết ở tiểu khu 1a.50 là trách nhiệm của đội cậu Cơ.
     - Ai trồng lại chứ tôi thì không, Mộc - một đội viên trong đội của Cơ đứng dậy, số cây tôi trồng tôi cam đoan có chết cũng dưới chỉ số cho phép. Chỉ riêng tôi là bóc bầu, tất cả còn lại thì không. Khi trồng tôi nói với anh Cơ là bóc bầu có chậm một chút nhưng đảm bảo. Anh Cơ trả lời năm ngoái bọn tao trồng không bóc bầu anh Trí có nói gì đâu.
 Minh Chột đắc ý nhưng không để lộ ra giọng nói:
     - Thế ra đồng chí Trí chỉ đạo kỹ thuật như vậy hả. Tôi cũng không ngờ đồng chí Trí cũng góp phần làm chết cây ở tiểu khu 1a.50 cơ đấy!
Trí Vịt đắng họng, thằng Cơ ngu hơn bò. Năm ngoái trồng cây bầu là trồng trễ, ngay những ngày mưa đầu của mùa mưa thì làm sao cây chết được. Trồng như thế không đúng kỹ thuật cũng không sao. Cái vụ ấy Trí kiếm được cơm thằng Cơ kiếm được cháo. Cái vụ này thì ngược lại vì Trí nghỉ phép nhưng xem ra nuốt phải cục hạch rồi. Người Trí cứ rân rân như kiến bò. Không thể để chuyện này lan ra nữa, Trí đứng dậy:
     - Thưa các đồng chí, đừng chuyện năm này nói chuyện năm xưa. Trước mắt phải trồng lại diện tích cây chết. Chuyện này tôi nghĩ giao cho tổ anh Cơ. Ta bàn là bàn làm sao trong một thời gian mà xử lý tốt đẹp các công việc như anh Minh đã nói.
     - Đồng chí Trí nói như vậy thì lấy đâu ra người khai thác nứa và trồng mới diện tích vừa khai thác. Đồng chí rõ nhân lực lâm trường rồi còn gì?
Phòng họp lại im lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ, đã hơn tiếng đồng hồ trôi qua mà chưa có giải pháp khả thi. Hơn ba chục con người nếu cứ ngồi bàn bạc kiểu này thì chắc chắn công việc không hoàn thành được. Suy đi nghĩ lại, Man Hoa đứng dậy:
     - Thưa các đồng chí trong Ban lãnh đạo, các anh chị! Tôi có suy nghĩ như thế này. Thứ nhất, việc trồng lại diện tích cây chết giao lại cho tổ anh Cơ. Cứ trồng đã, định mức công việc có rồi, sau đó lãnh đạo và tổ anh Cơ họp riêng để giải quyết sao cho hợp tình hợp lý. Thứ hai, việc khai thác nứa nguyên liệu ta thuê dân kết hợp với anh chị em lâm trường. Có khai thác thì mới có diện tích đất trồng. Tôi nghĩ việc khai thác trắng nên cũng dễ. Sau khi khai thác được một nửa diện tích, anh em lâm trường tập trung trồng, số diện tích còn lại dân khai thác đến đâu ta trồng đến đó. Phải để dân tham gia vào mới xong.
Chi Thoa nói:
     - Ý kiến của cô Man Hoa hay đấy, cô nói rõ hơn việc huy động dân là như thế nào?
     - Dạ, việc này cũng dễ thôi, nhà máy hiệp đồng với chúng ta việc mua nguyên liệu, vậy thì ta cho dân khai thác nhưng phải theo yêu cầu của ta rồi bán lại cho chúng ta, đương nhiên giá thấp hơn giá nhà máy đưa ra một chút. Số tiền chênh lệch đó thu lại chỉ cần đủ trả công cho người thu mua, làm sổ sách quyết toán của lâm trường là được.
     - Thế còn việc kết hợp với anh em lâm trường là làm sao? Minh Chột hỏi.
     - Tôi nghĩ thế này, trước tiên bộ phận kỹ thuật thống nhất cách khai thác và dọn thực bì cho toàn anh em lâm trường một buổi. Sau đó chia anh em hướng dẫn lại cho dân một hai buổi là được. Các buổi sau anh em công nhân khai thác theo định lượng ngày công lao động. Ai làm vượt thì được trả như dân, ai không đạt thì trừ tiền lương theo tý lệ.
Mọi người vỗ tay, người thì: "nhất trí", người thì: " Hoan hô cô Man Hoa", 'có học có khác"...Đợi không khí lắng xuống, Minh Chột kết luận:
     - Tôi hoàn toàn nhất trí với phương án của cô Man Hoa. Chị Thoa lập kế hoạch thuê nhân công, cùng với kế toán tính định mức cho phù hợp. Đồng chí Trí tập huấn cho công nhân kỹ thuật khai thác và dọn thực bì. Ngày hôm nay, trừ bộ phận bảo vệ, còn lại nghỉ. Để tăng cường công tác bảo vệ, từ nay tôi giao đồng chí Trí trực tiếp phụ trách công việc này. Hết!
     Minh Chột châm điếu thuốc, rít một hơi thật sâu. Cuối cùng bài toán cũng có lời giải. Phải công nhận là Man Hoa giỏi. Cũng đúng thôi, dòng dõi nhà chúa lại thực học thì giỏi có chi lạ. Hay là cái đội thằng Cơ phải trồng lại rừng, vừa không được tham gia khai thác vừa phải trừ tiền giống, tiền ngày công. Nhưng trừ bao nhiêu? Chắc chắn là phải trừ. Đúng rồi, cái này giao hẳn cho thằng Trí Vịt và cô Thoa giải quyết, mình vừa tránh được tiếng vừa được xem kịch hay chúng tự cắn mình. . .À, phải điều thằng Mộc tăng cường cho đội Man Hoa. Một công ba việc, vừa làm yếu đi nhân lực đội thằng Cơ, vừa thưởng cho cái thằng dám nói vỗ mặt Trí Vịt, vừa tăng cường nhân lực cho đội Man Hoa, tổ lao động xuất sắc làm nòng cốt cho việc hoàn thành nhiệm vụ của lâm trường. . .
     Man Hoa về trại, thấy cô mấy con gà nhiếp quấn lấy chân đòi ăn. Cô cho chúng nắm ngô xay. Đàn gà lớn lởn vởn xung quanh tính nhào vào cướp. Cô xua chúng chỉ giãn ra một chút rồi lại quây lại. Canh cho mấy con gà con ăn thì mất thì giờ quá. Cô kêu: "Mực, Mực", con Mực nghe tiếng gọi của cô chạy ra. Man Hoa bảo: "Mực đuổi mấy con gà đi xem nào". Con chó nhe răng, gừ gừ mấy tiếng rồi nằm xuống cạnh mấy con gà con đang mổ bắp. Đàn gà tản ra, con gà trống nhảy lên cành ổi vỗ cánh gáy rồi nhảy xuống tục đàn gà mái tản đi chỗ khác. Cứ thấy bóng con Mực là đàn gà lẩn tránh.
     Man Hoa cầm cuốn sổ Quân để lại, ngần ngừ tính giở ra đọc rồi lại thôi. Cuốn sổ trong tay cô đã là ngày thứ năm rồi, cô ôm nó vào ngực rồi lại đặt xuống. Trở về trại cái ngày Quân về quê Man Hoa tính đọc ngay để biết Quân viết những gì trong đó. Nhưng rồi cô sợ đọc xong rồi thì lấy gì mà đọc. Cô biết chỉ đọc qua một lần những gì anh Quân viết cô sẽ nhớ mãi, nên phải cố gắng để dành. Cô biết đọc ngay từ trang đầu tiên rồi sẽ không dừng được. Thế là ngày thứ nhất cô để dành được. sang ngày thứ hai cô nghĩ: "anh Quân giờ chắc mới về tới nhà", thôi cố lên Man Hoa, đọc xong thì khổ lắm. Chưa đọc nhớ anh đã ứa nước mắt, huống chi trong đó nếu viết những lời yêu thương sao chịu cho nổi. Ngày thứ ba cô lại ngập ngừng, mới ngày thứ ba thôi Man Hoa ơi. Ôm cuốn sổ vào ngực cô thì thào: "Anh ơi, em đọc xong liệu có phép màu nào đưa anh đến ngay với em không?". Ngày thứ tư rồi, cô không thể không đọc, cô không giữ nổi ý chí mình nữa. Thôi hôm nay mày được đọc, tao không chịu nổi nữa rồi Man Hoa à. Cô nói với mình như tâm tình với "mình" nào khác. Thôi cho mày đọc ba trang, chỉ ba trang thôi nhé, không được quá. . .Sợ không thể dừng được Man Hoa đếm trang từ cuối cuốn sổ. Cô sợ đọc từ đầu không dừng nổi ở trang thứ ba.
     Cô mở cuốn sổ, không phải chữ của Quân. Là một bức thư...Anh Quân dặn rồi, mình được phép đọc tất cả kia mà.
     Rừng Tuyên Quang, ngày...tháng...năm...
     Đằng nớ vợ ơi!
     Mình nhớ đằng nớ lắm, nhớ không chịu nổi, nhớ thật nhiều là cái buổi tối đầu tiên mình chở đằng nớ ra chơi ngoài đê mà thật tiếc, chốc chốc đằng nớ lại giục về vì sợ bố mẹ mắng. Lúc ấy mình ước có một cái đồng hồ để xem giờ. Khi chở đằng nớ về, mình về tới nhà, nghe đài mới biết mới có mười giờ đêm. Mình tiếc hùi hụi vì về sớn quá. Cũng chỉ vì đằng nớ giục thôi. Mà bây giờ ở trong rừng nghĩ lại mới thấy mình ngu, nhà đằng nớ cũng không có đồng hồ, còn cái đài O ri ông tông thì hỏng đưa lên hiệu sửa chưa xong.
     Dạo này đằng nớ ở nhà chắc nhiều việc lắm. Đằng nớ bảo nhớ tôi mà không dám viết thư thì nghỉ một bữa về bên ngoại viết thư cho thoải mái. Ở trên này mình cũng bình thường, chú Tám Cá tốt lắm, giúp đỡ cho mấy anh em nhiều. nhà chú tám có cô Man Hoa xinh lắm, xinh thì phải nói xinh thôi, nói để đằng nớ đừng nghĩ lung tung, cô ấy đoan chính lắm, không biết có phải lòng sư phụ không nữa. Mình cũng mong cho sư phụ và cô Man Hoa yêu nhau, mấy anh em ai cũng nghĩ thế.
     Không biết anh Ngọc Râu và thằng Dũng Nheo có nhớ vợ không, còn mình nhớ đằng ấy nên trốn để viết thư này đây. Mà không hiểu sao lại cứ nhớ buổi tối ngoài đê ấy, mình ôm đằng nớ thì đằng nớ cứ đẩy ra, cũng chỉ cho hôn một cái trên má. Sau này đằng nớ là vợ thì không nói làm gì, sao mà cứ nghĩ lại lại tiếc cái đêm ấy không biết.
     Thôi mình viết lá thư này cũng mất hai buổi đấy. Nhận được thư thì đằng nớ viết thư cho mình nhé, địa chỉ như cũ ấy.
                                                                                             Ký tên: Trần Đình Nam.
     Dưới bức thư có mấy dòng:
     Sư phụ đừng trách tôi chép lại bức thư này của thằng Nam Cuội vào cuốn sổ này nhé. Cái hôm xẻ gỗ mình làm lán ở trên hai hòn đá bàn ấy. Buổi trưa thấy thằng Cuội cầm cuốn vở đi xuống lán tôi nhìn theo thấy hắn kê vở viết thư trên hòn  đá ngay dưới sạp lán thế là tôi nằm sấp xuống đọc. Thấy hay hay tôi lấy chép trộm vào cuốn sổ này. Bữa nào buồn thì đọc vài câu chọc thằng Cuội chơi. Sư phụ đừng nói tôi chép nhé. Dũng Nheo.
     Đọc bức thư của Nam Cuội cô vừa thấy thương vừa tức cười pha chút thèn thẹn. Thế ra mọi người đều vun đắp cho cô và anh Quân. Cái anh Dũng tẩm ngẩm mà cũng nghịch đấy chứ. Lá thư của Nam cứ nhắc đi nhắc lại chuyện đi chơi ngoài đê cô chợt nhớ câu chuyện anh Nam kể khi cô phơi áo anh Quân. Ai đặt biệt danh "Cuội' cho anh Nam thật khéo. Bề ngoài tếu táo là vậy mà cũng tình cảm nồng nàn ghê. . .
     Hôm qua chưa đọc một dòng nào của anh Quân viết, hôm nay cầm cuốn sổ cô lại đắn đo, suy nghĩ, nhớ nhung. . .khi hiểu lầm anh Quân với Việt Thảo cô đã sống như người mộng du, giờ đây cô tin anh là của cô thì lại cách trở xa xôi quá. Cứ ngưng công việc là nhớ nhung, tìm một việc làm cho khuây khỏa nhưng  làm việc cũng chẳng đâu vào đâu cả. . .Lại lật cuốn sổ, ba trang thôi nhé Man Hoa, cô nói với lòng mình, "nhấm nháp" anh Quân từ từ thôi. . .Một cái gì đó cồm cộm. Thì ra lá thư của Việt Thảo gửi cho anh. Anh kẹp trong cuốn sổ cho cô đọc đây mà. Lá thư mà tháng trước cô phải đấu tranh tư tưởng lắm mới không xem. Đọc thư của người khác ngại quá. Anh muốn cô đọc, nhắc cô đọc hết "những gì trong cuốn sổ ấy nhé" kia mà. Không phải em đổ lỗi đâu, em nghe lời anh đó thôi. Nghĩ vậy, cô lấy lá thư ra khỏi cuốn sổ.
     Khe Đổ, ngày...tháng...năm...
     Anh Quân thương mến nhiều!
     Lâu rồi em không nhận được thư anh nhưng em biết sức khỏe, công việc của anh qua bác, em cũng yên tâm.Cứ nghĩ đến anh là em lại cầu Trời khấn Phật phù hộ cho anh sức khỏe, còn mọi việc khác em tin ở anh.
     Có lẽ sau lá thư này em sẽ không hoặc nếu có thì cũng rất ít viết thư cho anh bởi lẽ tháng sau người ta cưới em. Thế là chấm dứt mơ mộng, ước ao, chấm dứt đời con gái hồn nhiên, vô tư, trong sáng, đẹp đẽ để bước vào cuộc sống đầy lo âu, tính toán và ngập tràn nghĩa vụ. Em xác định dứt khoát rồi nên cũng không buồn nhưng chưa được vui. Đám cưới của em vui được một nửa thôi, một nửa ấy thuộc về D, người đã theo đuổi em suốt mấy năm trời. Người ta nói "làm cho người khác hạnh phúc là mình hạnh phúc", thế mà hạnh phúc ở đâu chưa bay tới với em. Em khô khan, lý trí quá chăng? Ngày em lấy chồng anh về dự nhé, anh nói "chỉ xem em như em gái", thế thì em gái lấy chồng lẽ nào anh trai lại vắng mặt phải không anh? Em có làm khó cho anh không khi thực lòng em muốn như vậy.
     Anh thương mến! Giờ đây em có nói thật thì cũng chẳng hại gì, cho dù lá thư này ai đó thương anh đọc được. Ngày trước chị Hoài yêu anh, em phản đối. Chị nói với em: "Chị lớn hơn Quân hai tuổi nhưng xét về hiểu biết Quân lớn hơn chị nhiều. Chị yêu Quân không phải vì Quân đã cứu chị thoát khỏi mấy thằng cầu đường sàm sỡ đâu. Chị yêu Quân vì tính cách rất mực đàn ông, vị tha, khoan dung. Tiếc rằng Quân chỉ xem chị là chị, sau này chị lấy chồng có chăng chỉ là nghĩa vụ với đời thôi. . .". Thế rồi, không hiểu tự bao giờ em lại bước tiếp vệt bánh xe của chị, lại được anh coi như là em gái. Một gia đình, hai chị em lại đem lòng yêu thương một con người mà chị em em không phải Thúy Vân, Thúy Kiều nên anh cũng chẳng thể là Kim Trọng. Em thú thực lòng mình với anh để trước ngày lấy chồng em thanh thản hơn. D. chồng tương lai của em cũng biết em yêu anh đấy. Em nói với D. là em không giấu giếm điều gì, nếu sau này dù chỉ một lần xúc phạm tới tình cảm của em dành cho anh là em chia tay ngay. D. bảo với em là "ngưỡng mộ anh" và cố gắng không làm em thất vọng.
     Chi Hoài vẫn thường sang chơi với bác, chị biết em yêu anh, chị chỉ nói bây giờ em hiểu chị rồi chứ. Nói xong chị thở dài, chị nói với em mà như nói với chính mình: "Đừng để ước mong thành ảo vọng"
     Anh thương mến! Chị Hoài có nói với em chị biết chuyện qua chuyện trò với bác là bác Tính thương binh hồi điều trị ở Đoàn 200 có cô con gái xinh đẹp lắm. Không biết cô ấy có hạnh phúc hơn chị em em hay lại thêm một người ở "bên kia bờ ảo vọng". Anh sẽ thật thà chuyện này khi về dự đám cưới em chứ?
     Em dừng bút đây. Hẹn gặp anh nơi quê nhà. Em: Việt Thảo.
     Gấp lá thư lại, kẹp vào cuốn sổ Man Hoa bâng khuâng. Đời con gái mười hai bến nước, mấy ai làm chủ được ước mơ. . .
     Tiếng còi tàu, rồi tiếng người dưới bến vọng lên. Con Mực vọt ra cổng, lao xuống nhà bè, mặc cho Man Hoa gọi nó cũng không dừng lại, 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét