Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

LÂM TẶC


CHƯƠNG XII

    Minh Chột châm đèn, mở gói giấy báo. Một cục tiền loại mệnh giá một trăm ngàn mới tinh còn nguyên xê ri. Bọn này chơi được lắm, sòng phẳng, đường hoàng. Minh cũng không ngờ được trả giá cao đến thế. Chỉ cần ba vụ như thế này cũng kiếm được cái nhà tàm tạm ở Hà Nội. Nghĩ đến việc kiếm căn nhà ở Hà Nội là tức thằng Trí Vịt anh ách. Bây giờ đừng có qua mặt tao nữa nghe con. Vài hôm nữa mày lên đây, ông nghỉ phép, rồi cái gì nào? Mấy cây lát vân đá mất, mày lo viết báo cáo, viết kiểm điểm, còn tao đếm tiền, hú hí với mấy em chơi nghen. . . Lúc chiều, vào mời Minh tối nay xuống bè nhậu giã bãi, anh em lão Chày, lão Cối vân vi:
     - Thực ra bọn em cũng tính đưa thêm cho anh chút nữa nhưng về công xá, gỗ lạt của lâm trường phải tính cho sòng phẳng, đảm bảo uy tín cho anh cái đã. Vả lại, đợt này lên bọn em không ngờ lại trúng lớn như thế. Trúng lớn trên đường xuôi cũng phải chung chi thêm. Thôi, coi như bọn em nợ anh, có gì đợt sau lên bọn em trả.
Minh Chột cười:
     - Được rồi, nếu các ông thấy đúng là còn thiếu đối với tôi thì cái phần đó coi như tôi tặng hai ông món quà thượng lộ bình an.
Lão Chày nói:
     - Anh phóng khoáng quá, chả bù cho anh Trí.
Nghe lão Chày nói, Minh nhắc:
     - Các ông sau có lên đây không nói năng gì chuyện này với thằng Trí Vịt. Sau này có làm ăn thì trực tiếp với tôi.
Lão Cối đỡ lời:
     - Nếu được như thế thì còn gì bằng. Thôi tối nay kiểu gì anh thì cũng xuống uống giã bãi với bọn em nghe. . .
     Gói lại cục tiền, ném vào tủ khóa lại, châm điếu Sa mít rít một hơi dài, với tay lấy cái ra đi ô Nationan Nhật rồi bước ra võng nằm. Nghe giọng hát ngọt ngào qua làn sóng điện Minh nghĩ em này chắc đẹp lắm đây. Chà, ước chi được nằm một bên, người đẹp gối tay, còn tay người đẹp xoa xoa ngực mình, hát cho mình nghe thì thú biết mấy. Có lẽ sắp tới bảo Mĩ Vân tuyển em nào vừa đẹp vừa hát hay mới thú, phải khác lạ đi chứ, không "nâng cấp" lên thì chán chết. Nhưng mấy lần rồi, Mĩ Vân bố trí mấy em trẻ đẹp nhưng rồi rốt cuộc cũng không em nào bằng Mĩ Vân. Có lẽ Mĩ Vân hơn các em ở cái duyên đằm thắm, ở cái tình. Cái giọng điệu ngọt ngào của các em nó gắn với tiền, còn Mĩ Vân thì khác. . .
     Đang mơ màng chuyện em út thì giật mình vì tiếng chạy thình thịch, tiếng réo của thằng Long Sẹo:
     - Anh Minh ơi, có chuyện rồi!
     - Cái gì thế, nói mau.
     - Chúng nó đốn cây lát trên vực Cây Sung. Ông Tám Cá bảo thế, thằng Quân còn ở trên ấy.
Vứt tàn thuốc, nhổ bãi nước bọt, Minh Chột nói:
     - Mày xuống kêu hết mấy thằng trong tổ bảo vệ. Tao lên trước.
Lấy khẩu súng ngắn giắt vào lưng quần, cầm cái đèn pin, Minh Chột hối hả xuống bến. Mẹ kiếp! Bọn này to gan thật. Ông Tám Cá không báo thì mất mẹ nó rồi còn gì. Để xem bọn nào dám ăn gan báo.
      Tới bến, mới thấy dáng Minh ông Tám Cá đã hỏi:
     - Mình chú thôi à? Anh em đâu?
     - Đang xuống.
     - Thôi chú theo bờ đi lên, tôi chèo thuyền đi đằng sông. Có gì hãy chờ anh em lên đầy đủ rồi hẵng hành động.
Ông Tám Cá hối hả chèo, được một đoạn thì bọn Long Sẹo đuổi kịp, ánh đèn pin loang loáng. Ông Tám Cá gọi với lên:
     - Tắt đèn pin đi. Ánh đèn loáng nước phản quang xa lắm.
Đến vực Cây Sung, ông neo thuyền, lên bờ đi bộ. Những năm tháng chiến đấu trong binh chủng đặc công cho ông dày dạn kinh nghiệm đi rừng ban đêm, cách tiếp cận mục tiêu nên chẳng mấy lát ông đuổi kịp nhóm Long Sẹo. Nghe tiếng cú rúc, ông Tám Cá nói:
     - Chú Minh đang ở bờ sông.
     Mọi người đến đầy đủ, Quân chỉ khúc gỗ lát được cánh hai bên hai bó nứa, neo ở phía trên:
     - Chúng nó có năm đứa, thằng chỉ huy tên là Cường. Giờ chúng đang kéo khúc lát thứ hai.
Ông Tám Cá ngạc nhiên:
     - Có năm thằng mà chúng kéo được khúc gỗ lớn, cánh được bè, kể cũng giỏi thiệt!
Minh Chột hỏi:
     - Chúng có năm đứa, giờ sao bắt gọn, anh Tám?
     - Địa hình này khó đấy. Tập trung vào bắt thằng cầm đầu thôi.
Kể như địa hình khác khống chế năm đứa không khó khi bên ông có tới chín người. Nhưng ở đây, nhảy một cái là xuống nước, lẩn một cái là vào rừng. Dân lâm trường sao sánh được với dân sơn tràng. suy đi tính lại, ông bảo Minh Chột:
     - Tôi và thằng Quân phục dưới nước, sau khúc gỗ kia phòng chúng nhảy xuống sông. Anh Minh và cậu Long khống chế thằng cầm đầu. Mấy anh em khác khống chế bốn đứa còn lại. Phải tấn công thằng cầm đầu trước.
Nói rồi ông chỉ vẽ, kiểm tra vị trí mai phục của từng người. Ông dặn:
     - Coi chừng dao búa tụi nó. Tấn công nhưng phải bảo vệ mình trước. Cứ nhè ống quyển mà quất, đánh lên trên dễ chết người lắm đó.
Ông Tám Cá phất tay. Hiểu ý, Quân nằm sấp trên bó nứa quan sát, còn ông ngược lối lên cây lát. Ông muốn xem chúng kéo khúc lát như thế nào.
     Đúng là dân chuyên nghiệp, ông Tám Cá thầm nghĩ. Khúc gỗ được nối với hai cây đòn bẩy bằng sợi cáp lụa, chiều dài độ ba mét. Điểm nối là điểm giao nhau giữa hai cây đòn bẩy đặt chéo nhau giống chữ X. Mỗi đòn bẩy hai đứa. Nhịp nhàng, đều đặn, chúng để đòn bẩy nghiêng một góc bốn lăm độ rồi đẩy tới. Thằng còn lại vịn phía sau khúc gỗ giữ cho nó khỏi lăn qua lăn lại khi di chuyển. Chúng kéo gỗ giống người ta dùng mái chèo chèo con thuyền lớn. Mỗi lần bẩy khúc gỗ tiến chừng được một mét. Tính ra người ta đi được tám bước thì chúng kéo được một mét. Kéo gỗ kiểu này lần đầu tiên ông Tám Cá mới thấy. Không tốn nhiều lực  nhưng hiệu quả. Nếu như kéo bộ cả chục người không kéo nổi trên đất bằng nói chi trong rừng. Âm thầm, lặng lẽ, đều đặn như những động tác thể dục biểu diễn được luyện tập rất thành thục. Khi còn khoảng ba chục mét là chúng kéo tới bờ sông, ông Tám Cá lặng lẽ bò về chỗ phục kích. Ông bấm nhẹ vai Quân. Cả hai trầm mình xuống nước chờ đợi.
     Ra đến bờ sông, chỉnh cho khúc gỗ song song với dòng chảy, một thằng (ý chừng là đứa cầm đầu) nói:
     - Thằng Trường, thằng Khoa đưa bó nứa đến đây, kiểm tra xem bốn mối dây chắc chắn chưa rồi kéo thẳng rải lên bờ, buông cho nó chùng xuống. Thằng Cư, thằng Bảy luồn dây qua khúc gỗ, giữ chặt đầu dây đừng để tuột như lúc nãy.
     Đám đàn em làm xong, thằng Cường cùng thằng Khoa dùng đòn xeo bẩy khúc gỗ lăn xuống nước. Bốn thằng cầm hai sợi dây lội ra phía ngoài bó nứa kéo mạnh. Khúc gỗ nổi lên. Thằng Cường đẩy bó nứa khác áp vào cột lại, thế là xong. Quan sát cách làm của chúng ông Tám Cá vừa ngạc nhiên, vừa khâm phục.
     Cả bọn vừa bước lên bờ thì ánh đèn pin lóe lên cùng tiếng quát như trời gầm của Minh Chột:
     - Tất cả đứng im!
Như bị chói vì ánh đèn pin, thằng Cường lấy tay che mắt rồi bất ngờ nhảy đến đá văng cái đèn pin trên tay Minh Chột. Cái đèn pin vẽ nửa vòng ô van lớn trước khi rơi xuống sông.
     - Chạy!. . .
Thằng Cường hét lớn. Vừa lúc ấy Long Sẹo cầm cây gậy phang ngang ống quyển thằng Cường. Nhanh hơn, nó bỏ bộ trung bình tấn ngược vừa tránh được cú phang của Long Sẹo vừa tiếp cận được đối phương. Một tiếng "thịch" cùng tiếng la "ối chà" như cùng lúc. Thì ra vừa né đòn phang thằng Cường vừa tung ra cú đánh bạt ngược bằng tay trái mà giới quyền anh gọi là cú "rờ ve" trúng ngay hàm Long Sẹo. Một tiếng súng chỉ thiên vang đanh, khô khốc. Thằng Cường nhảy xuống sông trong lúc đàn em đã kịp lẩn vào rừng. Tất cả diễn ra trong tích tắc. Thằng Cường vừa lao ra sông đã nhận ngay cú đấm của ông Tám Cá. Khựng người lại, nó chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì Quân đã lao tới khóa tay. Ông Tám Cá một bên, Quân một bên điệu hắn vào bờ. Minh Chột kêu hai cậu bảo vệ trói hắn lại. Rọi đèn pin vào mặt hắn, Minh Chột rít lên:
     - Mẹ kiếp! Thì ra là mày, thằng Cường Gấu!
Một tay bưng cằm, định đấm mấy cái cho bõ cơn tức nhưng nghe tên Cường Gấu thì Long Sẹo buông thỏng tay, bủn rủn. Một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng rồi lan khắp người làm hắn nổi da gà. Nó nhớ lại cái sẹo trên mặt nó là "tác phẩm" của Cường Gấu bốn năm về trước. . .
     - Chúng mày biến đi, đừng lo cho tao!. . .
Đột nhiên Cường Gấu hét lớn.
     - La to nữa đi mày. Lo mà bước cho nhanh. Cứ lình chình tao bắn què chân để khiêng đó!
Nghe Minh Chột nói, Cường Gấu không dám chậm trễ nữa. Thằng này dám làm thật lắm. Vô phúc cho nó sao hôm nay lại có lão Tám Cá nữa nhỉ? Lại mọc thêm cái thằng Quân chết tiệt nữa. Lão Tám Cá thì không nói làm gì, còn cái thằng Quân chết tiệt xứng danh anh hùng lắm! Cái cách nó khóa tay không phải là vừa. . .
     Đến vực Cây Sung, ông Tám Cá và Quân xuống thuyền gỡ lưới. Cá đóng lưới khá nhiều. Vừa kéo tay lưới, thấy cá thúc, ông Tám Cá bảo Quân:
     - Có cá lớn đấy, con thu lưới lại, đừng gỡ, hốt lên thuyền gỡ sau.
Đúng như lời ông Tám Cá nói, ngoài vài chục con cá mát lớn, mẻ lưới còn đóng cặp cá rầm xanh, mỗi con trên dưới hai ký lô. Mới đến cửa Suối Lồ đã thấy lão Cối rọi đèn pin hươ hươ:
     - Anh Tám, Quân vào đây chơi tí. Bọn tôi đợi mãi.
Trên cái bè của anh em lão Chày, ngoài số gỗ cây được cánh cẩn thận, lát sàn bè toàn là gỗ hộp.
     - Sao lâu vậy, anh Tám?
Minh Chột hỏi.
     - Tôi và thằng Quân thu tấm lưới thả lúc chiều.
     - Có cá không?
     - Cũng được.
Rồi ông nói với Quân:
     - Con chịu khó ra gỡ cặp cá rầm vào cho mấy chú nấu cháo.
     - Thôi khỏi, anh Tám, đồ nhậu thiếu chi.
Lão Chày nói.
     - Biết là không thiếu nhưng nấu chút cháo ăn cho mát.
     - Được hưởng lộc anh Tám là phúc. Anh Tám cho ta cứ nhận anh à.
Quay sang Minh Chột, lão Cối nói tiếp:
     - Cũng không ngờ mấy anh vất vả thiệt. Chờ mãi không thấy anh ra, vào lâm trường mới biết là anh đi bắt trộm.
     - Cũng may có anh Tám với thằng Quân chứ dễ gì bắt được thằng Cường Gấu. Mấy thằng bảo vệ đúng là đồ ăn hại.
Uống một ly rượu, châm điếu thuốc, cố giữ cho tự nhiên mà tay cứ run run, hình như cổ tay đang sưng lên, Minh Chột kể chuyện bắt Cường Gấu. Mọi người nhìn ông Tám Cá, nhìn Quân với con mắt thán phục.
     Ông Tám Cá nói:
     - Thôi, chúng ta uống chúc các anh xuôi bè bình an nào!
Khi mọi người nâng cốc, ông Tám Cá ghé tai Minh Chột nói nhỏ:
     - Lát nữa xuống tôi lấy thuốc dầm bôi, để lâu mệt đấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét