CHƯƠNG XIV
Ngọc chữa cái bàn học mà lòng dấy lên nỗi thương con khó tả. Mấy bài tập chép ở nhà cả tháng nay con bé chưa đạt một điểm giỏi nào cả. Mặt bàn làm bằng gỗ tạp nứt rồi quăn lên, mộng mẹo thì lỏng phệch, để thì đứng nhưng tì tay nhẹ một cái là xích tới xích lui. Vậy mà Duyên phải tằn tiện, tiết kiệm cả mấy tháng mới mua được cho con. Ngày có được cái bàn con bé vui như tết, đêm thức giấc nó dậy mò mẫm cái bàn, Duyên phải nạt nó hai, ba lần nó mới leo lên gường ngủ tiếp. Lúc mua cái bàn thấy đã không chắc chắn lắm, mộng mẹo không khít, Duyên phân vân thì lão Lùng nói:
- Cô muốn có cái bàn cỡ này tốt không chê vào đâu được thì đưa tôi gấp bảy số tiền này. Mộng mẹo hở hang à? Hở hang giàu sang phú quí, hở một tí phú quí giàu sang, hở một gang cả làng giàu có, ha ha. . .
Để cho mặt bàn phẳng đành phải bào lại rồi lắp thêm bốn cái đố, đóng nẹt đinh xuống. Chữa cái bệnh lúc lắc của bàn phải mua thêm mấy thanh gỗ đóng giằng. Phải bỏ tiền ra mua mấy thanh gỗ tạp Ngọc lại tiếc những bìa gỗ xẻ bỏ lại trong rừng trên Yên Bái, Tuyên Quang. Chú Tám Cá nói đúng, chả mấy chốc mà hết rừng nếu khai thác, sử dụng gỗ hoang phí như thế.
- Anh Ngọc ơi, có nhà không đấy?
- Có đây, cổng không đóng đâu.
Ngọc nói vọng ra. Nam Cuội dắt xe đạp đi trước, Dũng Nheo đi sau xách một xâu lươn.
- Lâu lắm rồi không ăn món lươn xào sả ớt. Hôm nay bọn em ở lại uống rượu đấy. Chị và các cháu đâu anh?
- Duyên đi làm cỏ lúa. Bé Chiền Chiện đi học, thằng Cu gửi bà ngoại.
- Cha con lâu ngày gặp nhau sao không để cháu ở nhà?
- Mình muốn thế nhưng thằng bé sợ mình, cứ ôm riết lấy mẹ. Đành phải đưa cu cậu sang nhà bà ngoại, lát nữa xong việc mẹ nó đưa về.
Vợ chồng Ngọc ở chái ngang, căn nhà chính ông bà ở với vợ chồng chú Vàng. Bếp chật mà phải đun bằng rơm, người không quen khó nấu nổi nồi cơm. Nam Cuội đun ấm nước mà cứ như đánh vật. Lửa lúc bùng lúc tắt, khói, tàn tro bay tứ tung. Dũng Nheo không nhịn được cười:
- Vợ hầu hạ quen rồi, đun ấm nước không nên thì làm gì. Để đấy cho tao.
Nam Cuội đứng dậy, phủi hai tay áo:
- Chỉ riêng nấu cơm cũng đã mất thời gian, chả trách đàn bà xứ mình đầu tắt mặt tối.
Quay sang Ngọc, Nam Cuội hỏi:
- Việc chú Tám Cá nói anh tính sao?
- Thế chú mày tính sao?
- Còn tính sao nữa anh, chả lẽ ở với bố mẹ miết, còn hai đứa em nữa. Mấy miệng ăn mà có mấy sào ruộng, không đủ ăn rồi mà cái gì cũng nhìn vào đấy. Lên đó em chỉ ngại một điều là sau này có con cái việc học hành hơi khó khăn, vất vả một chút.
- Anh thì anh ngại là tụi mình nhờ vả chú Tám Cá nhiều quá, hơn nữa anh còn hai cháu biết tính sao đây. Để Chiền Chiện ở dưới này cho tiện việc học hành thì sợ mẹ con nó nhớ nhau. Mà đưa lên trên đó gửi nó ở thị xã thì nó phải tự lập cũng khổ, ít ra cũng phải lớp sáu, lớp bảy, đằng này nó mới lớp ba.
Dũng Nheo nói vọng lên:
- Em thì nhất quyết rồi. Yêu quê hương thì yêu thật nhưng em không yêu cái đói. Đất chật, người đông, ruộng cứ dần teo tóp lại, chỉ việc nghĩa trang ngày một rộng ra cũng hết đất sản xuất. Không có cái mà nấu đã đành, mà nếu có cũng không có củi có than mà nấu. Đun rơm cũng phải biết đun chứ đun như thằng Cuội thì hết mùa là hết rơm.
Ngọc trầm ngâm:
- Chú Tám Cá coi anh em mình hơn con đẻ. Chú nói cái gì cũng chắc, cũng đúng. Về phần tao, chú bảo đem vợ con lên, mở rộng cái nhà bè ra làm cái cửa hàng tạp hóa. Duyên vừa có điều kiện coi con vừa bán hàng, còn tao phụ trách xưởng mộc chú mở trong nay mai.
- Thế còn Quân làm gì? Không biết có lập nghiệp trên đó không nữa? Nam Cuội hỏi.
- Sư phụ không lập nghiệp trên đó thì ở đâu, dễ gì Man Hoa rời quê cha đất tổ. Dũng Nheo đáp.
- Anh em mình ai cũng muốn vậy, chú Tám Cá cũng muốn vậy nhưng Quân khí khái lắm. Quân bảo phải khi nào nuôi được vợ thì mới cưới vợ.
- Cháu chào các chú, con chào bố. Thưa bố, thưa các chú, cháu đi học về!
Bé Chiền Chiện đi trước, Duyên bế thằng Cu đi sau.
- Các chú mới tới chơi, các cô đâu? Duyên chào.
- Mắc công chuyện quá chị ơi. Bọn em tính chuyện lên ngàn chị à.
Nam Cuội trả lời, chìa hai tay về phía Duyên:
- Chị đưa thằng Cu em bế tí nào.
Thằng bé quay lại, ôm chặt cổ Duyên.
- Nó sợ người lạ chú à. Bố nó cũng chưa bế được kìa.
Chiền Chiện cất cặp sách, nói với mẹ:
- Đưa em con trông cho.
Nhìn con bé bồng thằng em mà thương, cứ như ếch tha nhái. Ngọc bảo con bé ngồi vào lòng mình thì thằng em cứ co quắp lại.
- Bố bồng hai chị em nhé, bố mà, sợ gì chứ.
Thằng bé vẫn ôm chị chặt cứng, Ngọc hỏi:
- Hôm nay con đi học được mấy điểm?
- Dạ, Toán được mười điểm, Văn được chín điểm.
Dũng Nheo khen:
- Chiền Chiện học giỏi quá, lại trông được em cho mẹ nữa, ngoan ghê!
Con bé cười nhe cái răng sún:
- Cháu chưa giỏi đâu, tập chép ở nhà cháu chỉ được bảy, tám điểm thôi.
- Vậy lớp cháu ai học giỏi nhất?
- Bạn Kiên ạ. Nhưng bạn ấy nghịch lắm cơ. Mà lúc ban sáng bạn ấy làm văn không như mọi khi, tức cười lắm.
- Tức cười làm sao?
Nam Cuội nhìn Dũng Nheo nháy mắt.
- Dạ, cô giáo ra đề tả về bố em, bạn ấy viết: "Bố em có hàm răng vàng. Hàm răng vàng dạy bảo em những điều tốt đẹp".
Không ai nhịn được cười, Duyên vừa cười vừa hỏi vọng lên:
- Có thật không đấy, bạn Kiên học giỏi sao viết như vậy?
- Dạ, thật mà. Cô giáo cũng cười nhưng cho bạn có bốn điểm thôi. Bạn ấy nói làm văn được điểm mười dễ, làm văn cho cô giáo và các bạn cười mới khó.
Ngọc lên tiếng:
- Chắc thằng bé có bà con với Cuội.
- Có Cuội đời mới vui chứ, cũng có khi Cuội mới được việc.
Nam Cuội cười cười, Ngọc nghiêm mặt:
- Được việc theo cái Cuội của chú mày có khi no đòn.
Dũng Nheo nhớ lại cái thời mấy anh em tìm trầm ở Điện Biên. Ròng rã cả tháng trời ở trong rừng chỉ được ít trầm vụn. Ra bến xe thay nhau thay nhau xếp hàng chỉ mua được hai vé, thế rồi chen lấn, trèo lên đầu lên cổ nhau chỉ cốt thò được tay vào cái lỗ bán vé bằng sắt như lỗ châu mai. Cô bán vé lấy tiền một trong bốn cánh tay chìa vô, đếm tiền, ghi số ghế, số xe, giờ xe chạy vào vé. Nam Cuội đã cho được tay vào cái cửa con ấy, nó nằm trên đầu cả đám người đang cố chen chúc. Nhìn được qua khe cửa sắt thấy một bàn tay đang chờ lấy hai vé cuối cùng, nó liền đặt tiền vào bàn tay ấy. Cô bán vé cắm cúi ghi nên không biết trò gian lận của Nam Cuội. Thấy bàn tay không có tiền cô đặt hai tấm vé vào đấy, bỏ cây bút vào túi xách, thông báo gọn lỏn: "Hết vé". Mọi người rút tay ra tiu nghỉu, chỉ riêng Nam Cuội cài lại khuy áo ngực, cười cười. Chính hỏi có mua được vé không, nó gật đầu: "lát nữa kể".
Thế rồi xe chạy xuống lưng chừng đéo Pha Đin, qua cua tay áo đâm phải con ngựa thồ của một người đàn ông H mông ngược lên. Con ngựa chết, hàng họ văng tung tóe.
Người đàn ông H mông rút con dao ra khỏi vỏ. Con dao bầu ở bụng, mũi nhọn hoắt, sáng loáng. Ông ta đập sống dao vào cửa bên tài xế.
- Mày xuống đây!
Bác tài xanh mặt. Hành khách xuống xe. Mọi người lượm hàng hóa dồn lại, nép hai cái sọt, một gãy, một còn nguyên vào vệ đường.
- Mày muốn chết hay muốn đền ngựa cho tao?
Bao năm chạy tuyến đường này bác tài biết động vào dân H mông là chỉ có chết. Họ nói một là một, hai là hai. Đền con ngựa cũng chục tháng lương là ít, lấy gì mà sống? Vả lại cũng có tiền đâu mà đền.
- Vậy là mày muốn chết rồi!
Nam Cuội bước ra, đứng chắn trước bác tài xế, đối mặt với người đàn ông H mông.
- Nó đền thôi, không muốn chết đâu. Giờ nó không có tiền, để khi nó lên nó đền được không?
- Làm sao tao tin nó được?
- Lập biên bản.
- Mày biết lập biên bản à?
Người đàn ông H mông đồng ý để Nam Cuội lập biên bản. May trên chuyến xe có cô sinh viên trở lại trường có bút, sổ tay. Xé tờ giấy trong cuốn sổ, Nam Cuội vừa đọc vừa viết:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
BIÊN BẢN TÀI XẾ LÁI XE ĐÂM CHẾT NGỰA
Hôm nay, ngày...tháng...năm Ất Tỵ, xe từ Điện Biên xuống, ngựa thồ hàng ngược đèo Pha Đin lên. Đến giữa đèo xe đâm vào ngựa làm ngựa chết. Dấu vết là máu ngựa dính trên ba rờ xốc của xe. Biện pháp giải quyết là cho xe chở khách tiếp tục xuôi về Hà Nội, chủ ngựa làm thịt ngựa bán hay cho thì tùy, gánh hàng về nhà, tuần sau lên đồn công an gần bến xe giải quyết.
Biên bản này giao cho chủ ngựa chết làm bằng chứng đòi tiền. Cả hai nhất trí ký tên.
Nghe Nam Cuội đọc, cô gái cho giấy cười. Nam Cuội trừng mắt, quát:
- Không được cười, muốn ở đây thì cười, có yên cho người ta lập biên bản không!
Người đàn ông H mông hỏi:
- Mày nói cái ba rờ xốc là cái gì?
Chỉ tay vào cái cản xe, Nam Cuội nói:
- Nó đây.
Nhìn kỹ cái ba rờ xốc có dính máu thật, người đàn ông H mông hỏi bác tài xế:
- Nó viết đúng thế chứ? Đúng thì ký vào!
Bác tài gật đầu, cầm bút ký loằng ngoằng không rõ chữ gì. Người đàn ông H mông cầm "biên bản" đưa cho cô gái cho giấy:
- Mày đọc cho tao nghe!
Cô gái đọc xong, người đàn ông H mông nói:
- Mày lập biên bản giỏi quá. Nhưng tao không biết ký.
- Thì mày điểm chỉ vào. Lấy ngón tay bôi máu ngựa rồi ịn vào!
Hành khách giúp người đàn ông H mông kéo con ngựa vào vệ đường rồi lên xe. Xe chạy được một đoạn mọi người cười đùa, bàn tán, nào là biên bản gì mà không ghi tên người, chứng minh thư, nào là không có số xe. . .rồi đồn công an tha hồ mệt với người đàn ông H mông đó. Ngọc và Dũng Nheo không tham gia bình phẩm. Bác tài xế thở dài:
- Lần này về xin công ty đổi tuyến chạy không biết có được không đây!. . .
Nam Cuội đập tay vào vai Dũng Nheo:
- Gì mà thần người ra thế? Nhớ sư phụ hả?
- À, ừ, mà sao Quân và thằng Chính ở lại trên ấy, có kế hoạch gì à?
- Lặn tìm gỗ trên sông Gâm. Ngọc trả lời.
- Thật thế à? Em cứ tưởng chú Tám Cá đùa.
- Mày thấy chú Tám Cá hay đùa lắm sao?
Nam Cuội im lặng. Gỗ đâu mà tìm nhỉ? Mấy ngày về nhà công việc lặt vặt không quen nên cứ thấy ươn ươn, mỏi mỏi trong người. Đào đất cất gỗ thì mệt thật nhưng làm thét cũng quen, ngả lưng xuống là ngủ ngon ngay. Cái số, cái nghiệp là vậy, có phải ai cũng hợp với công việc nhẹ nhàng đâu. Vợ thì cứ than không có việc để làm, phen này lên đấy thì đừng có kêu mệt. Sức dài vai rộng, siêng năng thì chỉ có giàu được không thôi chứ lo gì đói. Việc đáng làm thì làm, suy nghĩ gì cho mệt đầu, có làm rồi mới biết hay, dở, đúng, sai chứ, nghĩ mãi thì có ích gì. Nghĩ vậy, Nam Cuội tuyên bố:
- Ngày mai em đưa vợ lên trên ấy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét