Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

LÂM TẶC

CHƯƠNG XV

     Lẽ ra Quân, Chính về thăm nhà cùng lúc với Ngọc Râu, Dũng Nheo, Nam Cuội nhưng nghĩ lại về cả một lúc như thế chú Tám Cá buồn, thôi đợi mấy anh em anh Ngọc lên Chính và Quân về cũng được, với lại về sau gần ngày đám cưới Việt Thảo hơn. Không biết mua quà gì tặng Việt Thảo cho có ý nghĩa đây, Quân phân vân mãi. Việc gì suy nghĩ cũng nhanh, quyết định cũng dứt khoát, sao chỉ một việc này khó thế. Hồi chị Hạnh cạnh nhà lấy chồng, người ta tặng phích nước, xoong nồi, bộ đồ trà. . .Đến khi khui quà ra thì nhiều thứ trùng quá, riêng bộ đồ trà giống nhau đã là hơn chục, dùng chỉ có một, bán đi không nỡ, ai lại bán quà tặng đám cưới bao giờ.
     - Có rồi, sư phụ!
     Cùng với tiếng Chính, chiếc mảng được neo ngay lại, sợi dây thứ ba buộc vào mảng cứ căng ra, sợi dây thứ nhất, thứ hai trôi tấp vào mảng. Chiếc ống tre làm phao của sợi dây thứ ba cứ chao đi chao lại theo nhịp lắc của chiếc mảng hất nước lên đều đặn như diễn viên xiếc tung hứng những đồng xu. Vớt hai ống tre phao của hai sợi dây lên mảng, kéo hai cái  rà gỗ giống như cái cào ba chỉa lớn lên, Chính nắm sợi dây thứ ba kéo, Quân thả sào xuống chống. Chiếc mảng dài tám mét, được kết bằng hai chục cây nứa mười ngược nước khá nặng.
     - Tới rồi, sư phụ!
Chính buộc sợi dây vào mảng, sợi dây vẫn lệch một gó bốn lăm độ.
     - Giữ dây để em xuống cho.
     - Sư phụ cứ ngồi đấy, yên trí đi!
Chính xuống mảng, lần theo sợi dây, hít một hơi dài lặn xuống. Hơn một phút sau, vừa ngoi lên đã la toáng:
     - Đã quá, đẹp quá!
Quân Cười:
     - Ở dưới nước sao mà biết đẹp?
     - Cái gốc này hơn hai vòng tay, không có rêu. Tôi xuống xem lại lần nữa.
Quân ước lượng từ mép nước ra đến chỗ gốc cây chìm khoảng chừng mười lăm mét, nằm trên đường thẳng cát ngang dòng chảy bên này là gộp đá mồ côi, bờ bên kia là điểm uốn yên ngựa của hẻm núi. Leo lên mảng, Chính bảo:
     - Mình đánh dấu chứ, sư phụ?
     - Đánh dấu rồi anh Chính.
Quân nói cách đánh dấu của mình cho Chính nghe.
     - Dân đặc công có khác!
Quân lại thả sào chống ngược lên cho Chính thu dây rà, phải ba, bốn lần mới được.
     - Biết thế trước khi lên mảng tháo mấu rà ở dưới luôn. Hôm sau lấy thuyền chèo cho khỏe.
     Cả ngày hôm ấy, xuống đến "đại bản doanh" - nhà bè ông Tám Cá, Quân và Chính đã rà được mười hai gốc cây. Chừng năm, sáu cây số, mới dọc một bờ mà đã như thế thì suốt con sông Gâm này là sẽ bao nhiêu, chưa kể các con suối lớn?
     Sáng nay, nghe Chính kể, ông Tám Cá nói:
     - Người ta trên cạn chưa thấy hết tiềm năng, còn "sư phụ" con nhìn thấy cả dưới nước! Đúng là kỳ tài.
Quân đỏ mặt:
     -Sư phụ cứ nói quá, chẳng qua cũng là tình cờ thôi. Cái hôm thả lưới mắc gốc cây con mới nảy ra ý nghĩ ấy. Với lại trước khi con ra đây con đã thấy ở Thái Hòa người ta cũng đã đào gốc cây lim, cây lát làm làm bàn ghế rồi. Hôm ở nhà trọ Tường Vi con thấy bức tượng thần tài trên bàn lễ tân, tưởng bằng đá, cầm lên mới biết không phải, hỏi mới biết là gỗ lũa.
     - Việc đưa gỗ lũa dưới sông lên như thế nào sư phụ chưa nghĩ ra, con bảo thằng Thuộc mua cáp lụa càng dài càng tốt là sao?
     - Con nghĩ gỗ lũa nằm dưới sông không trôi được phần vì nặng, phần vì một số rễ ngập sâu trong đất đá dưới lòng sông nên phải dùng cáp lụa để kéo.
     - Con tính dùng như cách thằng Cường Gấu à?
     - Cái đó chỉ để kéo thân gỗ thôi chứ gốc cây con nghĩ không kéo nổi. Phải dùng sức máy, cái này phải sư phụ ra tay thì mới thành công.
     - Con nói rõ hơn đi xem nào?
     - Con muốn sư phụ mua một cái máy nổ, mua một cái tời máy nhưng phải cải tiến lại, một cái ba - lăng.
     - Ý con là dùng tời để trục gỗ lên?
     - Dạ, phải tùy theo gốc to hay nhỏ. Con muốn sư phụ nói với anh Thuộc khi tàu xuôi thì giật hộ, kéo được thì kéo về bến luôn. Từ lòng sông lên bãi ta dùng tời, ba - lăng.
Chính nói xen vào:
     - Con chưa nghĩ là làm cách nào đưa gỗ lên bờ chứ nói chi đến tính toán cẩn thận, chi li như sư phụ!
     - Để sư phụ nói Man Hoa rút tiền, cần mua sắm cái gì con cứ sắm. Việc sư phụ nói với con mở xưởng mộc trên này hay dưới thị xã, con tính sao?
     - Dạ, cũng từ việc mở xưởng mộc của sư phụ mà con mới nghĩ kết hợp khai thác gỗ lũa. Con tính nếu tận dụng bìa gỗ người ta bỏ đi, gỗ lũa nữa chắc chắn thành công. Nhưng để thật sự phát triển cũng phải cần đến mười lăm, hai mươi thợ giỏi. Trước mắt ta làm trên này cho gần nguồn nguyên liệu đã, dưới đó tính sau.
     - Không biết anh em thằng Ngọc khi nào lên nữa. Mới mấy bữa mà sư phụ nhớ tụi nó quá. Con về dự đám cưới Việt Thảo bao lâu? Nói trước để thằng Thuộc đặt vé. Có phải cái con bé hồi xưa bị mấy thằng cầu đường sàm sỡ không?
     - Dạ không, Việt Thảo là cô em.
Ông Tám Cá trầm ngâm:
     - Mới đó cũng năm, sáu năm rồi. Để sư phụ bảo Man Hoa chuẩn bị quà, con mang về hộ.
     - Dạ thôi, sư phụ có quen cô ấy đâu?
     - Con nói không phải rồi. Ta là sư phụ của con, lẽ nào người con thương mến ta lại không có quà. Mà thằng Quân về, thằng Chính tính sao?
Chính cười hì hì:
     - Dạ, sư phụ con đi đâu con đi đấy.
Vừa lúc đó Man Hoa xuất hiện.
     - Mời cha và hai anh lên trại ăn cơm!
     Man Hoa xới cơm cho ba người. Bữa cơm có canh măng đắng, cá kho ớt.
     - Con sợ cha và hai anh đói nên nấu qua quýt thôi.
Chính cười:
     - Man Hoa không biết thôi chứ ở nhà tôi, nhà sư phụ bình thường chỉ nấu bát canh rau ăn với cà muối chứ có đâu cá thịt như ở đây. Mà sao Man Hoa không ăn?
     - Dạ, lúc nãy nấu cơm, đói bụng quá, xôi lúc sáng còn nên em ăn trước rồi.
     Man hoa xuống nhà bè, sóng vỗ vào cuốn phao tre óc ách cô cũng không để ý. Dòng sông lấp lóa nắng. Nắng nhảy trên sóng. Xa xa bờ bên kia một cặp vợ chồng vạn chài đang đánh cá. Chị vợ chèo ngược nước, anh chồng quăng chài. Cái chài xòe tròn như cái lá sen lớn chụp xuống sóng nước lấp lóa. Người ta thật hạnh phúc. Mấy ngày nữa thôi là anh Quân cũng như đôi vợ chồng kia. Tiếng cha như vẫn vang vọng, rành rọt: "...Ta là sư phụ của con, lẽ nào người con thương mến ta lại không có quà. . ." Chỉ vậy thôi tai cô đã ù đặc. . .Cả tháng nay Man Hoa sống như người mộng du. . . Cũng vị trí này nhìn ra sông, hình ảnh, lời nói của Quân, cô không thể quên được: "...Chị ấy đẹp lắm phải không anh? - À, ...ừ, cũng đẹp. - Bao giờ cưới, anh? - Tháng sau. . ." Mà sao khi nói về người mình yêu, người mình sắp cưới mà Quân chẳng mấy xúc động? Hay đàn ông có bản lĩnh là như vậy? Nhưng thế sao anh không về sớm để chuẩn bị đám cưới, kể cũng lạ. . .Thôi, thế là hết, chỉ vấn vương trong cái nhìn, suy nghĩ thôi mà sao khổ thế. Thành vợ thành chồng mà phải chia ly còn khổ đến đâu nữa. Từ chuyện mình Man Hoa nghĩ lại càng thương mẹ. Có đêm tưởng Man Hoa ngủ say, mẹ ôm chặt, hôn nhẹ lên má cô mà nước mắt nhỏ xuống ướt gối, ướt cả tóc. Có lẽ mẹ thương cha lắm. . .Biết tặng anh Quân cái món quà cưới gì đây? Thôi phải rồi, cái gối đôi. Cái gối đôi phía trên, góc trái thêu đôi chim câu; phía dưới, góc phải thêu hoa hồng, vắt ngang giữa gối là dòng chữ: "Trọn tình yêu thương" màu trắng - cùng màu mặt gối nên nhìn thoáng qua sẽ không thấy. Man Hoa làm cái gối này khi Quân lên đây hơn tháng. Cô làm trong tâm trạng vui vẻ pha chút  hồi hộp. Nhưng khi nghe Quân nói tháng sau cưới Việt Thảo, cô bỏ không làm nữa. Trong thâm tâm cô nghĩ mình làm cho mình và. . .Man Hoa cố không nghĩ tiếp nữa mà hình ảnh Quân cứ sừng sững như chắn lối đi của cô, tránh thế nào cũng không được. Lại như bao lần, Man Hoa nói với mình như đọc thần chú: "Man Hoa, mày có còn tự trọng nữa không đấy, có còn lòng kiêu hãnh dòng dõi chúa Bầu không đấy". Thế rồi cô quả quyết đứng dậy lên trại để làm cho xong cái vỏ áo gối còn bỏ dở. . .
     - Sư phụ tính sao, anh Ngọc cùng hai đứa nó không lên mình có về không?
     - Ngày mai anh Thuộc xuôi xuống nhờ đặt vé, ngày kia về chứ không kịp.
     Man Hoa thở dài. Lúc này cô mới có cảm giác nhà bè bập bênh vì sóng, vì bước chân của Chính, của Quân. Cầm cái nón, tính lên trại, Chính nói:
     - Man Hoa cứ ở dưới này chơi, bát đũa rửa cả rồi, chú Tám cũng đang xuống.
     - Thôi em lên trại có tí việc. Với lại có em các anh nói chuyện không tự nhiên.
Man Hoa chưa bước khỏi cầu dẫn đã nghe tiếng ông Tám Cá:
     - Con đi đâu? Xuống cha nói chuyện.
Ông Tám Cá xách một chiếc bao tải đựng lưới, con Mực chạy theo sau. Man Hoa nạt:
     - Mực, về trông nhà!
Con chó ngần ngừ một chút rồi cụp mặt xuống uể oải đi ngược lên. Đặt bao lưới xuống sàn, ông Tám cá hỏi:
     - Số tiền tiết kiệm của cha còn được bao nhiêu?
     - Dạ, sao lại còn được bao nhiêu? Man Hoa hỏi lại.
     - Thì trừ chi tiêu ra còn lại bao nhiêu gửi tiết kiệm?
     - Còn nguyên, có chi tiêu gì đâu cha.
     - Thế con lấy tiền đâu mà đóng góp họ mạc, tiền góp quỹ hỗ trợ thương binh liệt sĩ?
     - Cha không tính tiền bán cá sao, tiền lương con sao? Riêng tiền bán cá hàng ngày của cha con còn gửi tiết kiệm nữa kia. Bốn đám ruộng người ta mướn con cũng chưa lấy kg thóc nào. . .
     - Thôi được rồi, con cứ rút hết đưa cho anh Quân mua máy móc, nếu không đủ thì rút tiếp sổ mẹ con để lại.
Quân nói:
     - Thế này sư phụ ạ, nhân tiện chuyến về này con khảo giá ở Hà Nội luôn. Còn sư phụ nhờ mấy chú, mấy bác trong Hội hưu trí tìm hộ, nơi nào rẻ ta mua.
     - Sư phụ tin con, để thời gian sư phụ làm việc khác. Lấn bấn quá, hơn tháng nay chưa sang thăm già Bân được, ba, bốn lần nhận lời nhắn rồi.
Quân giãy nảy:
     - Không được đâu, chuyện lớn như vậy mà sư phụ cứ như đùa. Sư phụ không trực tiếp quyết định con không làm đâu.
     - Cái thằng này sao hư thế? Giao cho con là giao trách nhiệm. Sư phụ già rồi, vừa làm vừa chơi thôi. Con muốn sư phụ vất vả à?
     - Dạ, con không muốn thế nhưng số tiền bỏ ra lớn quá.
     - Lớn à, mới như vậy mà lớn là con làm sư phụ thất vọng đấy. Con cứ thấy số tiền như thế đã lớn thì xem ra chí làm giàu của con nhỏ bé quá.
     Khích tướng nhưng lại sợ chạm lòng tự ái của Quân, ông đặt tay lên vai Quân, nhỏ nhẹ:
     - Không có cha con thì giờ đây làm gì có sư phụ ngày ngày hưởng phúc, muốn làm gì thì làm. Man Hoa bơ vơ còn đâu chỗ dựa? Tình cảm là lớn con à. Tiền bạc là vật ngoài thân. Con hãy coi sư phụ như anh Tính đi. Đừng làm sư phụ buồn.
Quân ấp úng:
     - Con cũng nghĩ đồng tiền chỉ là phương tiện thôi, nhưng người đời đâu có nghĩ thế. Con nói thật, bọn con chỉ sợ người ta nói lợi dụng lòng tốt của sư phụ.
     - Con cũng nghĩ thế chú Tám à.
 Chính hùa theo.
     - Các anh cũng thật là, tiền làm ra được, mua được nhiều thứ nhưng không mua được tình cảm. Bác Tính hy sinh để cha em và đồng đội sống, thử hỏi như thế giá nào bằng?
Quân đáp:
     - Đã chiến tranh thì kẻ mất, người còn em ạ, nó là quy luật bất thường của cuộc sống. Anh không muốn bấu víu vào sự mất mát của gia đình trong cái mất mát chung của dân tộc để đòi hỏi. Chú Tám còn mảnh đạn trong người đó thôi. Mấy hôm trở trời, chú không ngủ được chắc em cũng biết.
     - Thôi, được rồi, chưa làm mà cứ nói mãi. Chốt lại thế này, sư phụ bỏ vốn, làm ông chủ, trả lương cho mấy đứa bây rồi trả lương cho sư phụ luôn. Khi nào lương sư phụ bằng số tiền bỏ ra thì coi như mọi thứ là của chung. Được chưa. Thôi, khi nào đám thằng Ngọc lên bàn tiếp. Giờ ba chú cháu mình đi đánh cá, còn Man Hoa chuẩn bị ít quà cho bác Tính gái, mua cái gì đấy được được làm quà cưới Việt Thảo nữa nhé.
     - Việt Thảo là ai, cha?
Man Hoa giả bộ như không biết chuyện gì.
     - Thì bạn thằng Quân chứ ai. Chon quà cho xứng đáng một chút.
     Chính chống mũi, Quân chèo lái. Ông Tám Cá ngồi giữa vừa tháo lưới vừa ung dung châm lửa hút thuốc. Man Hoa lên trại lấy cái gối ra thêu. Cha nói "chọn quà cho xứng đáng một chút" là xứng đáng với anh Quân hay xứng đáng với cha, cha ơi. . .


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét