Một hôm, cao
hứng, Tùy vương hỏi Thái sư:
- Trẫm nghe khanh nói muốn tiến cử một người thay khanh, người đó so với
khanh thì được mấy phần?
- Tâu bệ hạ, phải nói thần được mấy phần như người ấy mới đúng!
- Thế thì khanh hãy chỉ ra những cái người ấy hơn khanh cho trẫm nghe.
- Tâu bệ hạ, về tuổi tác thần đã
ngoại thập niên, sao dám chắc tất cả những
điều nói ra là nhớ. Người ấy mới ba mươi, cái độ tuổi đang lên của sự chín chắn
và tài năng. Thứ hai, thần nói sai đúng mấy ai dám cãi vì sợ chức tước, quyền
hành của thần, còn người ấy nói sai thì không biết chuyện gì xảy ra với bản
thân.
- Kẻ thay thế khanh mới ba mươi tuổi, chưa có công lao, chức tước gì mà
đem thay khanh, còn trẫm cũng đã năm mươi rồi há để thiên hạ chê cười sao?
Thái sư quì xuống:
- Muôn tâu bệ hạ, người ta nói: “hậu sanh khả úy”, thần muốn người giúp
bệ hạ phải là người năng động chứ thủ cựu như thần thì đất nước ngày một lạc hậu
thôi.
Tùy vương không tin lắm, bảo với Thái
sư:
- Khanh đưa danh sách các quan
trong triều từ tứ phẩm trở lên để người ấy sắp xếp một bữa tiệc sao cho bất cứ
ai cũng hài lòng. Trẫm xem tài giỏi đến đâu.
Thái sư lĩnh chỉ lui ra. Ông nghĩ đề bài quá khó. Lộc vua thể hiện sự tín nhiệm, đánh giá
và tình cảm đối với quần thần. Với ông, thì không được rồi, còn người ông tiến
cử không biết ứng phó sao đây?
Đêm rằm hôm ấy, hoa viên sáng rực đèn. Quan viên ngạc nhiên khi bàn tiệc
vua ban được xếp theo hình búp măng mà đỉnh là bàn của vua. Quan văn ngồi cùng quan võ, đèn lồng bàn quan văn, đèn nến bàn
quan võ. Thức ăn trên bàn nhiều ít khác nhau, chỉ giống nhau là có hai cái bát, hai đôi đũa và
cái biển nhỏ ghi tên và tước hiệu mỗi người.
Bàn của Thái sư chỉ có một dĩa trái
cây và một bình rượu.
Mọi người ngồi vào bàn, Tùy Vương hỏi quần thần:
- Các khanh có hài lòng với cách sắp xếp bàn tiệc hôm nay không?
Một viên quan tam phẩm làm việc ở bộ
Lễ đứng lên:
- Muôn tâu bệ hạ, bàn tiệc sắp xếp không theo qui cũ gì cả.
- Thế có nghĩa là khanh không hài lòng?
- Muôn tâu bệ hạ, thần nghĩ như vậy.
Tùy vương quay sang hỏi Thái sư:
- Khanh hãy giải thích việc này đi.
Thái sư vẫy tay ra hiệu cho Giã Cổ -
chàng nho sinh mà ông có ý tiến cử thay mình. Giã Cổ bước ra, quì xuống hành lễ
Tùy vương, xin phép được nói. Tùy vương ra hiệu cho Giã Cổ đứng lên.
- Muôn tâu bệ hạ, được sự cho phép của Thái sư, việc bày bàn tiệc hôm
nay do thường dân đảm nhiệm, có gì chưa hài lòng xin quí đại quan vui lòng chỉ
giáo.
Vẫn viên quan tam phẩm bộ Lễ:
- Ngươi xem, bày bàn tiệc không có qui cũ gì cả, ngươi nói sao về chuyện
này?
- Thưa đại nhân, qui cũ do con
người đặt ra. Quen với cái cũ bao giờ cũng bỡ ngỡ với cái mới. Thường dân sắp
bàn tiệc thế này là để bệ hạ nhìn rõ mặt mọi người, và ngược lại, mọi người đều
diện kiến được bệ hạ. Kiểu sắp trước đây quan tam phẩm chỉ nhìn thấy gáy của
quan nhị phẩm mà thôi. Hơn nữa, bày bàn tiệc kiểu này thể hiện tất cả đều hướng
về bệ hạ, và ví như bệ hạ là mặt trời thì ánh sáng lan tỏa ngày một rộng. Thường
dân nói vậy đại nhân xem xét có đúng hay không? Nếu đúng chắc đại nhân hài lòng
chứ ạ?
Tùy vương gật gù, Thái sư thở phào, mỉm cười với tài biện luận của Giã Cổ.
Một viên quan võ hàm nhị phẩm đứng lên.
- Bàn tiệc của tôi nhiều thức ăn, bàn tiệc của An Quốc công lại thiếu
vài món, vậy là ý làm sao?
Giã Cổ cười, hỏi lại:
- Thưa đại nhân, thân thể đại nhân và An Quốc công ai cao lớn hơn? Thường
dân biết đại nhân cử đỉnh không sao nhưng An Quốc công chỉ xách vò rượu cũng đã
mệt rồi. Do đó, thức ăn trên bàn tiệc đảm bảo vừa no với mọi người, nếu ăn thừa
là có tội với dân chúng. Thường dân nghĩ thế, ngài hài lòng chứ?
An Quốc công cười:
- Ta hài lòng với biện luận của ngươi, nhưng bàn tiệc của Thùy Minh hầu
không có món cua bể, rồi Thái sư chỉ uống rượu trong khi mọi người ăn tiệc ư?
Giã Cổ chắp tay trước ngực, nói với
An Quốc công:
- Thưa đại nhân, hưởng lộc vua ban còn gì vui sướng bằng. Bệ hạ muốn quần
thần vui nhưng phải giữ gìn được sức khỏe. Thùy Minh hầu bị bệnh thống phong
nên thường dân không cho sắp món cua bể, còn bàn tiệc của Thái sư chỉ có rượu
và trái cây là do Thái sư truyền vậy.
Thái sư giật mình, ông có nói vậy bao
giờ đâu, ông bảo:
- Giã Cổ, hãy nói ý của ta cho mọi người biết!
Giã Cổ vẫn chắp hai tay, quay về phía
Tùy vương:
- Muôn tâu bệ hạ, kính thưa các đại
thần, Thái sư bảo người rất quan tâm đến mọi người. Mỗi người có sở thích ẩm thực
khác nhau, tâm sự về việc nước khác nhau nên muốn cùng chia sẻ. Bởi vậy, trên
bàn tiệc mỗi người có hai cái bát, hai đôi đũa.
Tùy vương nâng ly rượu, cười khà khà:
- Trẫm mời các ái khanh một ly, từ từ tranh luận, hãy ăn khi thức ăn còn
nóng.
- Đa tạ bệ hạ. chúng thần kính chúc bệ hạ thọ tỷ Nam Sơn.
Về chuyện sắp xếp bàn tiệc và thức ăn không ai hỏi nữa, nhưng việc sắp xếp
quan văn ngồi cùng quan võ, đèn bàn không giống nhau, nên vẫn là viên quan tam
phẩm bộ Lễ đứng lên hạch:
- Quan văn ngồi cạnh quan võ, đèn bàn khác nhau đó là ý gì?
- Thưa đại nhân, thường dân nghĩ
đã phò tá bệ hạ thì văn võ đều quan trọng như nhau. Võ cần có văn, văn cần có
võ như thế mới bền vững. Còn đèn bàn khác nhau tượng trưng cho đặc trưng của
văn, võ. Võ mạnh mẽ, can trường nơi trận mạc nên biểu tượng bằng đèn nến.
- Thế ra văn quan yếu đuối cần được che chở sao?
- Thưa đại nhân, võ cứng văn mềm.
Đại nhân nghĩ lại xem trong triều lâu nay có văn quan nào tâu trình bệ hạ mà
nói thẳng đâu, chỉ nói bằng so sánh xưa nay, điển cố, điển tích…nghĩ mười chỉ
nói sáu bảy phần thôi.
Tùy vương ban cho giã Cổ một ly rượu, Giã Cổ hành lễ, Tùy vương hỏi:
- Vậy theo khanh, Thái sư của ta là quan văn hay quan võ?
- Muôn tâu bệ hạ, Thái sư là người văn võ song toàn.
- Thế nhưng Thái sư xuất thân từ quan văn đấy thôi.
- Muôn tâu bệ hạ, tuy xuất thân từ
quan văn nhưng Thái sư đã xây dựng kế hoạch phạt Đột Quyết, đánh Nam triều Trần
đó thôi.
Tùy vương ban cho Giã Cổ một cái quạt lông chim hạc, nói với quần thần:
- Thái sư muốn tiến cử Giã Cổ
thay mình, trẫm muốn nhân bữa tiệc này mời các quan khảo hạch.
Thượng thư bộ Lễ hỏi:
- “Tôi trung không thờ hai chúa”, ông có được như lời đó không?
Giã Cổ đứng lên:
- Thưa đại nhân, có thể được và có thể không được.
- Không được sao đứng đây biện luận,
ngươi không sợ mất đầu sao? Vệ úy Chỉ huy sứ nạt.
Giã Cổ nét mặt không thay đổi, từ tốn
nói:
- Muôn tâu bệ hạ, kính thưa hai đại nhân, thường dân nói có thể được và
có thể không được là chính trực tâm ý mình. Vua sáng thì thờ, chúa bạo thì bỏ.
Sống chết có mệnh, can gì phải ưu tư.
Thái sư gật gù, Giã Cổ có tài biện luận, dùng từ ‘chúa” thay “vua” để
nói về phía nghịch, quả con người mẫn tiệp. Vả lại Tùy vương từng phế đã phế
ngôi người ta đó sao.
Thượng thư bộ Lại hỏi:
- Nếu ở cương vị ta, ông sẽ làm việc gì đầu tiên?
- Thưa đại nhân, thường dân lập kế
hoạch tâu trình bệ hạ sắp xếp quan lại trong triều cũng như ở châu, huyện.
Một viên quan hàm tứ phẩm bộ Hình hỏi:
- Dựa vào đâu mà ngươi dám nói
như vậy? Hóa ra lâu nay phẩm trật triều đình ta được ban thưởng tầm bậy ư?
Giã Cổ nghiêm nghị:
- Kính thưa đại nhân, thánh nhân có việc còn sai huống chi con người. Biết
sai mà cứ để sai hậu quả càng thêm nặng. Biết sai mà sửa việc gì cũng ổn. Có thể
phẩm trật của bộ Lại ban lúc đầu thì đúng nhưng sau một thời gian không còn
đúng nữa. Năng lực con người phát triển theo thời gian. Có người chăm chỉ, tự học
mà vượt xa cái công việc được giao. Trái lại, có kẻ tự mãn với bản thân mình
nên công việc ngày càng trì trệ, nhưng đối với loại người ấy lại thường huyễn
hoặc mình, muốn ngoi lên vị trí cao hơn nên dùng thủ đoạn không kể gì liêm sỉ.
Thường dân ví dụ, một người sức mang được chục cân mà giao cho ông ta mang mười
một cân thế nào ông ta chẳng kéo lê, kéo lết, cũng về đích thôi nhưng trì trệ
vô cùng. Còn có người mang được mười cân mà chỉ giao cho ông ta mang năm cân
thì quả là lãng phí nhân tài.
Viên quan tứ phẩm bộ Hình tiếp tục:
- Ông căn cứ vào đâu để biết được năng lực người khác? Cứ như bản quan
đây, ông đánh giá thế nào?
Giã Cổ cười:
- Thưa đại nhân, năng lực con người thể hiện qua công việc, qua các mối
quan hệ của người ấy. Đại nhân muốn hỏi tôi vì sao biết được ư? Cần thu thập,
ghi nhớ và phân loại thông tin, thứ nữa, cần phán đoán trên cơ sở nhân tướng học.
Đối với đại nhân, thường dân nghĩ đại nhân là người chăm chỉ, chỉ lo răm rắp
tuân mệnh lệnh cấp trên, cố giữ cho mình tròn trịa. Luận về đóng góp thì thường
dân không biết nói sao, bởi từ khi bước vào nơi nghị sự quan trường đại nhân
chưa hề có ý kiến, chỉ nhìn xem bên nào đông hơn, mạnh hơn thì đứng sang phía ấy
thôi mà.
Tùy vương hỏi:
- Vậy theo khanh, khiếm khuyết của bộ Lại ở điểm nào cần sửa đổi nhất?
Giã Cổ đặt quạt xuống bàn, chắp tay
trả lời:
- Muôn tâu bệ hạ, tài năng không
chịu sự qui định của vùng đất và thành phần xuất thân. Do đó, thường dân thấy
việc dùng người hiện tại chưa phát huy hết tài năng, chưa chặt đứt hết mầm loạn.
Thượng thư bộ Hình hỏi:
- Sao chưa phát huy hết tài năng, chưa chặt đứt hết mầm loạn?
- Kính thưa đại nhân, giá như theo việc tiến cử lâu nay, đại nhân nhìn
xem mấy ai là ngoại tộc của quan lại? Chính vì gia tộc, địa phương mà ỉ lại, dựa
dẫm nhau, làm sai thì bao che, tội nặng thành nhẹ, đó chính là mầm loạn. Nhân
tài trong thiên hạ không thiếu nhưng không được tin dùng vì không có người tiến
cử. Giá như dùng chế độ thi cử để bổ nhiệm quan lại thì tốt biết bao.
Thượng thư bộ Công đứng dậy, vuốt
râu:
- Hậu sanh khả úy. Theo ông, để phát triển đất nước, về kinh tế, việc gì
nên làm trước?
- Kính thưa đại nhân, theo ý thường dân thì phải phát triển giao thông
thủy, bộ. Giao thông thuận lợi, giao thương tất phát triển, kích thích sản xuất
mọi ngành nghề. Về mặt quản lý của triều đình đối với các châu, huyện thông suốt
hơn.
Tùy vương lại ban cho Giã Cổ một ly rượu, cười hỏi;
- Nếu ta đồng ý để khanh thay việc Thái sư, khanh nghĩ sao?
- Muôn tâu bệ hạ, thường dân chưa
bước chân vào chốn quan trường nên chưa hiểu hết mặt trái. Giữa hiểu biết và thực
hành cái hiểu biết ấy là một khoảng cách. Thế nên, bệ hạ chiếu cố thường dân
thì hãy để thường dân làm phụ tá dăm năm trước đã.
Trăng lên cao, tiệc tàn. Quan viên về phủ. Tùy vương lưu Thái sư ở lại uống
thêm vài ly nữa.
- Đêm nay nghe Giã Cổ biện luận
trẫm nghĩ chẳng kém gì Gia Cát Lượng du thuyết Đông Ngô khi xưa. Thái sư quả có
con mắt tinh đời. Trẫm từ nay có thể kê cao gối mà ngủ rồi.
Ánh trăng lúc này bàng bạc, một cơn gió nổi lên, đèn lồng tắt hết, đèn nến
chỉ chao qua rồi sáng trở lại. Tùy vương cảm thấy ớn lạnh, hơi mệt nên chia tay
Thái sư về thư phòng nghỉ. Vừa chợp mắt, Tùy vương thấy một người mặt đẹp như
ngọc, tay cầm quạt lông, ung dung đi vào, đứng đầu gường, chắp tay nói:
- Muôn tâu bệ hạ, thần với bệ hạ
có duyên nhưng không chung nghiệp. Ngày mai, sẽ có người mang đến cho bệ hạ một
bức tâm thư.
Người ấy bái biệt Tùy vương, phe phẩy quạt lông, nhẹ nhàng đi ra. Khi
người ấy khuất sau cánh cửa Tùy vương mới nhận ra đó là Giã Cổ.
Sáng, Tùy vương vừa thức dậy thì thấy Thái sư đứng ngoài cửa, nước mắt đầm
đìa.
- Muôn tâu bệ hạ, trên đường về nhà Giã Cổ bị sát hại rồi ạ.
Tùy vương giật mình kinh hãi, không cầm
được nước mắt, thở dài:
- Chính ta và Thái sư giết Giã Cổ!
Vừa lúc ấy, người nhà Giã Cổ xin gặp Tùy vương, trao cho nhà vua một bức
thư. Đọc xong, Tùy vương ngửa mặt lên trời than:
- Tài hoa đoản mệnh. Giã Cổ là thầy của ta!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét