Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

LIẾN LÁU TRONG CÁCH DÙNG CHỮ



     Thói thường, con người ta đã khen thì khen hết lời. Những  bài thơ, bài văn khi đã được xem là chuẩn mực dần dần trở thành điển cố. Nó là tấm gương soi, là ngọc sáng không tì vết. Đối với văn học nước ngoài, tâm lý tôn sùng  càng lớn. Những suy nghĩ được mặc định như vậy đóng khung nhận thức, dẫn đến thụ động, kém sáng tạo.
    
     Học người để hiểu mình chứ không phải học người để đánh mất mình. Nhận thức được điều này, Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa trong một lần đàm đạo văn chương với các đại thần, ông nói:
     - Thơ Đường hay nhưng không phải bài nào cũng hay. Có bài được xem là minh triết nhưng thật ra dở tệ.
     Các quan đòi minh chứng, ông đọc mấy câu thơ nói về cái thú của đời người:
          Cửu hạn phùng cam vũ
          Tha hương ngộ cố tri
          Động phòng hoa chúc dạ
          Kim bảng quải danh thì.
Nghĩa là:
          Nắng hạn gặp mưa rào
          Xa quê gặp bạn cũ
          Đêm động phòng hoa chúc
          Bảng vàng ghi đỗ đạt.
     Các quan chờ ông giải thích, ông nói:
     - Như vậy có cái gì là thú, phải thêm mỗi câu hai chữ nữa mới gọi là thú:
          Thập niên cửu hạn phùng cam vũ
          Thiên lý tha hương ngộ cố tri
          Hòa thượng động phòng hoa chúc dạ
          Nột nho kim bảng quải danh thì.
Nghĩa là:
          Mười năm nắng hạn gặp mưa rào
          Ngàn dặm xa quê gặp bạn cũ
          Hòa thượng đêm động phòng hoa chúc
          Học dốt bảng vàng ghi đỗ đạt.
     Mọi người cười ồ, phục tài liến láu dùng chữ của Thủ khoa Nghĩa. Ông lại nói:
     - Nếu muốn gọi là khổ thì đổi lại, thế này nhé:
          Diêm điền cửu hạn phùng cam vũ
          Đào tẩu tha hương ngộ cố tri
          Yếm hoạn động phòng hoa chúc dạ
          Cừu nhân kim bảng quải danh thì.
Nghĩa là:
          Ruộng muối nắng hạn gặp mưa rào
          Trốn nợ xa quê gặp người quen
Bị thiến đêm động phòng hoa chúc
          Kẻ thù bảng vàng ghi đỗ đạt.
  
  Không ít viên quan lắc đầu, lè lưỡi. Nhân chuyện liến láu dùng chữ, có vị đại thần kể chuyện Cao Bá Quát.
     Bức bình phong trước điện Cần chánh có ghi câu đối, mọi người xem là chuẩn mực đạo quân thân:
          Tử năng thừa nghiệp phụ
          Thần khả báo quân ân
Nghĩa là:
          Con phải nối nghiệp cha
          Thần phải báo ơn vua
     Một hôm, bức bình phong xuất hiện dòng chữ, ai cũng nhận ra là của Cao tiên sinh:
“Tốt hảo tốt hảo cương thường điên đảo”.
     Chuyện tới tai vua Tự Đức, vua triệu họ Cao vào bắt giải thích. Cao tiên sinh ung dung trả lời:
     - Muôn tâu bệ hạ, con đứng trước cha, thần đứng trước vua há không phải cương thường điên đảo sao?
Nhà vua đòi Cao tiên sinh sửa, ông sửa không cần thêm bớt một chữ:
          Quân ân, thần khả báo
          Phụ nghiệp, tử năng thừa
     Thấy có lý, không bắt bẻ được, nhà vua cho xóa câu đối trên bức bình phong ấy.

      Tài năng về học vấn như Bùi Hữu Nghĩa, Cao Bá  Quát thời nào cũng có, nhưng liến láu trong cách dùng chữ quả thực là hiếm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét