Sau khi đọc tập truyện
ngắn đầu tay “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân, nhà văn Thạch Lam đã khẳng định:
“Nguyễn Tuân là nhà văn có tài năng đặc biệt, một nghệ sĩ có lương tâm, ở đó
chúng ta đặt những hi vọng tốt đẹp nhất về sự nghiệp”.
Thach Lam quả là có con
mắt tinh đời. Nguyễn Tuân đã đóng góp lớn cho xã hội trên hai bình diện: nhân
cách cao đẹp của con người và những tác phẩm văn học tuyệt bích, chuẩn mực.
Chúng ta tiếc vì vốn sống của Nguyễn Tuân dày, tài hoa nhưng ông viết ít, và tiếc
hơn là những trang viết của ông góp mặt
trong chương trình giảng dạy bậc Trung học phổ thông không nhiều.
Chỉ một đoạn trích “Người
lái đò Sông Đà” trong chương trình Ngữ văn 12, chưa đầy 7 trang in khổ 17x24
cm, lượng thông tin rất lớn về lịch sử, địa lý, văn hóa dòng sông chảy trong mạch
cảm xúc yêu thương nồng thắm, được thể hiện dưới ngòi bút tinh tế, tài hoa của
Nguyễn. Bài viết này chỉ khảo sát biện pháp nghệ thuật so sánh, qua đó nhằm giúp các em học sinh nhận thức sâu hơn về một "tài năng đặc biệt" .
Trong đoạn trích, tác
giả viết 22 câu có sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh. Câu dài nhất có 45 chữ,
câu ngắn nhất có 9 chữ. Phân bố câu so sánh trong những trang viết tùy theo việc
chuyển tải nội dung, nhưng nhìn chung khá cân đối. Hình ảnh “con Sông Đà hung tợn”
có 13 câu so sánh; “con Sông Đà trữ tình” có 7 câu. Tỉ lệ hai câu liên tiếp có
sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh trở lên chiếm gần 1/3 số câu so sánh
(7/22).
Đọc văn Nguyễn Tuân,
chúng ta thấy luôn tươi mới. Chỉ 22 câu dùng biện pháp nghệ thuật so sánh nhưng
có tới 10 cách so sánh khác nhau, một tỉ lệ rất cao, rất khó đạt được nếu người
viết không dày vốn sống và tâm hồn luôn trong sáng, tinh tế, nhạy cảm. Đây là một
trong những điểm mạnh tôn lên phong cách độc đáo.
“Ngồi trong khoang đò
qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đang đứng ở hè một
cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa
tắt phụt đèn điện”. Tác giả sử dụng biện pháp so sánh bằng miêu tả sự vật
ít tương đồng, giữa hình ảnh nhà cao tầng, tắt phụt đèn điện với những
vách đá dựng đứng của “yết hầu” Sông Đà, nơi có lần con nai, con hổ nhảy qua.
Cũng có câu văn, mới đọc
qua không thấy tác giả dùng biện pháp so sánh, nhưng kỳ thực đây là câu so
sánh ẩn ý rất đắt, làm tiền đề cho đoạn văn sau. Hình ảnh “cánh quạ
đàn” biểu trưng cho cái chết đang rình rập: “Trên mặt cái hút xoáy tít đáy,
cũng đang lừ lừ những cánh quạ đàn”.
Để miêu tả tiếng thác
nước giữa núi rừng thâm u, Nguyễn Tuân rất tài tình dùng các cung bậc cảm xúc của con người:
“Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như
là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo”. Độc đáo hơn, tác giả dùng hình ảnh
đối lập, lấy âm thanh của lửa để miêu tả tiếng gầm gào của nước: “ Thế
rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng
tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cũng gầm thét với đàn trâu da
cháy bùng bùng”. Và ở một đoạn khác, hình ảnh ngọn sóng – ngọn lửa được miêu tả
rất bất ngờ, tinh tế: “Mặt sông trong tích tắc lòa sáng lên như một cửa bể đom
đóm rừng ùa xuống mà châm lửa vào đầu sóng”.
Miêu tả hình ảnh người
lái đò vượt qua sóng thác, Nguyễn Tuân so sánh bằng các thế dánh của võ thuật: “Sóng
nước như thể quân liều mạng vào sát nách mà đá, mà thúc gối vào bụng và hông
thuyền”; “Nước bám lấy thuyền như đô vật túm thắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình
ra giữa trận nước vang trời thanh la não bạt”.
Người đọc cảm nhận rõ
hơn sự nguy hiểm khi Nguyễn Tuân dùng nhiều động từ liên tiếp để so sánh:
“Nhưng ông đò cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái, mặt méo bệch
đi như cái luồng sóng đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm vào chỗ hiểm”
Cách viết của Nguyễn
Tuân hiện đại, giàu sáng tạo nhưng cũng có đoạn ông trích dẫn người xưa hay dùng cách nói dân gian trong so sánh: “Cưỡi
lên thác Sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ”.
Khi miêu tả “con Sông
Đà trữ tình”, cách so sánh của Nguyễn đậm nét tài hoa, tinh tế, giàu vốn sống, hiểu biết
sâu sắc: “Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu
tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai
và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”, hay: “Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ
chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người
bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về”.
Bằng sự chiêm
nghiệm tâm lý con người, Nguyễn Tuân có cách so sánh thú vị miêu tả vẻ
đẹp của dòng sông: “Chao ôi, trông con sông như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm,
vui như nối lại chiêm bao đứt quãng”.
Hình ảnh con Sông Đà
tĩnh lặng, thơ mộng, nuôi dưỡng tâm hồn lãng mạn của người đọc được tác giả so
sánh bằng mối liên hệ độc đáo với lịch sử, với cội nguồn bản
sắc văn hóa dân tộc: “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn
nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”.
Đọc văn Nguyễn Tuân chậm
rãi, nghiền ngẫm mới thấy hết được cái hay, cái đẹp bởi lượng thông tin phong
phú, đa chiều. Chẳng hạn, câu văn: “Con Sông Đà tuon dài tuôn dài như một áng
tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban
hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”, vừa thể hiện
tài hoa của Nguyễn vừa chứa đựng một lượng thông tin lớn. Bình thường, viết: “Con
Sông Đà tuôn dài như một áng tóc” đã có hình ảnh rồi, nhưng Nguyễn thổi hồn cho
dòng sông mềm mại, lãng mạn hơn bằng cách dùng điệp từ “tuôn dài tuôn dài”, rồi
định ngữ “trữ tình” cho “áng tóc”. Chưa hết, con sông được quan sát từ trên cao
(máy bay): “đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc”. Cái tài của Nguyễn
Tuân là ở trên cao nhìn xuống dưới để rồi lại miêu tả độ cao khác: “mây trời
Tây Bắc”. Nhưng lãng mạn biết bao, ở xa tít “mây trời Tây Bắc” mà Nguyễn thấy: “bung
nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Câu
văn được miêu tả kết hợp giữa thị giác và tâm thức. Động từ “bung” miêu tả sức
sống mạnh mẽ hoa ban hoa gạo, còn “cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”
cung cấp cho người đọc về thời gian đốt nương làm rẫy của đồng bào Mèo (nay gọi
là H.Mông hay Mông)…
Văn Nguyễn Tuân kén độc
giả, bởi suy cho cùng, ông không “chiều” theo số đông mà dễ dãi trong dùng từ, đặt câu hay sử dụng
cẩu thả những biện pháp tu từ như: ẩn dụ, hoán dụ, ngoa dụ, tượng trưng, so
sánh…Kho từ vựng của Nguyễn Tuân rất phong phú, ông thỏa sức sử dụng khối tài sản
giàu có đó. Vì vậy, khi thưởng thức những tác phẩm của ông, người đọc cần chuẩn
bị tâm thế, thời gian. Chỉ xem xét một biện pháp nghệ thuật so sánh trong một
đoạn trích ngắn, chúng ta đã phần nào cảm nhận được tài hoa, tinh tế của Nguyễn
Tuân. Nhưng để thấy được ánh sáng lấp lánh như kim cương trong từng trang viết
của ông, chúng ta không thể không nhìn ở nhiều góc độ khác.
Bây giờ em mới hiểu biện pháp nghệ thuật so sánh lại phong phú đến thế. Ở trường chúng em chỉ được cô giảng qua quýt. Ước gì chúng em được học thầy!
Trả lờiXóaBài viết hay quá thầy ơi, mỗi kiểu so sánh đều có minh chứng rõ ràng. trước đây em chỉ biết khi nào có từ "như" là so sánh mà thôi. cảm ơn thầy nhiều.
Trả lờiXóaBài nghiên cứu công phu, có tìm tòi, phát hiện mới. Rất thuyết phục đấy bạn ạ, cảm ơn nhé!
Trả lờiXóaRất hay, cảm ơn anh!
Trả lờiXóaCảm ơn thầy nhiều, những bài nghiên cứu của thầy rất bổ ích với chúng em. Mong thầy dồi dào sức khỏe để có nhiều bài viết mới.
Trả lờiXóa