Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

MỘT MẨU CHUYỆN CỦA ÔNG PHÓ TỔNG BIÊN TẬP



     Tôi đang sửa bản tin cộng tác viên gửi về chuẩn bị cho số báo hôm sau thì anh Nghiệp vào phòng.
     - Các cậu chuẩn bị tin, bài cho số báo ngày mai xong chưa?
Huân nhanh nhẩu:
     - Báo cáo Phó Tổng, chỉ còn Tuấn “Còm” nữa thôi ạ.
Uống nước với chúng tôi, anh bảo:
      - Tháng mười một này các cậu ưu tiên cho mảng Giáo dục. mảng này dễ viết nhưng không được chủ quan, lưu ý cho tôi tính chân thực. Đảm bảo tính thời sự là tốt nhưng thông tin chưa chắc chắn, chưa kiểm chứng thì không được vội vàng. Kinh nghiệm tốt nhất là liên hệ với Chánh Văn phòng sở Giáo dục để xác minh. Chuyện cũ không muốn nhắc lại, nhưng các cậu  lấy vụ cậu Toàn làm bài học kinh nghiệm.
Toàn cười:
      - Em thì em tởn tới già, chỉ có thằng Huân và Tuấn “Còm” là “ai chưa qua chưa phải là người”.
      - Này đừng có đá đểu, qua được cầu này còn cầu khác em ạ. Mà tao thấy mới qua một cầu nên mày vẫn là “ngợm” đấy thôi.
     Để cho hai đứa cãi nhau trước mặt anh Nghiệp không hay, xếp tập bản thảo đã sửa, tôi đến bàn uống  nước.
     - Anh có chuyện gì về ngành Giáo không, kể cho tụi em nghe với.

     Chờ cho tôi rót xong chén trà, anh nói:
     - Chuyện về ngành Giáo thì nhiều, hôm nay tôi kể một chuyện mà tôi cũng là một nhân vật trong đó.
     …Ông anh đầu tôi làm nông, con đông lại ở quê vợ nên người trong làng ít ai biết tôi. Nhà tôi đông anh em nhưng có lẽ tôi và anh hợp tính nhau nhất. Năm nào cũng vậy, nghỉ phép là tôi đến thăm anh chị và giúp được việc gì thì giúp. Chị dâu tôi ngại nhưng ông anh tôi gạt đi: “Nó là em chứ không phải khách, nó làm được gì thì để nó làm, khỏi quên gốc”. Cho đến mãi sau này, khi đã lấy vợ, có con, tôi vẫn giữ nếp đó.
     Hôm đó, tôi lùa mấy con bò của anh lên gò cho chúng ăn rồi xuống suối câu cá. Mấy đứa trẻ con tò mò về tôi, chúng xì xào bàn tán gì không rõ. Một lúc sau, một cháu trai, khuôn mặt sáng sủa, lanh lợi, chạy đến chỗ tôi.
     - Cháu chào bác! Cháu muốn hỏi bác về bác được không ạ?
Tôi cười, hỏi lại:
     - Cháu hỏi để làm gì?
     - Dạ, để nói cho mấy đứa kia biết.
     - Mấy bạn chứ. Đã thế, cháu gọi mấy bạn đến đây.
Cu cậu vẫy tay, mấy đứa trẻ sàn sàn tuổi nhau, ùa tới, đứng quanh tôi. Cu cậu gặp tôi trước tiên tên là Hòa “Lém”, hỏi:
     - Bác là gì với bác Sự ạ?
     - Là em bác Sự cháu ạ.
Một cô bé có khuôn mặt rất xinh, đôi mắt to, trong veo hỏi;
     - Bác là bộ đội phải không ạ?
      - Sao cháu biết? Mà cháu phải đi chăn bò sao, bác trông không giống trẻ chăn bò tẹo nào cả.
Cô bé cười, lộ cái răng khểnh duyên dáng;
      - Thì cháu thấy bác mặc bộ đồ bộ đội. Mà bác đoán giỏi thật đấy, hôm nay cháu chăn bò thay anh Bi một lúc, anh ấy phải đi họp tổ…
Hòa Lém chen ngang:
      - Thằng Bi học lớp cháu. Nó học giỏi lắm, nó ở tổ hai, đi họp tổ phân công viết bài.
     - Viết bài gì cháu?
     - Dạ, viết báo tường chào mừng 20/11 đón cấp lãnh đạo về thăm trường ạ.
Hóa ra gặp “đồng nghiệp”, tôi tò mò, “phỏng vấn”:
     - Viết báo tường có khó không cháu?
     - Dạ, của cháu và với mấy bạn nữa là khó, còn dễ ợt.
     - Thế viết cái gì dễ ợt?
      - Cô giáo ra cho bài toán có nhiều cách giải bác ạ. Các bạn ấy giải cách thông thường rồi giải cách ngắn nhất, gọi là ‘mẹo” giải toán.
     - Thế viết cái gì khó?
     - Làm thơ bác ạ.
     - Cháu học lớp mấy rồi? Làm thơ cũng phân công à?
Hòa Lém liến thoắng đúng như biệt danh:
    - Cháu học lớp sáu, cô phân công cháu và ba bạn nữa làm thơ tả cảnh, làm thơ về bạn bè, ông bà cha mẹ. Cháu làm được rồi, mai nộp cho cô. Còn con Na chưa làm được, con Nụ mới làm được nửa bài, nó làm bài “Cây Đào”:
          Nhà em có một cây đào
          Hoa nở vào mùa xuân
          Em đếm không hết hoa
          Nhưng cây đào rất đẹp…
Tôi cười cắt ngang lời nó:
     - Bác thấy thơ bạn Nụ cũng hay đấy chứ. Sao cháu nói mới có nửa bài?
     - Cô bảo một bài ít nhất cũng phải tám câu thơ ạ. Con Nụ làm được bốn câu không biết làm bốn câu nữa. Nó muốn nhờ anh nó làm nhưng sợ cô giáo biết, cô cho điểm kém.
     Một thằng bé đi lên gò, Hòa Lém khều vai bé Nguyệt:
     - Anh mày lên rồi kìa.
Cô bé nhảy chân sáo, nói với cu Bi:
     - Em về chơi với chị Na đây, bò đang ăn đằng kia.
Cu Bi chào tôi:
     - Bác đi câu ạ?
     - Bác đi chăn bò kết hợp đi câu.
     - Bác câu cá rô hay cá lóc?
     - Cá gì ăn thì câu, sao cháu hỏi thế?
     - Dạ, tại cái vũng nước của con suối này thằng Hòa Lém nuôi một con cá lóc.
Một thằng bé da ngăm đen kể:
      - Buổi trưa nắng, thằng Hòa Lém đi tát cá, mẹ nó biết xách roi đuổi. Nó thả con cá lóc ở đây nói để cho lớn, khi nào hơn một cân mới bắt.
     - Vậy không sợ người ta bắt mất à?
     - Người lớn thì có thời gian đâu mà đi câu, đi tát bác ạ. Bọn con nít tụi cháu đứa nào cũng biết cá của thằng Hòa Lém nên không bắt.
     Thấy mấy con bò nhà anh tôi đi xuống gò, thằng bé da ngăm đen nói:
     - Bác câu cá đi, cháu đuổi bò lên cho.
Tôi định xếp cần câu, thằng Hòa Lém nói:
    - Bác cứ câu đi, cá ở đây khó câu vì nước trong. Bác muốn câu được nhiều cá thì vào vực Truồi, cháu dẫn đi.
     - Bác câu cho vui thôi, cho đỡ buồn ấy mà.
    - Sao bác không đọc sách, mọi khi bác Sự đi chăn bò mang sách theo đọc, có hôm để bò ăn lúa phải đền yến thóc đấy bác ạ.
Tôi hỏi:
     - Thằng Sơn con bác Sự không đi chăn bò hay sao mà để bác Sự đi?
Hòa Lém kể:
      - Anh Sơn hồi trước đi, giờ học cấp 3 rồi không đi nữa. Hồi trước anh Sơn đi bò để ăn lúa bị bác Sự đánh. Hôm bác Sự để bò ăn lúa, bác ấy bảo với bà Ngần: “tui có lỗi, bà đừng chửi nhé, tui mang lúa tui đền”. Về nhà bác ấy còn cho anh Sơn năm ngàn đồng để mua sách. Anh Sơn ngạc nhiên, bác Sự nói: “Cũng tại cái ông nhà văn viết hay quá, tao đọc quên coi bò mất”.
     Mấy bác cháu không nhịn được cười. Thấy thằng cu Bi cầm cuốn vở và cây bút chì, tôi hỏi:
     - Cháu mang đi làm toán à?
Cu Bi cười:
     - Cháu mang đi để làm thơ.
     - Ái chà, nhà thơ có bài nào đăng báo chưa? Tôi chọc. Cu Bi đỏ mặt:
     - Cô giáo bảo mấy đứa cháu làm thơ. Thằng Hòa Lém làm được rồi, chỉ con Na và cháu chưa làm được câu nào cả.
Tôi hỏi đùa:
     - Cô giáo có yêu cầu thơ phải như thế nào không?
Cu cậu thành thật:
     - Có ạ. Cô bảo bài thơ ít nhất phải hai khổ, phải có vần, tức là đọc phải suôn và phải có từ láy nữa.
Hòa Lém “bổ sung”:
     - Cô giáo nói thơ cũng phải chân thật nữa bác ạ.
Tôi hỏi:
     - Cháu Hòa đọc cho bác nghe bài thơ của cháu được không?
     - Cháu viết xong, bỏ vào cặp, không mang theo đây bác ạ.
     - Sao làm thơ mà không thuộc thơ à?
     - Cháu thuộc lỏm bỏm thôi, mai cháu chép lại cháu đọc cho bác nghe.
Cu Bi cười:
     - Mẹ nó mà biết nó làm bài thơ đó thì thế nào cũng quất cho nó mấy roi bác ạ.
Hòa Lém cãi:
     - Mẹ tao có bao giờ xem sách vở, bài tập của tao đâu.
Tôi tò mò:
     - Làm thơ sao mẹ lại đánh hả cháu?
     - Dạ, nó viết trong bài thơ là mẹ nó “cáu tiết”.
     - Thì cô giáo chả nói viết cho chân thật là gì.
Cu Bi im lặng, Hòa Lém cũng im lặng. Cái phao câu cứ nhấp nhấp trên mặt nước. Thằng bé da ngăm đen đi tới.
     - Bác nhấc cần câu đặt chỗ khác đi. Cá trắng rỉa mồi đó.
Rồi nó hỏi cu Bi:
     - Làm được câu nào chưa, mai mà không có bài thì chết.
Cu Bi không trả lời, nó hỏi tôi:
     - Bác ơi, cháu làm thơ tả cảnh ở đây được không bác?
     - Được chứ, sao cháu lại hỏi thế?
     - Dạ, vì cháu học thơ tả cảnh toàn nói về sông biển, làng quê, trăng sao chứ không nói gì về gò, đồi.
Tôi chợt hiểu, cu Bi hỏi tiếp:
     - Cô giáo nói trong bài thơ phải có cảm giác thị giác, thính giác, cháu lơ mơ lắm.
Hòa Lém giảng giải:
     - Thị giác là nhìn, thính giác là nghe.
     - Biết rồi! Nhưng cảm giác cơ mà.
Tôi nói:
     - Ví dụ, cháu tả cái gò đây thì cháu viết như thế nào?
     - Dạ, cháu viết: “Cái gò thâm thấp” ạ.
Hòa Lém cười:
      - Cô nói bốn chữ là đồng dao, như bài “Nu na nu nống" ấy. Phải năm chữ, bảy chữ hay lục bát kia. Mày phải thêm một chữ mới được.
Cu Bi cười:
     - Vậy thì: “Một cái gò thâm thấp” được không bác?
      - Được cháu ạ, có từ láy “thâm thấp” rồi đấy. Câu thơ tả bằng thị giác, cháu thấy có đung không?
      - Dạ, đúng ạ. Thế còn thính giác cháu tả: “Gió thốc nghe phạch phạch” được không bác?
Tôi chưa trả lời Hòa Lém đã cãi:
     - Gió thổi cái gì mới biết phạch phạch chứ?
     - Mày không nghe tiếng lau lách sao. Gió thốc chứ không phải gió thổi, vì gió thổi là cả quả đồi này thấy, còn gió thốc là gió thổi từ cánh đồng theo khe lên.
Rồi nó quay sang hỏi tôi:
     - Thơ sống động là phải có hoạt động phải không bác?
Tôi đành “chiều” theo trình độ của cháu, chứ nói bằng thuật ngữ, lý luận làm sao chúng hiểu được:
      - Có hoạt động thì thơ sinh động hơn. Ví như cá bơi tung tăng, bò gặm cỏ, bê nghe tiếng sáo diều…
     - Cháu hiểu rồi ạ.
Rồi nó nói với Hòa Lém:
     - Chiều mày lùa bò về cho tao với. Tao về nhà viết bài đây.
Cu Bi chào tôi rồi chạy như bay xuống gò. Thằng bé da ngăm đen nói với tôi:
     - Thằng Bi hiểu rồi là nó làm được bác ạ.

     Hai hôm sau, tôi nhận được điện thoại của Đoàn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục, mời về dự lễ 20/11 tại trường cấp 2 Yên Vân. Biết tôi đang nghỉ phép tại nhà ông anh, Đoàn Hùng đến đón. Tới trường, vừa xuống xe, cô Hiệu phó ra bắt tay.
      - Mời quý thầy vào phòng khách uống nước ạ, Thầy Hiệu trưởng đang dự họp xử lý kỷ luật học sinh, thầy sẽ sang ngay ạ.
Máu nghề nghiệp nổi lên, tôi bấm nhỏ Đoàn Hùng:
     - Có khi mình tham dự xét kỷ luật mà biết thêm thông tin gì chăng?
Đoàn Hùng nhất trí, nói với cô Hiệu phó:
      - Cô cho chúng tôi dự xét kỷ luật với. Đây cũng là hoạt động sư phạm Sở cần nắm bắt.
     Tôi ngạc nhiên thấy cu Bi, Hòa Lém cùng với hai bà mẹ ngồi trong phòng họp kỷ luật. Thấy tôi, hai đứa cúi mặt xuống. Thầy Hiệu trưởng giới thiệu chúng tôi, bà mẹ cu Bi mặt tái nhợt, đổ mồ hôi trán.
     Cô chủ nhiệm trình bày vụ việc. Thì ra hai bài thơ làm báo tường của hai đứa “có vấn đề”.
      - Cô có dạy các em như vậy không? Đang còn nhỏ mà không biết tôn trọng ông bà, cha mẹ thì lớn lên làm được gì? Còn em Bi, cô thật thất vọng về em, một học sinh giỏi sao lại đổ đốn đến thế?
     Tôi bấm Đoàn Hùng, anh hiểu ý.
     - Cô cho xem bài viết của hai em đã nào?
Cô chủ nhiệm đưa bài cho Đoàn Hùng, anh chuyển cho tôi bài của Hòa Lém. Bình thường, đọc xong có lẽ tôi đã phá lên cười, nhưng trong hoàn cảnh này tôi nghĩ cần xem lại lối sống, tấm gương của họ đối với các cháu, mà cụ thể ở đây là người mẹ. Bài thơ của Hòa Lém có nhan đề “Ông nội”:
          Ông em phải canh nhà
          Khi bố mẹ đi xa
          Có bữa ông em khóc
          Ông nói: ông nhớ bà.

          Tính ông em thật thà
          Ai mượn gì đưa ra
          Nên mẹ em cáu tiết
          Nói nuôi ông chật nhà.
     Tôi chuyển bài thơ của Hòa Lém cho Đoàn Hùng, anh đưa cho tôi bài thơ của cu Bi “Gò và suối làng em”:
          Một cái gò thâm thấp
          Có khe nước chảy ra
          Giữa dòng con cá lóc
          Bơi vào lại bơi ra.

          Hai bờ khe lau lách
          Chụm lại rồi ngã ra
          Gió thốc nghe phạch phạch
          Cá bơi vào bơi ra.
     Tôi quá hiểu “hoàn cảnh sáng tác” bài thơ của cu Bi. Tôi viết dưới bài thơ trước khi đưa lại cho Đoàn Hùng: “Anh cho hai đứa nhỏ về, tôi nói rõ lý do sau”.
     Đoàn Hùng nói với thầy Hiệu trưởng và cô chủ nhiệm:
     - Thầy cô cho hai trò về đi, chúng ta trao đổi với nhau vài điều.
     Hòa Lém và cu Bi len lét bước ra cửa, tôi ra theo. Tôi nói với hai cháu:
      - Hai cháu không có lỗi, chỉ là hiểu nhầm thôi. Bài thơ của cháu Bi nhất định được đăng lên báo tường. Bài thơ của cháu Hòa có tính chân thật  nhưng cách dùng từ chưa chuẩn, hơn nữa cháu chưa hiểu hết tình cảm của mẹ cháu đâu.
Thằng Bi nhỏ nhẹ:
     - Chúng cháu cảm ơn bác. Vậy bác cũng là đại biểu về dự lễ 20/11?
     - Bác cũng là đại biểu về dự lễ, hai cháu cứ yên tâm về đi nhé.
     Trở vào, tôi nghe Đoàn Hùng nói:
     - …Các thầy cô khắt khe với các cháu quá, tôi nghĩ chúng ta, có cả hai chị mẹ các cháu phải xem xét lại mình trước đã. Trẻ em học tập theo hành vi của chúng ta nhiều hơn là nghe chúng ta thuyết giảng.
Rồi Đoàn Hùng giới thiệu tôi với mọi người. Giới thiệu xong anh nói:
     - Nhà báo có ý kiến gì về chuyện này không?
Tôi kể lại chuyện tai nghe mắt thấy chuyện làm thơ của hai đứa trẻ với tư cách là nhân chứng. Nghe xong, thầy hiệu trưởng nói:
      - Xin lỗi đồng chí Giám đốc, xin lỗi nhà báo, chúng tôi khô cứng và có phần dung tục quá. Nếu không có nhà báo, không có Giám đốc thì vô tình chúng tôi đã vấy bẩn lên tâm hồn trong trẻo của các em rồi…

     Anh Nghiệp nhấp chút trà, hỏi Huân:
     - Chuyện tôi kể, cậu có viết được một bài báo không?
Huân láu lỉnh:
      - Thưa Phó Tổng, nếu viết báo thì mất tính thời sự. Chi bằng Phó Tổng giao cho Tuấn “Còm” viết thành truyện ngắn ạ.
Anh Nghiệp cười. Tôi cáu:
     - Mày đúng là đồ cá lóc!

2 nhận xét:

  1. Một truyện ngắn hồn nhiên, trong sáng, khá độc đáo. Chúc mừng bạn!

    Trả lờiXóa
  2. Hay, hồn nhiên, chân thật, có ý nghĩa. Cảm ơn và chúc sức khỏe anh.

    Trả lờiXóa