Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

LÂM TẶC


CHƯƠNG V

     Làm lán trong rừng người ta thường dựng cách suối vài chục mét, lựa chọn nơi cao ráo để phòng tránh lũ rừng. Còn lán của anh em Quân lần này lại nằm chính giữa suối. Dưới cái thác, hai bờ suối có hai tảng đá bàn lớn, bằng phẳng. Ngọc Râu đốn sáu cây xương tàu bằng bắp vế lát ngang qua, Chính và Dũng Nheo mổ chục cây vầu đan sạp, còn Quân, Nam Cuội đan tranh nứa. Dựng được cái lán cũng mất gần ngày. Dưới sàn nước chảy, ngồi trong lán giơ tay với là chạm thác nước. Nam Cuội chẻ đôi một đoạn nứa làm cái máng cho tiện việc nấu nướng.
     Công việc làm không kể trưa kể tối. Đói, nấu ăn. Mệt, thì nghỉ. Trong rừng độ bốn giờ chiều là đã bắt đầu tối. Đôi lúc còn vài mét không thấy đường mực phải xẻ mò. Quân cưa tay trái, tay phải đều được cả, mấy anh em khác hoặc thuận tay phải hoặc thuận tay trái. Người nào mệt là Quân thế chỗ. Người nào nghỉ phải rửa cưa. Năm người, ba cái cưa nên lúc nào cũng sắc. Cưa sắc vừa đỡ mệt mà năng suất lại cao. 
     Xẻ gỗ trong rừng công việc vất vả nhất là xeo gỗ lên giàn cưa. Cây gỗ đốn trong rừng ngã xuống không mấy khi theo ý mình.Cây ngã theo sườn núi thì chỉ cần làm một giàn cưa, cây ngã ngang sườn núi thì cứ hai súc gỗ phải làm một giàn. Tháng trước, đốn được cây sâng đường kính một mét ngã theo sườn núi, anh em mừng vì chỉ phải làm một giàn cưa thế mà suýt chết vì cái may ấy.Cây sâng cắt được chục súc gỗ, giàn cưa nằm ở giữa, vuông góc với chiều ngã của cây. Để đưa súc gỗ lên giàn, hai người hai đầu súc gỗ dùng đòn xeo bẫy ngược nhau, phía  gốc bẫy lên trên, phía ngọn bẫy xuỗng dưới. Khi súc gỗ quay nằm ngang thì vừa lăn vừa chặn từ từ đưa lên giàn, lấy mực, chèn cho chắc chắn, đóng bốn cái đinh đỉa vào súc gỗ và đà kê rồi thì cứ thế mà xẻ. Hôm đó, xeo xong súc gỗ thứ sáu lên giàn, lấy mực, nhìn cái ụ mắt, Ngọc Râu nói:
     - Súc này không xẻ hai đầu lại được. Phải cưa đuổi thôi. Quân kéo với Nheo, còn anh cưa với Chính.
Ngọc và Chính vừa cưa xong mạch thứ nhất, Quân và Dũng đang giữa mạch cưa thứ hai thì hai súc gỗ lao xuống như đoàn tàu chở nặng xuống dốc mất phanh cùng tiếng la của Nam Cuội. Chính vội kéo Dũng Nheo lăn mấy vòng sang bên phải, Quân vội nhảy xuống giàn thì "rầm" "rầm", hai súc gỗ đâm vuông góc vào súc gỗ trên sàn, hất tung qua đầu Quân rồi rơi tuột xuống khe. Miếng ván vừa xẻ xong văng ngược lại đập vào chân Dũng.
     - Q. . .uâ. . . n!
Mọi người thét lên hoảng loạn, tưởng Quân bị mấy súc gỗ thúc chết.
     - Em đây! 
Vừa nói Quan vừa trèo lên giàn. Nước mắt mấy người chưa kịp ngưng. Nam Cuội mặt cắt không còn hột máu. Thì ra, khi bốn người đang xẻ thì hắn ta leo lên mấy súc gỗ ngồi sưởi nắng chán rồi nhảy xuống dùng tay lắc lắc. Sườn núi trơn vì trận  mưa tối qua, súc gỗ lại thẳng nên dễ dàng trượt xuống thúc vào súc phía dưới. Đoan trống sáu súc gỗ được xẻ xong vừa nghiêng vừa phẳng tạo đà cho hai súc gỗ tăng tốc. Mọi chuyện xảy ra chỉ trong chớp mắt.
     Chính dìu Dũng Nheo đứng dậy, đùi Dũng bầm tím.
     - Không có ông hôm nay tôi lên bàn thờ ngồi rồi. Dũng nói.
     - Lúc đó phản ứng tự nhiên thôi, với lại số ông chưa chết. Nếu biết trước tôi để ông chầu ông bà ông vãi, về quê bợ con vợ của ông cho rồi.
Ngọc Râu quát:
     - Câm cái miệng mày lại, thằng Chính, còn đùa được!
Quân đi xuống khe. Súc gỗ xẻ dở gối một đầu lên hòn đá. Lưỡi cưa dính trong đó ôm súc gỗ như sợi lạt gói bánh tét. Rường cưa, néo cưa, tay cưa văng đâu mất. Quân gọi:
     - Anh Ngọc ơi, đưa cái đòn xeo xuống đây giùm em.
     - Thôi nghỉ, hôm nay không làm nữa.
     - Thì vậy, để em lấy cái lưỡi cưa.
Cả nhóm loay hoay gần cả tiếng đồng hồ mới lấy được lưỡi cưa ra. Lưỡi cưa bị gấp một chút. Ngọc nung đỏ chỗ bị gấp, lật úp trên mặt phẳng hòn đá dùng búa đập cho thẳng lại. Sau lần nung thứ ba, Ngọc ném lưỡi cưa xuống suối. Một tiếng "xèo" bốc lên khô lạnh.
     - Thằng Cuội đi kiếm hay đẽo tay cưa thì tùy. Tao, thằng Chính đi tìm néo cưa, đinh đỉa, nhân tiện hái lá đắp cho Nheo, còn sư phụ kiếm mấy con cua cải thiện.
Bao giờ cũng vậy, người nào có biệt danh, ngang hay nhỏ tuổi hơn là Ngọc Râu dùng biệt danh để gọi. Không bỏ được. Cái tật ấy, ai hiểu thì chớ, chứ không thì gây chuyện như chơi. Cả cái lâm trường này ai cũng một anh Trí hai anh Trí, còn Ngọc Râu thì cứ anh Vịt mà gọi.
     - Mày gọi ai đấy?
     - Thì ông chứ còn ai vào đây!
     - Tao là Hoàng Minh Trí, nghe thủng chưa!
     - Thủng rồi, ông Vịt. Sau lưng ông ai cũng gọi là Trí Vịt đó thôi. Tôi khác họ là gọi trước mặt. Mà cái tên Vịt đâu phải tôi đặt ra.
Trí Vịt tức điên người nhưng rồi đành bỏ qua, ném một câu vớt vát:
     - Hãy đợi đấy, thằng khốn.
Vừa lật những hòn đá tìm cua vừa nghĩ chuyện anh Ngọc, Quân thấy buồn cười. Bề ngoài ngang ngạnh là thế mà anh sống có trách nhiệm, việc gì cũng làm đến nơi đến chốn. Quân học được ở anh nhiều điều. Hồi mới quen anh, nhân lúc Chính, Dũng Nheo, Nam Cuội đi chơi, anh nhờ Quân chỉ vài thế võ. Quân hỏi sao anh không cùng tập với mấy anh cho tiện, anh bảo mình không muốn ai biết, sợ người ta thử. . . Xẩm tối qua, đốt đuốc đi một chút đã được bữa cua rang, Sáng nay tìm mãi mà chưa được chục con, chẳng biết chúng trốn đi đâu.
     - Đầy ống chưa, sư phụ?
Ngoảnh lại thấy Chính cầm cái hăng gô đựng chẻo sả, Nam Cuội mang theo cái ống bương.
     - Mãi mà mới được năm con.
     - Ban ngày trời có mưa đâu mà cua ra. Phải dùng cái này. 
Vừa nói Chính vừa chỉ vào cái hăng gô.
     - Là sao, anh Chính?
     - Thì đổ chẻo xuống cua ra ăn chứ sao.
     - Coi chừng vừa không có cua vừa mất đồ ăn mặn đó, anh Chính.
     - Sư phụ cứ yên trí đi.
Chính lội lên trên, dùng chân khỏa nước, múc một thìa chẻo đổ vào lòng bàn tay rồi khỏa xuống nước. sau năm sáu lần, Chính bảo:
     - Được rồi, sư phụ bắt đi.
Thật bất ngờ, không biết ở đâu mà cua bò ra nhanh thế, lớn có, nhỏ có. Cứ xuôi dòng nước tha hồ lượm. Độ mười phút là đầy ống.
     - Ai bày anh chiêu này, anh Chính?
    -  Hồi xẻ gỗ bên Yên Bái, ăn cơm với mắm ruốc, rửa bát thấy cua mò ra. Để ý thấy hai ba lần như vậy mình xúc thìa ruốc khỏa xuống khe, mùi ruốc trôi đến đâu thì cua trồi ra đến đấy, nó tưởng có mồi.
     - Con gì cũng chết vì mồi, con người cũng không ngoại lệ.
Nam Cuội bỗng dưng triết lý. Chưa về đến lán đã nghe tiếng Dũng Nheo:
     - Ối! Á! Nóng quá!
     - Có nóng mới mau khỏi. . .
     Câu chuyện tháng trước cứ như những thước phim quay chậm trong đầu Quân. Càng ngày càng hiểu nhau, càng yêu thương gắn kết với nhau hơn. Ở trong rừng sâu, ngoài tiếng chim, tiếng suối, thỉnh thoảng nghe tiếng tác của con mang, tiếng khịt xa xa của đàn lợn rừng chỉ còn là không gian bí ẩn, thâm u. Láu lỉnh như Nam Cuội mà cả ngày không được câu đùa. Chuyện để nói với nhau thường là những chuyện buồn vui dĩ vãng. Cả nhóm có năm người, nếu chỉ hai, ba người thì sao nhỉ? Bất chợt, Quân nhớ bài thơ "Quanh quẩn" của Huy Cận:
     Quanh quẩn mãi chỉ vài ba dáng điệu
     Tới hay lui chỉ chừng áy mặt người
     Vì quá thân nên quá đỗi buồn cười
     Môi nhắc lại chỉ có ngần ấy chuyện
Giữa chốn thị thành cô đơn như vậy thì nơi núi rừng sâu thẳm, sống như anh em Quân thì Huy Cận sẽ ra sao nhỉ? Chao ôi, ít giao tiếp đồng loại đã thèm, còn tách khỏi đồng loại: "Ta là một, là riêng, là thứ nhất. Không có ai bè bạn nổi cùng ta" thì chỉ có điên mới như thế. . .
     - Sư phụ, ăn cơm thôi, nghĩ gì mà thần người ra thế?
     Bưng bát cơm ăn, bên bếp lửa chất bằng củi gộc thỉnh thoảng nổ tí tách, bỗng dưng Quân nhớ mẹ, nhớ sư phụ Tám Cá, nhớ Man Hoa đến nao lòng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét