CHƯƠNG VI
Sáng nay Long Sẹo dẫn mười anh em lâm trường và sáu người dân mang gạo vào cho nhóm anh em Quân rồi nhận gỗ. Hỏi ra mới biết sáu người ấy là dân buôn bè, quê Thái Bình. Họ có giấy phép khai thác gỗ, nứa nhưng "mua của lâm trường cho tiện", một người trong nhóm cho biết. Anh em Quân chẻ lạt, giúp họ buộc đòn khiêng. Hai người một hộp gỗ khá nặng. Buộc xong họ nhấc lên đặt xuống lượng xem mức độ nặng nhẹ ra sao. Xong đâu đấy mỗi người chặt một cây gậy chống bằng cổ tay, dài gần ngang vai, có nạng. Quân hỏi sao không chặt loại nhỏ và ngắn hơn, họ bảo dùng loại gậy chống như vậy để khi nghỉ thì đặt đòn khiêng lên nạng, đỡ phải cúi xuống.
Đoàn người vào khiêng gỗ làm khu rừng náo động hẳn lên bởi tiếng cười, tiếng nói, tiếng rít thuốc lào sòng sọc. Số gỗ nhóm Quân xẻ phải chuyển hai ngày mới hết. Hơn 3 km đường rừng khiêng gỗ, đoạn xuôi theo suối đạp lên đá cuội dễ trượt, đoạn lên dốc người đi sau nặng muốn đứt ruột. Rồi xuống dốc lại phải bó hai cây gậy cùng hộp gỗ thành cái "cộ", cây đòn khiêng thành đòn kéo. Lúc này chỉ một người kéo, một người đi bên cạnh giữ cái đòn kéo hộ tống. Con dốc đứng, bước nhanh một tí là trượt mà cái đòn kéo trên vai cứ xô mạnh xuống. Việc phối hợp giữa hai người phải thật ăn ý, nếu không, ngã bong gân, gãy tay chân là chuyện thường.
Xuống hết cái dốc, còn khoảng hai trăm mét nữa là tới suối Lồ. Đoạn suối này sâu, ít đá ngầm, đá nổi nên kết thành bè xuôi về bãi gỗ lâm trường được. Đưa được hộp gỗ xuống dốc lại phải mở "cộ" ra, buộc lại để khiêng. Dây lạt buộc ra tháo vào hai, ba lần dễ đứt nên có lúc phải bốn người bỏ đòn khiêng một hộp gỗ. Việc khiêng gỗ phải cẩn thận, không thể ỷ sức, sơ sẩy một chút là tai nạn như chơi. Ông Bường kể mấy năm trước, dân buôn bè ở Thái Thụy- Thái Bình không ai là không biết Định "voi". Cao 1m75, nặng gần 80kg, từng là đô vật có tiếng, giải nghệ làm nghề buôn bè. Cơm ăn mỗi bữa cả kg gạo, vác gỗ cứ gấp hai gấp ba người ta. Thế mà hôm đó vác một hộp gỗ cồng, hộp gỗ dân đi rừng ai cũng vác được, đang xuống dốc, trượt chân ngã ngồi một cái mà nằm liệt gường luôn.
Hôm sau Man Hoa gửi cho Quân một gói chẻo sả bọc trong mấy lớp lá chuối rừng. Hình như ở rừng ăn không biết mặn, biết cay. Ở nhà mỗi bữa cơm ăn một trái ớt xiêm có khi không hết, còn ở trong rừng ba, bốn trái là thường. Món chẻo sả để được lâu, ăn được cơm. Nhìn qua một lần ai cũng làm được nhưng làm cho thơm ngon lại là chuyện khác. Quan trọng nhất, theo Man Hoa là việc chọn sả. Phải chọn củ sả chắc, già, rửa sạch, để ráo rồi xắt mỏng, giã nhỏ. Cứ một bát sả giã với một thìa muối rồi trộn đều với sườn non lợn băm nhỏ. Bắc chảo lên bếp cho mỡ vào đun sôi, phi bằng hành tỏi băm nhỏ. Hành tỏi vừa trở màu cho sả và sườn vào đảo đều. Sườn non lợn chín tới, dậy mùi thơm của sả thì cho mắm ruốc và ít bột ngọt, nước cốt gừng vào, đun nhỏ lửa, tiếp tục đảo cho đến khi thấy sền sệt cho thêm chút ớt bột là xong. Nhắc chảo xuống để chẻo nguội, cho vào thố sứ hay ống nứa để ăn dần. Chẻo cho vào ống nứa treo trên gác bếp cả tháng sau vẫn không hư. . .Cầm gói chẻo Quân lại nhớ dáng điệu Man Hoa trong công việc bếp núc, nhanh mà không vội, làm đến đâu gọn đến đấy, sạch sẽ, tinh tươm. . .
Chuẩn bị lên vai chuyến gỗ thứ hai, một anh dân Thái Bình kêu lên:
- Chết, tai mày sao chảy máu!
Anh bạn sờ tay lên tai thất ươn ướt, một cái gì nhầy nhầy nơi vành tai, anh ta hốt hoảng:
- Mày coi giùm tao cái gì!
Mọi người xúm lại. Nam Cuội kéo ra một con vắt từ vành tai anh ta.
- Tưởng gì, con vắt thôi mà.
Vừa nói Nam Cuội vừa lấy hòn đá ghè con vắt. Chính móc túi lấy gói thuốc lào, véo một chút, vê lại đưa cho anh bị vắt cắn.
- Anh rịt vào, Đây là loại vắt trắng chứ vắt xanh thì có rịt nó vẫn chảy máu cả buổi.
Rừng nứa là môi trường lý tưởng của loài vắt, chúng tập trung nhiều ở ven suối. Loài vắt giống đỉa nhưng nhỏ hơn rất nhiều. Có con chỉ lớn hơn cọng tóc một chút, bám vào chân, nhìn cứ tưởng lông chân. Hút no máu, nhả ra, người bị vắt cắn vẫn không hề hay biết. Khi biết thì máu đã khô thành vệt rồi. Loài đỉa bơi dưới nước có đụng người mới bám được, còn loài vắt, cách 3m, nghe hơi người đã búng tới. Không biết bằng cách nào mà ngay cả chỗ hiểm đôi khi chúng vẫn hút máu được. Có cô công nhân lâm trường đi lấy măng, bị vắt xanh cắn cứ lại tưởng mình tới tháng. Nghe chuyện tưởng đùa nhưng sự thực là như vậy. Những ngày trời mưa vắt nhiều vô kể, đi vài trăm mét phải dừng lại kiểm tra tay chân, có lúc cả chục con bám vào người. Muốn vắt khỏi bám phải xoa khắp người tinh dầu sả, nhưng khi nước mưa làm phai đi mùi tinh dầu chúng lại bám như thường. Cho nên, tốt nhất khi trời mưa thì đừng đi trong rừng. Còn ở lán, dùng nước điếu thuốc lào đổ xung quanh chỗ nằm, chịu hôi một tí nhưng cũng hạn chế được vắt mò vào.
Quân và Nam Cuội vừa dùng cưa man cắt xong khúc gỗ sến dài hơn 5m. Theo lời Long Sẹo truyền đạt mệnh lệnh giám đốc lâm trường Minh Chột, nhóm Quân xẻ 6 cái đà phải "vuông thành sắc cạnh", mặt 25, gáy 12cm và dài 5m. Khúc gỗ nằm xéo sườn núi rất dốc, cách bờ suối hơn 20m. Nhìn thế nằm khúc gỗ, Ngọc thấy khó mà làm dàn cưa được. Gỗ sến nặng, năm anh em làm sao đưa lên giàn nổi? Mỗi người một ý nhưng phương án nào cũng khó thực hiện. Cuối cùng đến thống nhất là lăn khúc gỗ xuống suối rồi xẻ luôn ở đó. Mất một buổi chặt cây, đóng néo dưới suối dự tính nơi khúc gỗ lăn xuống. Xong xuôi đâu đấy năm anh em dùng đòn bẩy để xeo cho nó lăn xuống nhưng khúc gỗ không hề nhúc nhích.
- Thôi chặt thêm mấy cây đòn bẩy, chút nữa tụi nó vào khiêng gỗ nhờ xeo giùm. Ngọc nói.
Khi mọi người vào đông đủ, Ngọc phân công cứ hai người một đòn xeo. Tiếng hô "một. . .hai. . .ba" vừa dứt, khúc gỗ ầm ầm lăn xuống. Mọi người đang thích thú cười ha hả thì " Véo. . .ú. . ú. . .". Một khúc cây đà bằng bắp vế bật lên cao, xoay tròn như chong chóng rồi rơi xuống cách chỗ mọi người đứng chừng hơn sải tay. Tiếng cười im bặt. Lặng đi nột lúc. Dường như ai cũng nghe thấy tiếng trống ngực.
- Khiếp hồn!
- Kinh quá!
- Ơn thần rừng phù hộ.
- Cây đà này mà nhỏ hơn một chút chắc có người mất mạng!
Mỗi người một câu về sự việc vừa qua. Quân nghĩ sự sống và cái chết chỉ cách nhau cái nháy mắt, nó có thể xảy ra bất cứ nơi đâu, cứ gì phải đạn bom, bệnh tật. . .
Đám người khiêng gỗ đi, khoảng rừng lại vắng lặng, thâm u. Từ trong lòng đất, từ những lùm cây dưới tán những bụi nứa, rừng cây bóng tối tràn lên trước khi bầu trời khép hẳn mảng sáng nhờ nhờ trên đỉnh đầu. Đêm xuống, rừng lặng mà huyễn hoặc, lúc ấy chỉ có bếp lửa, ánh lửa là điểm tựa tinh thần cho con người bớt nỗi cô đơn, sợ hãi. Có đêm thức giấc, nghe như có tiếng ai hát trên đỉnh núi, có đêm lại nghe như tiếng khóc, tiếng gọi mẹ mơ hồ. Đêm nay, cơm nước xong mọi người lăn ra ngủ vì mệt. khoảng nửa đêm mọi người thức giấc vì tiếng thét của Dũng Nheo. Ngọc chụm lại bếp cho lửa cháy lên.
- Gì mà thét lên vậy mày?
Dũng Nheo run lập cập, trên khuôn mặt chưa hết vẻ hoảng hốt:
- Tôi thức giấc thì nghe như tiếng ai khóc rồi lại như tiếng trẻ con cười. Mở mắt nhìn ra thấy hai đứa trẻ con nhìn vào trại.
Chính, Nam Cuội đốt mỗi người một cây đuốc. Ánh sáng bừng lên.
- Ông thần hồn nhát thần tính, trẻ con đâu?
Ánh sáng bếp lửa và hai cây đuốc hắt ra quanh lán một quầng sáng lúc mờ lúc tỏ ttheo ngọn lửa bập bùng. Với tay lấy ống điếu thuốc lào, Ngọc bảo:
- Nheo làm một điếu cho tỉnh đi. Đứa nào sợ thì nằm trong để tao và sư phụ nằm ngoài.
Đặt lưng xuống sạp, nằm mãi mà không ngủ lại được, không phải sợ mà nhớ vợ con quá. Đã 3 tháng xa nhà rồi còn gì. Lá thư Duyên gửi cho Ngọc gần nhất cũng hơn tháng rồi. Có lẽ hết tháng này phải tranh thủ về thăm nhà ít ngày. Cứ nghĩ lúc về thăm nhà, bế thằng cu, chà bộ râu vào bụng nó, thọc lét cho nó cười hay chà râu lên má Quyên để nghe tiếng "đau em" dịu ngọt, Ngọc bật cười thành tiếng.
- Cười gì vậy anh? Quân hỏi, giọng ngái ngủ.
- Sư phụ ngủ đi, mai kể.
Rừng đêm yên lặng, bếp lửa lụi dần, Ngọc cũng chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét