Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

HỌC SINH ÍT CHỌN MÔN LỊCH SỬ TRONG KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT - ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ



            Nói học sinh ít chọn môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) thực ra chưa chính xác, phải thêm hai chữ “rất, rất” trước chữ “ít” mới đúng. Có trường không có học sinh nào đăng ký dự thi. Tỷ lệ đăng ký dự thi môn Lịch sử quá ít, chênh lệch lớn với các môn thi tự chọn khác trên phạm vi toàn quốc, điều này đã được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng. Việc học sinh ít chọn môn Lịch sử đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.
            Học sinh ít chọn dự thi môn Lịch sử phản ánh khách quan việc dạy và học bộ môn. Nhìn lại bộ sách giáo khoa, từ Trung học cơ sở (THCS) đến Trung học phổ thông, phần lịch sử Việt Nam không có gì khác. Điều này góp phần gây sự nhàm chán đối với học sinh. Tôi tin rằng những học sinh THCS học môn Lịch sử mức độ khá thực chất, nếu được  cho thi sẽ đạt diểm trung bình trở lên ở kỳ thi Tốt nghiệp THPT.
            Trong quá trình dạy, dù Bộ có hô hào “đổi mới” nhưng tiến trình giảng dạy một bài Lịch sử từ THCS đến THPT về một giai đoạn lịch sử là như nhau. Minh chứng rõ ràng nhất những bài dạy về một chiến dịch nào đó, bắt đầu là “Bối cảnh lịc sử”, “âm mưu của địch”, “chủ trương của ta”, “diễn biến – kết quả”, “nguyên nhân và ý nghĩa”…Cái “công thức” này chỉ lợi thế cho học sinh chăm chỉ, thụ động chứ không bao giờ phát huy được tính tích cực học tập ở học sinh. Một điều lâu nay người làm công tác giáo dục quên đi tâm lý lứa tuổi các em học sinh THCS, THPT luôn hiếu động, thích cái mới lạ, thích khám phá, cứ “đóng khung” công thức có sẵn làm sao các em không nhàm chán? Thành ra, những học sinh “gạo” bài, trong mắt giáo viên là những học sinh ngoan, hạnh kiểm tốt. Nhưng một cái lạ mà không lạ, những học sinh ấy khi ra đời rất khó thành đạt. Lý giải cặn kẽ vấn đề này xin để vào dịp khác. Nhìn nhận vấn đề như vậy, tôi tự đặt câu hỏi sao người dạy không dạy khác đi? Mạnh dạn cho các em tìm hiểu về một chiến dịch, một nhân vật lịch sử nào đó rồi các em tự báo cáo, bổ sung những câu chuyện, tranh ảnh liên quan, trao đổi, phản biện rồi cuối cùng đi đến kết luận. Những điều các em đưa ra rồi chốt lại sẽ không nằm ngoài chương trình, sách giáo khoa, vấn đề mà giáo viên đã định hướng đâu. Về kiến thức, các em không “sáng tác” được, nhưng về phương pháp, các em ngỡ mình là người “phát kiến”. Được nói trước đám đông, được trình bày, tranh luận, các em sẽ ghi nhớ sâu hơn. Trong quá trình phân nhóm tìm hiểu, trao đổi với nhau, thu thập tư liệu…chắc chắn sẽ là những kỷ niệm đẹp trong đời học sinh. Làm được như thế, các em sẽ đam mê môn Lịch sử hơn.
            Vậy giáo viên lịch sử sao không giảng dạy như vậy? Điều này là do sự quản lý cứng nhắc của ngành, của hiệu trưởng. Phân phối chương trình Bộ định sẵn rồi, xây dựng chương trình Sở duyệt rồi, làm trái để bị qui kết “sai qui chế chuyên môn” sao? Người dạy không tâm huyết thì: sách thế, chương trình thế thì tất nhiên bài giảng phải thế! Học hay không học chẳng ảnh hưởng tới ai, lương tháng lĩnh đều(!) người tâm huyết thì khó tìm được tiếng nói đồng tình, ủng hộ, thành ra chán nản. Không chán nản sao được khi hiệu trưởng bảo: “cứ theo chương trình, sách giáo khoa mà dạy, đó là pháp lệnh, làm khác là sai qui chế chuyên môn”.
            Cũng cần nói thật một điều, đội ngũ giáo viên hiện tại năng lực chuyên môn không đồng đều, số yếu kém còn nhiều. Xin nhắc để nhớ lại, cái thời ngành Giáo dục khủng hoảng, đầu vào các trường Sư phạm quá thấp nên không chọn được người tài. Ra trường, môi trường học hành, nghiên cứu, hội thảo, tự học ít được chú trọng ở nhà trường phổ thông nên kiến thức người thầy ngày càng bị bào mòn đi theo năm tháng. Mới đây, việc áp dụng nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng (NCKHSPUD) cũng chỉ để cho những ai đăng ký chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên, nên hiệu quả, sức lan tỏa của nó không cao. Hơn nữa, mẫu NCKHSPUD cứng nhắc, không phù hợp với các bộ môn khoa học xã hội.
            Về vấn đề nhận thức, quan điểm, ngay cả đội ngũ giáo viên trong nhà trường dù nói hay không nói ra đều cho môn Lịch sử là môn phụ. Nhận thức của giáo viên còn như thế huống chi xã hội. Được biết, ở một số nước có điều kiện an sinh tốt, một trong những điều kiện để nhập quốc tịch phải hiểu lịch sử đất nước đó. Còn học sinh chúng ta, học lịch sử từ Tiểu học cho đến THPT, nếu cho các em viết thứ tự các triều đại phong kiến, tôi tin chắc rằng không tới 20% viết đúng. Vậy tai sao trên những bức tường nơi điểm uốn cầu thang, bên cạnh bảng tin hay trong phòng truyền thống nhà trường không treo bảng thế thứ các triều đại hay tổng quan lịch sử địa phương? Chúng ta dạy lịch sử là để hiểu dân tộc, tự hào dân tộc, từ đó hun đúc lòng yêu nước. Lòng yêu nước phải gắn liền với địa danh cụ thể, vùng trời vùng biển cụ thể, nếu không dễ “yêu nhầm” nước khác. Năm 1938, Bác Hồ đã viết bài thơ về các vùng đất Việt Nam, sắp xếp từ Bắc vào Nam. Về địa danh Phú Yên, Khánh Hòa, Người viết:
                        Phú Yên trước, Khánh Hòa sau
                 Người ta còn gọi Sông Cầu, Nha Trang.
Tư tưởng yêu nước của Bác rõ ràng, cụ thể và phải được biểu hiện bằng hành động cụ thể chứ không phải như chúng ta học tập tư tưởng của Bác lại thể hiện bằng những bài viết sáo rỗng, những bản đăng ký “làm theo” photo copy.
            Một khía cạnh cũng cần nói ở đây là quan điểm, nhận thức của lãnh đạo các cấp đối với lịch sử dân tộc nói chung, địa phương nói riêng. Nhận thức đúng, quan tâm bằng tổ chức, chỉ đạo các hoạt động cụ thể chắc chắn góp phần tạo ảnh hưởng tốt trong việc dạy và học bộ môn Lịch sử.
            Đối với ngành Văn hóa – Nghệ thuật, Việt Nam chưa có một tác phẩm nào về đề tài lịch sử được xem là thành công. Phim truyền hình về lịch sử của chúng ta ít, kịch bản chưa hay, diễn xuất của diễn viên gượng gạo…nên chẳng mấy ai xem phim lịch sử Việt Nam, thay vào đó xem phim lịch sử Hàn Quốc, Trung Quốc. Tôi nghĩ, nhà nước nên bỏ vốn ra sản xuất phim lịch sử 100%, Bộ Giáo dục nên tổ chức thi viết kịch bản, dựng phim lịch sử bằng video clip trong các trường phổ thông chắc chắn sẽ là cú hích lớn cho niềm đam mê học tập bộ môn Lịch sử. Đừng nói khó, trang thiết bị kỹ thuật không có, trong khi tự cá nhân học sinh đã tung những clip đen lên mạng.
            Quên đi lịch sử là quên đi chính bản thân mình. Dân tộc ta lập nên những chiến công hiển hách, một trong những nguyên nhân thắng lợi lớn là đã giữ gìn và phát huy được sức mạnh truyền thống:
                                    Nước chúng ta
                                    Nước của những người chưa bao giờ khuất
                                    Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
                                    Những buổi ngày xưa vọng nói về.
                                                     (Đất Nước – Nguyễn Đình Thi)
            Việc học sinh ít chọn môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là dấu hiệu xuống cấp của nền Giáo dục. Mong rằng những người hoạch định Chiến lược phát triển Giáo dục, Chiến lược phát triển Đất Nước có tầm nhìn rộng hơn, có trách nhiệm, tâm huyết hơn, như vậy lớp trẻ mới vững vàng viết tiếp những trang sử hào hùng dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét