Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

DIỄN BIẾN TÂM LÍ NHÂN VẬT MỊ TRONG TRÍCH ĐOẠN "VỢ CHỒNG A PHỦ" - VĂN HỌC 12 THPT



            Tiểu thuyết, với dung lượng dài, việc xây dựng nhân vật trong quá trình phát triển của nó không khó, người viết có thể trải ra nhiều chương. Ngược lại, xây dựng nhân vật trong truyện ngắn rất khó, nhất là kiểu nhân vật nội tâm. Chi tiết, câu chữ phải hết sức cẩn trọng, chọn lọc để có sự cân bằng giữa cốt truyện – nhân vật – nhân vật phục vụ cho chủ đề tác phẩm.
            Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, phần viết về Hồng Ngài, Tô Hoài đã xây dựng nhân vật Mị, kiểu nhân vật nội tâm,  với diễn biến tâm lí hết sức chân thực, tự nhiên, sống động.

            Mở đầu câu chuyện, tác giả cho “một người con gái” xuất hiện trong một liệt kê công việc với tư thế cúi mặt, tâm trạng “buồn rười rượi”. Đó chính là Mị - vợ A Sử, con trai thống lý Pá Tra.
            Làm con dâu một gia đình quyền lực, giàu có nhất vùng tại sao lại buồn? Mị là con dâu gạt nợ, hay nói đúng hơn là nô lệ hợp pháp của nhà thống lý Pá Tra. Mị thay bố trả món nợ truyền đời mà bố mẹ vay để cưới nhau. Mỗi năm phải trả một nương ngô, nhưng bố mẹ Mị, cho dù nghèo đói, vẫn sống được, vẫn có cô con gái xinh đẹp đấy thôi. Có lẽ Pá Tra thấy trả nợ như vậy chưa “thỏa đáng” nên nói với bố Mị:
            - Cho tao đứa con gái này về làm dâu thì tao xóa hết nợ cho.
            Những người đàn bà trong gia đình thống lý Pá Tra nói riêng, nhà giàu ở Hồng Ngài nói chung “Một đời con người chỉ biết đi theo đuôi ngựa của chồng”. Mỗi năm mỗi mùa công việc cứ lặp đi lặp lại: “Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc xay ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế. Con ngựa, con trâu làm còn có lúc đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc cả đêm lẫn ngày”.
            Vì thế, Mị nói với bố:
            - Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu.
Bố đừng bán con cho nhà giàu” chứ không phải “gả”. Mị ý thức được dù phải trả nợ nhưng vẫn còn đó một khoảng trời tự do, bị bán vào nhà giàu còn khổ hơn con trâu con ngựa.
            Về làm dâu nhà thống lý một thời gian, Mị đã nghĩ đến cái chết. Nhưng Mị không thể chết vì đang phải gánh món nợ của bố, đành cắn răng chịu đựng. Lần lữa năm tháng trôi qua, bố Mị chết, Mị không tưởng đến cái chết nữa vì “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Cái buồng Mị ở chẳng khác gì một phòng giam “kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng cứ ngồi trong lỗ vuông ấy, đến bao giờ chết thì thôi”.
            Cuộc đời Mị trong nhà thống lý Pá Tra là cuộc đời lao tù, bị bóc lột sức lao động, bị đày đọa tâm hồn, không bạn bè, không người thân thích. Những chị em dâu của Mị cũng trong tình cảnh ấy, thậm chí trông còn thảm thương hơn. Người chị dâu cởi trói cho Mị được tác giả miêu tả: “Người chị dâu ấy chưa già, nhưng cái lưng quanh năm phải đeo thồ nặng quá, đã còng rạp xuống”. Hoàn cảnh ấy, môi trường ấy đã biến một cô gái xinh đẹp “nhiều người mê”, có tài “thổi lá cũng hay như thổi sáo”, tràn trề sức sống thành một con người ngày càng không nói, “lùi lụi như con rùa nuôi trong xó cửa”.
            Mỗi cái tết, như một cánh cửa của thời gian, khép lại một năm cũ và mở ra một hy vọng mới. Cái tết đối với bà con đồng bào miền núi lại càng quan trọng, càng được trông chờ vì quãng thời gian ấy người ta có dịp gặp gỡ nhau, người ta hò hẹn, người ta nghỉ ngơi để chuẩn bị cho mùa làm nương mới. Nhưng đã bao cái tết Mị không buồn đi chơi và cũng không được A Sử cho đi chơi. Dường như tâm hồn Mị đóng khép dần với thời gian.
            Đã bao cái tết Mị lén lấy hũ rượu uống ực từng bát để say, để quên đi nỗi buồn. Nhưng cái tết này, tiếng sáo gọi bạn đi chơi đã gợi cho Mị nhớ về những cái tết chưa là con dâu gạt nợ. Mị ngồi lẩm nhẩm lời bài hát của người nào đó đang thổi:
            Mày có con trai con gái rồi
            Mày đi làm nương
            Ta không có con trai con gái
            Ta đi tìm người yêu.
Không khí tết, hơi rượu nồng nàn và những câu hát đã đánh thức tâm hồn Mị bởi vì “Mị trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ”. Nhưng những câu hát ấy làm cho nỗi buồn của Mị thêm đau: “Huống chi, A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau!” Đỉnh điểm của nỗi đau, nỗi chán chường là không muốn nhớ lại nữa “nhớ lại chỉ thấy nước mắt ứa ra”. Mị lại nghĩ đến cái chết. Chết để thoát khỏi kiếp nô lệ. Chết để quên đi số kiếp éo le có chồng, bên chồng mà vò võ cô đơn. Thế nhưng, ý nghĩ đó cũng như bóng mây đen thoáng qua. Tiếng sáo gọi bạn yêu lửng lơ ngoài đường phút chốc làm Mị quên đi thân phận. Tâm hồn Mị phơi phới trở lại, Mị muốn đi chơi:
            Anh ném pao, em không bắt
            Em không yêu, quả pao rơi rồi.
            Khát vọng yêu đương lại bùng cháy! A Sử trói Mị nhưng không trói được xúc cảm, tâm hồn: “Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”. “Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào…”
            Cho đến khi “hơi rượu tỏa”, cảm giác đau nhức khắp mình mẩy vì bị trói, đầu không cúi xuống được, lúc đó Mị mới thấy sợ vì chợt nhớ lại câu chuyện người ta thường kể: “đời trước, ở nhà thống lý Pá Tra có một người trói vợ trong nhà ba ngày rồi đi chơi, khi về nhìn đến thì vợ chết rồi”.  
            Có lẽ, nếu A Sử không bị A Phủ đánh vì phá đám, thì Mị cũng sẽ chết như người phụ nữ đời trước ở nhà thống lý Pá Tra mà thôi. Mị được cứu sống suy cho cùng là nhờ nắm đấm của A Phủ.
            Cái cách mà A Sử đối xử với Mị bằng việc đạp vào mặt khi Mị đau quá thiếp đi khi đang xoa thuốc dấu cho nó, hay đi chơi về, thấy Mị sưởi lửa, lại đánh Mị ngã lăn ra, thêm một lần nữa, chứng thực suy nghĩ của Mị “không có lòng với nhau” mà vẫn phải ở với nhau là xác đáng.
            Cuộc đời của Mị và cuộc đời A Phủ có nhiều nét tương đồng. Cả hai người đều mồ côi, đều là nô lệ - con nợ của nhà thống lý Pá Tra. Mị bị A Sử trói vào cột nhà, quấn tóc vào cột làm cho Mị không cúi, không nghiêng đầu được thì  A Phủ bị Pá Tra trói vào cột ngoài sân, tròng vào cổ một sợi dây thòng lọng, không nghiêng, không cúi đầu được. Đã mấy đêm A Phủ bị trói, Mị vẫn dửng dưng sưởi lửa, Mị biết A Phủ còn sống vì mắt mở trừng trừng. Con dâu Pá Tra chỉ vì muốn đi chơi mà bị trói thì kẻ nô lệ như A Phủ để cọp ăn thịt bò bị trói có chi lạ. Nhưng đến khi dòng nước mắt của chàng trai tài năng “việc gì cũng làm băng băng” chảy xuống hai hõm má đã xám đen lại, “chỉ đêm mai là chết”, Mị mới thức tỉnh. Lòng trắc ẩn của Mị có sự đối chiếu giữa cuộc đời mình và A Phủ. Mị rút ra kết luận: “Chúng nó thật độc ác”.
            Hành động cắt dây trói cho A Phủ xuất phát từ lòng trắc ẩn. lòng trắc ẩn chỉ có trong tâm hồn của con người biết hi sinh cho người khác (đối với Mị là báo hiếu), khao khát tự do, biết cảm thụ và rung động trước cái đẹp. Cuộc sống đọa đày kiếp con dâu gạt nợ - nô lệ, đã có lúc gần như làm cho Mị đóng khép tâm hồn, vô cảm với cuộc đời. Nhưng khi bắt gặp tiếng tơ lòng nhân loại hay dòng nước mắt đau thương của người khác tâm hồn Mị bừng tỉnh. Sự bừng tỉnh tâm hồn luôn gắn với hành động. Nghe tiếng sáo gọi bạn, tâm hồn Mị đồng điệu, quyết định đi chơi không một chút đắn đo. Thấy dòng nước mắt lấp lánh tuôn trào trên đôi má xám xịt của A Phủ, thoảng chút đắn đo, sợ hãi nhưng Mị vẫn lén cắt dây trói. Sợ vì mình đã bị con ma nhà thống lý Pá Tra nhận mặt, sợ vì "bị đem trói thế A Phủ"...Tâm trạng đắn đo, sợ hãi đó quá nhỏ so với lòng trắc ẩn và nó tan biến đi khi Mị đẩy thống lý Pá Tra, A Sử sang một phía: “Chúng nó thật độc ác”.
            Mị cũng không ngờ giải phóng cho A Phủ là giải phóng cho chính mình. Phản ứng xin theo A Phủ là phản ứng tình thế, không lường trước được của Mị. Hoàn cảnh lúc ấy, Tô Hoài gói gọn diễn biến tâm trạng Mị trong một câu nói với A Phủ hết sức ngắn gọn: “Ở đây chết mất”.

            Đoạn trích Vợ chồng A Phủ trong Sách Giáo khoa 12 THPT, là phần viết về Mị và A Phủ ở Hồng Ngài, dung lượng không lớn nhưng chi tiết, hình ảnh, cốt truyện, nhân vật có độ nén, kết cấu chặt chẽ chảy trong lối kể hết sức tự nhiên. Có lẽ hạn chế của truyện là nguyên cả phần sau: Mị và A Phủ ở Phiềng Sa. Nhìn từ hoàn cảnh ra đời tác phẩm, tôi nghĩ, Tô Hoài viết thêm phần đó chủ yếu là góp phần cổ vũ công cuộc kháng chiến của nhân dân ta mà thôi. Thành công của truyện là đã xây dựng nhân vật Mị với diễn biến tâm lí chân thật, tự nhiên, sống động. Diễn biến tâm lí của Mị luôn gắn với hành động, từ việc ném nắm lá ngón đến cắt dây trói cho A Phủ đều xoay quanh căn cốt tâm hồn nhạy cảm với cái đẹp, biết hi sinh vì người khác. Cái hay của tác giả khi dựng nhân vật Mị - nhân vật nội tâm, luôn xuyên suốt trong minh triết: Tâm hồn đánh thức tâm hồn, khổ đau thức tỉnh đau khổ. Nhân vật Mị xứng đáng là một trong những nhân vật kiểu mẫu của nền Văn học Việt Nam hiện đại.

7 nhận xét:

  1. Đỗ Ngọc Hướnglúc 18:36 21 tháng 5, 2014

    Cảm ơn thầy về bài nghiên cứu, thầy không trực tiếp dạy em nhưng em học được ở thầy rất nhiều. Em mong sẽ có dịp gặp thầy, chúc thầy khỏe.

    Trả lờiXóa
  2. Trần Nguyễn Namlúc 17:45 23 tháng 5, 2014

    Hay quá thầy ạ, cảm ơn thầy nhiều!

    Trả lờiXóa
  3. Nguyễn Cảnh Namlúc 00:57 27 tháng 5, 2014

    Tôi đã đọc tất cả những bài nghiên cứu của anh, rất thích về cách nhìn nhận, đánh giá và lối viết. Cảm ơn anh đã vô tư chia sẻ những điều tâm huyết của mình. Với tôi, anh là nhà nghiên cứu đích thực. Chúc anh khỏe, hạnh phúc!

    Trả lờiXóa
  4. Đào Mậu Thắnglúc 13:25 12 tháng 6, 2014

    Cảm ơn các bạn đã động viên. Mình rất vui khi bài viết được mọi người chia sẻ!

    Trả lờiXóa
  5. Có lẽ anh sáng tác được nên các bài nghiên cứu rất sâu sắc. Sức viết của anh tốt quá. Chúc anh có nhiều tác phẩm mới!

    Trả lờiXóa
  6. Em rat nguong mo thay.nguong mo o cach nhin nhan moi dieu.chuc su phu suc khoe de tiep tuc viet nhung bai hay

    Trả lờiXóa
  7. Nguyễn Minh Hùnglúc 02:26 6 tháng 10, 2014

    Cảm ơn thầy về bài viết, chúng em rất mong có những bài viết mới của thầy. Chúc thầy khỏe, vui với sự nghiệp trồng người!

    Trả lờiXóa