Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

SUY NGHĨ VỀ CÁI KẾT TRUYỆN TẤM CÁM BỊ CẮT - SÁCH GIÁO KHOA LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG



            Tác phẩm văn học phản ánh hiện thực xã hội, cho dù ở giai đoạn nào, quá khứ hay tương lai vẫn thế. Đọc tác phẩm văn học chúng ta hiểu lịch sử, đời sống xã hội, tâm lý, phong tục tập quán, quan điểm đạo đức, tư tưởng thẩm mỹ…Dạy tác phẩm văn học trong nhà trường phổ thông cần phải xem xét, đánh giá trong thời đại của nó, có như vậy mới chính xác, khoa học và không phiến diện.
            Đối với Văn học dân gian – bách khoa toàn thư về cuộc sống nhân loại, việc giảng dạy lại  càng phải đứng trên góc độ lịch sử để đánh giá. Việc cắt xén một phần tác phẩm để phù hợp với tư tưởng thẩm mỹ, đạo đức thời đại, e rằng việc làm đó đã lệch chuẩn. Ngạn ngữ có câu: “Một nửa bánh mì là bánh mì, một nửa sự thật là sự giả dối”. Truyện Tấm Cám được đem vào giảng dạy ở lớp 10 THPT bị cắt xén đoạn cuối phần kết thuộc vấn đề nêu trên.

            Chọn Tấm Cám đem giảng dạy ở lớp 10 THPT là không sai bởi vì truyện này rất phổ biến đối với dân tộc ta. Cái sai ở đây là xác định không đúng tư tưởng tác phẩm nên ý tưởng giáo dục sai lệch, quyết tâm theo đuổi ý tưởng đó nên đành phải cắt phần cuối cái kết của truyện. Cái “khôn” của người soạn sách là để dấu ba chấm (…) sau chữ cuối văn bản, lập lờ né tránh được những ai có ý “truy” đến cùng. Đã thế sao không ghi trong phân phối chương trình hay chua thêm sau tiêu đề trong sách giáo khoa là trích nhỉ? Về mặt hình thức, Tấm Cám trong sách giáo khoa 10 THPT là một tác phẩm trọn vẹn. Nhưng trọn vẹn sao được khi người soạn sách không hiểu thông điệp mà cha ông ta gửi gắm.
            Xét trong quá trình phát triển câu chuyện, nhân vật Tấm luôn đấu tranh để thể hiện chính mình, đòi được là chính mình hơn là nhân vật tiêu biểu cho cái đẹp, cái thiện, sự xả thân vì cộng đồng. Nhân vật mụ dì ghẻ là đại diện cho cái ác, khởi nguyên của cái ác. Đứa con của mụ - nhân vật Cám, được nuôi dưỡng bằng cái ác nên đã phát triển cái ác ở mức cao hơn. Do đó, tư tưởng truyện Tấm Cám là bài học cho kẻ ác, cho những kẻ rắp tâm làm chuyện ác hơn là ca ngợi cái đẹp, cái thiện. Triết lý dân gian: “Ở hiền gặp lành”, “Ác giả ác báo” có lúc song hành trong một câu chuyện, có lúc tách rời, có lúc lại phân biệt chủ yếu – thứ yếu. Truyện Tấm Cám với triết lý: “Ác giả ác báo” đóng vai trò chủ yếu, nên khi giảng dạy, khai thác để làm nổi bật “Ở hiền gặp lành” nó khập khiễng nên người soạn sách cắt bỏ phần cuối đoạn kết truyện là vì thế.
            Để nuôi dưỡng tâm hồn thánh thiện, nhân hậu cho trẻ thì không nên chọn nhân vật Tấm hay nói đúng hơn là chọn truyện Tấm Cám. Cái sai lâu nay của chúng ta là gò ép, nguyên nhân sai là xác định tư tưởng truyện không đúng. Khai thác truyện theo thông điệp “ác giả ác báo”, “gieo gió gặt bão”, tội ác phải bị trừng phạt thì chắc chắn sẽ không vấn đề gì.
            Không có một tác phẩm nào thỏa mãn hết được mọi yêu cầu xã hội. Mỗi tác phẩm văn học có một nhiệm vụ nhất định. Đối với văn học dân gian, do tính chất thể loại – lịch sử nên dung lượng ngắn, mỗi tác phẩm chủ yếu chỉ giải quyết một vấn đề của cuộc sống. Để đạt được mục đích đề ra, trong truyện cổ tích đôi khi có yếu tố thần kỳ hay yếu tố phi logic. Đứng ở góc độ hiện tại, xét về logic, chúng ta thấy truyện Tấm Cám thật ngây thơ. Nhưng đó chỉ là bề ngoài, dễ thấy, cái cốt lõi sâu sắc của truyện thấm đẫm tư tưởng Phật giáo. Tiếc thay, việc cắt xén đoạn kết đã vô tình làm mất đi điểm nhấn thông điệp của truyện.
            Cái phi logic của truyện là thử hài. Nếu chiếc hài chỉ duy nhất vừa chân cô Tấm, thì có lẽ bàn chân  quá to hoặc quá nhỏ hay vênh váo dị tật. Logic thông thường các loại size áo quần, dày dép của thiếu nữ ít chênh lệch nhau, do đó người ta sản xuất hàng loạt để bán mà không sợ không có người mua. Cái phi logic thứ hai là đã làm hoàng hậu rồi mà Tấm vẫn trèo cau. Hoàng hậu không có kẻ hầu người hạ thì khác nào phụ nữ có chồng trên thế gian đều là hoàng hậu hết. Phi logic thứ ba: vua không có vai trò, trách nhiệm gì trong cái chết của Tấm, trong việc Tấm giết Cám làm mắm. Một vị vua hiền lành thích chơi chim, ngủ võng, ăn trầu têm cánh phượng sao lại để cái ác hoành hành? Việc Tấm chết Cám vào cung thay chị có thể lý giải theo quan niệm dân gian: “Con chị nó đi con dì nó lớn”, “Tình chị duyên em”. Nhưng khi biết chim vàng anh là hóa thân của vợ rồi lại để cho Cám làm thịt ăn mà không truy cứu? Hay là vua bị cám dỗ trước sắc đẹp của Cám, kiểu dân gian chế giễu: “Mít ngọt anh đánh cả xơ/ Chị đẹp em đẹp anh rờ cả đôi”? Nếu đứng trên quan điểm logic hiện đại thì ông vua này bị phán xét ở hai tội: quan liêu và đồng lõa với cái ác. Ranh giới giữa quan liêu và đồng lõa với cái ác thật mong manh!
            Nói chuyện Tấm Cám thấm đẫm tư tưởng Phật giáo biểu hiện ở kiếp luân hồi và cách trả thù của Tấm. Mỗi kiếp Tấm bị giết mỗi cách khác nhau. Lần đầu là chết nước do mụ dì ghẻ chặt cây cau, Tấm ngã xuống ao. Hóa thân thành chim vàng anh thì bị Cám ăn thịt. Làm kiếp cây xoan đào bị chết băm (bị đốn), thành khung cửi thì bị chết cháy. Quan điển dân gian “sự bất quá tam”, quan điểm Phật giáo có vay có trả. Phật giáo và dân gian đồng nhất: “quay đầu là bờ”/ “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”; nhưng những kẻ không chịu quay đầu, cố tâm thực hiện cái ác vì lợi ích riêng của mình thì phải bị trừng phạt. Đại từ đại bi như Phật Tổ, Phật Bà Quan Âm nhiều lúc cũng phải ra tay diệt trừ cái ác, không thể để cái ác hoành hành; rất nhiều truyện cổ tích, truyền thuyết nói về điều này.
            “Gieo gió gặt bão”, “có vay có trả”, kẻ thủ ác như mẹ con mụ dì ghẻ phải chết, không được siêu thoát, không được chuyển kiếp. Có như vậy cái ác mới không tiếp diễn, mong muốn của cha ông xưa đến ngày nay và mai sau vẫn nguyên giá trị. Cái chết của mẹ con Cám là phép cọng những gì chúng gây ra:
- Tấm chết đuối // Cám chết nước
- Tấm chết cháy // Cám chết bằng nước sôi
- Tấm bị chặt // Cám bị băm làm mắm
- Tấm bị Cám ăn thịt // Cám bị mẹ ăn thịt
Cái chết của mẹ con Cám bởi sự trừng trị của Tấm được sự đồng tình của Trời – Đất qua hình tượng con quạ nói rất rõ tiếng người, có vần có điệu: “Ngon gì mà ngon, mẹ ăn thịt con có còn xin miếng”.
            Phần kết câu chuyện bị cắt không dài nhưng hết sức quan trọng, nó phản ánh tâm lý, quan điểm của dân tộc trước cái ác. Tiêu diệt cái ác là phải tận gốc rễ, có như vậy cuộc sống mới êm đẹp, hạnh phúc.  Nhân vật Tấm  khai thác dưới góc độ đại diện cho công lý chắc chắn thuyết phục hơn cho đại diện cho cái thánh thiện, nhân hậu. Viết đến đây tôi lại nhớ Kiều của Nguyễn Du. Không biết xây dựng nhân vật Kiều, nhất là đoạn giữ vai trò quan tòa, Nguyễn Du có liên tưởng truyện Tấm Cám mà gia giảm tính cách nhân vật chút nào chăng?

            Trong giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn thánh thiện, nhân hậu phải đảm bảo đồng bộ cái chân, cái thiện, cái mĩ. Người soạn sách lớp 10 THPT cắt đi phần cuối cái kết truyện Tấm Cám, như vậy không đảm bảo cái chân. Không còn cái chân thì không giáo dưỡng cái thiện, cái mĩ được. Cắt gọt một tác phẩm hoàn chỉnh để phục vụ cho một ý đồ giáo dục chẳng khác nào gọt chân cho vừa giày vậy. Không hiểu đúng tư tưởng tác phẩm, áp chế nhận thức bằng cách này hay cách khác, “cả vú lấp miệng em” kiểu: “sách giáo khoa là pháp lệnh” trong giảng dạy văn học không chỉ làm cho học sinh chán ghét môn văn, mà xa hơn, chúng ta đã hủy hoại niềm tin ở các em.

14 nhận xét:

  1. Bài viết có sức thuyết phục, cảm ơn bạn.

    Trả lờiXóa
  2. Trước khi đọc bài của bạn tôi nghĩ nên cắt đoạn kết, bài viết của bạn làm tôi thay đổi quan niệm rồi đấy, cảm ơn.

    Trả lờiXóa
  3. Ngọc Huyền (Cẩm Phả)lúc 01:55 17 tháng 5, 2014

    Cảm ơn anh nhiều, chúc anh sức khỏe, có nhiều bài nghiên cứu hơn nữa.

    Trả lờiXóa
  4. Hay quá thầy ơi, em rất thích.

    Trả lờiXóa
  5. Bài viết ngắn gọn, sâu sắc, sức thuyết phục cao. Cảm ơn anh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lần đầu tiên đọc blog của bạn, rất thú vị, các bài nghiên cứu viết gọn, sâu. Một số truyện ngắn có ý nghĩa, nhiều bài thơ rất lãng mạn, trí tuệ. Chúc bạn hạnh phúc, thành công trong sự nghiệp văn chương.

      Xóa
  6. Lần đầu tiên đọc blog của bạn, rất thú vị. Bài viết nghiên cứu gọn, sâu, một số truyện ngắc có ý nghĩa, rất nhiều bài thơ lãng mạn, trí tuệ. Chúc bạn hạnh phúc và thành đạt trong sự nghiệp văn chương!

    Trả lờiXóa
  7. Đào Mậu Thắnglúc 07:26 11 tháng 6, 2014

    Cảm ơn các bạn đã có lời khen, động viên. Hãy thường xuyên ghé thăm blog Lê Nhật nhé, chúc các bạn vui vẻ.

    Trả lờiXóa
  8. Rất thuyết phục, cảm ơn anh!

    Trả lờiXóa
  9. Nguyễn Thị Ngọc Phượnglúc 19:53 17 tháng 9, 2014

    Em không biết giải thích thế nào cho con em khi cháu hỏi, giờ thì em có bửu bối rồi. Cảm ơn anh rất nhiều.

    Trả lờiXóa
  10. Cách nhìn nhận này rất thú vị. Tuy nhiên nhìn từ khía cạnh văn bản học, chúng ta phải công nhận một điều là chuyện cổ tích nói chung, và chuyện Tấm-Cám nói riêng là loại chuyện truyền khẩu, không thể có văn bản nào là văn bản gốc, văn bản chuẩn cả. Dị bản mà chúng ta đang đề cập đến ở đâu (Tấm làm mắm Cám) là dị bản do Vũ Ngọc Phan sửa chữa lại từ ghi chép của G.Jeanneau 1886.(http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/48135/co-tam-cua-viet-nam-da-mat-tich.html)
    Ngay cả ghi chép của Jeanneau cũng không phải là bản gốc mà chỉ là ghi chép lại chuyện kể trong dân gian và tôi đồ rằng ghi chép đó cũng đã bị sửa đổi theo quan điểm và cách nhìn của tác giả vốn biết rất rõ chuyện cổ tích Lọ-Lem của anh em Grimm và các chuyện tương tự ở Châu Âu.

    Nhìn như thế, chúng ta phải chấp nhận rằng không có gì là không thể sửa chuyện cổ tích Tấm Cám. Vấn đề đáng bàn là sửa với mục đích gì và qua đó thông điệp muốn truyền tải ra sao. Tôi ủng hộ việc sửa đổi câu truyện để tránh các chi tiết quá tàn ác, ghê rợn mà nhà trường và cha mẹ có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên hình thức có ghi chú (annotation) theo tôi là cần thiết. Bên cạnh việc sửa đổi, sách cần có ghi chú về dị bản phổ biến khác và nêu rõ quan điểm về đạo đức/pháp luật cũng như cách nhìn phê phán với quan điểm của tác giả. Được như thế không những các em học sinh có thể tiếp cận một văn bản nhân văn hơn mà quan trọng hơn là các em có thể tự đánh giá để rút ra bài học ứng xử cần thiết cho bản thân mình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. bạn nói rất đúng ! Truyện cổ tích nói chung đều không có bản quyền nào cả nên có dị bản cũng dễ hiểu.

      Xóa
  11. nhưng chi tiết Tấm làm Hoàng hậu rồi mà vẫn trèo cau hoàn toàn có thể hiểu được, cô giáo mình đã đề cập đến rằng: chúng ta có thể hiểu đó là do tình phụ tử - tình cảm cha con sâu đậm. Tấm tuy làm Hoàng hậu quyền uy, quý phái nhưng khi về nhà vẫn lại là con của cha nên việc trèo cau là chuyện dễ hiểu! (đây không phải nguyên văn lời cô giáo mình mà do mình hiểu ý là vậy). Xin cảm ơn.

    Trả lờiXóa
  12. Anh bạn Vũ Thường ơi, người đời nay sửa chuyện người đời xưa để phục vụ cho mục đích của mình là bóp méo sự thật. Tôi ủng hộ quan điểm của Lê Nhật: mỗi tác phẩm văn học không thể nào đề cập hết các vấn đề xã hội. Đây là một bài nghiên cứu có tính đột phá. Rất cảm ơn tác giả!

    Trả lờiXóa