Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

MỘT BỮA NHẬU



            Nghe tiếng chặt cây ngoài vườn, anh Tấn quát:
            - Mày làm gì ngoài ấy thế?
Thằng Hùng đáp vọng vào:
            - Dạ, con chặt nhánh ổi làm nạng ná.
Anh Tấn nói với tôi:
            - Từ khi ông Dư về mấy đứa trẻ con thay đổi hẳn.
Tôi tò mò:
            - Có phải cái ông có biệt danh là “cùi” không?
            - Bây giờ không ai gọi ông ấy bằng biệt danh ấy nữa, biệt danh mới của ông ấy là “biết”.
Anh giải thích:
            - Ông Dư ngang tàng, lập dị. Nhưng ngẫm ra ông luôn đúng. Hôm giỗ họ, ông tháo bức thư pháp chữ “Tâm” trên vách nhà thờ, thay vào bức họa thư pháp chữ “Biết” rất đẹp. Ông nói thuê một họa sĩ có tiếng mãi ngoài Hà Nội vẽ. Mấy ông trưởng chi tỏ vẻ bất bình, ông nói: “Chữ nghĩa tôn chỉ cho cả họ là phải theo thời đại; Bác Hồ dạy: “Có Đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”, hơn nữa, chữ “Biết” là chữ của Trạng Trình: “Khôn chết, dại chết, biết thì sống”. Các ông nghĩ xem, biết đối nhân xử thế thì được người ta nể trọng, biết làm ăn thì giàu có, biết học hỏi thì thành đạt. Có khi biết trước nhưng không tránh được thì đó là số phận, như vậy người ta bình tĩnh để đón nhận, an nhiên tự tại để rồi lại tự vươn lên…Chỉ có mấy câu nói mà ông Dư thuyết phục tất cả.
            Thằng Hùng vào nhà, mồ hôi dán bết tóc vào trán che đi cái xoáy bò liếm. Nó khoe:
            - Bố với chú Thắng thấy đẹp không?
Anh Tấn hỏi:
            - Có hai cái ná rồi tính làm nữa sao?
Thằng cháu ra vẻ quan trọng:
            - Phải có cái dự phòng chứ bố. Ông cố bảo làm cái gì cũng phải dự phòng.
Tôi nói với cháu:
            - Chơi ná cao su không tốt đâu cháu ạ, mỗi đứa ba cái ná thì chim chóc đâu còn. Cháu thử nghĩ xem không có tiếng chim hót thì buồn biết bao.
            - Bọn cháu không bắn chim đâu chú ạ.
            - Không bắn chim thì các cháu bắn gì?
            - Bắn bọn Tàu chú ạ.
Như biết tôi không hiểu, thằng Hùng giải thích:
            - Hồi xưa ông cố Dư cũng dùng ná cao su đánh Mĩ đấy. Bắn lựu đạn chú ạ. Ông cố bảo bọn Tàu ở ngoài biển, giờ ông già rồi, nhà nước không cần ông nữa, bọn Tàu mà vào đất liền thế nào ông cũng chỉ huy một đội quân đánh chúng. Nhiều đứa muốn xin vào đội quân của ông nhưng không dễ vào. Phải kiểm tra, bầu chọn chú ạ. Chú chơi với bố cháu, cháu đến nhà ông cố Dư đây ạ.
Châm thêm nước cho tôi, anh Tấn cười:
            - Không biết có bùa ngãi, chiêu trò gì, bọn thanh thiếu nhi làng này mê ông Dư như điếu đổ. Ông nói gì chúng cũng nghe, sai gì chúng cũng làm. Cái “đội quân” của ông như thằng Hùng nói, đứa nào cũng phải học khá trở lên, điều kiện thứ hai là bắn ná giỏi hay biết chơi bóng đá, bơi lội. Bây giờ đứa trẻ nào bảo đến nhà ông Dư Biết là bố mẹ yên tâm.
            Tính tôi tò mò, cái gì cũng muốn biết tận gốc ngọn. Anh Tấn hiểu ý, cười:
            - Cứ uống nước đi rồi phụ anh làm mồi nhậu. Chút nữa giỏi thì chú khai thác ông Dư.
            Có tiếng xe máy ngoài cổng. Ngó ra, là Tuấn – chủ tịch xã, học trò cũ của tôi và cô Duyên, bí thư huyện Đoàn. Tuấn chào tôi, giới thiệu thì Duyên đã nhanh nhẩu:
            - Em biết rồi. Em chào thầy ạ! Em học cùng khóa với con trai thầy, cùng làm công tác Đoàn nên em biết nhiều về thầy, anh ạ.
Tôi chào đáp lễ, bắt tay hai người. Mang thùng bia và túi ốc vào nhà, Tuấn nói với tôi:
            - Nghe chú Tấn bảo chiều nay thầy xuống nên bọn em tranh thủ xong việc sớm. Cô Duyên cũng mong gặp ông Dư, thế là bọn em kết hợp “hai trong một”.
            Tuấn xuống bếp phụ anh Tấn làm mồi nhậu. Duyên nói với tôi:
            - Chỉ cần mỗi xã có một người như ông Dư Biết thì kinh tế, an ninh xã hội huyện ta tốt lên ngay thầy ạ. Ông Dư vừa có tài lại vừa có tâm, xứng với cái danh “Dư Biết”.
Giọng nói của Duyên lộ rõ sự khâm phục, thấy tôi chăm chú nghe, cô kể:
            - Có lẽ em sẽ khai thác ông Dư, viết báo cáo kinh nghiệm “Giáo dục thanh thiếu niên bằng dịch chuyển nhận thức, hành động” để phổ biến cho toàn huyện. Cách làm của ông hay và phù hợp lắm.
            Tôi nghĩ, trước khi gặp “nhân vật chính” cũng cần khai thác qua một “nhân vật khác”, vậy nên tôi chọc:
            - Thế lâu nay nhận thức, hành động của thanh thiếu niên không đúng sao mà phải “dịch chuyển”?
            - Dạ, không. Dịch chuyển ở đây là dịch chuyển nhận thức, hành động lệch chuẩn sang chuẩn thầy ạ.
Tôi cười, châm thêm nước cho Duyên. Cô đỡ lấy bình trà, nói” “Thầy để em”. Chờ Duyên rót xong, tôi hỏi:
            - Cô có thể nói cụ thể được không?
            - Dạ đươc, nhiều chuyện hay lắm thầy ạ.
            Thế rồi Duyên kể, hồi ông mới về làng, bọn thanh niên tối tối đua xe, nẹt pô, đánh võng làm bà con sợ chết khiếp. Ông Dư ra xem, bảo với chúng nó đua như thế y chang gà công nghiệp, còn lâu mới thành “đại bàng”. Nghe giọng nói của ông già Nam bộ, bọn chúng ngạc nhiên, chửi: “Ông biết chó gì”. Ông cười bảo chúng chọn đứa nào giỏi nhất đua với ông. Điều kiện là ông thua, ông làm bất cứ việc gì chúng muốn và ngược lại. Thấy ông già có vẻ “lựu đạn”, thằng Cang đại diện cho cả nhóm nhận lời thách đấu. Ông bảo hai người hai xe còn có sự ăn may xe tốt xe xấu, chỉ đua một xe, đua bằng kỹ thuật thôi, có nghĩa là ông làm động tác gì thì thằng Cang phải thực hiện động tác đó. Ngồi lên xe của thằng Cang, có đứa chọc: “Coi rụng răng ông già, xe xoáy nòng đó”. Rịn ga vài cái, xe chạy được vài mét, ông bốc đầu xe, chạy dăm bảy mét rồi ông quay lại mà bánh xe trước vẫn còn ở trên không. Liếc một vòng số tám rồi hạ bánh xe xuống, ngừng lại. Cả bọn há hốc mồm, chúng mắt thấy tai nghe chứ không phải xem phim hành động. Đứa này xuýt xoa tài thật, đứa khác trầm trồ tuyệt ghê. Không biết đứa nào gọi ông là “sư tổ”, cả bọn gọi theo…Chúng hỏi ông muốn chúng làm việc gì, ông chỉ bảo: “Các cháu đừng đua xe nữa. Còn muốn chạy như ông, đến nhà ông dạy cho”. Thế rồi ông dạy đua xe thì ít, dạy sửa chữa, tân trang xe thì nhiều. Tiệm sửa xe Honda Cang Cường đầu ngã ba là của hai đứa từng tham gia nhóm đua xe thầy ạ.
            Chuyện cô Duyên kể khá thú vị. Tôi nghĩ đúng là ông già lựu đạn, đua như vậy lỡ té thì làm trò cười cho thiên hạ, nguy hiểm đến tính mạng, có cần phải làm như thế không? Nghe chuyện của ông cứ như giang hồ thứ thiệt…
            - Lại còn chuyện vận động học sinh bỏ học quay lại trường mới “độc” thầy ạ. Ông Dư kêu mấy đứa bỏ học đến nhà nấu chè cho ăn. Ông nói với chúng ở nhà chán chết, phải đi học để quậy mới vui. Mấy đứa trẻ tròn mắt, không ngờ chúng lại có “đồng minh”. Hỏi chúng từng quậy như thế nào, thế là hết đứa này đến đứa khác thay nhau kể. Nghe xong, ông nói quậy như vậy quá tầm thường, không xứng đáng anh hùng hảo hán, cách quậy đó xưa rồi. Ông hỏi chúng nó có dám quậy như ông chỉ vẽ không, đứa nào cũng hô “dám”. Vậy là kế hoach quậy được đưa ra. Ông Dư Biết nói: “Phải quậy làm sao cho thầy cô giáo sợ. Đứa nào làm được chuyện đó sẽ có thưởng. Vì sao lại gọi là thầy giáo? Vì là người có tri thức. Vậy phải dùng kiến thức quậy mới đã”. Nghe vậy, chúng nhìn nhau ỉu xìu. Ông Dư bảo cứ đưa sách vở đến ông sẽ chỉ. Ông hướng dẫn, kèm cặp chúng, đơn giản hóa các thuật ngữ trừu tượng, bài tập được nâng dần từ dễ đến khó. Có đứa hỏi ông không hiểu sao dễ như thế mà ở trường không làm được. Ông cười, ra một bài tập khó cho chúng giải. Mãi rồi chúng cũng giải được, ông nói: “Mai các cháu đến lớp, im lặng học tập chăm chỉ, khi thầy giáo hỏi: “em nào có ý kiến thắc mắc gì” thì đưa bài tập này nhờ thầy giải. Nếu thầy giáo giải được ông sẽ cho bài khác, đến khi nào thầy không giải được là chúng ta thắng”. Thế rồi từng buổi, từng buổi học chúng lại đến “báo cáo” kết quả cho ông. Một thời gian sau chúng khá hẳn lên, không đứa nào có ý nghĩ bỏ học nữa, ông Dư Biết đãi chúng một chầu kem, bảo: “Ông thua thầy các cháu rồi”.
            Tôi bật cười, Duyên cười theo. Tuấn xách phích nước lên hỏi chúng tôi cười gì nghe vui vẻ thế. “Vẫn chuyện ông Dư Biết, anh à”, Duyên đáp. Pha bình trà mới, Tuấn góp chuyện:
            - Có những việc nhiều khi bọn em nghĩ không ra nhưng với ông Dư Biết lại thật là đơn giản thầy ạ. Kinh phí địa phương eo hẹp, làm chuyện này thì mất chuyện kia, mảng  văn hóa xã hội tiêu tiền ai cũng thấy nhưng mấy ai nhìn ra được hiệu quả của nó. Xây dựng  xã văn hóa mà yếu kém về văn hóa thể thao ai người ta công nhận. Sau một cuộc họp dân chính, ông Dư nói với em sẽ tài trợ cho giải cờ tướng của xã và sẽ duy trì giải này lâu dài. Thế là ông mua cho mỗi thôn hai bộ cờ tướng thật đẹp, cùng với trưởng thôn giao cho nhà ông A, ông B thường hay có người đến chơi cờ, hẹn sau một tháng, thôn  cử hai  đại diện lên xã đấu vòng chung kết. Bốn người vào bán kết được thưởng tiền, giải nhì có cờ, giải nhất có cờ và cúp luân lưu. Ai vô địch ba năm liền mới được giữ cúp vĩnh viễn. Sau giải đấu rất thành công đó, ông Dư xin thành lập câu lạc bộ, kết nạp hội viên, đóng góp hội phí để nuôi phong trào. Thành ra, ông Dư Biết tài trợ năm triệu đồng mà có giải đấu hoành tráng, quan trọng hơn là phát triển được phong trào. Từ mô hình ấy xã em đã có thêm câu lạc bộ bóng chuyền, cầu lông, sắp tới là bóng đá. Nhiều lúc xã muốn vận động nhân dân về một vấn đề gì đó, thông qua các câu lạc bộ vừa nhanh lại vừa có hiệu quả. Tuyên dương ông những việc làm được cho xã, ông nói: “Có đáng gì để tuyên dương, cái chính là xã chưa phát huy triệt để chủ trương “nhà nước và nhân dân cùng làm” nên chưa có phong trào mà thôi. Tiền đâu mà năm nào cũng bỏ ra, cái chính là cần một “cú hích”. Biết tiêu tiền quan trọng hơn làm ra tiền các anh à.
            Vừa lúc ấy thằng Hùng chạy về, liến thoắng:
            - Cháu chào chú Tuấn, cô Duyên. Bố ơi cố Dư đến rồi.
            Tôi không ngờ ông Dư Biết còn trẻ thế. Sáu mươi lăm tuổi rồi mà trông cứ như năm mươi. Tóc mới điểm bạc, da dẻ hồng hào, bước đi nhẹ nhàng, nhanh nhẹn. Tôi vừa đứng lên ông đã cất tiếng:
            - Chào chú, chào cô. Tôi xin lỗi vì đến trễ.
            Bàn tay ông nắm tay tôi thật chặt, ấm áp, tràn đầy sinh lực.
           
            Suốt bữa nhậu, tưởng rằng “khai thác” được ông nhưng ngược lại. Ông hỏi tôi về công tác, gia đình; hỏi cô Duyên về những dự định, mô hình thanh niên làm giàu, trao đổi với Tuấn việc xây dựng tủ sách kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt ngay từng thôn. Bia, ông uống từng hớp nhỏ, thỉnh thoảng nhấm nháp chút mồi cho khỏi người ta mời mọc. Một phong cách đĩnh đạc, tự nhiên của bản lĩnh lớn. Hỏi ông về cuộc đời lưu lạc, hoạt động cách mạng, ông cười, nói những điều chúng tôi đã biết: “Cha tôi là hội viên Hội thanh niên Phan Anh rồi trở thành cán bộ cách mạng. Tôi sinh ra ở Huế,  sau đó vào Sài Gòn tham gia cách mạng khi đang học năm nhất Đại học Khoa học. Bị đuổi học, tôi vẫn tiếp tục hoạt động vùng Chợ Lớn. Sài Gòn giải phóng, tôi về công tác ở Quân rồi Thành ủy. Về hưu, tìm về quê cha đất tổ, thế thôi, có gì đáng nói đâu”.
            Cụng li bia với ông Dư, Tuấn nói:
            - Lý lịch của ông cho cháu nhiều thông tin hơn. Nhưng mà có một thời ông là đại ca giang hồ Chợ Lớn có đúng không?
Nhấp ngụm bia, để li xuống chiếu, ông nói:
            - Cháu phải gọi là bác mới đúng vai vế, hôm nào bác giải thích cho nghe. Do quan hệ cả hai phía nội ngoại, nên thằng Tấn gọi cháu bằng anh mới đúng.
Duyên hỏi, có vẻ ngạc nhiên:
            - Ông Dư có biệt hiệu là “biết” không sai. Anh Tuấn, chú Tấn bà con mà không rõ thứ bậc. Sao ông Dư rành rẽ thế?
            - Vai trò tộc trưởng phải thế cô à. Phải cả tháng bác mới làm xong cái cây phả hệ, vất vả hơn cô viết báo cáo tổng kết nhiều.
Ông Dư khéo léo chuyển đề tài, tôi tiếp tục:
            - Còn việc làm đại ca Chợ Lớn ra sao, ông Dư?
            - Tôi có hoạt động ở Chợ Lớn thật, thì cũng là công tác dân vận thôi, nói đúng họ nghe, có lợi cho cách mạng chứ đại ca gì đâu thầy.
Rồi ông nói với tôi nhưng đúng hơn bao hàm cho tất cả:
            - Mấy đứa trẻ hỏi tôi về Tổ quốcNước có khác nhau không, chúng bảo cô giáo nói Tổ quốc là cách nói trang trọng. Chúng thắc mắc vậy tại sao sách giáo khoa không dùng Tổ quốc mà lại dùng Nước?
 Một câu hỏi hay, một trong chúng tôi chưa ai trả lời, ông Dư Biết nói chầm chậm:
            - Không biết tôi trả lời có chính xác không, Tổ quốc  là tên gọi thể hiện lòng yêu nước, thành kính, tôn thờ của mỗi người dân nước ấy. Còn Nước là để phân biệt giữa quốc gia này với quốc gia khác, sử dụng trong văn bản hành chính, ngoại giao…
            Ông lại tiếp tục, hỏi rồi tự trả lời như độc thoại nội tâm:
            - Không biết các nước trên thế giới từ Nước có nghĩa đen là nước hay không? Lịch sử dân tộc ta gắn liền với nước ở cả nghĩa đen. Mất Nước, An Dương Vương cầm sừng tê bảy tấc rẽ nước xuống biển, ngọc trai Mị Châu rửa nước giếng Cổ Loa thêm sáng. Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo cắm cọc nhọn dưới nước đánh trận quyết chiến chiến lược đuổi quân Nam Hán, Nguyên Mông ra khỏi giang sơn bờ cõi. Lê Lợi được Long vương cho mượn gươm đánh giặc và trả lại ở hồ Hoàn Kiếm. Hay cổ tích xưa nói chuyện vua Thủy Tề tặng Thạch Sanh cây đàn đuổi giặc…
            Những điều ông Dư Biết nói mới mẻ, cuốn hút bởi cách nhìn nhận, sắp đặt vấn đề trong một hệ thống mới. Nó thú vị như hằng ngày tôi vẫn leo lên tầng ba dạy học, nhưng một ai đó hỏi tôi phải bước bao nhiêu bậc thang thì đành chịu. Một không gian yên ắng chầm chậm trôi. Rồi cũng chính ông Dư cất tiếng sau quãng lặng suy tư về Đất Nước:
            - Bây giờ đến lượt tôi mời, trăm phần trăm nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét