Thi Chương làm Tổng trấn
Miêu Lộc được hai mốt năm. Vùng đất cằn cỗi dưới tay cai quản của ngài ngày một
trù phú, dân tình no ấm, hội hè thường xuyên. Về sau, con cháu đất Miêu Lộc xa
hoa, hưởng thụ, chúng quên đi cuộc sống ấm no do cha anh phá đất, khai thủy đắp
thành. Nhìn rõ mầm loạn, đang trong quá
trình chấn chỉnh thì ngài được quan trên điều nhậm chức nơi khác.
Người thay thế Thi
Chương là Tô Phú, phó quan, sinh ra và lớn lên ở địa phương. Tô Phú trắng trẻo,
mũi như mỏ chim ó, cổ rụt, dáng người phục phịch. Thi Chương nói với Tô Phú:
- Con cháu Miêu Lộc bây
giờ thích hưởng thụ nhiều hơn làm việc, chúng nghĩ giàu sang, sung sướng là lẽ
tự nhiên. Ngài nên tiếp tục công việc chúng ta đang làm, có thay đổi phải từ từ
, ví như thay nước bể cá. Cái ghế tổng trấn thần giữ một chân, quỷ giữ một
chân, ngài phải cố giữ hai chân, như vậy may ra mọi chuyện mới êm đẹp.
Tô Phú miệng nói “tôi
biết rồi”, nhưng trong bụng nghĩ thầm ghế tổng trấn có quái gì mà ghê gớm. Ta
sinh ra ở đây, con cháu họ hàng đông, quen biết nhiều, có gì là khó. Bạn ta là
quan phủ, có ý đưa ta ngồi ghế này từ lâu rồi chứ đâu phải đợi đến bây giờ. Ngồi
ghế tổng trấn ông làm việc gì đâu, chuyện gì cũng bàn bạc rồi giao cho kẻ này,
người khác, chỉ giỏi đàn đúm cưỡi ngựa bắn cung, ngâm thơ hát xướng. mà chơi
cũng đếch ra chơi, ai đời ta mới bẹo má ca nhi một cái đã tỏ vẻ khó chịu. Rượu
nhạt mà uống vén tay áo cung kính như uống rượu tiên…
Cả tháng đầu, hết phó
Văn, phó Võ, hương chánh, đầu mục thay nhau mời mọc tiệc tùng xun xoe mừng quan
lớn. Việc ai nấy làm, phiến trát gửi xuống, sớ tấu gửi lên, cái nào phó Văn, phó
Võ bảo ký thì ký. Chỉ tội một điều, phu nhân cứ thẽ thọt:
- Tướng công nhậm chức
cả tháng mà chẳng thấy bổng lộc đâu cả.
Quà cáp quan viên trong trấn cũng chỉ là quà cáp. Ngồi ghế tổng trấn mà
chỉ trông chờ vào quà cáp của bọn quan viên thì có hơn gì lúc còn làm phó cho
Thi Chương? Phu nhân gợi ý:
- Cái gì cần nắm là phải
nắm, cái gì cần buông là phải buông. Đừng buông cái cần nắm, đừng nắm cái cần
buông!
Tô Phú hỏi lại:
- Phu nhân nói thế
nghĩa là sao?
- Cái gì liên quan tới
tiền bạc nhất định phải nắm, vì có như thế mới kiếm được. Cái gì không liên
quan tới tiền bạc thì giao cho chúng nó!
Thế nhưng, có việc giao
cũng không xong. Một hôm, nhận công văn quận về việc lập sổ bộ mới, phó Văn
trình Tô Phú, xin chỉ đạo. Đọc công văn thấy rối rắm, đau cả đầu về nhiều khoản
mục, biết chỉ đạo sao? Ngày trước, trình lên Thi Chương, cứ xem qua là hắn biết
phải làm sao, hướng dẫn rõ ràng, rành mạch. Bực bội, cau có nhưng rồi hắn nảy
ra một kế, đập bàn quát:
- Có thế này mà cũng
xin chỉ đạo! Không làm được thì đừng ngồi vào cái ghế đó.
Phó Văn dạ dạ, cúi mặt
lui ra. Tô Phú chợt thấy mình thông minh, cao kiến. Sau này cứ thế, giao việc
cho chúng tự giải quyết. đứa nào lại không sợ mất ghế. Mất ghế thì mất bổng lộc,
nhưng chễm chệ trên ghế mà không kiếm được, không nghĩ ra cách kiếm được bổng lộc
mới tức chứ. Mỏi mệt, Tô Phú thiu thiu ngủ. Một người mặt trắng, mập mạp, ăn vận
triều phục đi vào, Tô Phú cố nhìn nhưng không rõ cấp bậc phẩm hàm gì. Ông ta
cúi đầu chào, vẻ khúm núm:
- Thưa đại nhân, ngài
đang ngồi trên cái ghế tiền bạc sao ngài không lấy mà tiêu. Ngài không nghe
câu: “Không thương mình trời tru đất diệt” sao? Tôi chỉ được phép chỉ cho ngài
kiếm tiền ba việc, nhưng tôi tin sau ba việc ấy ngài tự khắc biết làm gì. Việc
thứ nhất, ngài giở sổ cấp phát quân trang xem bao nhiêu lính, trang bị cho
chúng mỗi năm một bộ xem bao nhiêu? Mỗi bộ kiếm được tuy ít nhưng nhiều bộ cũng
là món kha khá…
Một tiếng ngựa hý từ
bãi tập vọng vào làm Tô Phú thức giấc. quái lạ, trên bàn có cuốn sổ cấp phát
quân trang. Một ngàn năm trăm lính, vị chi là…Vỗ đùi đánh đét một cái, Tô Phú rủa
thầm: “Mẹ kiếp, riêng cái khoản cấp phát quân trang gã Liêu Hải cũng kiếm được
kha khá. Không biết nó có chia chác gì với lão Thi Chương không?”. Nhưng nắm lại
việc này nên như thế nào nhỉ? Như cũ không được…- Đúng rồi, đổi mới có khó gì
đâu, cái quân hiệu hình bán nguyệt ở ngực trái cho may sang vai trái, thế là
xong… Thế là có cớ để ta nắm lại việc cấp phát quân trang, cứ giao cho phu nhân
là hoàn hảo.
Xong việc ấy, phu nhân
cứ hớn hở, cười cười nói nói, ngược lại, Liêu Hải mất đứt hai năm lương. Vợ
Liêu Hải uất ức:
- Lòng tham không đáy,
vì chút lợi mà táng tận lương tâm, chuyện này ngươi nhớ lấy!
Than là than với chồng chứ lời nói đó đâu tới tai Tô Phú. Vợ Liêu Hải muốn
đưa số quân trang chuẩn bị cấp phát cho lính đến trước cổng nhà Tô Phú đốt.
Liêu Hải ngăn lại, đem cho những người chặt củi, đốt than.
Mới một năm làm Tổng trấn,
Tô Phú nhìn đâu cũng có cách xà xẻo, giàu lên trông thấy. Cánh tay phải của Tô
Phú là Phạm Bình, một tên sai nha ăn cắp bị Thi Chương giáng cấp. Phạm Bình bày
việc cho Tô Phú làm đập nước, mở đường mới, móc ngoặc với cai thầu làm giá, ăn
chênh lệch đến con rể hắn làm nha lại ở huyện cũng phải sợ. Rồi đuổi việc những
người trước đây có cảm tình với Thi Chương hay những người hắn thấy chướng mắt.
Một công hai việc, đuổi người thì lại phải tuyển người. Những người mới tuyển là
con cháu họ hàng , phàm là người ngoài thì tùy công việc mà lấy tiền…Đám nha
dich mới tuyển ỉ thế, dốt nát nên công việc dần đè nặng lên vai đám chức sắc
giúp việc cho Thi Chương trước đây. Bọn Sử Long làm sớ báo quan trên. Hiềm nỗi,
Tô Phú làm trái quay quay nhưng quan trên lại là bạn nên bao che, Tô Phú vặc lại,
từ đó bọn Sử Long ngậm miệng, tìm cách xin chuyển lên nha phủ hay trấn khác.
Miêu Lộc ngày một loạn.
Trước kia làm gì có cảnh đâm chém, cướp bóc. Bây giờ vụ này chưa rồi đã trồi vụ
khác. Tô Phú không xử được vụ nào cho ra hồn cả. Dân tình phản đối ngày một nhiều
nên quan trên buộc phải gọi lên đe nẹt. Khổ nỗi, cấp dưới kẻ nào cũng sợ, việc
ai nấy làm, Tô Phú không biết làm việc gì cho quan trên vừa lòng. Phạm Bình,
cái tên tâm phúc, được dung dưỡng lại ăn cắp của công, bị bọn Tiểu Kỳ bắt tại
trận. Tô Phú không dám xử vì sợ Phạm Bình biết quá nhiều chuyện nên khất lần khất
lừa kiểu “để lâu phân trâu hóa bùn”. Nhưng cũng từ đó, Tô Phú chỉ lén lút gặp
Phạm Bình chứ không như hình với bóng, như chó với chủ nữa.
Từ khi bị quan trên gọi
lên mắng mỏ, hễ cứ ngồi xuống cái ghế đọc công văn là Tô Phú đau nhức mình mẩy,
hoa nắt hoa mũi. Phạm Bình xui đổi ghế khác nhưng chứng bệnh không hề giảm mà
hình như ngày một nặng hơn. Một hôm, đau quá, Tô Phú muốn đứng lên nhưng mông cứ
gắn chặt với ghế không rời ra được rồi thiếp đi lúc nào không hay. Hắn thấy cái
người mặc quan phục trắng, mập mạp cùng một người mặt đen, mắt sáng bước vào.
Người mặt trắng hỏi:
- Ông nhất quyết đi
sao?
- Không đi thì ở lại
đây làm gì?
- Ông vẫn giữ một chân
ghế mà.
- Ông nhầm rồi, chân ghế
của ta là tài năng đức độ. Người này đâu có tố chất đó để ta phù trợ. Bây giờ
ông hãy giữ luôn cái chân ghế phần ta.
- Không được! Luật Trời
đã định con người có đúng có sai, có tốt có xấu. Phần tôi tôi làm, phần ông ông
gánh. Ông đi thì ghế đâu còn.
- Thế sao ông phù trợ hắn?
- Tôi nghĩ chỉ xui hắn
làm bậy ba điều là hoàn thành công việc. Ai dè hắn tài năng quá, mới bày một việc
mà hắn đã như vậy. Hóa ra tham lam, tàn nhẫn có sẵn trong căn cốt ông ạ.
Người mặt đen thở dài:
- Tôi lên thiên đình chịu
phạt. Cả năm nay tôi trông hắn có một ý tưởng tốt để vun vào. Càng trông càng
thất vọng. Thôi thì con người ta có số; đất nước, địa phương có lúc thịnh lúc
suy. Ngẫm ra, tôi cũng sai ông ạ, sai khi cho nó một lá phiếu ngồi vào ghế này.
Giờ, ông thấy đấy, chăn dân đâu phải chuyện dễ. Tôi nhận tội với thiên đình để
may ra được giữ một chân ghế khác.
Tô Phú lơ mơ nhớ lại lời
Thi Chương. Chết mẹ, lão mặt đen bỏ đi thì mình mất ghế. Hắn móc trong tay áo ra một nén bạc, đập xuống
bàn, hét lớn:
- Ngươi không được đi!
Rồi hắn hạ giọng:
- Cứ ở lại, ta hứa kiếm
được mười đồng thì ta cho ngươi một.
Tô Phú dứt lời thì ngã
lăn ra đất, tỉnh dậy. Chiếc ghế chỏng chơ chỉ còn lại ba chân. Hắn gọi Phạm
Bình và đám con cháu mới tuyển vào tìm cái chân ghế bị mất. Quái lạ, tìm mãi,
tìm mãi mà không thấy chân ghế ở đâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét