Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

VỀ VĂN HỌC BÁC HỌC CÓ XU HƯỚNG ĐƯỢC DÂN GIAN HÓA



            Văn học bác học (Văn học viết) hình thành và phát triển trên nền Văn học dân gian. Ngoài đặc điểm riêng phù hợp với quá trình vận động và phát triển, Văn học bác học có nhiều điểm chung với Văn học dân gian như tư tưởng nhân đạo, thẩm mĩ…Văn học dân gian còn là nguồn tư liệu, đề tài, cảm hứng phong phú cho Văn học bác học khai thác.
            Văn học dân gian do nhân dân sáng tác (tập thể), phổ biến bằng phương théc truyền miệng nên thường sử dụng thủ pháp nghệ thuật phiếm chỉ; dung lượng ngắn gọn; tính khái quát cao. Được sàng lọc qua thời gian, cho nên mỗi tác phẩm Văn học dân gian như một viên ngọc long lanh trong đời sống dân tộc.
            Văn học bác học mang đậm phong cách cá nhân. Văn học bác học cũng có sáng tác mang tính tập thể nhưng phạm vi hẹp, chẳng hạn trường hợp Hoàng Lê nhất thống chí của dòng họ Ngô Thời.

            Những tác phẩm nổi tiếng của bộ phân Văn học bác học đều có chung đặc điểm mà người đọc dễ nhận dạng, đó là phản ánh chân thực, khách quan, sâu sắc đời sống xã hội, phản ánh vấn đề lớn xã hội quan tâm, ngôn ngữ diễn đạt tinh tế mà đại chúng, mới lạ mà tryền thống, bố cục chặt chẽ, lối kể chuyện tự nhiên.
            Đánh giá như thế nào là tác phẩm văn học lớn, về phương diện lý luận còn nhiều vấn đề để bàn, bài viết này  nhìn nhận những tác phẩm Văn học bác học có xu hướng được dân gian hóa là những tác phẩm lớn. Bởi một lẽ rất đơn giản, tác phẩm ấy rất cần thiết trong đời sống, tần suất sử dụng cao.

            Tác phẩm Văn học bác học có xu hướng được dân gian hóa cao nhất là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Người ta dùng Truyện Kiều để bói toán, để  đối đáp thử tài, trêu ghẹo nhau và cũng đã có người vận dụng một số câu Kiều để làm…đơn kiện! Sinh thời, Bác Hồ nhiều lần lẩy Kiều. Câu thơ: “Còn non còn nước còn người/ Thắng giặc Mĩ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay” trong  Di chúc là câu:
            Còn non còn nước còn dài
       Còn về còn nhớ những người hôm nay.
Hay khi nữ sĩ Hằng Phương tặng cam, người đã viết bài thơ Cảm ơn người tặng cam:
            Cảm ơn bà biếu gói cam
       Nhận thì không đúng, từ làm sao đây.
            Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
       Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai.
Bài thơ viết năm 1946. Cái hay của bài thơ là dùng thủ pháp đối giữa “khổ tận” với “cam lai”; hai câu cuối, một câu dùng nguyên câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, một câu sử dụng gần như trọn vẹn ý một câu Kiều “Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai”. Câu thơ Bác vận dụng là:
            Tẻ vui bởi tại lòng này
      Hay là khổ tận đến ngày cam lai.
            Trong cái kết bài Mừng tết nguyên đán như thế nào? cho báo Nhân Dân, năm 1960, Bác viết:
            Trăm năm trong cõi người ta
        Cần kiệm xây dựng mới là người ngoan
            Mừng Xuân, Xuân cả thế gian
       Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân.
Chắc chắn, những ai đã đọc Truyện Kiều, biết ngay hai câu thơ Bác lẩy là:
            Trăm năm trong cõi người ta
      Chữ tài chữ mệnh khéo đà ghét nhau.

            Trước đây, sách giáo khoa Văn học 10, phần Văn học dân gian, có bài:
            Rủ nhau xuống bể mò cua
      Đem về nấu quả mơ chua trên rừng
            Em ơi chua ngọt đã từng
       Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.
Bài ca dao hay về ý tứ, đẹp về ngôn từ, rất dễ thuộc, dễ vận dụng trong đời sống tình cảm lứa đôi. Cho mãi đến sau này, đọc được trên báo, kiểm chứng lại mới hay rằng bài ca dao là của Á Nam Trần Tuấn Khải! Hoặc như câu ca dao cha tôi viết cho em tôi luyện chữ:
            Tháp Mười đẹp nhất bông sen
       Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.
Hỏi câu ca dao của ai, cha tôi không rõ tác giả. Mãi khi tốt nghiệp Đại học, tôi mới biết câu ca dao đó của nhà thơ Bảo Định Giang.

            Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, ở miền Bắc, cổng chào, bảng tin đâu đâu cũng có khẩu hiệu: “Tất cả để chiến thắng giặc Mĩ xâm lược”, “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”. Những chàng trai tân binh ngoài việc được rèn kỹ năng chiến đấu lại được lên lớp rất nhiều về “Tình quân dân”, “Chủ nghĩa anh hùng cách mạng”, “Nghĩa vụ và trách nhiệm tuổi trẻ”…Sau ngày chiến thắng, những người lính sống sót lành lặn hay thương tật trở về, nói chuyện lý tưởng cách mạng, họ cười bảo các bài lên lớp của các chính trị viên làm họ phát chán, buồn ngủ…Có người còn diễn lại chính trị viên lên lớp làm trò cười: “Quân với dân như cá với nước. Cá không có nước thì cá chết, nước không có cá thì nước buồn (!)”. Sức thuyết phục mạnh mẽ nhất đối với họ là những câu thơ hào hùng, thách thức:
            Trường Sơn đông nắng tây mưa
        Ai chưa đến đó như chưa rõ mình.
Chẳng khác nào “Bất đáo trường thành phi dũng dã”. Hay những câu thơ cuồn cuộn lạc quan, căng tràn nhiệt huyết cách mạng, hào hùng mà lãng mạn, ra trận – đến với khó khăn gian khổ, thiếu thốn chết chóc mà cứ như đi tới chốn bồng lai:
            Xẻ dọc trường Sơn đi cứu nước
       Mà lòng phơi phới dậy tương lai.
Hay:
            Đường ra trận mùa này đẹp lắm
       Trường Sơn đông nhớ Ttrường Sơn tây.
Những câu thơ đã nêu của Tố Hữu, Phạm Tiến Duật, thế nhưng rất nhiều chiến binh nào cần biết của ai. Cái tôi của tác giả hòa cùng cái ta của dân tộc, của vận mệnh đất nước, của thời đại nên hào sảng mang dáng dấp sử thi.

            Trong lao động sản xuất, nói về ý chí vượt khó, tự hào về thành quả lao động của mình, có lẽ hai câu thơ sau là tiêu biểu nhất:
            Bàn tay ta làm nên tất cả
       Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.
Rất nhiều nông dân, công nhân đã đọc câu thơ đó nhưng họ có cần biết đâu là câu thơ trong Bài ca vỡ đất của Hoàng Trung Thông. Do vậy, suy cho cùng, nhà thơ lớn chưa hẳn là nhà thơ in nhiều tác phẩm mà tác phẩm của nhà thơ lớn phải sống trong đời sống nhân dân.
           
            Một thói xấu cần lên án của người Việt chúng ta là quan hệ vụ lợi “Được thời thân thích chen chân đến”, “Còn bạc còn tiền còn đệ tử/ Hết cơm hết rượu hết ông tôi”, nên để lánh xa chốn quan trường, tránh nịnh bợ, tâng bốc, được sống với chính mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết:
            Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
            Người khôn người đến chốn lao xao.
Rất nhiều người được hỏi sao không xin chuyển công tác vào thành phố để có điều kiện con cái học hành, bản thân dễ thăng tiến, cuộc sông dễ chịu hơn đã trả lời như vậy mà không biết đã mượn lời của ai.
            Trong sinh hoạt hàng ngày, đôi khi người ta cần mượn ly bia, chén rượu để mở lòng. Có được bữa nhậu trọn vẹn cần ba yếu tố. Thứ nhất, những người đối ẩm phải tâm đầu ý hợp; thứ hai không gian cho bữa nhậu phải sạch, đẹp, thoáng mát, không ảnh hưởng tới người khác; thứ ba là rượu ngon, đồ nhắm ngon. Xin lưu ý một chút, đồ nhắm ngon không phải là cao lương mĩ vị mà là những món nhậu đúng cách, hợp mùa. Về yếu tố thứ nhất, Nguyễn Khuyến đã có câu thơ để đời:
            Rượu ngon phải có bạn hiền
      Không mua không phải không tiền không mua.
Chứng kiến nhiều người uống say, móc điện thoại ra gọi bạn tâm sự,  tôi nghĩ, Nguyễn Khuyến đã đưa đời thực vào thơ, và chiều ngược lại câu thơ  đã nêu thi vị hóa cuộc sống. Hạnh phúc và vinh dự biết bao những nhà thơ có những tác phẩm, có những câu thơ sống mãi trong đời thường dân tộc, cho dù số đông không nhớ nổi tác giả là ai. Tôi nghĩ điều đó chính là Văn học bác học có xu hướng được dân gian hóa.

            Bước đầu tìm hiểu xu hướng dân gian hóa Văn học bác học, dễ thấy nhất ở thi ca. Thể thơ lục bát, thất ngôn, theo thống kê có số lượng lớn vì bản thân nó là thể thơ Văn học dân gian thường dùng. Vần, điệu cũng là yếu tố quan trọng trong truyền khẩu, nó làm người ta dễ thuộc, dễ nhớ. Rất khó dân gian hóa khi không có vần điệu.
            Khi viết những dòng này, bất chợt tôi thay đổi ước muốn Ước muốn có được câu thơ sống trong đời sống dân tộc hơn là xuất bản được một tập thơ.

3 nhận xét:

  1. Đặt vấn đề rất mới, có thể làm đề tài nghiên cứu được, tuy nhiên bạn viết hơi vội thì phải.

    Trả lờiXóa
  2. Đồng ý với bạn Lê Hội. Giá như bạn bổ sung thêm nội dung "vận dụng Truyện Kiều làm đơn kiện" thì hay quá.

    Trả lờiXóa
  3. Đào Mậu Thắnglúc 18:04 22 tháng 4, 2014

    Cảm ơn các bạn đã góp ý. Thực tình dân gian hóa văn học bác học đúng ra cần phải nói thêm về trường hợp Hồ Xuân Hương, Đặng Văn Đăng (Bút Tre)... nhưng tư liệu chưa chắc chắn nên không đưa vào.

    Trả lờiXóa