Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

CHUYỆN TIẾU LÂM GHI LẠI SAU CUỘC NHẬU



            Cũng khá lâu rồi mới nhậu với anh, bởi anh theo công trình ở xa. Hỏi thăm sức khỏe, việc làm của mấy cháu, công việc ở trường của tôi xong, anh nói:
            - Ông Thắng kể chuyện tiếu lâm đi, mai tôi lên kể lại cho chúng nó nghe. Ở cái nơi khỉ ho cò gáy không điện đài, gọi cú điện thoại phải đi bộ ba cây số mới có sóng, nên buồn lắm, tối không nhậu không biết làm gì, mà nhậu nói chuyện tiếu lâm mới vui.
Hoan “bọ ngựa” cười hỏi:
            - Sao đợt trước về anh bảo ở trên ấy cái gì cũng có.
            - Có là có mồi nhậu. Thịt rừng dễ kiếm, còn hải sản chủ yếu là đồ khô.
Đức râu xoa cằm:
            - Công việc của anh Tuấn bây giờ làm em nhớ lại chuyện “Trấn thủ lưu đồn”.  Chuyện  ấy anh Thắng kể với tụi em hồi chưa biết anh.
Thực tình, tên chuyện tôi mới nghe lần đầu chứ kể lần nào đâu. Nháy mắt với tôi, cạn một hơi hết cốc bia, Đức râu kể: “Ngày xưa đi lính trấn thủ biên giới khổ lắm. Khổ vì suốt ba năm xa vợ con, bóng dáng đàn bà con gái cũng không có. Một anh lính mãn hạn trấn thủ lưu đồn, được về phép, đang bữa rượu tẩy trần, bố vợ hỏi cuộc sống lính thú có thiếu thốn gì không, anh ta ngâm nga như đang ở nơi đồn trú:
            Ba năm trấn thủ lưu đồn
Cái gì cũng có, cái….ồn thì không!
Ông bố vợ dằn ly rượu xuống phản, nói “mi nói lại tau nghe coi”. Giật mình vì bị hớ, anh ta “chữa” lại: “Ba năm trấn thủ lưu đồn/ Cái  gì cũng có, mộc tồn thì không!”. Bố vợ lại hỏi: “Mộc tồn là cấy chi?” anh ta khoan thai uống cạn ly rượu trả lời: “Thịt chó bố ạ. Mộc là cây, tồn là còn, cây còn có nghĩa là con cầy”. Ông bố vợ cụng ly cười khà khà: “Gớm, anh đi có mấy năm mà nói chuyện chữ nghĩa nhẩy”.
            Tôi không biết đây có phải là dị bản không nữa, cái cách nhại giọng ông bố vợ của Đức râu làm chúng tôi bật cười. Anh Tuấn bảo:
            - Chú mày chỉ được giỏi cái khoản ấy!
Đức râu xoa lại xoa cằm, giọng tỉnh bơ:
            - Cho nên vợ em đẹp gái nhất nhà. Chả được như ai rặn mãi cũng chỉ được một con bướm. Giang hồ đồn đại súng đeo lủng lẳng dọa chị em chơi chứ làm gì có đạn.
            - Con nhiều ít, trai gái không quan trọng. Quan trọng là nuôi dạy làm sao cho đến nơi đến chốn. Đến tuổi như anh, sợ chú mày teo mất chứ đeo lủng lẳng còn may.
Hoan “bọ ngựa” cười:
            - Hôm trước em uống cafê với chú Tám bí thư. Không ngờ ổng rất tiếu lâm, kể bao nhiêu chuyện thời chống Mĩ, em nghe rồi quyên mất. Có một chuyện em thấy hay quá nên chép vào ruột bao thuốc lá nên thuộc. Chuyện là thế này: “Hồi kháng chiến chống Mĩ, có một anh bộ đội lái xe mới cưới vợ được một tháng phải vào phục vụ chiến trường Quảng- Đà (Quảng Nam – Đà Nẵng). Đến phà sông Gianh thì bị thương do tàu bay Mĩ bỏ bom. Khổ một nỗi là bị mảnh bom chặt đứt “cái đó”. Nằm ở trạm Quân y tiền phương anh ta viết thư về cho vợ. Đọc thư chị vợ hiểu là chỉ vì thiếu “cái đó” nên ra quân anh sẽ không về quê nữa. Bức thư anh ta viết như sau:
            Anh đi chiến dịch Quảng – Đà
            Bị tàu bay Mĩ bắn trên phà sông Gianh
            Nói chung cơ thể nguyên lành
            Riêng cái “cần số” tan tành rồi em!...
Chị vợ viết thư trả lời, rất rõ ràng, và tỏ ra rất hiểu biết về mặt y học:
            Cần số” hỏng có lo chi
            Miễn rằng anh giữ được “bi” là mừng
            Ngoài này có bác sĩ Tùng
            Giỏi làm cần số to đùng như xưa!
Trước chữ “như” có một chữ bị xóa, cả trạm Quân y không ai đoán ra chị vợ viết chữ gì rồi mới xóa, thay bằng chữ “như”. Chuyện lọt tai bà cấp dưỡng, bà ta cười bảo: đó là chữ “hơn”. Ý là làm “cái đó” nó vẫn tốt, không sao cả; nhưng sợ chồng hiểu nhầm, chê không “hoành tráng” nên sửa lại thôi mà. ..”
            Chúng tôi cười nghiêng ngã, lúc sau anh Tuấn nói:
            - Chuyện ấy đàn bà tinh tế thật!
            Cho đến lúc tàn cuộc nhậu, tôi không kể câu chuyện tiếu lâm nào nữa, nghĩ cứ tức cười về sự liến láu trong dùng từ của anh lính thú và chị vợ bộ đội. Tôi nghĩ, nếu có điều kiện sưu tầm chuyện tiếu lâm thời kháng chiến cũng là việc nên làm. Mãi suy nghĩ, đến cổng nhà lúc nào không hay. Anh Tuấn dừng xe cho tôi xuống, nói một câu thay lời “tạm biệt”:
            - Chuyện chúng nó kể hôm nay đúng là tiếu lâm quá, tiếc là tôi không có khiếu kể như ông. Hay là ông đưa lên blog giùm tôi đi.

1 nhận xét: