Hơn hai hôm nay ông Định bỏ việc Hội,
việc nhà. Mấy khớp ngón tay ông sưng tấy, đau nhức. Thằng con thứ đi xe hơi về
bảo chở đi bệnh viện, ông quát: “tao bệnh đã có nhà nước lo, không cần đến
mày!”
Ông ghét nó vì không nghe lời ông. Tốt
nghiệp Đại học, về công tác ở Sở Khoa học – Công nghệ được hơn năm thì bỏ ra
ngoài lập công ty riêng. Việc ấy nó làm ông uất lên tận cổ, nó bôi tro trát trấu
vào mặt ông. Chẳng gì anh Huỳnh – Phó Giám đốc Sở trước kia là liên lạc của
ông; cô Duyên – Trưởng phòng Tổ chức, con Bảy Huấn – trước khi hy sinh là Phó
ban An ninh huyện, theo ba lên núi khi mới bốn, năm tuổi. Ông từ nó, nó nói:
“Ba từ con nhưng con vẫn mãi là con của ba. Bây giờ ba chưa hiểu con mong sau
này ba sẽ hiểu cho con. Con có chuyên môn làm việc với những người lãnh đạo
không có chuyên môn con không làm được!”. Nó nói thế là coi thường tổ chức. Khi
tổ chức đã phân công là bàn bạc, thống nhất đâu vào đấy. Bỏ ra riêng, làm gì đi
chăng nữa là hỏng rồi, hỏng thật rồi…
Phòng khám đông người. Ông đến từ sớm
mà mãi vẫn chưa tới lượt. Thỉnh thoảng có người vừa xuống xe là đi thẳng vào
khám. Hỏi những người chờ như ông, một chị trung niên nói:
- Họ có tiền ông ạ. Tiền mua tiên
cũng được chứ nói gì chen ngang!
Ông nghĩ có thể là những người đó tồn
lại từ hôm trước chứ làm gì có chuyện đó. Bệnh viện này vừa nhận cờ thi đua cuối
năm kia mà. Với lại phải đợi lâu là do bác sĩ khám kỹ, nếu thiếu trách nhiệm
khám qua quýt thì mấy hồi. Chờ lâu bây giờ cả buổi cũng chẳng bằng nằm hầm bí mật
một tiếng chờ địch rút như ngày xưa…
Một bàn tay đặt lên vai ông. Người
đàn ông có sống mũi cao, đôi mày đậm trông quen quen. Ông chưa kịp hỏi, người ấy
đã nói:
- Đêm đông, Đào Đức Độ đem đại đội đi
đánh địch. Địch đâu đem đầu đến đây…
- Trời, thằng Độ! Da dẻ nay bóng
loáng ai mà còn nhận ra!
- Bao năm rồi còn gì. Cái vết sẹo sau
gáy và mái tóc rễ tre của anh thì vẫn thế. Mà anh làm gì ở đây?
- Khám bệnh.
- Sốt rét hay vết thương tái phát,
anh?
Ông Định chìa đôi bàn tay với những cái khớp ngón tay sưng tấy:
- Khớp tay, giờ nắm không chặt nữa!
- Anh đi với em.
Độ dẫn ông lên phòng trực, nói với
bác sĩ còn rất trẻ:
- Cậu xem bệnh cho bác Định. Chỉ huy
cũ của tôi đấy.
Quay sang ông Định, đưa cái cacvidit,
Độ nói:
-
Có gì anh gọi điện cho em. Rất tiếc phải đi theo đoàn công tác nên không bù khú
với anh được. Nhất định em sẽ đến thăm anh một ngày gần nhất. Anh nhớ chuẩn bị
món củ mì hầm nước dừa đãi em nhé.
Nắm
tay Độ lắc lắc, ông ứa nước mắt. Câu chuyện nằm trong hang đá, đói rét năm nào
mà nó vẫn nhớ…
Độ
đi xuống cầu thang, anh bác sĩ hỏi:
-
Bác là thủ trưởng cũ của ông Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh?
-
Ai hả anh?
-
Bác Độ ấy?
-
À…ngày xưa cùng tiểu đội. Anh em không gặp nhau từ năm bảy tám. Tôi về hưu non,
quanh quẩn ở xã nên không biết.
-
Bác ấy giỏi chuyên môn lắm. Sang làm chính quyền mà vẫn đam mê chuyên môn. Thế
bác không biết bác ấy đi học ở Đức về ạ? Rồi anh bác sĩ bảo ông ngồi xuống ghế,
nắn nắn các khớp tay, hỏi:
-
Tay bác mới sưng hai, ba ngày phải không?
Ông đáp “phải”, anh bác sĩ nói:
-
Trước lúc bị sưng bác có cảm giá ngưa ngứa, rân rân ở khớp ngón tay không?
-
Đúng thế đấy bác sĩ ạ.
Hỏi ông có ngủ được không, có hay phải
dầm nước không, rồi anh bác sĩ kê cho ông một đơn thuốc với ba tên thuốc sau những
cái gạch đầu dòng ông đọc không ra. Cuối đơn, dưới chữ ký đẹp thì cái tên Nguyễn
Hùng Nam được viết rất cứng. Bác sĩ Nam dặn ông uống thuốc đúng giờ, đúng liều
mỗi ngày rồi khuyên:
-
Uống xong năm ngày thuốc là bác hết nhức, hết sưng. Còn để không tái phát, bác
lấy hạt chuối hột chín, độ hai lạng, rang vàng hạ thổ, giã nát đem ngâm với lít
rưỡi rượu, đúng một tháng thì dùng được. Mỗi tối bác uống một chén nhỏ trước
lúc ăn cơm.
Cảm
ơn bác sĩ, ông xuống cầu thang. Đi ngang phòng khám, vừa lúc tên ông được gọi:
-
Nguyễn Định vào khám!
Ngần
ngừ một chút, gấp đơn thuốc bỏ vào túi, ông bước vào phòng. Ông bác sĩ già ngước
nhìn ông sau đôi kính viễn, hỏi;
-
Anh đau ở đâu?
Giơ đôi bàn tay, ông nói đau khớp
ngón. Ra hiệu cho ông ngồi xuống, ông bác sĩ cầm đôi bàn tay ông lật đi lật lại,
sờ sờ nắn nắn một lúc rồi đeo ống nghe vào tai, hết khám tim lại nghe phổi rồi
đo huyết áp, bắt mạch…Mỗi động tác của ông bác sĩ chậm rãi, cẩn thận. Một lúc
sau, gõ gõ cây viết xuống bàn, ông bác sĩ hỏi:
-
Anh có khi nào đau sưng ở các khớp ngón chân hay mắt cá chưa?
Ông đáp:
-
Thưa bác sĩ, chưa bị thế bao giờ.
-
Thế có thường hay ăn tôm cua ghẹ ốc hay lòng heo, bò không?
-
Nhà nông, có đâu mà ăn thường xuyên, bác sĩ.
-
Anh không uống rượu bia chứ?
-
Dạ, lâu lâu đám giỗ, đám cưới cũng uống một vài ly.
Ông bác sĩ nhìn kỹ khuôn mặt ông Định
rồi hỏi:
-
Anh năm nay được bao nhiêu tuổi rồi?
-
Dạ, thưa bác sĩ, tôi sáu mốt rồi ạ.
-
Vậy là anh hơn tôi hai tuổi. À, mà anh có tham gia cách mạng không?
-
Dạ, có. Hồi trước tôi có lên núi, quân của Tỉnh đội. Sau giải phóng tôi về huyện
một thời gian rồi về tăng cường cho xã trước lúc nghỉ hưu, giờ vẫn đang tham
gia Hội cựu chiến binh.
Vẻ mặt ông bác sĩ giãn ra, ông nói giọng
vui vui:
-
Vậy anh là đồng đội của tôi. Hồi ấy tôi làm cứu thương. Mà bệnh anh cũng không
đáng lo lắm, bị sang chấn khớp tay thôi.
Ông
Định nửa muốn hỏi thêm về căn bệnh nửa lại thôi, ông sợ mất thời gian của người
sau. Ông bác sĩ già đưa cho ông cái đơn thuốc:
-
Anh ra hiệu thuốc cô Hồng trước cửa bệnh viện mua thuốc. Ngày bôi hai lần vào
buổi sáng và tối. Cấm tuyệt đối rượu bia đấy nhé.
Ông
Định hoang mang. Sao thế nhỉ, một chứng bệnh mà hai bác sĩ cho thuốc khác nhau.
Giờ biết theo bác sĩ nào? Thằng Độ, như lời anh bác sĩ trẻ, hiện giờ là Trưởng
ban Tổ chức chính quyền tỉnh. Độ nhờ người ta khám cho ông chắc là bác sĩ giỏi
nhưng mà sao ông cảm thấy qua quýt quá. Còn ông bác sĩ già khám rất kỹ, lại là
đồng đội năm xưa nữa. Hay là anh bác sĩ Nam khám cho lấy có? Bây giờ thiếu gì
anh trẻ không phục tùng cấp trên. Thằng con thứ ông cũng thế thôi…
Vào
cửa hàng dược, ông rút nhầm đưa đơn thuốc của anh bác sĩ trẻ, hết hai mươi ba
ngàn, nên đành im lặng mua luôn. Ông hỏi;
-
Bác sĩ Nam mới về bệnh viện ta phải không chị?
-
Vâng ạ! Bác sĩ Nam mới về nhưng giỏi lắm đấy, vừa tốt nghiệp Bác sĩ Nội trú ông
ạ. Tiếc là bác sĩ chỉ tăng cường cho bệnh viện một thời gian thội…
Ông
Định nghe nói “tăng cường cho bệnh viện ta một thời gian thôi”, liền hỏi:
-
Bác sĩ Nam có phải là đảng viên không?
-
Dạ chưa ông ạ. Sao ông hỏi thế?...
-
À…không có chi, cảm ơn cháu.
Ông
Định quyết định dùng thuốc của ông bác sĩ già. Theo kinh nghiệm đánh giặc của
ông, nếu đảng viên đi tăng cường thì đó là loại cốt cán, gây dựng phong trào
hay xốc lại đội ngũ. Còn lính trơn đi tăng cường toàn là loại a ma tơ, chẳng mấy
anh có kinh nghiệm trận mạc. Mà cô bán thuốc còn nói gì mà bác sĩ nội trú nhỉ?
Thì đấy, nội trú ai quản. Giỏi chỉ là giỏi nhảy nhót…đang là học sinh giỏi, lên
thành phố học trường chuyên, ở nội trú, thằng cháu ông tuột ngay xuống khá ngay
học kỳ đầu tiên đấy thôi…
Bôi
hết ống thuốc mà tay vẫn đau, vẫn nhức. Đang thơ thẩn xem mấy mầm hoa thằng con
thứ ươm tuần trước, ông nghe tiếng chuông điện thoại đổ. Vừa nhấc ống nghe, tiếng
Độ rành rọt:
-
A lô…Anh khỏi bệnh rồi chứ? Cậu Nam bảo nhất định như vậy..
-
Cũng ổn anh ạ, cảm ơn anh đã giúp đỡ.
-
Anh xem em là gì mà nói thế. Tỉnh muốn đưa cậu ấy về, trước mắt bố trí giữ chức
vụ Phó Giám đốc bệnh viện Tỉnh nhưng cậu ấy nói muốn ở thành phố trau dồi nghiệp
vụ vài ba năm nữa, với lại có về là về huyện luôn, cậu ấy chỉ muốn làm công việc
chuyên môn không thôi…Mà nói thật với anh, chính sách đãi ngộ thu hút nhân tài
của tỉnh mình chưa được tốt. À, mà em mới biết Giám đốc Công ty Tân Lâm là con
anh, chúc mừng anh nhé. Nghe cháu tâm sự, nó buồn vì anh không tin tưởng. Anh
như thế là bảo thủ đấy. Bây giờ làm gì mà phát huy được năng lực chuyên môn là
quý, miễn là đúng pháp luật. Cuối tháng, tổng kết, vinh danh doanh nghiệp tiên
tiến, tỉnh cho xe về đón, anh nhất định phải lên dự đấy. Thôi, em đang bận chút
việc, cho em gửi lời hỏi thăm chị, hôm sau anh em nói chuyện nhiều hơn, thế anh
nhé!...
Ông
Định nói “nhất định rồi’, chưa kịp chào thì Độ đã cúp máy.
-
Ai mà gọi sớm thế ông? Vừa hỏi bà Loan – vợ ông, vừa đặt tô cháo lá tía tô lên
bàn.
-
Chú Độ. À, mà gói thuốc hôm trước bà để đâu rồi, lấy cho tôi.
-
Ông ăn cháo đi cho nóng. Tôi nói rồi, bệnh trong xương trong khớp phải uống thuốc
mới khỏi. Bác sĩ Nam là bạn học với thằng Phú đấy. Con nó nói cả ngàn bác sĩ ra
trường chỉ mấy chục người thi đỗ Bác sĩ Nội trú thôi.
Ông
Định lặng lẽ ăn cháo, uống thuốc. Nhìn ra ngoài sân ông thấy hình như mấy mầm
hoa đang vươn lên trong nắng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét