Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

CÀFÊ CHÉM GIÓ



        Sáng chủ nhật, Hùng tới rủ tôi đi uống càfê. Vào quán đã thấy anh Tuấn, Đức Râu ngồi ở cái bàn quen thuộc. Bắt tay tôi, anh Tuấn hỏi:
- Ông chuyển công tác rồi phải không, đi làm ngày nào chưa?
Tôi nói mới đi học chuyên đề Văn hóa Nghị quyết TW9, có điều lạ là lãnh đạo đúng giờ còn giáo viên phần lớn đi trễ mà lại còn lờn tơn. Báo cáo viên tế nhị nhắc lại Chỉ thị của huyện ủy về chế độ hội họp, học tập trước khi đi vào vấn đề chính. Mấy thầy cô đi đúng giờ có vẻ ngượng ngập, số còn lại vẫn xì xầm tán chuyện như không có vấn đề gì.
Gạt tàn thuốc, anh hỏi lại:
            - Học sinh đi học trễ dăm ba phút thì thái độ giáo viên thế nào nhỉ?
Đức Râu phụ họa:
            - Làm thầy cô giáo riết quên đi vai trò người học của mình rồi!
            - Trường làng lâu nay nó vẫn thế, quen nếp rồi. Trường anh là trường chuẩn đấy nhưng nhiều việc phải chỉnh – Hùng tiếp lời.
            - Nói thật ông đừng buồn, tôi không tin vào cái mác chuẩn ấy đâu. Tôi biết nhiều giáo viên trên chuẩn nhưng chưa chuẩn.
Tôi hỏi là sao, anh Tuấn cười, hỏi lại:
            - Tốt nghiệp Cao đẳng dạy cấp II là chuẩn, đúng không?
Tôi trả lời đúng, anh tiếp:
            - Nhiều người có bằng Đại học từ xa dạy cấp II thế là trên chuẩn. Trên chuẩn nhưng dạy sai thì chưa chuẩn chứ còn gì.
Tôi im lặng, Đức Râu sợ tôi nghĩ anh Tuấn nói quá nên bổ sung những câu chuyện một số giáo viên dạy sai kiến thức qua xem xét vở ghi, bài chữa của mấy đứa con cháu. Tôi nghĩ nếu đúng thật như vậy thì đúng là dù có “trên chuẩn cũng cần phải chỉnh”. Hùng than thở:
            - Chuyện kiến thức có thể là nhầm lẫn, còn chuyện ứng xử có vấn đề mới đáng trách, rồi Hùng kể:
            - Tuần trước tôi đến xin chuyển trường cho đứa cháu, ngồi uống nước với chú Kiểm bảo vệ, thầy An, thầy Thạch và hai cô giáo trẻ thì thầy Quỳ đến, buông một câu: “Chào cả nhà”. Nói thật, lúc đó tôi muốn tát cho thầy Quỳ một cái.
            Dường như để cho tôi rõ chuyện Hùng nói, Đức Râu giải thích:
            - Thầy gì mà thầy, gọi là thằng Quỳ mới đúng. Nó mới ra trường được dăm năm nay, mới được bầu vào chức Phó Bí thư chi bộ nên mới mất dạy thế. Nó là học sinh cũ của thầy An, thầy Thạch, cùng lắm là bằng tuổi con của hai thầy và chú Kiểm. Cái vị thế nào mà nó chào kiểu ngang hàng vậy chứ. Người ta chào nhau là thể hiện sự thân mật, tôn trọng. Còn câu chào đó của nó là láu cá, sặc mùi bề trên.
            Nhấp ngụm càfê, anh Tuấn quay sang tôi, trầm giọng:
            - Chán quá ông ạ. Thì đấy, thằng Kim làm Chủ tịch huyện trước đây làm đội phó cho tôi, chuyện gì cũng anh anh em em. Sau này tôi bỏ nhà nước lập công ty riêng, nó theo con đường chính trị. Khi leo được lên ghế Phó Chủ tịch nó thay đổi cách xưng hô với tôi là “ông – tôi”. Bữa trước, nghiệm thu công trình xong, ra nhà hàng nó còn mày tao với tôi đấy…
            Anh Tuấn nói tôi mới nhớ lại mình cũng từng gặp những chuyện như thế. Quen được cấp dưới xu nịnh cứ kiểu “anh ba chị bảy” nên người ta phải tao mày với những người lớn tuổi hơn mới tỏ rõ uy quyền chăng?
            Rồi chuyện xoay sang văn hóa vùng miền, anh Tuấn nói:
            - Thời đại kinh tế thị trường, hội nhập mà xem ra quê mình vẫn là vùng văn hóa khép. Bao nhiêu năm đổi mới, tỉnh bạn phát triển ầm ầm, còn nhìn lại mình, ông thấy đấy, có khác gì ba mươi năm trước đây không? Không – đúng không! Khác làm sao được khi tư tưởng cục bộ to như trái núi…
            Hùng nhấp ngụm trà đá, chép miệng:
            - Các anh nhìn xem, ở cái huyện này những vị trí chủ chốt không con cháu ông này lại anh em thúc bá ông kia. Không nói các anh cũng biết, có tay trưởng phòng chuyên môn một ngành mà chưa bao giờ học qua một ngày về chuyên môn. Đọc công văn không hiểu lấy gì triển khai với chỉ đạo. Chức tước là để hưởng lương, kiếm bổng lộc, thể hiện quyền uy. Lãnh đạo như thế làm sao địa phương phát triển được. Tai hại hơn, lớp trẻ, những người tài năng được đào tạo chính quy, bài bản lại không được dùng…
Đức Râu cướp lời:
            - Người ta cảnh giác với người tài, tìm cách này hay cách khác chèn ép người tài nên người tài không bất mãn cũng tìm đường đi nơi khác. Anh Năm đang là trưởng phòng kinh tế xin chốt sổ bảo hiểm xã hội chờ sáu mươi tuổi lĩnh sổ hưu. Nhiều người tiếc vì năng lực, đạo đức của anh. Hỏi, anh chỉ nói nghỉ vì hoàn cảnh gia đình. Cho đến hôm trước, nhậu với anh, lúc ngà ngà, anh mới hé lộ bàng câu nói: “Một cánh én không làm nổi mùa xuân”.
            Chờ cho tôi nhấp xong ngụm càfê, anh Tuấn nói tiếp:
            - Ông Năm hài hước mà sâu sắc lắm. Tôi nhớ trước lúc chốt sổ hưu, uống càfê với tôi, ông nói đọc tài liệu thấy các trường học châu Âu người ta ngại nhất là cái từ gì tôi quên mất, đại thể dịch sang tiếng ta có nghĩa là “cận huyết”. Nếu học trò cùng dạy một trường với thầy giáo cũ thì khó có sự phản biện. Giáo viên sinh ra ở đấy, rồi thì công tác ở đấy thì khó có thể truyền tải cho học sinh những tinh hoa vùng khác, bởi vì người ta có lĩnh hội được đâu. Địa phương đã là vùng khép về văn hóa, trường học cũng khép nốt thì còn lâu mới đào tạo con người năng động!
            Tôi chống chế:
            - Thế giới bây giờ là thế giới phẳng, chỉ cần nhấp chuột một cái thì muốn tìm hiểu văn hóa vùng miền nào chẳng có.
            - Nhưng mấy ai đọc, mà có lên mạng thì để đọc cái tào lao hay vào facebook, thật vô bổ. Tôi là tôi cấm tiệt vợ con vào mạng kiểu ấy.
            - Anh đi suốt ngày thì cấm làm sao? Hùng hỏi.
            - Có gì đâu, mỗi khi nói chuyện gì liên quan tới máy tính, mạng là tôi tỏ thái độ ghét facebook, tôi nói chỉ có kẻ rỗi hơi mới fay. Có lẽ vì thế mà bà vợ tôi lên mạng chỉ đọc báo và học nấu ăn.
            - Hèn chi lâu lâu nhậu ở nhà anh Tuấn thường có món lạ, bí mật bây giờ bật mí rồi đấy.
            - Nói thật, bà vợ tôi sợ đi quán xá không “quản’ được, nhất là cái khoản karaoke.
            Chuyện vợ anh Tuấn hay ghen, bạn anh ai cũng biết. Có tôi đi nhậu cùng là chị an tâm, bởi lẽ tôi là thầy giáo, nói như chị thì “mần ăn chi được”.
            Cô bé chạy bàn chế thêm trà đá, động tác thật khéo léo, nụ cười tươi trên gương mặt thân thiện. Đức Râu tính tiền. Cô bé đưa hai tay trả tiền thừa, cảm ơn chúng tôi. Đức Râu rút thêm tờ giấy bạc hai chục ngàn nhập chung vào số tiền thừa tặng cô bé nhưng cô bé từ chối rất văn hóa:
            - Cảm ơn chú! Cảm ơn các chú đã ủng hộ quán nhà cháu. Có thời gian các chú đến uống càfê thì đó là niềm vui và phần thưởng lớn cho cháu rồi.
            Chúng tôi đứng lên, anh Tuấn nói:
            - Nhất định có thời gian rảnh các chú lại đến!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét