Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

BÀI CA NGẤT NGƯỞNG - LỜI TRẦN TÌNH CỦA NHO TƯỚNG NGUYỄN CÔNG TRỨ

      Nguyễn Công Trứ là nhà nho đích thực, có tư tưởng tích cực nhập thế dù ở địa vị, hoàn cảnh nào. Tâm đức, chí khí, tài năng lớn của người con làng Uy Viễn, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, nói như Văn Thiên Tường là: “lưu lại lòng son với sử xanh”.
      Mở đầu Bài ca ngất ngưởng, Nguyễn Công Trứ viết: “Vũ trụ nội mạc phi phận sự”, nghĩa là: Mọi việc trong trời đất đều là của ta. Phận sự của người quân tử phải là “trí quân trạch dân”, bởi lẽ trung vua là yêu nước, yêu nước thì phải làm sao cho quốc gia hưng thịnh. Làm được điều ấy phải có tài, mà với Nguyễn Công Trứ thì:
      Trời đất cho ta một cái tài
      Giắt lưng ngày tháng để dành chơi.
Nguyễn Công Trứ ý thức được muốn làm nhiều việc lớn giúp dân phải có chức tước, địa vị cao trong xã hội. Muốn có được điều ấy, dưới thời phong kiến không cách nào khác ngoài con đường thi cử. Người đời, ít ai dám mạnh miệng tuyên bố trước khi đi thi, Nguyễn Công Trứ thì khác, ông nói: “Đi không há lẽ trở về không? Cái nợ cầm thư phải trả xong.” Rồi ông đỗ Thủ khoa, điều ấy minh chứng cho sự tự tin vào tài năng của bản thân mình. Chính vì thế, câu thứ hai, Uy Viễn tướng công viết:
      Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng
Có lẽ dùng ngôi thứ nhất không khách quan, tác giả chuyển dùng ngôi thứ ba: “ông Hy Văn”. Cách dùng này độc đáo, mới lạ, tách “mình” ra để nói về bản thân mình!
      Làm quan, với ông là ‘vào lồng”, cái lồng ở đây, suy cho cùng là chữ ‘lễ” trong hệ thống tư tưởng Nho giáo. Đó là sự tôn trọng, hòa nhã khi cư xử với người khác, mở rộng ra là tuân thủ các quy tắc, nguyên tắc đạo đức xã hội và pháp luật. Nói cách khác, ông chấp nhận đội cái “vòng kim cô” để làm quan. Ông biết nhiều kẻ hàm phẩm, chức tước cao hơn mình nhưng tài năng, đức độ có là bao. Chốn quan trường thị phi, mưu sâu kế độc của lũ vô tài bất tướng, không thể dung hòa được, ông chọn cho mình lối sống ‘ngất ngưởng”.
      ‘Ngất ngưởng’ theo Từ điển Tiếng Việt là: ở tư thế không vững, lắc lư nghiêng ngã như chực ngã. Có lẽ định nghĩa ây chưa thuyết phục lắm. “Ngất ngưởng”- từ láy tượng hình, chỉ độ cao, luôn có sự chuyển động qua lại, lên xuống, hiểu như vậy mới hợp với lô gíc bài thơ. Nghệ thuật hoán dụ (lấy bộ phận để chỉ toàn thể) của tác giả là bất ngờ, thâm ý sâu sắc. Thông thường, người ta chỉ nói tay chơi, tay lái lụa hay tay kiếm cung…còn : “Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng” chỉ duy nhất Nguyễn Công Trứ.
      Tổng kết quãng đời làm quan của mình, “Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng” là xương sống, là trục giữa xuyên suốt những chức vụ, trọng trách mà Uy Viễn tướng công gánh vác. Giá trị vị trí câu thơ là ở chỗ đó!
      Năm 1847, đời vua Tự Đức, Nguyễn Công Trứ về hưu. Không cáng, không kiệu, không xe, không ngựa, Uy Viễn tướng công cưỡi con bò vàng đeo đạc ngựa. Đánh giá việc làm này có nhiều ý kiến khác nhau, người cho lập dị kẻ nói ngông. Ai nói gì mặc, thoát khỏi vòng cương tỏa việc gì thích thì làm, với Nguyễn Công Trứ “Khen chê phơi phới ngọn đông phong”. Có ai nghĩ rằng việc làm ấy có là gì mà đưa vào bài thơ tổng kết sự nghiệp, cuộc đời mình khi những biến cố khác lại không nhắc đến?
      Đạc ngựa là chuông ngựa, làm bằng đồng, giống cái lục lạc trẻ con chơi. Đạc ngựa có loại một cái, có loại nhiều cái kết lại. Ngựa chạy trong phố, đạc rung lúc đó là tín hiệu báo tránh đường. Đi đường xa, tiếng đạc ngựa vui tai làm quên đi mỏi mệt. Trong chiến trận, tiếng rung của đạc ngựa, tiếng trống trận, tiếng gươm khua, tiếng la hét góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu tướng sĩ…Phải chăng mang theo đạc ngựa, Uy Viến tướng công mang theo kỷ vật trong những năm tháng cầm quân đánh dẹp khởi nghĩa Phan Bá Vành (1827), Nông Văn Vân (1833), giặc Khách và chiến tranh Việt – Xiêm những năm 1841-1845?...Làm tướng cưỡi ngựa, làm dân cưỡi bò, thế thôi có gì lạ. Có phải Nguyễn Công Trứ dùng việc làm của mình nhắn gửi những viên quan đang ở trong triều: các ông hãy nhớ, hết quan hoàn dân, ai cũng vậy mà thôi, lẽ đời không có gì tồn tại mãi…Có nghĩ mình sẽ là dân mới biết thương dân. Về hưu rồi, hoàn thành trách nhiệm của đấng nam nhi với quốc gia, tài thao lược không còn dùng đến nữa, bỏ lại hình ảnh thanh gươm yên ngựa oai phong lẫm liệt sau lưng, về với quê hương, Nguyễn Công Trứ “đồng bộ” cho “phương tiện” của mình:
      Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.
      Vấn đề đặt ra là thương dân sao ông lại cầm quân đánh dẹp những cuộc khởi nghĩa của nông dân, và ông tự hào về điều đó? Nhìn lại lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, hàng trăm cuộc khởi nghĩa nông dân nhưng có cuộc khởi nghĩa nào lật đổ được chính quyền? Phần lớn những cuộc khởi nghĩa ấy chỉ xuất phát từ lợi ích cục bộ địa phương hay vì quyền lợi của người cầm đầu mà thôi. Xét trên phương diện quốc gia đó là bạo loạn. Từ xưa đến nay, chính thể nào cũng tiêu diệt bạo loạn bằng cách này hay cách khác mà thôi. Đánh dẹp khởi nghĩa là để đem lại sự yên bình cho đất nước. Dân có an cư mới lạc nghiệp.
      “Bần cùng sinh đạo tặc”, quá hiểu nguyên nhân sâu xa của mầm loạn, Nguyễn Công Trứ đã tổ chức cho dân khai khẩn lập ấp, mở rộng diện tích canh tác, công lao ấy cho đến bây giờ và mai sau người dân Ninh Bình, Thái Bình và Hà Tĩnh quê ông bốn mùa hương khói.
      Phần hai của Bài ca ngất ngưởng hoàn toàn nói về việc “vui thú điền viên”. Đó là ghé thăm thắng cảnh quê hương, chùa chiền với những cô hầu gái xinh đẹp:
      Kìa núi nọ phau phau mây trắng
      Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
      Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
      Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.
      Chỉ Bụt mới hiểu Nguyễn Công Trứ, từ “tay ngất ngưởng” trước kia giờ đã là “ông ngất ngưởng”. Sự biến đổi từ “tay kiếm cung” đến “nên dạng từ bi” là do địa vị xã hội, hoàn cảnh sống thay đổi. Ở triều đình, bọn tiểu nhân ganh ghét tài năng, thậm chí còn vu oan giá họa khiến Nguyễn Công Trứ bị cách chức làm lính thú, có lúc bị giam chờ án chém. Về quê, cũng không ít kẻ ưa lối sống “ngất ngưởng”, nhưng với ông chẳng là gì cả:
      Được mất dương dương người thái thượng
      Khen chê phơi phới ngọn đông phong.
      Khi bị biếm chức làm lính thú, có vị quan ái ngại thương xót xin ông cởi bộ đồ lính khi còn ở trong địa hạt cai quản của mình, ông cười nói:
      - Làm tướng tôi chẳng thấy gì là vinh nên làm lính tôi không thấy nhục!
Chức tước với ông chỉ là điều kiện để giúp đời, tiền bạc chỉ là phương tiện sống, quan niệm này của Nguyễn Công Trứ thể hiện rất rõ trong bài thơ Cầm kỳ thi tửu:
      …Sách có chữ “nhân sinh thích chí”
      Đem ngàn vàng chác lấy chuyện cười,
      Chơi cho lịch mới là chơi
      Chơi cho đài các, cho người biết tay…
Vậy nên mặc người đời khen chê, ông vui thú với sở thích của mình:
      Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
      Không Phật, không Tiên, không vướng tục
      Lối sống ‘ngất ngưởng” được khẳng định rõ ràng ông không xuất thế: không đọc kinh Phật, không tu Tiên nhưng chắc chắn không vướng tục! Nghĩa là không vướng vào lối sống bon chen, xu nịnh, cầu lợi hám danh.
      Tưởng rằng về hưu “hạ cánh an toàn” nhưng nợ đời chưa hết, Nguyễn Công Trứ lại phải lai kinh theo lệnh vua. Uy tín quá lớn của ông trong nhân dân khiến nhiều kẻ tiểu nhân ganh ghét, tung tin đồn Uy Viễn tướng công làm phản! Biết được điều đó, Nguyễn Công Trứ ung dung vào kinh, Tự Đức – ông vua tự cho mình hay chữ, hỏi:
      - Về hưu, khanh làm gì?
      - Muôn tâu bệ hạ, thần chơi hát đố.
      - Có câu nào hay không?
      - Muôn tâu bệ hạ, có câu:
      Thẳng lòng với nước non nhà
      Người mà không biết Trời đà biết cho.
Vua hỏi là gì, Nguyễn Công Trứ trả lời là “cái máng nước”. Hỏi có câu nào hay nữa không, ông lại đọc:
            Đem thân cho thế gian ngồi
            Rồi ra lại nói là người bất trung.
Vua nói “cái phản phải không?”, ông đáp ‘phải”. Hiểu được thâm ý của Nguyễn Công Trứ gửi gắm qua hai câu hát đố, nhà vua thưởng tiền, lụa cho về quê với lý do “nhớ Uy Viễn tướng công quá nên gọi vào”.
            Ba câu thơ cuối vừa làm nhiệm vụ kết lại bài thơ vừa nói lên chí hướng, tư tưởng, lối sống của mình. Với ông, quan trọng nhất đối với đấng nam nhi là trách nhiệm ‘kinh bang tế thế” và giữ trọn đạo vua tôi. Những điều ấy Nguyễn Công Trứ đã thực hiện một cách xuất sắc, ông tự tin so sánh với danh sĩ thời xưa:
            Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú
            Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung
            Trong triều ai ngất ngưởng như ông!
            Viết bài thơ tổng kết cuộc đời mình nhưng Nguyễn Công Trứ không hề nói đến những lần bị giam cầm, biếm chức, có lẽ sợ triều đình hiểu nhầm bất mãn. Ông chỉ nêu “tài bộ” và đó cũng chính là lý do lối sống ngất ngưởng. Bốn lần dùng từ “ngất ngưởng” trong bài thơ thì lần đầu, lần cuối ông tự nhận. Lần thứ hai ông trao “ngất ngưởng” cho “phương tiện” đồng hành của mình. Lần thứ ba là Phật – biểu tượng tâm linh, quyền năng vũ trụ đánh giá!
            Bài ca ngất ngưởng được sáng tác theo thể hát nói, từ khi ra đời cho đến nay sống trong đời sống tình cảm nhân dân tuy rằng chủ ý sáng tác của Nguyễn Công Trứ là nhằm trần tình – giải bày tấm lòng mình đối với triều đình nhà Nguyễn. Thế mới thấy những tác phẩm văn học – những đứa con tinh thần của con người vì dân vì nước sống mãi trong tâm hồn dân tộc, bởi một lẽ việc lưu giữ cũng là thể hiện lòng quý trọng, biết ơn.

4 nhận xét:

  1. Cảm ơn bạn về bài viết!

    Trả lờiXóa
  2. Nguyễn Văn Cườnglúc 19:34 5 tháng 9, 2014

    Bài viết có phát hiện mới rất thú vị, cảm ơn bạn.

    Trả lờiXóa
  3. Rất tâm đắc với bài viết của pác, chúc pác khỏe, có nhiều bài viết mới!

    Trả lờiXóa
  4. Bài viết hay, tinh tế, sâu sắc.

    Trả lờiXóa