Gần làng Uy Viễn có bến Giang
Đình trên bờ sông Lam, là một trong “Nghi Xuân bát cảnh” (tám cảnh đẹp của Nghi
Xuân), trên bến có khu chợ nổi tiếng với những đặc sản miền quê và cũng là nơi
thường lượn lờ, gặp gỡ của trai thanh gái tú. Và một điều thú vị là trên con
đường dẫn vào chợ, nơi ngã ba, có một mảnh đất nhỏ không hiểu sao mọi bàn chân
đều không dẫm lên, đi vòng qua, nên chỗ đó cỏ xanh bốn mùa, những bụi cây nở
hoa đẹp tươi và duyên dáng.
Một chiều xuân nọ, Nguyễn Công
Trứ vừa thơ thẩn đến ngã ba đó thì thấy từ đằng xa một cô gái cũng đang đi lại.
Chàng trai làm ra vẻ đang mê mải ngắm hoa, nhưng thực ra là câu giờ để đợi giai
nhân đến. Biết tỏng chàng Nho sinh kia là ai và vốn không lạ gì những mẹo vặt
kiểu đó, khi đến gần cô gái mỉm cười đọc, như bâng quơ:
Có ai vô lí như thi sĩ,
Hoa nở giữa đường cũng vấn vương.
Cô gái ấy vốn là một nghệ sĩ dân
gian làng nghệ thuật Ca Trù Cổ Đạm, tài sắc có thừa. Biết đã gặp “đối thủ” cao
tay, chàng thi sĩ dù vô lí vẫn không hề bối rối, mà lại buông giọng ỡm ờ như
nói với bông hoa ven đường:
Trời đà cho sắc cho hương,
Hoa kia nỡ để gió sương đãi đằng.
Chuyện đến đây, có người nói cô
gái tự biết mình không phải là “kì phùng địch thủ” của chàng “thi sĩ vô lí” kia
nên e thẹn bước đi, kéo theo cái nhìn xao xuyến của kẻ đa tình; nhưng cũng có
người kể, sau một phút lúng túng, nàng đã trả đòn ngoạn mục:
Sắc hương là của đất trời,
Phận ai ai giữ, ai người phải lo!
Rồi không đợi chàng thi sĩ kịp
đáp lời, sắc hương đã nhẹ gót xa dần với tiếng cười khúc khích…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét