Cứ
trăn trở mãi nên viết hay không nên viết về Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập
trường THPT Phan Chu Trinh, bởi vì dẫu gì mình cũng đã 28 năm gắn bó. Không viết,
trong lòng cứ bực bội, còn viết ra ai là người đồng cảm? Thôi đành sống thực với
mình vậy.
Cảm
xúc về dự ngày lễ vui buồn lẫn lộn. Vui vì trường lớp khang trang, vui vì những
tiết mục văn nghệ chào mừng của học sinh mới, cũ, của thầy cô giáo hết sức ấn
tượng. Vui vì gặp lại một số đồng nghiệp cũ nhưng cũng buồn vì những thầy cô
giáo những ngày đầu thành lập trường về dự đếm chưa hết trên mười ngón tay. Buồn
hơn, tên những thầy cô giáo ấy không được nhắc đến dù chỉ một lần trong diễn
văn kỷ niệm của thầy hiệu trưởng.
Lễ
đài buổi lễ trang trí hoàng tráng nhưng tiếc thay tên buổi lễ lại ghi thiếu chữ.
Đúng ra phải là “Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Trường PT cấp II-III Quang
Trung – THPT Phan Chu Trinh”. Mình nghĩ chẳng lẽ nào Ban Giám hiệu nhà trường lại
sơ suất đến như thế.
Nếu
như ngày lễ kỷ niệm ngày thành lập trường là Hội diễn văn nghệ thì chắc chắn ai
cũng nghĩ rằng đó là một thành công rực rỡ, tiếc thay, khi phần biểu diễn văn
nghệ chào mừng kết thúc, đi vào chương trình chính thì nắng bắt đầu đổ lửa. Ngồi
dưới mái che mình nhìn những em học sinh đối diện mặc áo dài mà không khỏi xót
xa. Không biết đại biểu, học sinh có nghe hết những bài diễn văn từa tựa như
nhau, dài dằng dặc hay không? Toàn những thành tích, những lời ngợi ca mà buồn
thay 30 năm xây dựng và trưởng thành ấy không có được lá cờ thi đua xuất sắc
nhân Ngày kỷ niệm thành lập trường, mà đúng ra phải là Huân chương lao động hạng
ba!
Kỷ
niệm 30 năm ngày thành lập trường là dịp để ôn lại truyền thống, để tỏ lòng tự
hào với danh nhân trường được mang tên, lẽ ra phải có bàn thờ Quang Trung và
bàn thờ Phan Chu Trinh để thầy cô, học sinh, đại biểu dâng hương, tưởng niệm,
nhưng không, tất cả chỉ gói gọn trong một bài diễn văn của thầy hiệu trưởng! Về
phần phát biểu của đại biểu, thầy Đoàn Ngọc Thành thay mặt cho thầy cô giáo cũ
nói ngắn gọn, xúc cảm nhưng vẫn đầy đủ ý tứ. Theo giới thiệu của Ban tổ chức buổi lễ,
“tiến sĩ”ngôn ngữ – Viện trưởng VNCPTNNQT T., đại diện cựu học sinh cũ phát biểu. Vị “tiến sĩ” phát biểu xong, tiếng
vỗ tay của đại biểu và một số thầy cô giáo cũ vang lên. Nhiều tiếng khen “tiến
sĩ viện trưởng” trẻ quá. Nếu đúng là thế thật có lẽ người “nổ’ to nhất là
mình, vì cậu ta là một học sinh mình trực tiếp giảng dạy! Mình thật xấu hổ khi
có một cậu học sinh dám lừa thầy cô giáo và các em học sinh như thế. Biết được sự thật, các em học
sinh sẽ nghĩ gì nếu xem “tiến sĩ” T là thần tượng thành đạt trong con đường học
vấn?
Có
lẽ vì nắng quá nên phần trao học bổng cho học sinh của một số tổ chức, cá nhân
được rút gọn lại. Thầy hiệu phó thay mặt học sinh nhận học bổng, mỗi lần nhận học
bổng lại một khúc nhạc vang lên. Học bổng của ‘tiến sĩ’ T trao cho thầy Tùng
dưới nền nhạc “Chiêu hồn tử sĩ”! Thầy Nguyễn Văn Khôi, đã nghỉ hưu nói với mình
sau cái lắc đầu: “Chuẩn bị thiếu chu đáo quá.”. Mà cũng đúng thật, khi nhìn thầy
Sơn, áo cổ cồn thắt cà vạt lau cái trống trên lễ đài, trước “bàn dân thiên hạ”,
chuẩn bị cho thầy hiệu trưởng đánh trống khai trường, đột nhiên mình lại nhớ đến
chú Tư bảo vệ đã được trường cho nghỉ việc. Mình tin rằng có chú Tư, những việc
đại loại như vậy làm gì xảy ra. Nhìn quanh, cố tìm nhưng không thấy chú Tư đâu,
không biết trường có nhớ mời không nhỉ?
Rồi
buổi lễ cũng kết thúc. Mình đến gần một nhóm học sinh nữ mặt đỏ phừng phừng
đang dùng ống tay áo quệt mồ hôi trán dưới bóng đào, hỏi: “Lễ hội có vui không
mấy em?”, một em không trả lời vào vấn đề mình hỏi mà nói: “Nắng quá thầy ạ!”
Vào
thăm “Phòng truyền thống”, giật mình vì hình bốn ông hiệu trưởng từ ngày thành
lập cho đến nay, được fotosoop ‘tút” lại thật bảnh bao, treo nơi trang trọng nhất!
Không biết ai chỉ đạo treo như vậy? Phía đối diện là tủ thờ cụ Phan Chu Trinh
chỉ ngang tầm ngực. Lúc đó, vì người tham quan đông quá, mình chỉ kịp nói với
thầy Tùng, phó hiệu trưởng: “Sao ông không để bát hương dưới mấy tấm hình”.
Tùng cười, có lẽ nghĩ mình nói đùa. Thắp cây hương cho cụ Phan Chu Trinh mình
khấn thầm: “Cụ có bẻ cổ thì bẻ cổ đứa treo, còn mấy ông được treo ảnh không biết
gì đâu”. Mình nghĩ, những tấm hình ấy có treo thì treo ở phòng hiệu trưởng, như
thế hợp hơn. Nhìn mãi, tìm mãi không thấy hình một cựu học sinh thành đạt. 30
năm, 30 khóa học sinh ra trường, mỗi khóa chỉ cần treo một tấm hình một học
sinh thành đạt trong học tập, lao động sản xuất thì giá trị giáo dục sẽ cao hơn
rất nhiều, có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Khi
lãnh đạo nhà trường mời đại biểu về căng tin liên hoan, mình lặng lẽ rời ngôi
trường yêu dấu. Một số bạn bè tìm cụng ly không thấy, gọi điện, mình nói dối
đau bụng nằm nhà. Tha lỗi cho mình nhé, mình không muốn bạn bè hiểu nhầm về nét
mặt không được vui trong ngày vui. Lúc ấy, một mình bên ly cafê, mình cứ phân
vân mãi vì sao không có học sinh cũ tham dự, sao thế nhỉ?...Ai biết cho mình biết
với…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét