Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

BÀN VỀ CHỮ DANH



            Từ xưa tới nay, về định nghĩa, chữ DANH không thay đổi nhưng người ta nhìn nhận, đánh giá, phấn đấu để đạt được rất khác nhau. Sự khác nhau đó từ vốn liếng nền tảng văn hóa mà người ta có được.
            “Danh chính ngôn thuận”, nghĩa là có chính danh, chức danh nói ra người khác mới nghe theo. Chẳng hạn, thầy giáo cấp nào giảng dạy cấp ấy, môn nào dạy môn ấy, nếu trái đi chắc chắn dạy chẳng trò nào nghe.
            Ở đời, ai cũng muốn lời nói, hành động của mình được người khác nghe, biết, làm theo hay đồng cảm, số lượng người nghe, biết càng nhiều càng thể hiện “giá trị”, vị thế của mình trong xã hội, thế là có DANH! Để có được cái danh ấy người ta phấn đấu, hành động, ứng xử… tựu trung là đi trên những con đường:
            - Tu dưỡng đạo đức, luôn đặt mình trong khuôn phép xã hội.
            - Cố công học tập, rèn luyện đễ đỗ đạt, thành tài.
            - Làm giàu.
            - Chạy chức chạy quyền.
            - Sống ngoài vòng cương tỏa luật pháp.
            - Theo đạo giáo, đảng phái.
            - Các hoạt động liên quan đến công chúng.
            Người chân chính xem chữ DANH là cống hiến, là phải làm được những điều tốt đẹp cho đất nước, nhân loại. Chữ DANH chỉ đúng nghĩa, hoàn hảo với một người khi nó là kết quả của “công thức”: TÂM + TÀI + TẦM => DANH. Trong đó TÂM ở vị thế số một, TÀI và TẦM ngang nhau.
            Có Tâm, có Tài nhưng đặt vị trí không đúng Tầm sẽ không phát huy được hiệu quả. Người có Tài cao đặt ở vị trí thấp là lãng phí, ngược lại, Tài không xứng Tầm, cho dù có Tâm đấy, nó vẫn cản trở sự phát triển của địa phương, đơn vị hay lớn hơn là quốc gia. Như vậy, chữ DANH, suy cho cùng, ngoài sự phấn đấu của từng cá nhân còn có sự “ban phát” của một tổ chức, đảng phái, tôn giáo… nào đó hay tư tưởng cục bộ địa phương.
            Dưới thời phong kiến, chữ DANH rất được coi trọng, nhất là với đấng nam nhi:
            Làm trai đứng ở trong trời đất
            Phải có danh gì với núi sông!
                                  (Nguyễn Công Trứ)
            Công danh nam tử còn vương nặng
            Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ  Hầu.
                                   (Phạm Ngũ Lão)
 Chữ DANH ấy gắn với lập công chống giặc cứu nước, với mở mang bờ cõi, làm cho dân no ấm, đấy đích thực là Công Danh. Còn những kẻ dùng chức, có quyền của mình vụ lợi cho gia đình, dòng tộc thì đó chính là Lợi Danh. Có người, chưa bằng lòng với sự giàu có của mình, bỏ tiền mua phẩm tước sánh với đời thì chữ Danh đó phải đứng sau chữ Hư. Cũng chuyện mua quan bán tước nhưng ngày xưa và ngày nay khác nhau xa. Vì lợi mà người ta làm hoen ố đi hình ảnh của mình, thậm chí của một ngành, như thế gọi là Ố Danh. Xin kể một câu chuyện có thật mà ngỡ như đùa:
            Có hai cha con, người cha lái, người con phụ xe đang chạy tuyến Thanh Hóa – Nghệ An thì công an giao thông tuýt còi. Xe tải mới mua, chở không quá tải, giấy tờ hợp lệ, chẳng vi phạm luật giao thông nhưng cảnh sát giao thông vẫn đòi làm “luật”. Thôi thì mua sự cầu toàn đường xa, làm ăn còn gặp nhau nhiều, người cha đành kẹp tờ giấy bạc 100.000đ trong tờ giấy làm “luật”. Tay cảnh sát giao thông giở ra xem, lắc đầu, giơ hai ngón tay. Người cha năn nỉ: “Tội quá sếp ơi, cha con tui phải vay mượn, cắm sổ đỏ ngân hàng mới có con xe ni kiếm cơm đấy sếp ạ!”. Tay cảnh sát trả lời: “Cha con mày vay mượn, cắm sổ đỏ còn có cái xe, tao cũng vay mượn, cắm sổ đỏ mà chỉ có cái ni” – vừa nói vừa giơ cái dùi cui lên. Người cha đành kẹp thêm tờ giấy bạc nữa cho xong chuyện. Lên xe, người cha nói với con: “Tau tưởng tau đã lì mà hắn còn lì hơn!”.
            Làm giàu bất chính, để tạo cái vỏ bọc cho mình nhiều kẻ bỏ ra ít tiền làm từ thiện thì gọi là Mua Danh. Cái khác nhau của người làm từ thiện chân chính và Mua Danh là dù bỏ ra số tiền lớn đến bao nhiêu, vẫn giấu danh tính của mình.
            Trong cuộc sống, tôi gặp không ít người hễ giới thiệu người này với người khác, đều là bạn của mình, nhân cuộc nhậu hay gặp mặt gì đó thường gắn với chức tước: “anh T. hiệu trưởng…”, “Chú B. giám đốc..”, “còn anh X. là đại gia vật liệu xây dựng…”. Có lẽ người giới thiệu hãnh diện vì điều ấy lắm, vì mình quan hệ toàn những người có địa vị  trong xã hội. Đấy là biểu hiện của bệnh Háo Danh. Ai không biết, còn tôi “được” giới thiệu như thế cảm giác rất khó chịu. Gặp mặt lần đầu, nên khiêm nhường một chút. Chức Danh có là gì trong mối quan hệ được gọi là thân mật, bè bạn? Đối với kẻ Háo Danh cần cảnh giác vì họ có thể dựa hơi, mượn Danh người khác để trục lợi cho mình.
Háo Danh có quan hệ mật thiết với Hám Danh. Không ít kẻ đi xa có dịp nào đó về quê hương lại lòe chức này tước nọ. Nói ra xấu hổ, tôi có cậu học sinh tốt nghiệp Đại học KHXHNV, xin làm hợp đồng ở bộ phận hành chính trường Đại học B.D, sau đó mở trung tâm môi giới dạy ngoại ngữ, thế mà in cacvidit là tiến sĩ, “Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ngôn ngữ quốc tế” (!) Thế nhưng vẫn nhiều người tin, lý giải chuyện này không khó: thứ nhất là thiếu thông tin, không ưa suy luận hoặc giả cũng có bệnh Háo Danh nên Hám Danh nó làm cho mờ mắt!  
            Thỉnh thoảng, trên các trang báo viết, báo mạng lại đưa tin vụ xì căng đan ca sĩ này, người mẫu nọ sex, lộ “hàng” khoe thân hay phát ngôn nhảm nhí. Họ làm như vậy là để tự “lăng xê” mình khi tài năng chưa được công chúng công nhận. Những việc làm như vậy gọi là Ô Danh. Chuyện Ô Danh thì thời đại nào cũng có, câu chuyện sau đây vừa xếp được trong tiêu chí Ô Danh lẫn Hám Danh, tự điển chưa có nên tạm gọi là Ác Danh vậy:
 Herostratos, một kẻ vô danh tiểu tốt đã tuyên bố sẽ làm cho tên tuổi hắn nổi danh thiên hạ. Ngày 21 tháng 7 năm 356 tr.CN, hắn đã đốt ngôi đền thờ Nữ thần săn bắn Artemis (ở Ephensus – phía tây Thổ Nhĩ Kỳ), một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại. Đốt xong, hắn đầu thú và chờ được xét xử công khai. Quan tòa biết nếu đem xét xử công khai sẽ đúng với mong ước của hắn nên đã xét và xử tử hắn trong ngục tối. Thế nhưng một nhà viết sử đã ghi lại sự kiện đó nên tên tuổi hắn đúng thật đã tồn tại trong lịch sử loài người.
           Ngày xưa, nhiều người hiểu chữ DANH luôn gắn liền với chức tước, lợi lộc nên đã xa lánh nó bằng cách ở ẩn như Sào Phủ, Hứa Do, Đào Tiềm, Nguyễn Bỉnh Khiêm, La Sơn Phu Tử…Lánh đời xuất thế, giữ được tiết tháo của mình, nhưng nói gì đi nữa, đó là con đường tiêu cực. Lánh đời nhưng tên tuổi họ vẫn sáng cùng sử sách, hóa ra “mai danh ẩn tích” lại là một phương thức Quảng Danh?!
            Con người, già hay trẻ, nam hay nữ đều có một chữ DANH gắn liền với thân phận mình. Hiểu được chữ DANH nhưng sống sao cho đúng chữ DANH viết hoa cần có thêm TRÍ, DŨNG và luôn là sự phấn đấu không ngừng.                  
           

2 nhận xét:

  1. Nguyễn Thị Vân Anhlúc 05:12 3 tháng 11, 2014

    Bài viết thuộc phong cách khẩu ngữ, bạn nặc danh đem cấu trúc, lập luận của phong cách khoa học ra để 'nghị luận" thì có đúng không nhỉ? Xem lại đi bạn ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn học hết lớp 12 chưa? nếu chưa thì rèn luyện thêm còn nếu đã tốt nghiệp THPT thì thật đáng tiếc. Dù là văn viết hay văn nói thì cũng cần phải chuyển tải nội dung, nội dung được chuyển tải phải phải mạch lạc,logic và...
      Bạn có thể ghét tôi nhưng đừng ghét chính bạn, hãy tranh thủ học cái hay, cái đúng và tránh xa lối a dua, nịnh bợ.
      Nếu bài viết này là của một em học sinh cấp 3 thì tôi sẽ cho 6 điểm nhưng nếu là của một em sinh viên năm nhất tôi sẽ đánh rớt với điểm 3. Bài viết không chỉ kém về cách trình bày mà ngay cả nội dung cũng quá tệ. Nói thật đó, không phải ghét bỏ gì đâu.
      (văn của tôi cũng là văn nói)

      Xóa