Tràng
Giang in trong tập Lửa thiêng của Huy Cận, xuất bản năm
1940. Tràng Giang là một trong những bài thơ tiêu biểu của phong trào
Thơ mới, thể hiện nỗi cô đơn, bơ vơ, lạc lõng của con người ngay trên đất nước
mình.
Huy
Cận có nhiều bài thơ hay, có nhiều đóng góp cho Văn hóa nghệ thuật nên chính vì
thế, tháng 6 năm 2001, ông được bầu là Viện sĩ Hàn lâm thơ thế giới.
Bài
thơ Tràng
Giang của Huy Cận tiếp thu nhiều thi tứ thơ cổ, tác giả “hiện đại”
những thi tứ ấy, làm nó mới mẻ hơn; cách dùng từ, miêu tả đặc sắc, logic trong
ý tứ, chi tiết nhỏ để làm nổi bật cái tôi lớn: “nỗi buồn thế hệ, nỗi buồn thời
đại”.
Mở
đầu bài thơ, cảnh sông nước mênh mông bất tận nhưng nó không thể hiện lòng tự hào dân
tộc, có tâm trạng hào sảng trước dòng sông lịch sử như Trương Hán Siêu,
trái lại, một nỗi buồn mênh mông, tê tái của sông, sầu trăm ngả của nước:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước
song song
Thuyền về nước lại sầu
trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy
dòng.
Câu
đầu bài thơ tả sông mà nói nỗi buồn, cách ngắt nhịp cũng góp phần nhấn mạnh
điều đó:
Sóng
gợn tràng giang/ buồn/ điệp điệp
“Sóng gợn tràng giang” cho người
đọc cảm giác mênh mông. Cảm giác ấy do từ “tràng giang” mang lại, thành ngữ
Việt khi nói về bao la rộng lớn của sông nước thường dùng “tràng giang đại hải”.
Cái mênh mông của sông nước không mở ra tâm hồn thư thái mà nó khép lại với
“buồn”, nỗi buồn đó như trĩu nặng xuống tận đáy với từ láy “điệp điệp”. “Điệp điệp” diễn tả sự liên tục; xét về mặt ngữ âm nó đối rất chỉnh với “tràng giang”.
Âm vực thấp của “điệp điệp” kéo xuống, chìm xuống để dòng sông mênh mông là
thế chỉ có “sóng gợn”.
Về
mặt từ ngữ, cái tài của Huy Cận là vận dụng phép tách từ hết sức độc đáo (dùng
“tràng giang” trong “tràng giang đại hải”, dùng “điệp điệp” trong “trùng trùng
điệp điệp”) kết hợp với nhau diễn tả tâm trạng một cách đầy đủ, chính xác, trọn
vẹn.
Con
thuyền được dùng với ý nghĩa tượng trưng cho cuộc đời lênh đênh, vô định. Ở đây
con thuyền gác mái chèo trôi theo dòng nước. Không bóng người, không hoạt động
của con người ở con thuyền ấy, thành ra không có sức sống, mặc nước nước chảy,
mặc thuyền thuyền trôi, từ láy “song song” diễn tả rất hay ý thơ đó.
Dõi
mắt theo con thuyền cho đến khi khuất bóng, tác giả không thấy “sông chảy bên
trời” như Lý Bạch, mà chỉ thấy sự chia ly, sự chia ly cận cảnh: “nước lại
sầu trăm ngả”. Câu cuối của khổ thơ tô đậm thêm nỗi buồn lạc lõng, vô định, như
kiếp người nô lệ:
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Những
đường nét “buồn điệp điệp”, “nước song song”, “sầu trăm ngả”, “lạc mấy dòng” vẽ
nên bức tranh không có điểm chung, hội tụ mà rời rạc, lẻ loi, gợi cho người đọc nỗi buồn
vô định.
Khổ
thơ thứ hai nối tiếp xúc cảm, tâm trạng của khổ đầu:
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn
chợ chiều
Nắng xuống trời lên sâu
chót vót
Sông dài, trời rộng, bến
cô liêu.
Một
cái cồn nhỏ giữa mênh mông sông nước, trong cảm nhận người đọc, từ láy “lơ thơ’
là điểm nhấn của sự lẻ loi, càng thêm buồn bã với ngọn gió đìu hiu. “Đìu hiu”
chỉ sự vắng vẻ, “hiu hiu” chỉ cơn gió nhẹ, ở đây tác giả dùng từ láy “đìu hiu”
kết hợp với “gió” rất độc đáo, tô đậm vẻ cô quạnh vắng vẻ như bị cuộc sống lãng quên.
Năm
1980, khi Huy Cận và Xuân Diệu về thăm quê Hà Tĩnh, có ghé trường Đại học Sư
phạm Vinh, nói chuyện với sinh viên khoa Văn. Khi được hỏi về bài thơ tâm đắc
nhất của mình, Xuân Diệu đọc bài thơ Tứ tuyệt tương tư, còn Huy Cận đọc
bài Tràng
Giang, ông nói trong bài thơ ông học được cách dùng từ “đìu hiu” trong
câu thơ Chinh phụ ngâm: “Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò”
Âm
thanh của cuộc sống thoảng vọng lại của làng quê rất xa vắng càng tăng thêm cảm
giác vắng vẻ bị lãng quên. Chợ chiều thường không đông người, vãn có nghĩa là
tan, là kết thúc. Chợ chiều ít ồn ào náo nhiệt, “vãn chợ chiều” vẳng lại tiếng
được tiếng mất của “Đâu tiếng làng xa” là nghệ thuật “lấy động tả tĩnh”. Hội
tan, chợ vãn, chiều buông thường là những khoảnh khắc gợi cho người ta tâm
trạng buồn, nhớ nhung, khắc khoải, luyến tiếc những cái gì đã qua.
Nếu
như ở khổ thơ đầu và hai câu đầu của khổ hai miêu tả chiều ngang của không gian
thì hai câu sau hoàn thành bức tranh không gian ba chiều:
Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến
cô liêu.
Cái tinh tế, nhạy cảm của Huy Cận
trong quan sát đã “chụp” được khung hình đẹp của thiên nhiên. Khung hình đẹp mà
buồn như chính tâm hồn thi sĩ vậy. Ánh nắng chênh chếch buổi chiều chiếu xuống
dòng sông để ta nhìn rõ sông dài, bến cô liêu và phía trên của ánh nắng chênh
chếch đó là bầu trời thăm thẳm. Từ “chót vót” chỉ độ cao, chiều đi lên, từ
“sâu” chỉ chiều ngược lại. Lần đầu tiên trong thi ca, người đọc ngạc nhiên với
cách dùng từ tưởng như mâu thuẫn nhưng lại rất thống nhất. Làm được điều đó,
tác giả đã gợi cảm giác liên hệ “sâu” -> xanh -> thăm thẳm trước khi kết
hợp với “chót vót”. Nếu dùng “cao chót vót” thì bầu trời sáng lắm, không có sự
phân biệt thành hai nửa, nửa dưới ít hơn, sáng mà thấp, nửa trên tối mà cao.
Sự
rời rạc, buồn tẻ của sự vật được trải rộng hơn trong khổ thơ thứ ba:
Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một
chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm
thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi
vàng.
Cùng
là các sự vật trôi xuôi trên sông nhưng nó không xảy ra cùng một lúc. Từ con
thuyền khuất bóng đến củi lạc mấy dòng và cuối cùng là: “Bèo dạt về đâu hàng nối
hàng”. Điểm lại để thấy sự vật cũng “xuống cấp” giá trị!
Thường
thì bèo trôi thành mảng, thành đám, có lẽ do sóng xô, nước xoáy mà tan ra thành
hàng nối hàng chăng? Bèo trôi như một vệt thẳng song song với dòng chảy tràng giang, là
chủ ý mở rộng, liên kết sâu hơn của tác giả với câu cuối khổ thứ hai nhằm nhấn
mạnh “sông dài”, từ đó, một lần nữa, thể hiện sự mênh mông, hoang vắng, cô
đơn đến tội nghiệp.
Một
dòng chảy, hai bờ cách biệt không một sự liên hệ, kết nối cho dù là một con đò
ngang bé nhỏ, thế nên bờ này bờ kia dửng dưng với nhau; màu sắc bờ xanh, bãi vàng của
hình ảnh này, nói như ngôn ngữ hội họa là những gam màu chết:
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi
vàng.
Khổ
thơ cuối, hai câu đầu chỉ hai hoạt động, một của mây, một của chim. Nếu như
“mây cao đùn núi bạc” khuất lấp đi ánh nắng chiều, cho chiều buông nhanh hơn
thì cánh chim nghiêng như cảm nhận sức nặng vô hình đè xuống, gợi cho người đọc
một cảm giác tù túng, ngột ngạt. Thường thì hình ảnh cánh chim trong thơ tượng
trưng cho sự tự do, bay bổng nhưng cánh chim nhỏ của Huy Cận dưới bóng chiều
này thật thảm hại, đáng thương.
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ:
bóng chiều sa.
Hai
câu cuối của khổ thơ: “Lòng quê dợn dợn
vời con nước/ Không khói hoàng hôn
cũng nhớ nhà” mượn ý của nhà thơ Thôi Hộ đời Đường:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho
buồn lòng ai.
Thôi Hộ nhớ quê khi hoàng hôn,
khói sóng gợi, còn Huy Cận, đẩy nỗi buồn ấy lên cao hơn ngay cả khi không hoàng
hôn, không khói sóng.
Lòng
quê là nỗi nhớ quê, từ “dợn dợn” có nghĩa là gợn lên, chuyển động liên tục của
tâm trạng nao nao, thắc thỏm. Tâm trạng này xảy ra khi tác giả “vời con nước”.
Vời có nghĩa là trông, trông xa, tỉ như: “Trông vời cố quốc biết đâu là nhà?”.
Tràng
Giang là một bài thơ buồn, khổ nào, câu nào cũng buồn. Bài thơ có sự
vật, có âm thanh, màu sắc, hoạt động nhưng sự vật riêng rẽ, không một chút gắn
kết. Tác giả gói sự vật, âm thanh, màu sắc, hoạt động ấy vào một từ “tràng
giang”. Tràng giang vì thiếu tình người, thiếu hoạt động của của con người, vậy
nên đây là nỗi buồn nhân bản. Nỗi buồn ấy sâu xa chính là nỗi buồn mất nước. Vì thế,
khi bắt gặp lý tưởng cách mạng, chàng trai – nhà thơ lãng mạn Huy Cận sớm trở
thành chiến sĩ cách mạng tiêu biểu, là một trong những thành viên của Đoàn đại
biểu Ủy ban Giải phóng vào Huế tiếp nhận lễ thoái vị của vua Bảo Đại.
Đọc
lại bài thơ, bốn khổ, mười sáu câu, cũng cần nói thêm một chút, tác giả đã sử
dụng đến chín từ láy, từ nào cũng được dùng hết sức tinh tế, gợi cảm. Có được
điều ấy ngoài tài năng còn là một sự học hỏi, tìm tòi đáng trân trọng. Tràng
Giang là một bài thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới và cũng là bài
thơ hay của nền Văn học hiện đại Việt
Bài viết có nhiều ý mới, sâu sắc. Cảm ơn bạn!
Trả lờiXóaEm cảm ơn thầy về bài viết, chúc thầy khỏe để có nhiều bài nghiên cứu hay nữa.
Trả lờiXóaBài viết gọn, có nhiều ý hay, đáng để đọc. Cảm ơn bạn!
Trả lờiXóaLâu nay thầy cô dạy em ở phần mở đầu của bài viết phải giới thiệu tác giả. Đọc bài nghiên cứu của thầy em học được cách giới thiệu tác giả đầy đủ mà không cứng nhắc, công thức. Cảm ơn thầy thật nhiều!
Trả lờiXóaRất khoái, các bài nghiên cứu của ông luôn có sự tìm tòi, mới mẻ.
Trả lờiXóaCảm ơn các bạn đã ghé thăm blog Lê Nhật. Chân thành cảm ơn những lời động viên
Trả lờiXóaĐọc bài nghiên cứu của bạn rất tình cờ, một sự tình cờ may mắn, cảm ơn bạn nhiều!
Trả lờiXóaBài viết có chiều sâu, rất tâm đắc!
Trả lờiXóaBài viết có sức thuyết phục lớn đấy, cảm ơn bạn, chúc bạn sớm có nhiều bài nghiên cứu mới.
Trả lờiXóaCảm nhận thật sâu sắc, tinh tế. Cảm ơn bạn rất, rất nhiều!
Trả lờiXóaRất hay, cảm ơn tác giả.
Trả lờiXóaMột lời cảm ơn nữa cũng không thừa. Rất hay!
Trả lờiXóaCảm ơn bạn về bài viết!
Trả lờiXóa