Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

NGÀY XUÂN SUY NGẪM CHỮ "CHƠI"

       
     Chơi là hoạt động giải trí, nghỉ ngơi hay có khi là thưởng thức. Chơi là nhu cầu không thể thiếu của con người, và qua cách chơi thể hiện nhận thức, vốn sống, văn hóa giao tiếp ứng xử.

            Hoạt động giải trí, nghỉ ngơi, thưởng thức của con người rất phong phú nên chơi khó thống kê hết. Điểm sơ qua chúng ta đã có: chơi xuân, chơi chim, chơi cá, chơi cây cảnh, chơi đèn kéo quân, chơi diều, chơi ô ăn quan, chơi đàn, chơi bóng, chơi cờ, chơi đu, chơi chữ, chơi tem, chơi ảnh, chơi đồ cổ, chơi xe, chơi game…

            Chơi say sưa, toàn tâm toàn ý là đam mê. Có người chơi do sở thích, có người vừa là sở thích vừa muốn khẳng định mình trong giới làng chơi cho nổi danh, cho “đẳng cấp”. Có người chơi vì phong trào, a dua, học đòi. Mà chơi theo kiểu học đòi, ở Việt Nam ta bất luận thứ gì cũng chiếm số đông.

            Nhàn tản đem cờ ra chơi vài ván vừa giết thời gian vừa vận động trí tuệ, gắn kết tình bè bạn thì còn gì vui bằng. Nhưng cũng hoạt động ấy đem ra thi đấu, có giải thưởng thì không còn nghĩa là chơi nữa, phải gọi là “đấu” hay “đánh” rồi. Tương tự, một điều khá thú vị, trong một trận đấu bóng đá nảy lửa, khi nói về hoạt động của một cầu thủ nào đó, bình luận viên lại nói anh ta chơi tròn vai, nghệ sĩ sân cỏ hay làm xiếc với trái bóng…thay bằng nói anh ta “đấu” rất hay.

            Chơi nhiều hơn làm, ham những trò tiêu khiển có hại thì được gọi là chơi bời lêu lổng. Hành động gây hại cho người khác, kiểu như truyện cười dân gian “Nói có đầu đuôi” là chơi khăm. Có hành động ngang ngược được gán cho từ chơi ngang. Loại người có quan hệ không bình thường với người ở địa vị cao hơn thì được tập thể cộng đồng nhìn nhận chơi trèo. Bao giờ cũng tỏ ra hơn hẳn những người xung quanh trong ứng xử, sinh hoạt được gọi là chơi trội. Tâm địa xấu, lợi dụng sơ hở của người khác để làm cho người ta bẽ mặt thì đó chính là chơi xỏ. Chơi vụ lợi riêng cho mình, lợi dụng người khác, kiểu thường xuyên nghe điện thoại, về trước vì “vợ gọi”, “có việc đột xuất” trong lúc gần tàn cuộc nhậu được gán cho mác chơi bẩn. Chơi vượt quá khả năng của mình (nhưng ai cũng biết) thì đích là chơi sang hay nói chơi hoang cũng không sai. Bày trò dại dột, đối đầu với quyền thế khác nào chơi với lửa. Chơi với loại đầu trộm đuôi cướp, loại “mặt tiền án, trán hình sự”, lợi dụng chúng thì thể nào chơi dao cũng có ngày đứt tay. Chơi với những kẻ nhân cách thấp kém không sớm thì muộn danh dự, nhân phẩm mình bị bôi bẩn, chẳng thế ông cha ta đã nói: Chơi với chó chó liếm mặt

            Với hoạt động giao tiếp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, lợi dụng các từ đồng âm, đa nghĩa, nói lái…trong ngôn ngữ gây một tác dụng nhất định (như bóng gió, châm biếm, hài hước…) là chơi chữ. Ví như:
            - Trai làng Cốc leo dốc bắn đứng lăm le cười khanh khách.
            - Nửa đêm gà gáy canh ba
Thân em con gái đàn bà nữ nhi.
- Đi tu Phật bắt ăn chay
Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không.
Ngày xưa, các nho sĩ, văn nhân có thú chơi thơ. Người cầm cái đưa ra câu thơ để thiếu chữ đầu hay chữ cuối, người chơi tự điền vào rồi giảng nghĩa vì sao lại dùng chữ đó. Oái oăm ở chỗ, người hay chữ, học vấn tinh thâm lại thường là những người điền sai với bản gốc nhất! Chuyện Chơi thơ, Thả thơ của người xưa, nhà văn Nguyễn Tuân có những tác phẩm đặc sắc, đọc xong những áng văn ấy, người có tâm không khỏi ngậm ngùi, tiếc nuối cái tài hoa, tinh tế của thú chơi tao nhã đã mai một.
Chơi trống bỏi, chơi tràn cung mây, chơi hết năm tày tháng tận…là những thành ngữ chỉ sự say của chơi sự sướng của chơi, nhưng có lẽ chơi lên đỉnh là cách chơi Tú Bà dạy Kiều:
Chơi cho liễu chán hoa chê
Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời.

Một điều đáng buồn hiện nay là giới trẻ ít biết chơi những trò chơi dân gian đượm hồn dân tộc, những trò chơi rèn luyện trí tuệ, sức khỏe mà thay vào đó là cứ cắm mặt vào màn hình với game online bắn súng, đua xe, giết chóc…để rồi biết bao tệ nạn xã hội đau lòng xảy ra. Thiết nghĩ, ngành Giáo dục, chính quyền các cấp nên quan tâm hơn đến cái chơi cho xã hội nói chung, nhà trường nói riêng, đó cũng là điều lành mạnh hóa, văn hóa hóa xã hội.

Ăn, chơi, làm việc, nghỉ ngơi đúng mực giúp con người khỏe khoắn, thanh thản hơn trong cuộc sống. Ngày xuân, suy ngẫm  chữ chơi âu cũng là cách nhìn nhận cái gì đúng, cái gì chưa đúng để khi chơi ta chơi cho có ý nghĩa hơn.

1 nhận xét: