Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA - TRUYỆN NGẮN ĐẶC SẮC CỦA NGUYỄN MINH CHÂU

      
   Nguyễn Minh Châu là nhà văn được đông đảo độc giả yêu thích. Những trang viết của ông làm say lòng những cô công nhân đến những nhà nghiên cứu phê bình văn học. Có được điều ấy, ngoài vốn sống phong phú, trải nghiệm, ở ông, là tài năng lớn trên cái nền học vấn uyên thâm chất chứa trong trái tim nhân hậu luôn hướng về cuộc sống thực tại.
          Trong chương trình giảng dạy bộ môn Văn học bậc THPT, khi Chiếc thuyền ngoài xa được đem vào thay thế Mảnh trăng cuối rừng, tuy cùng một tác giả nhưng không ít người tiếc vì không còn được dạy, được thăng hoa với mối tình lãng mạn của anh bộ đội lái xe và cô công nhân giao thông trên tuyến đường miền tây trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Thế rồi khi đọc kỹ tác phẩm, mới thấy người viết sách có lý, Chiếc thuyền ngoài xa quả là truyện ngắn thành công về mọi mặt.

          Về tính triết lý, Nguyễn Minh Châu đã khéo léo sắp xếp, sáng tạo các chi tiết từ đầu đến cuối truyện gọn gàng trong quy luật âm – dương của triết học phương Đông. Trong âm có dương, trong dương có âm, cho nên chuyện gì cũng có thể xảy ra.
          Chi tiết đầu truyện là ông trưởng phòng luôn có những ý nghĩ độc đáo, cử Phùng đi thực tế chụp bổ sung một tấm ảnh lịch với cảnh biển buổi sáng có sương mù. Oái oăm ở chỗ là chụp vào tháng bảy, đỉnh điểm cái nắng của mùa hè. Hơn thế nữa, từ Hà Nội vào chiến trường xưa, nơi Phùng từng chiến đấu, theo suy luận, đó lại là mảnh đất Quảng Trị - gió lào cát trắng. Trong cái tưởng chừng như không thể ấy, Phùng đã có được những tấm ảnh trong một khoảnh khắc “trời cho”:  “Trước mắt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu trời mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng vào bờ. Tất cả những khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa vẻ đẹp, đẹp một vẻ đẹp thực sự đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì như đang bóp thắt vào. Chẳng biết ai đólần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong những giây bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự hoàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong người của tâm hồn”
          Người đọc còn đang say sưa bức tranh ấy cùng tác giả thì một cảnh tượng phản cảm diễn ra sau đó ít phút. Hai vợ chồng trên cái thuyền vó ấy vào bờ để một người hành hạ và một người chịu sự hành hạ. Khi Đẩu – chánh án tòa án huyện nói: “Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Cả nước không có người chồng nào như hắn. Tôi chưa hỏi tội của hắn mà tôi chỉ muốn nói ngay với chị: Chị không sống nổi với cái lão đàn ông vũ phu ấy đâu!”. Người đọc hiểu ngay cách xử án sẽ là thế nào. Sẽ bất ngờ nếu chánh án không hòa giải mà “xúi giục” người đàn bà li hôn nếu không có câu: “Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Khi Đẩu nói câu ấy nếu bạn đọc nào đã đọc qua Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung hẳn nhớ chuyện Tào Tháo đối đãi với Quan Công: ba ngày yến nhỏ, năm ngày tiệc lớn, lên ngựa thưởng bạc, xuống ngựa thưởng vàng. Vì sao người đàn bà bị hành hạ triền miên như vậy? Vì làm không ra ăn, thiếu đói quanh năm. Người đàn bà không chịu “được giải phóng”, trái lại, ý thức được bản thân, hoàn cảnh, trái tim lại bao dung, nhân hậu nên chị đã tự nguyện chịu đựng. Chị coi việc bị hành hạ là “lỗi” của chị, cũng như bao phụ nữ làng chài khác mà thôi: “Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làn ăn nuôi đặng một sấp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi sống cho con chứ không thể sống cho mình như trên đất liền được! Mong các chú lụy tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó! – Vả lại, ở trên chiếc thuyền này cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ.”

          Hòa trong dòng chảy âm – dương theo triết lí phương Đông là dòng chảy cuộc đời. Cái “phông” của truyện là mảnh đất chiến trường còn ngổn ngang xác xe tăng. Những người lính đi qua chiến tranh với những ngã rẽ khác nhau. Cuộc sống của người dân vẫn trôi nhưng không phẳng lặng. Giải phóng được đất nước nhưng không giải thoát được đói nghèo thì cách mạng có ý nghĩa gì. Do vậy, cuộc chiến mới, mặt trận mới – mặt trận an sinh dưới ngòi bút của Nguyễn Minh Châu vô cùng khốc liệt. Kẻ thù nằm trong nhân dân, trong mỗi người dân từ già đến trẻ. Giải quyết trận chiến này không phải bằng súng đạn mà phải bằng “quan hệ sản xuất” mới, môi trường mới.
          Chính quyền cấp đất cho dân nhưng dân không ở vì: “Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có thể làm được cái nghề thuyền lưới vó? Từ ngày cách mạng về, cách mạng cấp đất cho không chẳng ai ở, vì không bỏ nghề được”. Tòa án muốn giải phóng người phụ nữ khỏi cảnh hành hạ thì chính người bị hành hạ xin cho họ được yên – nghĩa là cứ để họ sống cuộc sống bấy lâu nay.
          Đọc những dòng này của Nguyễn Minh Châu, suy ngẫm, người đọc vỡ ra một điều nhà văn gửi gắm: Muốn mọi điều tốt đẹp cho dân thì chính quyền, cán bộ lãnh đạo phải gần dân, sâu sát với dân, hiểu cuộc sống, tâm tư nguyện vọng của dân. Xa rời dân, quan liêu là căn bệnh của chính quyền. Rất nhiều trang báo, phóng sự phản ánh sự việc di dời dân để qui hoạch làm thủy điện, sân golf, khu công nghiệp này nọ…không quan tâm đến điều kiện sống, nghề nghiệp, thành ra, người dân đã khổ càng khổ hơn.
          Cũng xin lưu ý một điều rằng, truyện được viết vào tháng 8 năm 1983, khi mà đất nước ta chưa đổi mới, thì mới thấy giá trị dự báo của nhà văn là rất cao.

          Một thành công không thể không nói đến là nghệ thuật xây dựng nhân vật. trong truyện ngắn này Nguyễn Minh Châu xây dựng nhân vật sống động, tự nhiên, mỗi nhân vật có một “nhiệm vụ” chuyển tải cảm xúc, suy nghĩ, trăn trở khác nhau của nhà văn. Có những nhân vật chỉ vài nét phác họa nhưng người đọc hình dung khá rõ tính cách như ông trưởng phòng của Phùng, người đàn ông làng chài. Điều đặc biệt là để cho nhân vật có tính “phổ thông” hơn, tiêu biểu hơn Nguyễn Minh Châu dùng nghệ thuật phiếm chỉ, không gán tên cho một số nhân vật.
          Đọc kỹ đoạn đối thoại giữa người đàn bà làng chài với Đẩu và Phùng, người đọc thấy rõ tính cách nhân vật. Qua lời kể của người đàn bà ấy, người đọc nguôi ngoai phần nào về hành động của người đàn ông vũ phu: “Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu…Giá mà lão uống rượu…thì tôi còn đỡ khổ…”. Trước kia, cũng theo lời người đàn bà: “Lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi”. Thì ra, việc đánh đập vợ cũng là một cách giải stress! Vấn đề Nguyễn Minh Châu đưa ra ở đây phải chăng càng cơ cực người ta càng dễ hành hạ nhau và hoàn cảnh sống làm thay đổi tính cách con người?
          Về nhân vật Phùng, người nghệ sĩ nhiếp ảnh, anh không có những tuyên ngôn về nghệ thuật, nhưng qua cảm xúc và hành động của anh đã khẳng định với người đọc một điều: Nghệ thuật đích thực phải phản ánh cuộc sống, người nghệ sĩ phải theo sát cuộc sống, va đập với cuộc sống mới có những tác phẩm để đời.

          Gấp trang sách lại, đồng cảm với tác giả về một kết thúc truyện có hậu về tương lai tươi sáng của người đàn bà làng chài, người đọc giật mình sao tác giả lại lấy tiêu đề truyện là Chiếc thuyền ngoài xa chứ không phải là Chuyện về một bức ảnh hay Kỷ niệm về một bức ảnh?..
          Quay lại thời điểm tác phẩm ra đời, chúng ta biết đất nước chưa đổi mới; việc kiểm duyệt xuất bản khắt khe và nhiều khi người kiểm duyệt lại cứng nhắc về nhận thức, cho nên nhà văn phải hết sức khéo léo, vừa nói được điều mình muốn nói lại không “động chạm”. Thời điểm tác phẩm ra đời kéo dài cho đến tận bây giờ là “thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Quá là qua, độ là bến, từ bến này sang bến khác. Viết về đề tài này, Nguyễn Huy Thiệp cũng khá thành công với truyện ngắn Sang sông. Trong truyện ngắn ấy, để cứu đứa trẻ, tên cướp đã đập vỡ một cái bình cổ của kẻ khác. Thông điệp của Nguyễn Huy Thiệp ở truyện ngắn ấy là: “Muốn đến được bờ bến mới đôi khi phải phá vỡ cái cũ”. Khuôn mẫu của cái cũ (miệng chiếc bình cổ) trói buộc thế hệ trẻ (cổ tay đứa trẻ), vì vậy, muốn giải phóng cần phải phá bỏ (đập bể).
 Đưa được chiếc thuyền vó cập bến bờ hạnh phúc phải trải qua giông bão, khó khăn, phải đấu tranh quyết liệt chứ không phải muốn là được. Tiếp cận với bến trước tiên vẫn là thế hệ trẻ (thằng Phác), và chỉ có thế hệ trẻ mới giải quyết được mâu thuẫn nội tại của thế hệ, môi trường sinh ra nó. Mong muốn chiếc thuyền cập bến còn biểu hiện qua ánh mắt đau đáu của ông lão ngoài sáu mươi, ánh mắt mong muốn con cháu đổi đời.

          Thông qua câu chuyện đời thường với ngôn từ giản dị, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu gợi cho người đọc biết bao điều suy nghĩ. Chắc chắn, đối tượng phục vụ nhắm đến của tác giả khi viết tác phẩm này không phải là những người như vợ chồng người đàn bà làng chài mà là những người lãnh đạo các cấp. Chiếc thuyền ngoài xa là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của Văn học Việt Nam thời kỳ hậu chiến, góp phần định hướng nhân sinh quan thời kỳ đổi mới.

9 nhận xét:

  1. Truyện ngắn đặc sắc và bài nghiên cứu cũng đặc sắc, cảm ơn bạn!

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết có điểm mới, sức thuyết phục cao.

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết hay lắm, chúc mừng bạn!

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn bạn đã cho mọi người những phút giải lao, câu truyện rất hay và có ý nghĩa cho người đọc, bên mình cũng đang lập một website sưu tầm những truyện ngắn hay và ý nghĩa, hy vọng các fan cuồn truyện ghé xem và ủng hộ hoặc chia sẽ thêm những truyện mới để kho tàn truyện ngắn thêm phong phú và đa dạng. Cám ơn mọi người!
    Nhung truyen ngan hay va y nghia

    Trả lờiXóa
  5. Đào Mậu Thắnglúc 20:39 8 tháng 9, 2014

    Cảm ơn các bạn đã chia sẻ, động viên.

    Trả lờiXóa
  6. Bài viết có chiều sâu, có phát hiện mới, phong cách viết chặt chẽ. Cảm ơn bạn!

    Trả lờiXóa
  7. Nguyễn Hoài Lươnglúc 20:02 2 tháng 10, 2014

    Cảm ơn thầy đã có bài nghiên cứu rất có giá trị với chúng em.

    Trả lờiXóa
  8. Bài viết có chiều sâu, có điểm mới và có cả cái tâm người cầm bút.

    Trả lờiXóa
  9. Hay quá thầy ơi, cảm ơn thầy thật nhiều.

    Trả lờiXóa