Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

"Mường Lát hoa về trong đêm hơi"...


     Quang Dũng (1921-1988) là một nghệ sĩ đa tài nhưng lĩnh vực thơ ca nổi trội  nhất. Thơ ông hào hoa, phóng khoáng, tinh tế mà lãng mạn như con người ông vậy. Vẻ đẹp thơ Quang Dũng toát lên từ cái chân thật, mộc mạc, đau khổ của đời sống; từ biệt tài sử dụng ngôn ngữ có yếu tố bất ngờ; từ thủ pháp liên hệ, gợi mở độc đáo...Chính vì vậy, mỗi khi đọc lại thơ Quang Dũng, chúng ta luôn thấy mới mẻ, hấp dẫn.

     Chỉ riêng trong Tây Tiến, về thủ pháp liên hệ, gợi mở, chúng ta có những câu thơ, khổ thơ:
     - Mường Lát hoa về trong đêm hơi
     - Heo hút cồn mây súng ngửi trời
     - Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
     - Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
     - Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

     - Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
     Quân xanh màu lá dữ oai hùm
     Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
     Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

     - Áo bào thay chiếu anh về đất
     - Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi

     Trong các câu thơ, khổ thơ đã nêu, "Mường Lát hoa về trong đêm hơi" ít được phân tích, giải thích cặn kẽ ở những bài viết về Tây Tiến. Câu thơ chỉ một thanh trắc còn lại là thanh bằng, cho nên về âm hưởng gợi cho người đọc cảm giác nhẹ nhàng, lắng đọng, trìu mến. Tại sao lại "Mường Lát hoa về trong đêm hơi"? Giải thích phải có căn cứ, và cho dù có liên hệ, liên tưởng vẫn phải bám vào văn bản.
     Trước tiên, tìm hiểu về "đêm hơi", chúng ta hiểu "hơi" là phụ từ thường kết hợp tính từ để chỉ mức độ, ví dụ:
     - Hơi cay; hơi mặn; hơi đắng; hơi chua...
Nhưng không phải lúc nào "hơi" cũng là phụ từ, ví dụ:
     - Hơi rượu tỏa
     - Quen hơi bén tiếng
Vậy "hơi" trong "đêm hơi" được tác giả dùng như thế nào thì chúng ta phải suy xét trong văn cảnh. Và câu thơ còn một "ẩn số" cần giải quyết nữa là "hoa về".
     Theo logic cảm xúc nghệ thuật, thủ pháp dùng từ, trong bài thơ cũng đã dùng khá nhiều liên hệ gợi mở như đã nêu ở trên, phân tích một ví dụ để thấy rõ hơn:
     Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
     Nói "kiều thơm" là những cô gái, thiếu nữ không ai phản ứng cả. Đây là liên hệ giữa vẻ đẹp nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du với thiếu nữ Hà Nội. Còn "hoa về" là liên hệ ở tầng bậc xa. Trước tiên "hoa" ở đây là người. Tục ngữ Việt Nam ta có câu:
     - Người ta là hoa của đất
     Hay khi so sánh hoa và người ở bộ phận:
     - Cười tươi như hoa (Hoa cười, ngọc thốt, đoan trang - Nguyễn Du)
     - Mặt đẹp như hoa
     - Mặt hoa da phấn
Chúng ta thấy những sự so sánh ấy đều dành cho phái nữ. Vậy "hoa về" trong câu thơ có thể hiểu là: em về, các em về.

     Đặt câu thơ trong logic đối: "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi / Mường Lát hoa về trong đêm hơi" thì cái cảm nhận trực giác về địa danh, chưa nói đến kiến thức địa lý, chúng ta thấy Sài Khao là một địa danh nhưng không gắn chặt với cộng đồng thôn, bản bằng Mường Lát. Cảm nhận cái mệt mỏi với cái vui sướng hay nói cách khác là sau cái bi là cái tráng, song hành nhau thì những người lính ở biên cương vui gì bằng khi thấy hình bóng các sơn nữ ("hoa về trong đêm hơi").
     Ở góc độ quan sát, khi thấy được 'sương lấp", 'đoàn quân mỏi" người đọc có thể xác định được thời gian. Chắc chắn khi viết được những câu thơ hay như thế Quang Dũng không thể không đọc, không thấm những câu thơ tuyệt hay của Bà huyện Thanh Quan:
     Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
     Dặm liễu sương sa khách bước dồn
     Nếu ở Sài Khao sương xuống rồi, mỏi mệt rồi mà vẫn hành quân thì ở Mường Lát, những chàng lính ấy lại vui vẻ đón những sơn nữ về bản sau một ngày lao động khi màn đêm bắt đầu buông. Ở miền núi sẩm tối, sương xuống bàng bạc, trong thời khắc tranh tối tranh sáng ấy, ngòi bút tài hoa của Quang Dũng thay vì viết "màn đêm buông" là 'hơi đêm", một cách thể hiện táo bạo. Nhưng dùng "hơi đêm", nghĩa là "mới vào đêm", "đêm chưa sâu" không thể lột tả hết vẻ yên tĩnh, bí ẩn bằng "đêm hơi". Thủ pháp đảo ngữ dùng để nhấn mạnh ý tứ trong thơ không có gì lạ nhưng dùng thủ pháp liên hệ, gợi mở bằng đảo trật tự từ trong câu thơ: Mường Lát hoa về trong đêm hơi là sáng tạo của Quang Dũng. Ít bắt gặp thủ pháp này trong thơ nên câu thơ như một câu đố là vì thế.

     Đọc thơ Quang Dũng muốn cảm nhận được cái hay, cái đẹp, người đọc phải có vốn hiểu biết về thời đại, nhiệt huyết cách mạng thế hệ ông và tâm hồn luôn rộng mở, phóng khoáng đậm chất lính.

8 nhận xét:

  1. Rất thuyết phục, cảm ơn bạ.

    Trả lờiXóa
  2. Rất thích cách giải thích của bạn. Chúc sức khỏe!

    Trả lờiXóa
  3. CẢM ƠN BẠN CHÚNG TÔI TRONG BAN LL CCB TÂY TIẾN CẢM ƠN BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY MỜI BẠN GHÉ QUA TRANG NHÀ CỦA CHÚNG TÔI.
    https://www.facebook.com/taytien.vn/
    CHÚNG TÔI CŨNG XIN PHÉP ĐĂNG LẠI BÀI NÀY TRÊN:
    https://www.facebook.com/groups/1973181296239427/ VÌ CÓ NGƯỜI HỎI NHÓM CHÚNG TÔI TRONG THẢO LUẬN SẼ CÓ SỰ THAM GIA CỦA CHỊ BÙI PHƯƠNG THẢO CON GÁI CỦA NHÀ THƠ QUANG DŨNG THAM GIA

    Trả lờiXóa
  4. Đào Mậu Thắnglúc 04:08 14 tháng 3, 2016

    Cảm ơn các bác đã chia sẻ, chúc các bác vui, khỏe, hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
  5. Bài viết sâu sắc, cảm ơn tác giả.

    Trả lờiXóa
  6. Cám ơn tác giả vì để lại những kiến thức bổ ích cho thế hệ sau 👍
    +1 respect

    Trả lờiXóa
  7. lúc học tôi cũng nghĩ là câu thơ này có gì đó hay hơn ở đằng sau chứ không chỉ là bề nổi mà GV phân tích không đi sâu ,cảm ơn bài viết rất hay .

    Trả lờiXóa