Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

LÂM TẶC

CHƯƠNG XXIX

     Mới hai ngày đầu mùa mưa mà con sông Gâm như không còn là chính mình nữa. Nước đục ngầu, sủi bọt dâng nhanh như thủy triều. Cành cây, gỗ, nứa trôi trên sông vun vút. Ven bờ thỉnh thoảng có những xoáy nước lớn hình thành một vài giờ, di chuyển chầm chậm theo dòng chảy rồi cũng tự nhiên mất đi như tự nhiên sinh ra. Ông Tám Cá bảo rằng không có cái gì tự nhiên cả, những xoáy nước ấy hình thành là có những gốc rễ cây trôi ngầm ở dưới đó, rều rác vướng vào tạo thành xoáy. Khi nước đẩy nó ra được giữa dòng thì cái xoáy mất đi.
     Nghe ông Tám Cá giải thích, sếp Kim nghĩ dòng sông giống như cuộc đời, những gì cản trở, trái quy luật dù có làm chậm dòng chảy tí chút nhưng rồi cũng sẽ bị cuốn phăng đi. Ngẫm lại đời mình, nhiều lúc cũng chính là những gốc cây chìm dưới sông vậy. Quay đầu là bờ, ông nghĩ may mình chưa đi quá xa. Qua vụ việc Trí Vịt, Cơ, Huy , Trọng Hói và phần nào có cả Minh Chột nữa ông thấm thía, trăn trở, áy náy, tự thẹn với lòng mình. Người ta nể ông hay nói chính xác hơn là nể cái ghế ông đang ngồi chứ đâu phải như ông Tám Cá, già Bân và lớp trẻ là Quân, Man Hoa, Thoa, Diệp... Họ trong sáng quá, vô tư quá, hoàn cảnh nào cũng vậy, họ là loại người tốt nguyên thủy chăng?...

     Vụ việc đã sáng tỏ, chiều hôm trước cậu Ngàn bên công an đã tự thưởng cho đội của mình một chầu nhậu ở quán Hương Rừng, có mời ông. Lẽ ra ông phải vui lên mới phải nhưng càng uống ông càng nặng lòng quá. Người ta không nói ra nhưng ông hiểu, ông có một phần trách nhiệm ở trong đó. Chỉ từ khi viết xong lá đơn xin nghỉ hưu sớm ông mới thanh thản phần nào.
     - Bên công an đang đề nghị tỉnh tặng bằng khen cho anh, hai cháu Quân, Chính.
Ông Tám Cá phà hơi thuốc:
     - Tôi thì khen cái gì. Người khen đầu tiên phải là thằng Cần, không có nó có khi tôi chết mất ngáp rồi.
Sếp Kim thành thật:
     - Tôi thật lú lẫn, chuyện đó tôi không nhớ ra. Lu bu quá, thật tình tôi cũng không biết sức khỏe nó ra sao nữa?
     - Cánh tay ổn rồi, hàm hết sưng, hôm nào tôi đưa nó xuống Hà Nội trồng hai cái răng.
     - Còn việc tôi đề nghị cháu Man Hoa làm giám đốc?
     - Chuyện đó là do thằng Quân quyết định.
     - Sao lại là cháu Quân?
     - Hỏi rồi, đăng ký rồi coi như nó là vợ thằng Quân rồi.
     - Anh không tiếc công học tập của cháu sao?
     - Học để sống, để làm việc. Giờ tôi thấy thằng Quân có lý.
     - Anh cũng phong kiến gớm, mà nói thật lâm trường rất cần những người như cháu.
     - Còn rất nhiều người, chỉ có điều các anh có tin họ hay không, có tạo điều kiện cho họ phát triển hay không mà thôi.
     Cho tới lúc này già Bân mới lên tiếng:
     - Thống lĩnh và sếp Kim bàn chuyện con cháu làm gì. Mình chỉ định hướng thôi chứ có quyết định được đâu. Nhưng già này tin cháu Quân không cản trở vợ vì công việc chung đâu. Cái chính vẫn là ở Man Hoa đấy.
     Trong thâm tâm, ông Tám Cá không muốn Man Hoa làm việc ở lâm trường mà nhất lại là công tác quản lý. Ông nghĩ đi nghĩ lại không biết mình có lạc hậu không. Việc nhà làm không hết phải thuê mướn người làm. Với ông, phụ nữ phải đặt thiên chức làm vợ, làm mẹ, chăm sóc gia đình lên trên hết. Cuộc đời ông, vợ ông vì hoàn cảnh mà phải xa nhau, giờ ông chỉ muốn chúng quấn quýt bên nhau, thế là đủ... Còn cống hiến ư? Thằng Quân nói có lý, mình kinh doanh, sản xuất đóng đầy đủ thuế cho nhà nước là nghĩa vụ, dư ra chút đỉnh làm từ thiện, cứu giúp người khác là cống hiến. Làm công nhân lâm trường nếu không làm thêm lấy gì mà sống, rồi thử hỏi mỗi năm lâm trường đóng góp vào ngân sách nhà nước được bao nhiêu hay lại phải để nhà nước bao cấp? Đấy, chỉ cái xưởng mộc này thôi nó đã tạo công ăn việc làm cho hơn hai chục con người, còn thu nhập hơn gấp ba lần, thế mà nó bảo còn thấp, phấn đấu gấp đôi hiện tại thì mới khá được. Nó không nói suông, cách nghĩ, cách làm của nó cũng khác. Dày dạn làm công tác quản lý như sếp Kim cũng phải phục nó. Ngay hồi khởi công làm tranh chữ treo tường bằng gỗ lũa, những miếng ván cắt to nhỏ, dày mỏng, hình thù khác nhau, sếp Kim nói: "Sao không làm theo một kích cỡ cho nhanh", nó cười hỏi lại sếp: "Nhà cửa thành phố, nông thôn có khác nhau không sếp?", "Khác chứ", "Thế thì người mua tranh người ta chọn kiểu dáng, kích cỡ phù hợp với nhà người ta chứ". Rồi cứ nghĩ lâu nay Quân học chữ Hán với già Bân để chạm khắc tranh chữ nhưng nó làm sếp Kim và ông ngạc nhiên khi cắt những cái rễ cong như chữ u hay giống như cái móc câu dùng sơn ta dán vào, ba cái chấm, phết của chữ TÂM làm bằng mắt gỗ. Thành ra tranh chữ TÂM cả trăm cái không cái nào giống cái nào. Hỏi tại sao làm như thế, nó gải thích: "Phần lớn những bức tranh này bán cho người thành phố. Tâm lý người thành phố ai cũng muốn có "hàng độc", nghĩa là không giống ai, "đụng hàng" ai. "Hơn nữa, làm bằng gốc rễ cây, mắt cây con muốn gửi gắm vào đấy, chừ TÂM là gốc rễ, ánh sáng đạo lý làm người". Khi nghe nó lý giải như vậy, sếp Kim chỉ còn biết gật đầu, lẩm bẩm: "Hậu sinh khả úy". Đến khi hỏi nó thế thì làm sao mà định giá bán cho mỗi sản phẩm, nó cười bảo đã ghi sẵn ở phía sau tranh. Thì ra khi giao cho thợ làm, nó bảo làm trong bao nhiêu thời gian thì ghi phía sau cho nó. Lấy một bức tranh làm hết thời gian lâu nhất làm chuẩn, định giá, rồi từ đó nó tính cho những bức tranh khác. Lô hàng đầu tiên do chính sếp Kim mang về Hà Nội nhập thành công hơn cả mong đợi. Sếp Kim giục nó làm lô hàng mới nó bảo cứ thong thả, làm cái khác đã. Mục đích của nó là làm sao xưởng mộc làm theo đơn đặt hàng, có như thế mới không lo sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Hỏi nó sao con có ý tưởng hay thế, nó cười bảo "sách báo dạy cả cha ạ"...

     Rót chén trà cho ông Tám Cá, sếp Kim, già Bân nói:
     - Chuyện lớn bây giờ là tổ chức cho hai cháu ở đây hay là ở dưới thị xã, thống lĩnh?
     - Tôi tính chiều nay mới hỏi chúng, già ạ.
Sếp Kim góp ý:
     - Ở đây cũng chỉ là cái trại, nhà cửa chính của anh chị ở thị xã thì làm dưới đấy hợp hơn.
Già Bân đồng tình:
     - Cái này mình phải quyết thôi, thống lĩnh. Cha mẹ dựng vợ gả chồng cho con mình phải quyết chứ. Với lại tôi nghĩ tổ chức cho hai cháu ở nhà hàng Hương Rừng cũng chính là nhà của mình có gì thuận tiện bằng. Thôi, chuyện này thống lĩnh cứ để cho tôi. Ngày phu nhân ra đi có dặn dò tôi phải tổ chức cho tươm tất một chút, đời con gái chỉ có một lần.
     Đôi mắt già Bân rơm rớm, lấy tay lau mắt, già nói:
     - Sáng qua bà Xoan nhà tôi về nói chuyện có vẻ hợp với cô Tính lắm, nghe đâu cùng quê thì phải, vội đi nên tôi chưa hỏi kỹ.

     Mưa đã tạnh hẳn, già Bân lấy mấy cái cụp ra, hỏi ông Tám Cá:
     - Thống lĩnh để rêu ở đâu?
Lấy rêu bọc vào mảnh lưới, treo vào cái cụp, ông Tám Cá nói với sếp Kim:
     - Loại cá anh vũ này không thể đánh lưới hay câu được, chỉ dùng bẫy cụp. Chúng chỉ ăn rêu đá, khi nước lũ xuống rêu non không còn, mình thả loại rêu này thế nào cũng bắt được.
     Đến Họng Bọt, ông Tám Cá buộc sợi dây thừng vào một gốc cây ven bờ rồi dòng dây thả thuyền từ từ xuống. Khúc sông này đá ăn ra từ hai phía bờ sông tạo thành cái cổ họng. Mùa lũ nước chảy rất xiết, sát dưới cái cổ họng ấy là cái xoáy nước lớn. Đoạn sông này nước không gào thét như quãng Hòn Duộc nhưng mức độ nguy hiểm chẳng kém là bao. Nhìn những cây nứa qua cái cổ họng ấy như những mũi tên thì biết tốc độ nước chảy xiết cỡ nào. Qua cái cổ thắt ấy, nhìn xuôi xuống chỉ thấy một dòng sông trắng phủ đầy bọt trôi xuôi len kín không còn một khoảng trống, bọt phủ lên cả những cành cây, khúc củi mà nó đang chở về xuôi, bọt nước trắng xóa nhấp nhô đón ánh nắng mặt trời tạo nên màu sắc vô cùng huyền ảo trông như cầu vồng trên mặt đất.
     Đầu mũi thuyền già Bân khéo léo dòng từng cái cụp xuống nước rồi cột vào sợi dây dong thuyền. Xong xuôi đâu đó, ông Tám Cá mới cầm dây kéo thuyền ngược lên. Đến chỗ chèo được ông quay mũi, buông dây chèo vào bờ. Lúc này sếp Kim mới lên tiếng:
     - Nguy hiểm quá, anh Tám!
Già Bân cười:
     - Sếp đi vài lần sẽ quen thôi. Khi kéo cái cụp lên cá quẫy là quên đi tất cả.
Sếp Kim trầm ngâm:
     - Không biết khi ăn cá anh vũ mấy ai biết đến sự nguy hiểm đến tính mạng của người đánh cá!

     Đống củi chất đốt đã thành than hồng mà già Bân vẫn chưa thấy Man Hoa và Diệp về. Nóng ruột quá, già cứ trở vô trở ra. Hiểu tính già Bân, ông Tám Cá nói:
     - Già cứ vào uống nước, để tôi nướng cũng được.
     - Để thống lĩnh nướng thà tôi nướng còn hơn, cả mâm cơm cúng phu nhân mà con gái không làm một món gì là tệ lắm đấy.
Sếp Kim hỏi:
     - Sao anh Tám không cúng chị ở nhà mà cúng ở đây?
Già Bân gải thích:
     - Ngày xưa nơi đây thống lĩnh gặp phu nhân. Ước nguyện của phu nhân khi ra đi là được nằm ở đây, có điều kiện thì cúng giỗ ở đây.
     - Hèn gì nhà cao cửa rộng ở thị xã anh Tám Cá không ở mà cứ ở trên này.
     - Thật tình tôi ở trên này ấp áp hơn, đôi lúc hồi tưởng lại cứ như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.
     - Sao anh không xây một cái nhà cho đàng hoàng luôn.
     - Thống lĩnh không muốn thế, chỉ muốn khung cảnh giữ nguyên như cũ. Già Bân trả lời thay ông Tám Cá.
     Bước ra ngõ tính hú gọi Quân thì già Bân gặp Man Hoa và Diệp về. Man Hoa chưa kịp chào thì già Bân trách:
     - Về trễ quá, công việc cả đời chứ con. Con không biết ngày hôm nay quan trọng thế nào à?
     - Con xin lỗi, con nghĩ lũ nên tàu lên muộn.
     - Khách khứa đến muộn không sao, mình phải đúng giờ con ạ.

     Khi Man Hoa ướp xong cá cho vào ống bương thì Quân về. Chào hỏi sếp Kim, già Bân xong Quân xin phép ra phụ Man Hoa. Nhìn hai đứa vui vẻ bên nhau, sếp Kim nói:
     - Anh Tám thật là tốt phúc.
     Mâm cơm cúng chỉ như bữa cơm bình thường, có chăng chỉ khác biệt là có thêm món cá anh vũ nướng, cạnh mâm là giò phong lan cẩm báo tím. Mùi hoa dìu dịu quyện mùi hương trầm nồng ấm làm tăng thêm cảm giác trang trọng, thành kính. Già Bân nhắc khẽ ông Tám Cá:
     - Đến giờ rồi, thống lĩnh khấn đi.
Ông Tám Cá sửa lại cổ áo, bảo Quân đứng phía bên trái, Man Hoa bên phải, chắp tay trước ngực, ông lầm rầm khấn nhưng sếp Kim, già Bân đều nghe rất rõ:
     - Mình à, hôm nay ngày lành tháng tốt, tôi và các con làm mâm cơm mời mình và báo tin cho mình con đã chọn được ngày cưới. Tôi nghĩ mình như đang còn đâu đây linh thiêng phù hộ cho các con nhé. Tôi muốn làm đám cưới cho con ở đây cho ấm cúng nhưng không tiện cho khách khứa nên tổ chức ở nhà mình dưới Tuyên. Nghe già Bân nói lại, ngày ra đi mình muốn con mình được tổ chức đám cưới tươm tất, nên tổ chức ở dưới đó, mình đồng ý nhé.
     Rồi ông nói với Quân và Man Hoa:
     - Các con khấn mẹ đi.
     - Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm...giá mà có mẹ...
Già Bân lên tiếng:
     - Thôi con, báo tin vui cho phu nhân sao lại khóc, phu nhân vắng bóng thôi, anh linh phu nhân vẫn luôn bên cạnh thống lĩnh và các con đấy.
Vòng qua lưng ông Tám Cá, đứng cạnh Man Hoa, Quân nhỏ nhẹ, rành rọt:
     - Kính thưa anh linh mẹ! Hôm nay đứng trước bàn thờ con hứa với mẹ yêu thương, thủy chung với Man Hoa, chăm sóc cha và làm tròn nghĩa vụ, bổn phận với dòng tộc, xã hội. Kính mong anh linh mẹ khôn thiêng phù hộ cho chúng con.
Nắm chặt tay Quân, Man Hoa nghẹn ngào:
     - Mẹ...anh Quân thương con...mẹ thương anh Quân...như con mẹ nhé...
     Khi ông Tám Cá trở lại chỗ ngồi, già Bân vuốt lại khăn áo, thắp thêm nén hương, vái ba vái, cắm vào lư, chắp tay trước ngực khấn:
     - Hôm nay, ngày ...tháng...năm...năm thứ...nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tôi là: Vi Nguyên Bân, trưởng tộc dòng dõi Hộ vệ quân nhà chúa
Nay nhân ngày con gái phu nhân chọn được ngày cưới,
Trước linh vị của phu nhân, trộm nghĩ rằng:
Hưởng gạo thơm cần nhớ công lam lũ
Uống nước ngon phải tìm suối trong xanh
Người sinh hưởng khí đất trời, chung quy cùng đạo lý
Đời trọng báo ơn tiên tổ xuất phát tự tâm linh
Kính nghĩ: anh linh phu nhân
Kiệm cần gây cơ nghiệp, trung hậu giữ gia thanh
Qua cuộc bể dâu giãi dầu sóng gió
Vững tay chèo lái vượt thác ghềnh
Đời càng vững bền gốc
Ngày ngày thêm thắm lá tươi cành
Con cháu nhiều tiến bộ, tổ tiên muôn thuở hiển vinh
Nhân ngày cháu gái chọn được ngày cưới gả, ngưỡng mộ tâm linh
Dâng bày lễ nhỏ, giải tỏ lòng thành
Ngưỡng vọng phu nhân ban phúc ấm
Độ trì con cháu được an lành
Kính mời anh linh phu nhân theo gót tổ tông cùng về thượng hưởng,
Kính cáo Táo quân, thổ thần, long mạch chiếu giám
Cẩn cáo.
     Tiếng còi tàu dưới sông vang lên ngay sau lời khấn của già Bân, Man Hoa xuống nhà bè đón khách. Vân vê tách trà trong tay, sếp Kim hỏi:
     - Tôi thấy thông thường cúng giỗ người ta dùng hoa huệ, hoa cúc hay đồng tiền, anh cúng chị bằng hoa phong lan có ẩn ý gì chăng?
     - Cũng không có gì đâu anh ạ, ông Tám Cá đổi cách xưng hô, chỉ là loại hoa nhà tôi thích.
Già Bân cười:
     - Thống lĩnh đừng trách tôi nhiều chuyện, để tôi nói cho sếp Kim khỏi thắc mắc. Phu nhân thích hoa này vì khi mới quen nhau thống lĩnh tặng cho phu nhân đấy.
     Nhấp chút nước trà, già Bân thong thả:
     - Nhưng mà khi tặng thống lĩnh cũng chưa biết tên loài hoa này, phu nhân hỏi, thống lĩnh gãi đầu nói "thôi thì cứ gọi man hoa vậy".
Sếp Kim à lên thích thú:
     - Lãng mạn thật, giờ tôi hiểu xuất xứ tên cháu vì sao đặt là Man Hoa rồi!
Ông Tám Cá cũng cười:
     - Già Bân thêm chi tiết gãi đầu rồi đó.
     - Thì đứng trước người mình thương bối rối phải gãi đầu chứ sao, tôi nghĩ về chuyện này tôi giống thống lĩnh mà.
     Đang sắp xếp chén bát mà tai vẫn nhóng lên nghe chuyện cha chú, Diệp không khỏi bật cười về câu nói của già Bân. Cô nói như chữa thẹn cho cái thói hóng chuyện người khác:
     - Cháu cứ tưởng thời mấy bác, sếp Kim cha mẹ đaặt đâu con ngồi đó chứ, ai dè còn đẹp hơn thời tụi con bây giờ.
Ông Tám Cá trầm tư:
     - Tình yêu đôi lứa thời nào cũng thế thôi cháu ạ. Hồi đó thấy giò lan tím đẹp trên vách đá tôi làm thang lấy bằng được. Đây là giò lan lạ tôi gặp lúc ấy nên không biết tên. Sau này vào Nam chiến đấu, từ miền Nghệ An đổ vào tôi gặp nhiều, các anh trong đơn vị sành về phong lan bảo tôi đó là lan cẩm báo. Cẩm báo nhiều màu nhưng màu tím vẫn là quý hiếm nhất...
     Dẫn đầu đoàn khách từ Tuyên lên là ông Bường, chưa kịp tìm chỗ để đặt cái túi xách, ông hể hả:
     - Lên được đây tôi vui quá, ở chơi với anh em lâm trường vài hôm và dự đám cưới cháu Man Hoa luôn. Có lẽ tôi trở lại sống ở đây thôi, về dưới ấy tôi không quen. Nhà tôi cũng có ý xiêu xiêu rồi.
Ông Tám Cá nắm chặt tay ông Bường:
     - Thế thì còn gì bằng, từ khi anh về hưu tôi hụt hẫng ít nhiều...
     - Còn hai người khách không mời đang đứng ngoài ngõ, anh có tiếp không?
     - Ai đến tôi cũng tiếp cả. Anh thấy tôi từ chối ai bao giờ chưa?
Ông Bường gọi vọng ra:
     - Vào đi, vào đi...
     Người đàn ông cao lớn, lưng hơi gù đi trước, theo sau là người phụ nữ chừng ba mươi tuổi, gương mặt phúc hậu. Man Hoa xách giúp chị ta một cái túi xách. Ông Tám Cá chưa nhận ra ai thì Quân đã lên tiếng:
     - Chào anh Cường, chào chị!
Người đàn bà cúi đầu chào mọi người với giọng nói nhỏ nhẹ, rụt rè trái ngược với giọng nói vang, tràn đầy khí lực của Cường Gấu:
     - Thưa anh Tám, thưa các anh, có lẽ tôi đường đột lên đây không đúng lúc lắm. Tôi lên đây là để nhờ anh Tám giúp đỡ cho một thời gian.
Chỉ vào người phụ nữ, Cường Gấu nói tiếp:
     -Đây là cô Quy, cháu họ xa của ông Cát Cụt, có thể tương lai à vợ của tôi. Cô ấy hiểu hoàn cảnh của tôi, thông cảm với tôi nên tôi đưa cô ấy lên đây. Cô ấy làm công nhân lâm trường cũng được hay làm việc gì cũng được. Nếu đợi được lúc tôi ra tù thì tôi sẽ cưới. Tính tôi thích tự do nhưng cái giá phải trả để được tự do không biết bao nhiêu năm tù, tôi nghĩ mình tự giác cải tạo tốt thì thời hạn cũng ngắn thôi. Anh Tám giúp tôi chứ?
Ông Tám Cá vỗ vai Cường Gấu:
     - Không những anh mà tất cả mọi người ở đây đều có nghĩa vụ giúp chú, chú nghĩ được như thế chúng tôi mừng lắm. Hôm nay nhân ngày vui quyết định ngày cưới cho con gái tôi và thằng Quân, chú và cô phải uống say với tôi đấy.
     Man Hoa dẫn khách ra máng nước rửa ráy, Ngọc Râu và Dũng Nheo kéo mấy tấm ván kê thành cái bàn dài.
     - Thằng Chính đâu không giúp một tay?
Dũng Nheo làu bàu, Ngọc Râu nháy mắt, hất hàm về phía bếp. Chính đang cùng Diệp múc thức ăn ra dĩa.

     Uống xong tuần rượu thứ ba, Quân nói nhỏ với ông Tám Cá:
     - Con xin phép ra ngoài có chút việc.
Quân đứng dậy ra hiệu cho Man Hoa. Một lát sau Man Hoa ra khỏi trại nhưng không biết Quân ở đâu. Một tiếng huýt của chim họa mi. Lên đến góc vườn cô thấy Quân đứng bên cây sung. Cả tuần nay cả hai lo cho công việc nên không có thời gian bên nhau. Vừa bước tới, Man Hoa đã ôm chầm lấy Quân.
     - Em nhớ anh lắm.
Quân âu yếm:
     - Anh có đi đâu mà nhớ.
     - Sau này anh đi đâu phải cho em đi theo.
     - Thế công việc ở lâm trường thì sao?
     - Em mặc kệ!
Quân đặt lên đôi môi Man Hoa nụ hôn nồng nàn.
     - Anh tặng cho em cái này.
Man Hoa bất ngờ vì một giò phong lan bạch ngọc tuyệt đẹp Quân dấu khéo léo sau cành sung.
     - Anh lấy ở đâu mà đẹp thế?
     - Trên vách đá quãng suối em thường tắm đấy.
Man Hoa đấm vào ngực Quân.
     - Anh xấu lắm, cứ rình người ta tắm.
Quân chọc:
     -Để so sánh làn da em và bạch ngọc bên nào trắng hơn.
Man Hoa cắn nhẹ vào ngực Quân.
     - Ghét anh lắm, tại sao cứ làm cho con người ta nhớ hoài.
     Quân nhè nhẹ vuốt tóc cô, mùi lan rừng, mùi hương cơ thể Man Hoa làm anh ngây ngất, rạo rực. Cả hai yên lặng trong vòng tay nhau lắng nghe tiếng cười từ dưới trại vọng lên...

HẾT

    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét