Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

BỨC TRANH XUÂN


     Tôi và hắn cùng học một lớp từ hồi cấp II; đi đâu, làm gì cũng như hình với bóng. Hắn có năng khiếu vẽ còn tôi tập tọe làm thơ. Cả hai đam mê học toán, đọc sách.
     Điểm toán của tôi bao giờ cũng cao hơn hắn vì khi làm bài kiểm tra tôi không bỏ sót bài nào, câu nào. Còn hắn, có bài hay câu nào đó dễ thì hắn viết: "áp dụng định lý... công thức...là cho ra đáp số". Thầy Lưu biết, chúng tôi biết hắn là cao thủ của những đề toán khó. Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp trường, đề ra năm bài, mới hết nửa thời gian hắn đã nộp bài xin ra. Còn tôi, hết thời gian vẫn còn hai câu bài số năm chưa giải được. Thế nhưng lần ấy tôi đạt giải nhất còn hắn đạt giải ba chỉ vì bỏ hai bài dễ không làm với cái kiểu: "bài số 1: quá dễ khi ta áp dụng công thức..., bài số 3: chỉ cần dùng định lý...". Khi biết thông tin ấy, chi đoàn lớp tổ chức một cuộc họp vinh danh tôi và có ý phê bình hắn "kiêu ngạo". Biết chuyện, thầy Lưu đặt tay lên vai hắn, nói với chúng tôi: "Ở đời người ta chỉ đánh giá nhau ở lời nói và hành động thôi, mấy ai hiểu nhau trong sâu thẳm tâm hồn"
     Lần thi học sinh giỏi cấp tỉnh hắn vẫn lại ra trước thời gian, đạt giải ba, nhưng là thí sinh duy nhất giải được, giải trọn vẹn, ngắn gọn bài toán số 4.
     Năm cuối cấp trung học phổ thông, tham gia giải báo tường của Huyện Đoàn chào mừng sinh nhật Đoàn 26/3, tờ báo lớp tôi được giải nhất. Điểm sáng của tờ báo là bức tranh hắn vẽ phong cảnh quê hương và mấy câu lục bát đề tranh của tôi. Thay mặt ban biên tập nhận giải, hắn nói chẳng kính thưa kính gửi gì cả:
     - Con người ta phải sống thật đúng với lòng mình, sống với hoài bão để thực hiện ước mơ của đời mình như vậy mới gọi là sống. Tôi rất thích khát vọng nghệ thuật của Hộ trong Đời Thừa. Không biết bạn tôi có đi theo nghề viết văn hay không, còn tôi, tôi sẽ học để trở thành người họa sĩ của nhân dân. Tôi sẽ vẽ một bức tranh xuân mà ai ngắm nó cũng rạo rực, cũng hướng về những gì tốt đẹp nhất!
Lác đác tiếng vỗ tay. Xuống ngồi bên tôi, hắn nói:
     - Chã nhẽ nói thật lòng mình cũng là kiêu ngạo?

     Năm tháng trôi đi, tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, được phân công công tác ở một tỉnh phía nam. Còn hắn, tốt nghiệp loại ưu trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, được giữ lại trường nhưng hắn xin về quê công tác, làm việc tại phòng Văn hóa thông tin kiêm việc vẽ áp phích cho rạp chiếu phim của huyện.
     Kỳ nghỉ hè đầu tiên của nghiệp giáo chức, về quê, gặp hắn khi hắn đang vẽ nền áp phích phim Người Cá. Chùi bàn tay dính sơn vào cái quần đang mặc, móc trong túi ra gói thuốc lá bẹp dí, đưa cho tôi điếu thuốc ẩm kéo móp cả má mới cháy, hắn thở ra mù mịt khói thuốc.
     - Chán quá mày ạ, nếu có tiền tao cho mấy ông cán bộ lãnh đạo đi tham quan một chuyến để rồi chống mắt ra mà làm việc.
     Rồi hắn kể có bức áp phích cổ động tòng quan hắn vẽ đi xẽ lại ba bốn lần mà vẫn không xong. Ông này bảo phải vẽ thế này, ông kia phải thế kia.
     - Bực quá, tao ném bể cái bảng màu, bảo các ông về họp đi, ghi ý tưởng thành nghị quyết để tôi thực hiện. Mà các ông ấy biết quái gì về nghệ thuật đâu, cứ phe ta là phải màu đỏ, phải có búa liềm, chim bồ câu...còn phía địch phải màu xám, mặt mày hung tợn; đúng như Việt Phương nói: "Cái gì tốt đẹp nhất của mày thuộc về tao/ Cái gì xấu xa nhất của tao phải thuộc về mày". Thế rồi tao bị kiểm điểm tới kiểm điểm lui khi vẽ một nhân vật phản diện áp phích phim "hao hao" giống một vị lãnh đạo huyện!
     Dùng gót chân di di tàn thuốc, hắn tiếp:
     - Bảo tao viết kiểm điểm thì tao viết. Nộp bản kiểm điểm lên, mới liếc qua một cái, tay phó phòng bảo: "Chưa trung thực, viết lại". Cầm bản kiểm điểm về, ba ngày sau đem nộp lại, cũng liếc qua một cái, lão ta phán: "Cũng phải viết lại, chưa sâu". Tao lại cầm về, tính không nộp nữa, hôm sau lão hỏi, tao đưa nộp, lão ta nhận xét: "Lần này thì được rồi, có tiến bộ"(!)
     - Thế kiểm điểm kết luận ra sao?
     - Tao vô tội. Tao bảo nhân vật phản diên tao vẽ là địch. Ai giống, người đó không là địch thì tâm địa xấu, bởi vì nhân tướng học, kinh nghiệm cha ông đã chỉ ra sự tương quan giữa hình thức và tính cách. Tao nói các anh làm quản lý chắc chắn đã học qua nhân tướng học, vậy áp phích tôi vẽ có gì sai? Các anh cứ nghe bọn vô công rỗi nghề tán bậy. Vậy là từ chỗ 'hao hao" giống chuyển thành không giống, từ chỗ kiểm điểm tao chuyển sang cảnh giác với bọn tạo dư luận xấu...
Tôi bật cười:
     - Lẽ ra mày phải học nghề luật mới phải.

     Mấy năm sau tôi không có tin tức gì về hắn bởi vì tôi lấy vợ rồi sinh liền liền hai đứa con. Cuộc sống ngày một khó khăn, tôi không đủ sức lực quan tâm đến cái gì khác ngoài cơm áo. Cho mãi tới năm chín hai tôi mới lại một mình về thăm quê. Tìm hắn, ngườit ta bảo hắn đã bỏ việc hơn bốn năm, nghe đâu mở cửa hàng tranh ở thành phố thì phải.
     Cho đến khi gặp thầy Lưu, tôi mới hiểu cuộc đời hắn cũng khá lận đận, có chăng chỉ tự do hơn tôi vì không phải cảnh vợ bìu con ríu.
     - Cái thằng ngang ghê, thầy Lưu kể, hôm phát hiện bức tranh khỏa thân nó vẽ để ở phòng tập thể, tay trưởng phòng bắt nó làm kiểm điểm về tội 'chế tác văn hóa phẩm đồi trụy", nó không làm. Họp kiểm điểm, nó lễ phép đưa cho mấy ông kiểm điểm nó mỗi ông một cái phong bì, bảo bản kiểm điểm ở trong ấy. Khi mở ra, mỗi phong bì đều có một bức tranh Shunga - nghệ thuật tranh cổ tình dục Nhật Bản. Dường như để mấy ông có đủ thời gian "đọc bản kiểm điểm", chưa ai lên tiếng thì nó nói: "Với tôi sẽ không bao giờ có những cuộc họp như thế này nữa. Các anh cũng đừng tự nhốt mình trong một cái lồng đạo đức. Khuôn mẫu chật hẹp từ cái đầu của các anh không thể ép tôi cũng có tư tưởng, tâm hồn như vậy được. Suy cho cùng, mục đích đời người là ấm no, hạnh phúc. Tôi cũng đã nghĩ kỹ rồi, cứ ở cái cơ quan này, dưới sự lãnh đạo của các anh thì chẳng bao giờ tôi có ấm no, hạnh phúc, và điều quan trọng hơn là tâm hồn bị bào mòn, khuyết tật". Rồi nó bỏ việc, xuống thành phố thuê ki ốt vẽ tranh bán, giờ nghe mấy đứa nói làm chủ quán cafê Vườn Xuân. Hôm nào đi, em ghé thăm nó, gặp thầy bao giờ nó cũng nhắc em.
     Tôi xin phép thầy đứng lên để ngắm kỹ hơn bức tranh Mùa Xuân. Điểm nhấn trong tranh là một thiếu nữ có đôi mắt tuyệt đẹp đang dõi theo mấy cánh én, vườn đào chớm lộc, lớt phớt vài nụ hoa trong màn sương nhẹ. Bố cục bức tranh hài hòa mang lại cảm giác thơ mộng, yên lành cho người xem.
     - Bức tranh đẹp quá, sao tác giả không ký, thưa thầy?
     - Nó vẽ đấy, và cũng chính nó tính đốt đi đấy, thầy ngăn mãi.
     - Vì sao vậy, thưa thầy?
     - Nó bảo chưa phải là bức tranh xuân như nó đã từng tuyên bố. Thầy bảo, với thầy quá đẹp rồi, để thầy treo. Khi nào em đến gặp thầy, nhìn lại bức tranh này sẽ là lời nhắc nhở cái đích nghệ thuật luôn ở phía trước.
     Tôi cay cay sống mũi. Không ai hiểu chúng tôi bằng thầy. Không còn ngồi trong lớp nghe thầy dạy dỗ nữa nhưng mỗi khi gặp thầy, chúng tôi biết thầy vẫn đang dõi theo những bước đi của chúng tôi.
     Chiếc xe ca chở tôi về thành phố đưa tôi qua những đoạn đường trước đây chúng tôi đến trường đã được mở rộng, đầy bụi đỏ. Bao ký ức năm xưa ùa về. Khát khao, mơ ước nhiều nhưng chưa mấy trở thành hiện thực. Người mà chúng tôi kỳ vọng nhất là hắn thì lại bỏ việc làm ông chủ quán cafê...Tôi tin chắc thầy Lưu có rất nhiều thông tin về hắn, nhưng với tôi, chỉ cần cho tôi cái địa chỉ, thế là đủ.

     Quán cafê Vườn Xuân của hắn rộng rãi nhưng phải qua cái hẻm khá sâu. Ba mặt là nhà và tường rào người ta, mặt trống hướng ra sông, gió thổi lên mát rượi, xanh mát màu xanh của ngô của đậu. Dưới những gốc cây ăn trái là những chiếc bàn bằng gỗ tạp, không cái nào giống cái nào vì chủ nhân thiết kế cho hợp với tán cây hay địa thế bậc đất. Trong vườn đặt những chậu hoa cao, thấp, chủng loại khác nhau chủ yếu là che bớt khoảng trống hay tạo điểm nhấn. Ngôi nhà ngói ba gian cũ kỹ, thấp dùng làm nơi pha chế cafê, thu ngân có vị trí đắc địa, bao quát các bàn trong khu vườn. Ba mặt nhà, tường rào được hắn chái ra thành một cái hành lang hình chữ u. Đi theo hành lang, khách khứa tha hồ ngắm những bức tranh phong cảnh, thiếu nữ do hắn vẽ. Đoạn cuối hành lang, sát với căn phòng mới xây là khoảng tường trưng bày tranh bán. Tôi đặc biệt ấn tượng với bức tranh thiếu nữ sơn cước có đôi mắt đen láy, tóc xõa, cài hoa rừng đang lội qua suối, phía trên là dòng thác nhỏ, bên bờ là gốc cổ thụ, cái nhánh cây vươn ra có giò hoa phong lan đuôi cáo tuyệt đẹp. Buổi trưa quán vắng khách, chỉ còn mấy cụ ngồi chơi cờ, đọc báo phía cuối vườn, gần bờ sông.
     Tôi chọn cái bàn nhỏ có hai ghế dưới gốc cây hồng xiêm. Một cô bé chừng mười sáu tuổi, khuôn mặt xinh xắn, dôi mắt đen, trong veo bưng ra một ấm trà, gật đầu chào tôi, tôi có cảm giác như gặp cô bé ở đâu rồi thì phải.
     - Dạ, anh dùng gì ạ?
Tôi đùa:
     - Dùng ông chủ quán, cô gọi ông chủ quán ra đây!
     - Dạ, không được đâu ạ, anh ấy còn vẽ.
     - Buổi trưa mà vẽ gì?
     - Anh ấy làm việc không theo giờ giấc gì cả, khi anh ấy vẽ không được ai làm phiền, anh ấy dặn thế.
     - Tôi là bạn thân mà cũng không được sao?
Cô bé cười, cón nét gì đó rất tinh nghịch:
     - Bạn thân của anh ấy thì nhiều lắm. Ai chơi với anh ấy rồi cũng nhận là bạn thân hết.
Tôi không biết cô bé và hắn có mối quan hệ ra sao nhưng qua giọng nói xem chừng khá hiểu về hắn. Tôi hỏi:
     - Ông chủ vẽ ở đâu?
     - Dạ, trong cái phòng cuối hành lang ấy.
Tôi cảm ơn cô bé rồi xách ba lô đi về phía căn phòng. Tính để cho hắn bất ngờ, tôi đi nhẹ nhàng, chậm rãi.
     Hắn đang chăm chú vẽ. Bức tranh chưa hoàn thành nhưng tôi biết chắc chắn đó là bức tranh xuân vì màu trời xanh non, hoa đào lấm tấm. Phần trung tâm bức tranh còn trống...Một cái giá vẽ nhỏ hơn dựng sát góc phòng, trên giá là bức chân dung người lính đã hoàn thành, rất có hồn, nhất là đôi mắt. Đợi hắn ngưng cọ, tôi giẫm mạnh chân. Ngước lên, thấy tôi, hắn đặt chiếc cọ lên giá vẽ.
     - Mày mới về à?
     - Không, giờ tao đi.
Xách ba lô của tôi đặt lên bàn, hắn bảo:
     - Ra ngoài uống nước cho mát. Giờ này chắc mày cũng chưa ăn gì?
     - Trời đất, có bạn ở đây thì tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy chứ.
Hắn gọi cô bé tôi gặp ban nãy.
     - Kiếm cho anh chút mồi nhậu với mấy chai bia.
     - Ông chủ có khác, đẳng cấp ghê!
Hắn nhìn tôi, vẻ hơi ngạc nhiên:
     - Ông chủ nào?
     - Thì mày chứ ai mà còn hỏi.
Hắn cười ngất:
     - Trời đất! Ai bảo mày thế? Tao ở nhờ, biết chưa!
Hắn kể cho tôi vì sao lại ở đây để vẽ và bán tranh. Hồi mới xuống thành phố hắn thuê ki ốt, ban đầu cũng khó khăn vì không chịu vẽ tranh truyền thần. Cho tới một hôm, có một chị mang bức ảnh đã ố, chỉ còn lại cặp mắt, thuê hắn phục hồi lại.
     - Mày biết tính tao rồi, tao không thích vẽ truyền thần, thậm chí ghét nữa là đằng khác. Làm theo những cái gì có sẵn là tao ghét, hơn nữa, vẽ truyền thần nó tỉ mỉ, lâu dần làm mất đi nét phóng khoáng, sáng tạo.
Nhấp ngụm trà, kéo một hơi thuốc, hắn nói tiếp trong làn khói:
     - Tao từ chối, chị bật khóc, nài nỉ: "Chú ơi, đây là bức hình thờ của chồng tôi, tôi đi các hiệu ảnh, tiệm vẽ mà không ai chịu giúp cả". Cầm bức ảnh, tao biết người ta không làm cũng đúng thôi, công xá không được bao nhiêu mà phải tính toán, suy luận, tưởng tượng, thử đi thử lại mệt lắm. Tao hỏi chị có ai trong họ hàng có khuôn mặt, đường nét giống người trong ảnh không, chị nói có con gái giống cái mũi, cái cằm.
Hắn lại uống nước, nhả khói thuốc. Tôi sốt ruột:
     - Mày kể vắn tắt đi, vòng vo quá!
     - Toán thì có thể làm tắt được, còn kể chuyện phải có đầu đuôi. Tao đang làm phép thử cái tính kiên trì của mày đấy. Với lại mày muốn biết vì sao tao ở đây kia mà.
     Vừa lúc ấy cô bé bưng bia và mồi nhậu tới. Nó nói:
     - Cô bé này đấy, tiểu chủ nhân quán Vườn Xuân đấy.
Cô bé đỏ mặt:
     - Anh lại cứ chọc em.
Rót bia cho tôi, hắn tiếp tục:
     - Bây giờ thì vắn tắt thôi. Hôm sau cô bé ra, nhìn đôi mắt và những gì còn sót lại trên tấm di ảnh tao vẽ. Qua cô bé tao biết mình đang dựng lại tấm chân dung một liệt sĩ hy sinh ở mặt trận Tây Nam. Lúc ấy tao nghĩ nếu không nhận phục hồi di ảnh, thì nói như Huấn Cao là "phụ một tấm lòng trong thiên hạ". Khi có được bức chân dung, chị mừng quá, òa khóc, trả tiền, tao không lấy. Mấy ngày sau cô bé đến mời tao đi ăn giỗ. Mâm cỗ cúng xong, bày ra bộ ván, chị mời mọi người ngồi vào mâm mà tâm trạng như đang trông ngóng một ai đó. Đúng lúc ấy, một người thương binh chống nạng từ cổng đi vào, chị chạy vội ra đón. Nghe giọng nói, trời ơi, là chú út nhà tao.
     - Xe cộ trễ quá, cô thông cảm!
Săp trái cây lên bàn thờ, thắp hương, chắp tay vái thành kính mà chú tôi khấn như đang chuyện trò với bạn bè: " Chà, hôm nay đẹp trai quá hè. Khôn thiêng thì phù hộ cho vợ con ăn nên làm ra nhé. Xe cộ trễ quá, thông cảm cho thằng anh nha. Báo cho chú biết, tháng rồi anh cùng mấy ông tỉnh đội đưa được thằng Sâm về nằm ở nghĩa trang xã nhà rồi".
     Quay sang chào mọi người, chú ngạc nhiên vì sao tao lại ở đây. Biết lý do, ông nói: "Được, như rứa là được. Không có những người ngã xuống thì bây mần chi có điều kiện vẽ hươu vẽ vượn. Cái chi cũng phải xuất phát từ cuộc sống, tôn trọng cuộc sống". Thấy khu vườn này mở quán cafê đắc địa, tao bảo chị nên làm quán. Chị bảo không có vốn với lại không quen buôn bán. Tao bảo sẽ góp vốn bằng cái nghề của tao, thiếu thì vay mượn, cứ mạnh dạn làm rồi nó tự dạy mình thôi. Rồi phát hiện cô bé có năng khiếu vẽ, lại thích vẽ chân dung nên tao dạy.
     Gắp miếng mồi bỏ vào bát của tôi, hắn nói:
     - Mày ăn đi, tao có cái tật khi uống bia là không muốn ăn cái gì cả. Bức vẽ chân dung mày thấy trên phòng tao là cô bé vẽ đấy.
     - Khá quá, còn công việc làm ăn của mày như thế nào?
     - Riêng phần hùn ở quán này dư sức tao ăn nhậu. Tiền bán tranh cũng khá. Thỉnh thoảng tham gia vài cuộc triển lãm, có giải, có tiếng, có tiền. Nói thực tao đang dồn sức để mở một cuộc triển lãm tranh với chủ đề mùa xuân.
     - Bức mày đang vẽ dở có nằm trong số đó không?
     - Đó là bức tranh đặt hàng thôi. Không hiểu sao ám ảnh của tao khi vẽ về mùa xuân lại là hoa đào, chim én, bầu trời xanh. Có lẽ hồi vẽ áp phích cổ động tao bị mặc định rồi, xóa mãi vẫn chưa hết. Giờ tao thấy tuyên bố của tao hồi nhận giải thưởng báo tường quả là không biết trời cao đất dày là gì.
     - Tuổi trẻ mà. Tuổi trẻ thường bốc đồng nhưng những bốc đồng ấy là động lực hướng cho ta hành động, "không thành công thì cũng thành nhân mà".
     - Có lẽ mày nói đúng. Không thể vẽ một bức tranh xuân mà ai ngắm nó cũng rạo rực, cũng hướng tới những gì tốt đẹp nhất. Những bức chân dung phục họa có lúc tao coi là tầm thường đã đem lại niềm vui cho không biết bao nhiêu người. Và tao tự hào khi chỉ vẽ cho một cô bé tự sống được đàng hoàng bằng việc phục họa hay truyền thần.
     - Sao mày ghét truyền thần mà chép lại bức "Ma da khỏa thân" của Goya cho đến nỗi phải bỏ việc?
     - Ra trường, muốn về quê hương làm việc để đóng góp một chút gì đấy. Nhưng trước sau gì tao cũng tức mà chết với những kẻ lãnh đạo mà không biết tí gì về chuyên môn mà lại hay chỉ đạo, kiểm tra này nọ. Tao thích bức "Ma da khỏa thân", chép lại nó là để khám phá cảm xúc của Goya, tìm hiểu ý tưởng sáng tạo sau khi đọc không biết bao nhiêu là giáo trình, bài nghiên cứu về tác phẩm ấy. Thế mà...
     Hắn bỏ dở câu nói, có lẽ theo hắn nói ra là thừa. Tôi chuyển đề tài để hắn khỏi chìm sâu vào những ký ức buồn:
     - Sao mày không lấy vợ? Hay mày mê những cô gái mày vẽ ra hơn?
     - Mày nói giống bà già tao quá. Có lẽ vợ lấy tao chứ tao không lấy vợ. Bà già dạm cho mấy đám nhưng khi gặp tao, thấy tao mê vẽ tranh thiếu nữ, lại có tranh khỏa thân nữa nên chạy mất dép. Mấy em ở thành phố mới uống cafê với nhau hai lần mà đã sau này anh phải như thế này, phải thế kia...thành ra, thôi thì con người ta có duyên số...
     Chúng tôi im lặng uống, cô bé bưng lên một mâm cơm có rau muống luộc, cà pháo muối và cá chạch kho tộ. Nhanh nhẹn, nhẹ nhàng, hình như cô muốn mọi hành động của cô không chạm vào nỗi ưu tư của chúng tôi.

     Cuộn bức tranh "Thiếu nữ qua suối", cột lại, bỏ vào ba lô cho tôi, hắn nói:
     - Tao chẳng có gì làm quà cho mày ngoài bức tranh này, vào trong ấy mày kiếm cái khung mà treo. Có ai hỏi mua cứ bán, tao vẽ cho bức khác. Mày nhớ cho câu này: "Nghệ thuật là của chung, cái đẹp phải được chiêm ngưỡng, phổ biến, có như thế xã hội mới bớt đi tệ nạn"
     Đưa tôi lên tàu, khi tàu sắp chuyển bánh, hắn bỏ vào túi tôi một cái phong bì, đặt tay giữ lại, hắn nói:
     - Mày đi gấp quá, tao không mua được quà gì cho cháu, vào trong đó mày giúp tao vậy. Không có việc gì thì coi như bình an. Có vui buồn gì thì viết thư nhé.
     - Mày cũng vậy chứ? Tôi hỏi.
     - Ừ.
     - Vậy sao bỏ việc không viết thư cho tao?
     - Lúc đó tao không biết đó là vui hay buồn nữa.

     Lại bốn năm nữa trôi qua. Ban sáng trên nhành mai trước ngõ có con chim khách hót. Trưa, chuẩn bị ăn cơm thì nghe điện thoại đổ chuông. Nhấc máy, chưa kịp "a lô",   từ đầu dây bên kia, hắn nói như đại liên xả đạn:
     - Lên chức sao không báo cho tao biết. Tao báo tin cho mày đây, thứ nhất bức "Mùa Xuân" của tao đạt giải A triển lãm toàn quốc, không có hoa đào và chim én đâu, chỉ có vòng tay anh bộ đội và ánh mắt mẹ già thôi...khi nào mày về tao cho bức tranh chép. Thứ hai, quan trọng hơn, tao hoàn thành tâm nguyện bà già tao. Tháng sau tao cưới, mày phải về dự đấy. Thôi, vắn tắt kẻo mất thời gian của mày. Tao đang có mùa xuân trong lòng đây. Vợ tao là nguyên mẫu bức tranh "Thiếu nữ qua suối". Cho tao gửi lời thăm hỏi vợ con mày nhé.
     Hắn cúp máy. Tôi chợt hiểu ra, đúng rồi, nguyên mẫu bức tranh là. . .

5 nhận xét:

  1. Truyện độc đáo đấy, chỉ một nhân vật có tên gọi nhưng là nhân vật phụ.

    Trả lờiXóa
  2. Trương Nam Dươnglúc 20:26 22 tháng 9, 2014

    Bạn nên gửi truyện này đăng báo, truyện giàu tính nhân văn. Chúc mừng bạn!

    Trả lờiXóa
  3. Truyện chân thực, đậm chất nhân văn.

    Trả lờiXóa
  4. Nhẹ nhàng mà sâu lắng. Cảm ơn bạn!

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn nhận xét của các bạn, những lời động viên đó tạo niềm tin cho Lê Nhật rất nhiều!

    Trả lờiXóa