Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

GÓP MỘT LỜI BÀN VỀ TẾT


     Tranh thủ lướt web khi chờ nhang tàn cúng tất niên, thấy nhiều bài bàn về việc chuyển đổi ăn tết Nguyên đán sang ăn tết Dương lịch cho tân tiến, phù hợp với sự phát triển đất nước, và cái lớn hơn là tránh cái "bóng" của Tàu, góp một lời bàn về tết, tôi nghĩ cũng là việc nên làm.
     Tôi không thích từ "theo". Việc gì mình phải theo ai. Tết Tàu là tết Tàu, tết Việt là tết Việt. Tinh thần, quan niệm, ý thức, phong tục về ngày tết của Tàu và Việt rất nhiều chỗ khác nhau. Chính cái khác nhau ấy tạo nên bản sắc dân tộc. Chẳng hạn tết nguyên đán Tàu tổ chức múa lân, còn ta thì không. Người Việt thường chỉ tổ chức múa lân vào tết trung thu mà thôi. Phong tục trồng cây nêu, dùng vôi vẽ cung tên hướng ra ngõ để trừ ma quỷ cũng chỉ có ở Việt Nam. Về mâm cỗ cúng tổ tiên mỗi miền ở nước ta có khác nhau đôi chút do "gu" ẩm thực, do để phù hợp với thời tiết, khí hậu, còn lại, bàn thờ gia đình nào cũng có bánh chưng hay bánh tét - "hình thức" khác nhau nhưng "nội dung" là một; rồi nữa, giàu sang hay nghèo khó bình hoa, dĩa quả không thể thiếu.
     Về việc sử dụng thời gian trong ba ngày tết ở nước ta cũng được cha ông quy định cụ thể: "Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy"  Thực hiện được thời gian như đã nói cũng phần nào thể hiện được đạo lý lễ nghĩa. Tiếc rằng, giới trẻ thời nay 'biết" nhưng "quên" thời gian biểu ấy. Lỗi không phải giới trẻ, lỗi là ở người lớn, lỗi ở chương trình giáo dục phổ thông.
     Có người bàn nên nghỉ tết Dương lịch dài ngày, tết Nguyên đán ngắn lại, rồi từ từ vận động chuyển hẳn sang ăn tết Tây như người Nhật! Lấy sự phát triển về kinh tế của Nhật làm gương. Tôi nghĩ sự phát triển kinh tế của Nhật không chỉ do việc chuyển đổi ăn tết mang lại, nếu có cũng chỉ là một phần nhỏ mà thôi. Giàu lên chưa là bao mà đánh mất mình thì không đáng. Tôi nghĩ, điều đáng làm của các cấp, các ngành là tổ chức tết cổ truyền sao cho có ý nghĩa, phục dựng được các trò chơi, thú chơi dân gian để rồi từ đó khơi gợi mạnh mẽ hơn lòng yêu quê hương, đất nước trong mỗi con người Việt.
     Làng không có lễ hội chưa đúng nghĩa làng, nước không có tết không thể là nước. Tết, chung quy cũng chỉ là cái mốc thời gian để chờ đợi, trông ngóng không chỉ cá nhân mỗi con người mà cả một quốc gia. Cái mốc ấy bao giờ cũng là sự mong mỏi về bao điều tốt đẹp, nó thấm sâu vào tâm thức con người. Văn hóa, bản sắc, phong tục cha ông để lại sao lại đưa lên đặt xuống đổi dời?
     Năm mới sắp đến, cầu mong đất nước thịnh vượng, non sông thanh bình, dân tộc đoàn kết. Chúc tất cả anh chị, bè bạn ghé thăm blog Lê Nhật dồi dào sức khỏe, thành đạt, tràn ngập niềm vui!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét