Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

LÂM TẶC



CHƯƠNG XI


     Ông Tám Cá chèo lái, Quân dùng sào chống đằng mũi. Nhìn cách thả sào, đẩy sào của Quân, ông nghĩ cùng cái tuổi như Quân mình thua kém là cái chắc. Hậu sinh khả úy. Dù việc gì chỉ qua một lượt là nó làm được ngay, làm thành thạo như người có tay nghề chuyên nghiệp. Người như nó không được học Đại học cũng uổng. Có chữ nghĩa vẫn hơn. Đời cha hy sinh mà đời con vẫn lam lũ quá. Nó không học Đại học là nhường cho em, sợ em khổ, mẹ khổ. Đã mấy lần ông nói với chị Tính, với Quân, việc ăn học Đại học của hai anh em để ông lo. Chị Tính không chịu, Quân không chịu. Nó nói: "Việc gì con cũng nghe sư phụ nhưng việc này con xin sư phụ để con tự lo liệu. Con hứa với sư phụ cuộc sống sau này của những người có tấm bằng Đại học như thế nào con sẽ như thế ấy nếu không nói là hơn".
     Khi nghe Quân nói câu ấy ông thoáng buồn. Nó có tự cao tự đại không đây? Một lời khẳng định phải có cơ sở chứ, đằng này nó chưa có gì cả. Mà từ trước đến nay nó không phải là đứa nhiều lời. Việc gì nó nói nó làm được cả, chưa thất tín bao giờ. Nghĩ mãi không ra, ông hỏi:
     - Con nghĩ thế nào là người trí thức?
     - Dạ, người trí thức là người có tri thức.
     - Vậy để có tri thức thì cần phải học chứ, còn môi trường nào tốt hơn là học Đại học?
     - Con nghĩ khác một chút, đọc sách cũng là học. Con thích học những cái mình cần hơn là những cái chung chung.
     Nghe nó nói vậy ông vừa vui lại vừa lo. Vui là nó có chí hướng, bản lĩnh, không đi trên con đường có sẵn mà tự mình tìm một lối đi riêng. Mở lối đi riêng thì biết bao nhiêu trắc trở. Rồi ông thật sự đặt niềm tin ở Quân khi nó tâm sự với ông nhân chuyện trồng cam giống mới thất bại ở Nông trường 3-2.
     - Sư phụ thấy đấy, trồng cam đất tốt phải bốn năm, bình thường phải năm, sáu năm mới được thu hoạch. Sau chừng ấy năm mà cam không có trái, hoặc có nhưng trái lèo tèo, chua như chanh thì coi như mất trắng. Đấy là đất của nhà nước, giống của nhà nước, kỹ sư cũng của nhà nước luôn; còn nếu là nông dân không nghèo mới là lạ. Con nghĩ cứ cái đà này thì mỗi nơi một chút, nhà nước chịu gì nổi!
     Nó nói có lý, trẻ tuổi mà có cách nhìn nhận như vậy thì việc nó tìm một hướng đi riêng cho cuộc đời nó không có gì đáng ngại.
     Qua vực cây Sung một khúc, ông Tám Cá bảo Quân:
     - Con thả lưới đi, đầu lưới buộc vào ống nứa làm phao. Đoạn dây thừa đó buộc vào nhánh cây bên bờ để lưới khỏi trôi.
     Thả lưới xong, ông Tám Cá bảo Quân lên bờ cùng với ông. Quân chưa biết lên làm gì thì ông Tám Cá nói:
     - Con nhớ cho kỹ nhé, từ cây mít nài này kéo thẳng lên hòn đá bàn trên đỉnh kia, chạy ngược sông 500m là đất của nhà đấy.
     Quân nhìn khu đất ông chỉ ước lượng phải trên mười lăm héc ta. Khoảnh rừng được đánh dấu bằng dãy cây mít nài và trồng chủ yếu là cây mỡ, đôi chỗ trồng xen cây ăn quả, những triền đất thấp trồng vài ba chục cây chuối ngự.
     - Rộng như đất sản xuất của nông trường. Sao nhiều vậy, sư phụ?
     - Đây mới một đám thôi. Lớn hơn có chục đám. Bằng phân nửa đám này có mười hai đám con à.
Quân trố mắt ngạc nhiên. Nói về đất đai như thế mà sư phụ cứ bình thản như không, như nói chuyện của ai vậy.
     - Tiền đâu mà sư phụ mua được nhiều đất như vậy?
Ông Tám Cá cười:
     - Con không nhớ sư phụ là dòng dõi chúa Bầu à?
Như để Quân khỏi thắc mắc, ông nói:
     - Thực ra đây là tài sản mẹ Man Hoa để lại đấy. Trước khi vào Nam chiến đấu, sư phụ nói đùa với bà: "Trước đây dải đất Tuyên Quang này là của dòng dõi nhà tôi. Giờ tôi đi chiến đấu đòi lại nước, còn thu lại đất tôi giao cho bà".
     Quân cười:
     - Lúc đó sư phụ nói là giao cho em chứ?
     - Thì là kể lại mà, giờ, già rồi kể thế mới hợp.
     Ông Tám Cá kể bà buôn bán giỏi nhưng bao giờ cũng giữ chữ tín nên khách càng ngày càng đông. Có tiền bà mua đất. Bà mua lại những đám rẫy người ta làm đã vài ba mùa. Số tiền không đáng là bao mà được diện tích rộng. Người ta chọn mua đất mặt đường, còn bà mua đất giáp sông, giáp suối. Mua được miếng nào là thuê trồng cây miếng đó, vừa cây lấy gỗ lại vừa cây ăn quả. Rồi lại thuê người bán coi ngó hộ. Tính ra riêng tiền thu hoạch chuối cũng gần đủ trang trải cho việc thuê mướn chăm sóc, coi ngó. Càng về sau hoa lợi càng lớn, có dư bà lại mua đất tiếp. Giáp tết, những người coi ngó đất cho bà xuôi Tuyên Quang sắm tết, ghé nhà chơi, ai cũng được bà chuẩn bị quà tặng ăn tết. Gia đình người ta đau bệnh hay có chuyện gì phải về thị xã đều tá túc nhà bà, đều được bà chăm sóc, chỉ vẽ chu đáo. Thế nên đất cát dọc sông Gâm, ai muốn bán, muốn mua đều hỏi bà hết. . .
     - Bây giờ sư phụ quản lý đát như thế nào?
     - Vẫn cách làm cũ của bà thôi. Ba cái hiệu buôn ở thị xã người ta thuê đủ trả lương cho ba bốn chục công nhân. Tiền dư cũng mua được vài cái nhà tàm tạm ở Hà Nội. Nhưng sư phụ nghĩ chỉ riêng lương hưu, lương thương binh cũng đủ nuôi bản thân mình rồi, tranh chấp với đời làm gì. Mấy người vạn chài, một cái thuyền, mấy tấm lưới còn nuôi được bốn năm đứa con. Sư phụ đánh cá một buổi sống đàng hoàng ba ngày. Sư phụ muốn con và mấy anh em nghỉ luôn ở lâm trường về quản lý cho sư phụ. Làm ở lâm trường cho đến ngày được hưởng đồng lương hưu cực lắm con à. Tài năng, có tâm như mấy đứa bây bỏ đâu mà chả sống. Sư phụ nói vậy đừng nghĩ sư phụ lợi dụng nghe. Thôi, xuống thuyền, sư phụ đem con đi xem mấy đám gần đây, khi xuôi ta thu lưới là vừa.
     - Sao sư phụ không để Man Hoa quản lý mà làm ở lâm trường?
     - Nó học rồi cho nó hành để có kinh nghiệm. Với lại nó làm ở đấy phần nào ngăn cản thằng Minh Chột, Trí Vịt làm bậy.
     Một phần không nhỏ những đứa con gái con nhà hơi khá giả một tí đã đua đòi ăn diện, mở miệng là tiền, là sành điệu nhưng học hành chẳng tới đâu. Trong con mắt họ sự hấp dẫn của đàn ông được đo bằng tiền, bất cứ đến bằng nguồn nào. Như Man Hoa, hôm nay Quân mới biết gia đình cô có tài sản quá lớn, mà vẫn bình dị, giỏi giang như bao cô gái xứ đồng rừng khác. Và vượt lên trên, hơn hết, có tri thức, ham học. Ai cưới được Man Hoa làm vợ hẳn có phúc lớn. Còn mình, với Man Hoa, cũng như bao chàng trai khác thôi, không rung động mới là chuyện lạ. Nếu như vẻ đẹp Man Hoa để Quân rung động mười, thì tính cách, lối sống làm anh rung động tới hai mươi. Thế nhưng, giờ đây hãy quên cái chuyện đó đi Quân nhé, nếu lấy được Man Hoa mày có qua được tiếng "đào mỏ" không? Còn chuyện ở lâm trường anh em Quân cũng đã tính bỏ việc rồi, chỉ e ngại sư phụ nên chưa dám nói ra. Đành rằng làm công nhân sản phẩm làm ra phần để nhà nước trả lương hưu sau này, phần đóng góp cho xã hội; thì phần trả lương, như Marx nói - để tái lao động sản xuất chí ít cũng phải được bốn mươi phần trăm chứ. Đằng này, tính ra so với xẻ gỗ thuê ở ngoài, thu nhập anh em Quân mới khoảng hai mươi phần trăm. Biết được việc lâm trường trả lương cho anh em Quân như vậy, Man Hoa thẳng thừng hỏi Minh Chột:
     - Anh nói hồi nhóm anh Quân mới vào làm lương chí ít cũng được tính từ bậc bốn trở lên. Nay sao trả như hợp đồng công nhân lao động phổ thông?
     - Có phải việc của cô không? Không làm thì nghỉ!
     - Anh đừng cậy chức mà ép người ta quá đáng. Anh không trả lời được tôi hỏi lên trên.
     - Hỏi giùm tôi việc tôi sẽ trả cô lên trên luôn. Mẹ kiếp, đừng có ỷ lại!
     - Tôi không nói với anh nữa. Cách hành xử của anh không ngang tầm với chức vụ giám đốc.
     Đang  miên man suy nghĩ, Quân bỗng giật mình vì đầu mái chèo ông Tám Cá gõ lên vai:
     - Con nghĩ gì thế? Có nghe thấy tiếng gì không?
Quân lắng tai nghe:
     - Tiếng người ta đốn cây, sư phụ.
Xuôi thuyền xuống một đoạn nữa, nhìn về phía tiếng động, Quân nói:
     - Hình như ai đang đốn cây lát vân đá sư phụ ạ.
Ông Tám Cá nhìn theo hướng Quân chỉ:
     - Đúng rồi. Ai lại đốn cây vào giờ này nhỉ?
     - Thôi con lên đó xem. Sư phụ về lâm trường báo hộ con. Có lẽ bọn trộm.
     - Ừ, con cẩn thận, bọn trộm chí ít cũng ba bốn đứa đấy. Không cần thiết đừng động chân động tay nhé.
     - Dạ, sư phụ yên tâm.
     Quân cắt rừng, đi vòng phía trên xuống. Còn chừng trăm rưỡi mét là đến nơi. Trời bắt đầu nhập nhoạng, cẩn thận không thừa. Còn khoảng 100m...90m...80m thì rắc...rắc...rầm. Cây lát vân đá ngã đổ ngọn lên đỉnh núi. Bọn này giỏi thiệt, bình thường đốn cây lát sẽ ngã ngang sườn núi. Cây lát đổ xuống lộ một khoảng trời rộng, mảng rừng sáng hơn. Quân thấy lố nhố mấy dáng người. Đến cách ngọn cây chừng hai chục mét, nhìn rõ thấy có năm đứa. Một thằng cao lớn, hơi gù, có lẽ là tên cầm đầu, nói:
     - Thằng Cư và thằng Bảy dứt khúc dưới, thằng Trường và thằng Khoa dứt đoạn giữa, phần ngọn để tao.
     - Không lấy được bốn khúc à?
     - Dùng cưa man thì được, thôi nhanh lên.
Những chiếc rìu lưỡi ngao sắc như nước bổ xuống chính xác, đều đặn. Đúng là dân sơn tràng chính gốc. Chừng một tiếng đồng hồ trôi qua. Trời bắt đầu tối.
     - Có đốt đuốc không anh Cường?
     - Ngu bỏ mẹ, đốt đuốc để "lạy ông con ở bụi này" à. Thôi dừng lại, lấy cưa man cắt.
     Chỉ nghe tiếng cưa xoèn xoẹt. Trong bóng tối nhờ nhờ chúng giống như những con quỷ sứ cưa người phạm tội dưới âm ty qua hoang tưởng nhân gian. Quân từ từ rút khỏi chỗ nấp, xuống bờ sông chờ người của lâm trường lên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét