Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

KÝ ỨC VỀ CHA


     Chiều hai mốt tháng chạp, bốn giờ, xuống xe ở đỉnh Dốc Cao, cách nhà một cây số, tôi không điện mấy đứa em ra đón mà đi bộ về nhà. Ba lô sau lưng, hai tay ba túi xách khá nặng, đi được hơn trăm mét lại để túi xuống nghỉ một hai phút cho đỡ đau  tay rồi đi tiếp. Gần, xa trên các mảnh ruộng hai bên đường, các bà, các chị hối hả cấy lúa. Bất chợt tôi nghe tiếng gọi:
     - Chú Thắng về giỗ ông đấy à?
Thực tình tôi không biết chị gọi tôi tên gì, chỉ biết người cùng làng. Tôi đi xa quê hơn ba mươi năm, có lúc tới năm năm mới về thăm cha mẹ. Ba năm gần đây, năm nào tôi cũng về vì cha tôi bị tai nạn rồi mất.
     - Chào chị, đã chuẩn bị tết nhất gì chưa chị?
     - Ôi, cấy chưa xong, mía dưới bãi chưa chặt, tết nhất tới rồi mà chưa chuẩn bị được gì hết chú ơi!
Tôi chào chị rồi tiếp tục đi. Những người ngược chiều tôi không ai hỏi tôi về ăn tết mà chỉ hỏi tôi về giỗ "ông", "cụ", "bác" mà thôi. Có lẽ hơn ba mươi năm qua, chưa một lần tôi ăn tết ở quê nên họ nghĩ như vậy.
     Cha tôi mất ngày hai lăm tháng chạp. Dù chuẩn bị tinh thần trước nhưng tất cả mọi người trong gia đình đều cảm thấy bất ngờ, bối rối. Anh Sơn, phó thôn, bà con xa với tôi hỏi giờ đưa cha tôi đi, giờ hạ huyệt. Bàn bạc gì đó với mấy anh chị cán bộ trong khối xong, anh bảo tôi:
     - Chú thống nhất trong gia đình cử người đi chọn đất nằm cho cậu, mọi việc còn lại để làng.
Những điều tôi lo lắng cho việc tang lễ cha tôi đều được bà con trong làng tự động làm hết. Tôi ngạc nhiên, hỏi ông anh con bà dì, anh bảo đấy là trách nhiệm của làng. Ngày hai sáu đưa tang, trước giờ di quan bốn lăm phút, chị bí thư đọc điếu văn. Và qua điếu văn tôi mới biết chính xác quá trình tham gia cách mạng, công tác của cha tôi. Đến giờ di quan, quan tài cha tôi được phủ lá cờ "Quyết thắng". Sáu anh trong Hội cựu chiến binh của phường, trang phục đại lễ màu trắng chịu trách nhiệm đẩy xe tang. Khi đám tang cha tôi đi đến cổng làng - đỉnh Dốc Cao, chính nơi cha tôi bị tai nạn thì gặp xe chở các anh chị đại diện cơ quan tôi từ Phú Yên ra viếng. Giáp tết, đường xa cả ngàn cây số, tài xế lại chưa quen đường, trong lòng tôi dấy lên nỗi niềm xúc động vô bờ. Ngày hai chín tết, tôi trở vào Phú Yên, mọi việc thờ cúng cha tôi đành để lại cho mẹ và các em lo. Năm sau, về làm lễ tiểu trường cha, tôi mới biết tết năm ấy, làng tôi không tổ chức các hoạt động vui chơi, lễ hội như đã định mà lý do chính là cha tôi mất. Khi còn sống cha tôi đóng góp nhiều cho làng, khi ra đi, như chị bí thư nói: "không chỉ gia đình hụt hẫng mà cả khối, cả phường mất đi một điểm tựa tinh thần, văn hóa lớn".
     Tuổi trẻ, cha tôi nhiều tủi nhục, vất vả; mồ côi mẹ khi đang còn tuổi thiếu nhi. Mười tám tuổi cha tôi trở thành anh Vệ quốc quân, binh chủng pháo binh, tham gia chiến dịch Điện Biên phủ. Năm 1959 rời quân ngũ, công tác ở ngành xây dựng cho đến lúc về hưu. Tôi biết niềm tự hào của ông khi công tác trong ngành xây dựng là được tham gia xây dựng trụ sở Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tại Quảng Trị, vì ngoài chuyện này ông không kể bất cứ một chuyện xây dựng nào khác.
     Cha tôi thích đọc sách, ham học. Tôi biết trong kháng chiến chống Pháp cha tôi mới học hết lớp bảy, thế nhưng trước lúc về hưu mấy năm, ngành xây dựng có mở lớp Trung cấp kế toán chuyên nghành thì ông là Hiệu trưởng. Hồi học ĐHSP Vinh, tôi thường dẫn đầu lớp về môn Triết học vì lợi thế hơn bè bạn là có sự chỉ dẫn của cha. Những khái niêm, quy luật khó hiểu được cha tôi đơn giản hóa bằng những ví dụ cụ thể. Chẳng hạn, khi học về quy luật "lượng đổi chất đổi", tôi hiểu lơ mơ, ông hỏi tôi:
     - Cốc nước chanh con pha có những gì?
     - Dạ, đường, nước và chanh.
     - Mấy thìa đường?
     - Dạ, năm thìa.
     - Nếu con cho thêm hai thìa nữa thì sao?
     - Ngọt hơn ạ.
     - Thế đấy, thêm đường tức là thêm lượng thì ngọt hơn, ngọt hơn là chất đấy, nó khác hơn so với khi chưa thêm. Nói vậy con hiểu lượng đổi chất đổi chưa?
     Ra trường, tôi về thăm nhà ít bữa rồi nhập ngũ. Cha tôi nói:
     - Được đấy, con dạy Văn cũng nên trải nghiệm cho biết tâm tư, tình cảm người lính. Đất nước mình trải bao cuộc chiến tranh, văn học phản ánh đời sống xã hội thời chiến chiếm dung lượng lớn. Làm người trong cuộc bao giờ cũng sâu sắc hơn. Với lại, trải qua bộ đội, làm người thầy giáo có độ chín hơn nhiều.
     Lần tôi được về tranh thủ vì quê hương bị bão lớn, không có giấy phép trung đoàn, cha tôi rất buồn, ông sợ tôi đào ngũ. Nói thế nào ông cũng không tin. Thế là đáng ra được ở nhà năm ngày thì hết ngày thứ ba tôi đành mang ba lô trở lại đơn vị. Sau này, anh Tiến - đại đội phó của tôi, người cùng xã, về phép lên thăm gia đình tôi, giải thích ông mới hết hoài nghi.
     Cha tôi sống giản dị, tính tình điềm đạm, luôn đặt lợi ích cộng đồng, tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Về hưu, mặc dù sức khỏe yếu vì phải mổ cắt 2/3 dạ dày, ông vẫn tham gia đầy đủ các Hội, các Câu lạc bộ của phường. . . Thời gian rảnh ông làm vườn, chăn trâu, bò. Đặc biệt, ông là người có uy tín, giàu thành tích nhất trong công tác hòa giải ở khối, ở phường. Nhiều cụ trong làng nói với tôi mỗi khi tôi có dịp ghé thăm: "Ông giỏi chiều cụ Bái, không có con rể nào tốt như rứa mô". Ông bà ngoại ở với gia đình tôi. Về cuối đời ông ngoại tôi bị lòa, mọi việc chăm sóc ông, cha tôi lo cả. Ông ngoại tôi khó tính, ông có thể cáu gắt với bất cứ ai, riêng cha tôi thì không.
     Thỉnh thoảng cha tôi đi chăn trâu, bò khi hai đứa em út nam, út nữ đi học hay đau bệnh. Bọn trẻ chăn trâu rất thích chăn trâu cùng ông vì được nghe kể chuyện cổ tích, được dạy cách làm toán và đặc biệt thích là gửi trâu bò cho ông một hai giờ đồng hồ để đá bóng. Nhiều anh chị trong xóm nói với tôi con em họ học tập tiến bộ là nhờ ông. Cha mẹ bảo thì không nghe nhưng ông khuyên là nghe. "Có chi mô, tùy đứa học lớp mấy mà cha ra cho bài toán. Làm được cha giữ trâu cho hai tiếng đồng hồ để đá bóng. Lâu lâu, có gói kẹo thưởng cho chúng khi đi học làm toán được bảy điểm trở lên" - cha tôi nói. Trong góc học tập của đứa cháu tôi, ngay ngắn trên thời khóa biểu là "tôn chỉ" do chính tay cha tôi viết:
     Nhà ta quý chữ hơn vàng  
Trọng tài hơn cả giàu sang trên đời!
     Cháu gái tôi, con chú út nam, học giỏi toàn diện, nói sẽ đi theo ngành Văn vì ý ông muốn thế. Cha tôi, nói theo kiểu nôm na là dân toán nhưng rất mê văn chương. Ông thuộc Truyện Kiều, thuộc gần hết thơ Tố Hữu, thuộc rất nhiều bài thơ của của những tác giả nổi tiếng cổ, kim. Tôi dạy Văn nhưng về phương diện này, thú thực thua kém cha tôi nhiều lắm.
     Mùi hương trầm nồng ấm, cành đào phai nhú thêm lộc non; kỷ niệm về cha biết bao chuyện chưa nói. Nhớ cha lòng se se buồn. Viết mấy dòng về cha trong dịp tết này con muốn gửi qua cánh đào, mùi hương lời xin lỗi vì những lỗi lầm vụng dại thời thơ ấu. Ước gì được một lần trở lại ngày xưa. . . 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét