Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

VÁN CỜ TƯỚNG

          
          Chiều nào cũng vậy, dưới tán cây phượng trước sân nhà lão Tàu, mấy ông cán bộ hưu trí tụ tập đánh cờ, tán dóc. Chuyện ta chuyện tây, chuyện bồ bịch của mấy bà sồn sồn, chuyện học sinh mất dạy đến chuyện nhân sự đại hội các cấp…tóm lại, chuyện trên trời dưới nước đủ cả. Chen lẫn giữa những lời khen chê, bình phẩm là tiếng đập ăn quân cờ chan chát và giọng hát khàn khàn của lão Tàu tự biên tự diễn chọc tức đối thủ.
            Lão Tàu cao cờ, mình lão chấp mấy ông hưu trí. Bàn tán, chỉ trỏ thế nào cũng được nhưng “hạ thủ bất hườn”. Ông Nam vừa chạm tay vào con mã, ông Nhật cản lại:
            - Bác lên mã pháo nó thọc xuống lấy gì mà đỡ?
            - Không lên mã nó đè mãi, bí rì rì. Ông An tiếp lời.
            - Mấy ông có ai địch nổi ông Nam đâu mà cứ quân sư quạt mo, bàn đi tính lại lộ hết nước cờ. Anh Thái lên tiếng.
Ông Nam nhìn bàn cờ chăm chăm một lúc rồi tấn con chốt biên. Cờ bí gí tốt, cha ông chả dạy thế là gì.
            - Con chốt lên sông (mà) con chốt lên sông ..thì ông (mà) xuống pháo, í ỉ ì i…
Lão Tàu vừa xoa cằm vừa hát, rồi lui con pháo về hai vạch. Thế cờ ấy lộ rõ ý đồ lão Tàu. Nước tiếp theo là bình pháo hăm ăn tượng chiếu bí. Nếu ông Nam lui xe về giữ thì chết không con mã.
            Chờ ông Nam tính nước, lão Tàu móc túi lấy tẩu thuốc ra mồi, quay sang hỏi anh Thái:
            - Chú có nghe Năm Thận xin chuyển công tác đâu không?
            - Ổng nói không xin, đưa đi đâu thì đi đó.
            - Ông nhe ai nói mà chuyện gì cũng biết, cứ như ma xó? Ông Nhật hỏi.
Kéo một hơi thuốc thật dài, nhẩn nha nhả khói, lão Tàu trả lời:
            - Chuyện đại sự của phường cũng phải quan tâm chút chứ. Cứ quan tâm ắt có thông tin.
            - Vậy ai thay Năm Thận? Ông Nhật tiếp tục.
            - Cậu Phương phó bí thư Thị đoàn.
Ông Nam đang suy đi tính lại nước cờ cũng không khỏi ngạc nhiên:
            - Ông nói sao chứ cánh Bảy Lộc, Hai Dũng, Sáu Bé đi đâu?
            - Ai bắt các ông tin, sự đời thế - thế thời phải thế. Nghệ thuật sắp đặt cả!
            - Ông nói thế chứ, việc bầu cấp ủy, bí thư do đại hội quyết định. Điều lệ qui định rõ rồi mà.
Lão Tàu gõ tẩu thuốc xuống bàn, cười cười:
            - Ông vẫn chưa đi à, lâu thế? Sắp tới thế nào ông không dự Đại hội, chuyện đó sẽ rõ ngay mà. Tôi là tôi tiếc cho Năm Thận.
Ông Nam lui con xe về giữ tượng, lão Tàu không ăn quân mã mà tấn chốt bảy sang sông:
            - Con chốt sang sông (mà) con chốt sang sông thành ông tướng giỏi, í ỉ ì i…
Nhìn nước đi ấy, ông An vỗ vai anh Thái:
            - Không ăn mã, gí chốt, lão này giỏi lừa thật!
Lão Tàu đáp:
            - Bàn cờ bày ngay trước mặt, qui định nước đi của từng quân cờ cụ thể như thế mà người ta còn lừa được nhau huống chi chuyện đại hội. Thậm chí bản thân người ta còn tự lừa dối mình nữa kìa.
Đặt chén nước xuống bàn, ông Nhật nhìn lão Tàu nghi ngoặc:
            - Ông nói rõ nghe coi.
Lão Tàu liếc ông Nhật, lia ánh mắt giễu cợt về phía ông An:
            - Các ông đánh cờ chỉ ham ăn quân, tôi khác các ông là nhìn toàn cục, thứ nhất là giữ được mình rồi sau đó mới dồn ép đối phương. Thuật đánh cờ giống chuẩn bị nhân sự đại hội, việc dụng binh, dùng người, cứ là phải gương đông kích tây…
Sợ lão Tàu nói chuyện đại hội lỡ có gì sai trái, có mình ở đây không tiện, ông An cắt ngang :
            - Chuyện ấy biết rồi, còn chuyện tự lừa dối mình?
            - Thì đấy, ngoài mặt thì bằng lòng, sâu thẳm trong lý trí cũng bằng lòng nhưng khi bỏ phiếu thì gạch tên với suy nghĩ: “để cho nó không được 100%, cho nó biết vẫn còn khiếm khuyết, vẫn còn người không tín nhiệm” – đấy là phiếu phạt. Còn cái vị được đưa ra “làm quân xanh” thì cho nó một phiếu kẻo tội nghiệp, có rớt cũng coi được. Cái thằng “quân xanh” biết thân biết phận, chẳng mất lòng ai nên được phiếu thưởng. Ấy vậy mà trúng cử. Bầu xong, có kết quả kiểm phiếu, lại tiếc rằng giá chi mình đừng bỏ phiếu phạt, vậy đó có phải là tự lừa dối mình không?
Máu chảy rần rật trên mặt ông An. Ông đã từng mấy lần như thế. Lão Tàu chỉ là thợ hớt tóc sao chuyện chi cũng rành, đúng là ma xó.
            Không gian như chùng xuống, lão Tàu lại móc tẩu ra mồi thuốc:
            - Đấy là chưa kể chuyện chạy chức, chạy quyền. Kỳ này Năm Thận không làm bí thư thì thể nào Miếu Tư văn cũng bị phá cho thuê đất làm cây xăng.
Ông Nam cầm quân pháo lên rồi để xuống, tiếp lời lão Tàu:
            - Năm Thận có tài, có tâm nhưng không được lòng cấp trên. Nếu biết nhẫn một chút thì đâu đến nỗi.
            - Nhẫn thì không còn là Năm Thận. Ông Nhật nói.
Ông Nam cầm quân pháo đập đánh chát vào con chốt bảy:
            - Sang sông này, tướng giỏi này, đập bể đầu quân xâm lược.
Lão Tàu lại cất giọng khàn khàn:
            -Con chốt (ấy mấy là) con chốt thí, (ấy mấy là) con chốt thí. Pháo tớ (mà) thọc xuống chưa bí vì còn mã hồi cung í ỉ ì i (mà) hồi cung í i (mà) hồi cung…
Rồi lão nói:
            - Ông nhẫn không được, lại bị phân tâm nên ba nước nữa là thua chắc.
Ông Nam chưa kịp trả lời, đã nghe tiếng bà Thoan réo trước cửa nhà:
            -Thằng Việt đi họp dặn ông đi đón cháu, vậy mà giờ này ông vẫn ngồi đó mà cờ với quạt!
Ông Nam vội xỏ đôi dép lê, đứng lên:
            - Chết, tôi quên đón cháu. Ván này tôi thua, bia mấy ông cứ uống, mai tôi trả.
Anh Thái ngồi xuống thế chỗ:
            -Còn nước còn tát. Bác có việc cứ đi, đã thua đâu, lão Tàu chỉ giỏi dọa người thôi. Mọi việc đã có em!
Nhìn cái dáng lật đật của ông Nam, lão Tàu thở dài:
            - Một thời hét ra lửa, vậy mà giờ này vợ nó ho một cái là co rúm cả người.
Bà Phượng – hay nói đúng hơn là cô Phượng, vợ lão Tàu bưng siêu nước châm thêm vào bình trà, góp chuyện:
            - Ngày xưa ông ấy hét ra lửa là nắm yết hầu kinh tế người ta, nói gì chả phải nghe. Giờ về hưu, vợ nó nắm kinh tế không nghe mà được à.
Ông Nhật nói đùa;
            - Vậy lão Tàu có dám không nghe cô không?
            - Ảnh không hiếp đáp là phúc cho tui rồi.
Ông Nhật nhớ lại ngày Phượng lấy lão Tàu, không biết bao nhiêu người tiếc. Nghe nói bà má Phượng chê lão Tàu già, Phượng nói: “Ảnh hơn con hơn hai giáp một chút chớ mấy”. Mấy bà chị dâu ôm bụng cười lăn cười lóc, bà mẹ cũng bật cười theo, thế là đất không chịu trời thì trời phải chịu đất. Sau này, thấy Phượng hạnh phúc, lão Tàu thường giúp đỡ con cháu trong nhà, má Phượng không dấu được sự thỏa mãn: “Con Phượng thế mà sướng, mấy đứa bạn cùng tuổi với nó, chồng trẻ, ông nọ bà kia mà không mấy đứa bằng”. Lão Tàu hớt tóc thu nhập chỉ bằng mức lương viên chức trung bình, đủ chi tiêu trong gia đình, thế mà lão giàu, chắc như cua gạch. Người ta làm ngày làm đêm, bon chen giành giật, trầy vi tróc vảy trong cuộc sống mới may có được cái nhà kha khá. Còn lão, cứ chơi chơi mà đụng vào đâu tiền đấy. Hồi mới manh nha chơi chim, một con năm chục ngàn đã là đắt lắm, lão mua bảy chục. Đám trẻ kháo nhau tìm chim hay bán cho lão. Chơi hơn năm, lão đem chim đi thi, con giải nhất, con giải ba của Hội chim thú và sinh vật cảnh. Mấy đại gia ở thành phố trả con dăm sáu chục triệu. Bảy con chim, lão kiếm hơn ba trăm triệu, rồi lão thành kẻ môi giới bán chim, ăn hai đầu, mỗi con kiếm dăm bảy triệu…
            Cầm chén trà đưa cho ông An, lão Tàu nói;
            - Ông có mặt tiền không buôn bán gì cũng uổng, theo tôi, ông mở tiệm bán trà bắc là đắc địa.
            - Sao lão không làm, mặt tiền của lão rộng gấp đôi của ông An đấy chứ?
Lão Tàu nhẩn nha nói với anh Thái:
            - Tôi hớt tóc, không mở tiệm trà được. Thứ nữa thấy vợ chồng ông An việc gì cũng trông vào mấy đồng lương hưu nên bàn thế thôi.
            - Ông An mở tiệm trà có kiếm được bằng lão hớt tóc không?
            - Anh hỏi hay thật, tôi nghĩ chí ít là bằng, có duyên buôn bán kiếm hơn là cái chắc.
            - Á…à…hơn mà lão không làm. Tôi hiểu rồi, mở tiệm trà khó môi giới bán chim, đi guốc trong bụng lão rồi nhé!
Lão Tàu bật cười khà khà, nhấp ngụm nước trà, nghiêm giọng:
            - Anh phải biết việc môi giới bán chim không phải lúc nào cũng có, hơn nữa chơi cái gì người ta cũng theo phong trào, nên có kiếm được chút ít cũng đừng nghĩ là bền vững, phải biết nhìn xa một chút anh ạ.
Ông Nhật sợ hai người cãi vã, vội lên tiếng:
            - Chú Thái đừng nghĩ oan cho lão Tàu, đánh cờ lão giỏi lừa chứ ngoài đời, không giúp được ai thì thôi chứ lão không bao giờ lừa ai đâu. Mấy con chim lão bán bõ bèn gì, lão giàu là nhờ đất, vật liệu xây dựng, xăng nhớt kia.
Anh Thái ngạc nhiên:
            - Tôi chỉ nghe lão phất lên nhờ chim!
Ông An, ông Nhật không nhịn được cười, lão Tàu cũng cười theo:
            - Phường mình có “mệnh phụ phu nhân” đâu mà phất lên nhờ chim(!) Với lại nếu có “phất lên nhờ chim” cũng không đến lượt tôi.
Ông Nhật nhìn  anh Thái cởi mở, thân mật:
            -Anh mới về phường nên chưa biết, lão Tàu phất lên là nhờ đất, nhờ đìa. Hồi mới làm lão cũng phải vay mượn. Trúng tôm ba vụ lão bán đìa mua đất. Hồi ấy ai cũng nói lão khùng, sau mới thấy lão quái chiêu.
Lão Tàu lại bập thuốc, nói với anh Thái:
            - Còn cố gỡ thế cờ này nữa thôi hay bày ván khác?
Anh Thái lui mã về chân sĩ. Lão Tàu đẩy con pháo xuống hàng cùng, niêm tướng cùng con mã.
            -Pháo tấn công (ấy mấy là) con pháo tấn công, con pháo thông nòng í i…mà thông nòng nã đầu tướng giặc í ỉ ì i…
            Vòng vây của lão Tàu ngày càng siết chặt, cứ từng bước, từng bước. Chơi với lão mới thấy mưu mô xảo quyệt, gương đông kích tây thâm hiểm vô cùng, khi cương khi nhu mà buộc người ta đi theo nước cờ định sẵn. Phô ra sức mạnh rồi dồn ép từ từ, không đánh vỗ mặt, chớp nhoáng. Lão chiếm được điểm nào là chắc điểm đó, phát huy nó thành pháo đài, thành chuỗi liên kết với nhau, bao vây đánh lấn, siết cổ người ta từ từ. Chơi với lão Tàu, ức mà chả làm gì được…
            Chờ nước cờ anh Thái lâu quá, ông An nói với lão Tàu:
            - Lão mách nước cho tôi mở tiệm trà bắc, ngẫm cũng có lý nhưng mà tôi sợ mình mở người ta cũng mở, e rằng lúc đó tiến thoái lưỡng nan.
Lão Tàu mân mê cái tẩu, một lát sau mới nói:
            - Người Việt là chúa a dua, hễ thấy ai làm gì được được một chút là ùa theo. Nhưng mà tham, a dua những cái lời nhiều, muốn làm giàu nhanh rồi khi đổ bể thành ra tay trắng. Tôi có được như ngày hôm nay là do biết sợ, nên nuôi tôm đến cao trào bán đìa mua đất, đang đà sốt đất tôi lại bán đất, đầu tư vật liệu xây dựng, cây xăng, những thứ ấy thời nào cũng cần. Trà bắc cũng vậy, ông mở tiệm lo gì không bán được. Với lại bán trà cóp nhặt từng đồng, không như nuôi tôm, nuôi ốc, khai thác hạt ươi nên người ta không a dua đâu mà ông sợ.
            Nghe lão Tàu nói vậy, anh Thái mới hiểu ra rằng, lão chính là nhà kinh tế học ứng dụng, không trách gì lão mó vào đâu là có tiền đấy. Tầm như lão mà làm cán bộ phường chắc chắn sẽ có nhiều việc làm cho dân, nhiều nguồn thu cho ngân sách. Chả bù cho mấy ông lãnh đạo cấp phường, cấp thị, đại học, thạc sĩ kinh tế, cao cấp chính trị đầy mình mà kinh tế địa phương mãi cứ lẹt đẹt, tổ chức lễ hội gì cũng phải nhờ vào sự tài trợ doanh nghiệp hay ‘ủng hộ” ngày lương của công nhân viên chức…
            Ông Nam chở cháu về nhà, thấy đám cờ chưa tàn nên quẹo xe vào. Thằng Tài, cháu ông Nam cũng vào xem. Nó hỏi anh Thái:
            - Bác bí nước đi phải không?
Anh Thái xoa đầu nó:
            - Cháu cũng biết chơi cờ à?
            - Thỉnh thoảng cháu đánh với ông nội vài ván.
            - Thế cháu có địch lại ông không? Lão Tàu hỏi.
Thằng Tài cười láu lỉnh:
            - Ông xin hườn nhưng cháu không cho.
Ông Nam tính kéo thằng Tài ra, anh Thái ngăn lại:
            - Ông cứ để cho cháu nó xem. Ván này coi như tôi thua.
Quay qua thằng Tài, anh Thái cười nói:
            - Bây giờ theo cháu thì đi nước nào?
            Thằng Tài nhìn bàn cờ một chút rồi nó nói một lèo:
            - Bác đập con xe vào sĩ, tướng ăn ra, thọc con xe đang giữ tượng xuống chiếu tướng, tướng phải trồi lên rồi lại lui xe về giữ tượng, nếu ông Tàu tức quá, dùng pháo ăn tượng thì xe bác ăn quân pháo rồi bình ra biên. Nhưng mà bác phải nhớ trước lúc lui xe về giữ tượng phải luôn luôn chiếu để tướng phải trồi lên cái đã. Nước cách nước chiếu là huề phải không bác?
            Mọi người bật cười về quái chiêu nước cách nước chiếu của thằng bé. Cù chuầy để gỡ hòa rõ ràng không “quân tử” lắm, nhưng thế cờ ấy, đó là giải pháp tốt nhất.
            Lão Tàu xoa đầu thằng Tài, vào nhà mở tủ lấy ra quyển sách “Vạn kỳ thế chiến” tặng thằng bé. Nó nói:
         - Cảm ơn ông đã tặng cháu “bí kíp”. Nhưng mà thế cờ trong sách vở không phải lúc nào cũng giống như đánh cờ ở ngoài ông ạ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét