Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

RỪNG XÀ NU - BẢN SỬ THI BI TRÁNG

           
 Năm 1955, Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc (Nguyễn Văn Báu) viết về anh hùng Núp và dân làng Kông Hoa mười ba lần dời làng chống Pháp, được tặng  Giải nhất Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam (1954 – 1955). Chất sử thi và cảm hứng lãng mạn khắc họa hình tượng đồng bào Tây nguyên đánh Pháp tiếp nối cuồn cuộn sang thời kì chống Mĩ. Mười năm sau Đất nước đứng lên truyện ngắn Rừng xà nu ra đời trong hoàn cảnh đế quốc Mĩ đổ 30 vạn quân vào miền Nam nước ta. Truyện xứng đáng được xem là mẫu mực cho các nhà văn trẻ học tập bởi nó kết hợp nhuần nhuyễn tài năng, tâm huyết của tác giả với việc phản ánh hiện thực cách mạng, là bản sử thi bi tráng của đồng bào Tây nguyên.
            Nhân vật trung tâm của truyện là Tnú. Qua câu chuyện kể về cuộc đời anh, Nguyên Ngọc khéo léo đồng hiện chuyện dân làng Xô Man nổi dậy đánh giặc. Chi tiết, sự kiện đan cài, dồn nén rất chặt chẽ nhưng không làm cho người đọc cảm giác nặng nề bởi tác giả tinh tế, chọn lọc trong miêu tả, sử dụng từ ngữ và tài hoa trong dẫn chuyện.
            Không gian bao trùm truyện là rừng xà nu: “Cứ thế hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng…”. Một cánh rừng trong sự hủy diệt điên cuồng của giặc, “không có cây nào không bị thương”, vẫn bao bọc, che chở cho nhau, cho làng, là cái nền đối ứng, tương đồng với dân làng Xô Man trong những năm tháng đánh giặc. Những chi tiết “Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời” là sự sống mãnh liệt, kế tục, bất khuất của rừng xà nu. Giặc treo cổ anh Xút lên cây vả đầu làng, giết bà Nhan chặt đầu cột tóc treo đầu súng vì nuôi cán bộ cách mạng thì Tnú và Mai tiếp tục công việc ấy. “Cũng ít có loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế . Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luống lớn thẳng tắp…” thì dân làng Xô Man tuyệt đối tin tưởng, trung thành với lý tưởng cách mạng. Câu nói của Tnú trả lời cán bộ Quyết: “Cụ Mết nói: cán bộ là Đảng. Đảng còn núi nước này còn” và hành động quyết tâm học tập để sau này thay anh Quyết làm cán bộ là những hình tượng tương ứng đẹp. Rồi Mai che chở cho đứa con khi bị giặc tra tấn; Tnú nhảy xổ vào giữa bọn lính, “Mai ôm đứa con chui vào ngực anh”, “hai cánh tay rộng lớn như hai cánh lim chắc chắn của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai” phải chăng là sự sóng đôi của: “Cứ thế hai ba năm nay rừng và nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng…”?
            Xây dựng chi tiết, hình tượng tương đồng giữa rừng xà nu và dân làng Xô Man, nhà văn Nguyên Ngọc gợi cho người đọc suy nghĩ trong cuộc kháng chiến này thiên nhiên với con người là một. Dân làng Xô Man đứng lên đánh giặc, rừng xà nu cũng đánh giặc. Đọc Rừng xà nu, chúng ta hiểu hơn những câu thơ Tố Hữu viết trong bài Việt Bắc:
                 Nhớ khi giặc đến giặc lùng
            Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
                 Núi giăng thành lũy sắt dày
            Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.
            Câu kết của đoạn mở đầu – miêu tả rừng xà nu, tác giả viết: “Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời”, vẽ nên trước mắt người đọc hình ảnh trùng điệp của rừng xà nu. Sau câu chuyện cuộc đời Tnú, chuyện dân làng Xô Man đứng lên đánh giặc, Nguyên Ngọc viết câu kết truyện: “Ba người đứng ở đấy nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời”. Chỉ một từ “rừng xà nu” thay cho “đồi xà nu”, người đọc cảm nhận được sự lớn mạnh, vững chãi, hùng vĩ hơn. Và đấy cũng chính là sự trưởng thành của Tnú, Dít, thằng Heng nói riêng, dân làng Xô Man nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mĩ dưới ẩn ý tài hoa của nhà văn. Đó chính là kiểu kết cấu đầu cuối tương ứng. Trong văn học kiểu kết cấu này được “mặc định” là sự thống nhất, xuyên suốt chuyển tải tư tưởng tác phẩm. Sử dụng nhuần nhuyễn cùng lúc hai kiểu kết cấu trong một truyện ngắn là chuyện hiếm trong văn học, chỉ riêng điều này thôi cũng đã thể hiện tài năng tác giả.
            Những năm tháng trong quân ngũ Tnú luôn nhớ về làng nhưng không phân định rõ điều gì gây ấn tượng sâu sắc nhất. Cho đến khi được nghỉ phép một đêm, về tới đầu làng, nghe tiếng chày giã gạo, Tnú mới ngộ ra: “Phải rồi, chính tiếng chày của dân làng, của mẹ, của Mai, của Dít mỗi chiều quen quá, thân thương quá”. Tnú về làng tạo nên một sự kiện lớn. Nghe tin Tnú về, đàn ông, thanh niên nhảy phốc từ trên sàn xuống, đám trẻ con thì ùa ra, các cô gái túm tụm nhau lại cười rúc rích. Cảm động nhất là chi tiết bà cụ Leng bò ra cầu thang, chửi yêu: “Con cháu, ma bắt mày, sao mày không đợi tau chết rồi hẵng về”. Rồi đằng sau cái vẻ nghiêm nghị của Dít – bí thư, chính trị viên xã đội đối với công việc, là lời tự thú: “Bọn em, miệng đứa nào cũng nhắc anh mãi”.
            Tình cảm dân làng Xô Man dành cho Tnú là tình cảm gia đình bởi anh xứng đáng với niềm tin yêu đó. Trong đêm Tnú về, dân làng tụ tập nhà cụ Mết, “bên ngoài lấm tấm một trận mưa đêm, rì rầm như gió nhẹ”; khác với giọng nói “ồ ồ dội trong lồng ngực” thường ngày, tiếng nói của cụ rất trầm:
      - Ông bà già thì biết rồi. Thanh niên có đứa biết, có đứa chưa biết. Còn lũ con nít thì chưa biết. – Ông cụ trừng mắt nhìn bọn trẻ, chúng cảm thấy cái nghiêm trang trong lời ông già, đứa nào đứa ấy ngồi im thin thít, dán mắt vào miệng ông cụ - Tnú, anh Tnú của chúng mày về rồi đó. – Ông cụ đặt bàn tay chắc nịch lên vai Tnú – Anh Tnú mà tao đã kể cho chúng mày nghe bao nhiêu lần rồi đó. Đấy, nó đấy, nó đi Giải phóng quân đánh giặc, nay nó về thăm làng một đêm, cấp trên cho nó về một đêm, có chữ ký người chỉ huy, chị bí thư coi rồi. Nó đấy! Nó là người Strá mình. Cha mẹ nó chết sớm, làng Xô Man này nuôi nó. Đời nó khổ, nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta. Đêm nay tau kể chuyện nó cho cả làng nghe, để mừng nó về thăm làng. Người Strá ai có cái tai, cái bụng thương núi, thương nước, hãy lắng mà nghe, mà nhớ. Sau này tau chết rồi, chúng mày phải kể lại cho con cháu nghe…
            Bên bếp lửa bập bùng, cụ Mết kể chuyện cuộc đời Tnú như đang kể sử thi. Mà đúng là sử thi thật. Sử thi nói về việc lớn của cộng đồng, nói về chiến công của người anh hùng, chiếu theo cách hiểu ấy, thì dân làng Xô man, Tnú là những nhân vật trong sử thi – sử thi chống Mĩ.
            Xây dựng hình tượng tập thể anh hùng, ngoài việc miêu tả những chiếc công, để thuyết phục người đọc, tác giả phải khéo léo lý giải nguyên nhân những chiến công ấy. Tinh thần đoàn kết, đùm bọc, san sẻ với nhau trong khó khăn gian khổ của dân làng Xô Man được tác giả khéo léo chọn lọc, chỉ vài chi tiết, hình ảnh nhưng dung dị, chân thật: “Tnú mở ống lương khô, xúc cho cụ Mết một muỗng muối. Ông cụ bảo: - Tau cũng còn nửa lon muối của huyện thưởng cho con Dít ngày nó đi đại hội chiến sĩ thi đua, nó về chia đều cho mỗi bếp một phần. Nhưng cái đó để dành cho người đau. Còn cái này mày cho thì tau ăn”.
            Lẽ sống vì cộng đồng của tất cả người dân làng Xô Man trong kháng chiến được nâng lên tầm cao hơn: sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Vì thế, dân làng Xô Man tự hào suốt mấy năm qua nuôi cán bộ, người bị giết, bị bắt, bị tra tấn dã man nhưng không một cán bộ cách mạng nào bị giặc giết, giặc bắt trong địa hạt của làng.
            Thương yêu, san sẻ với nhau là thế nhưng dân làng Xô Man từ lớn tới nhỏ, từ già đến trẻ tuyệt đối tôn trọng nguyên tắc giữ gìn kỷ luật. Tnú là người con của dân làng Xô Man, về thăm làng một đêm cũng phải trình giấy phép. Khi chị bí thư xem đi xem lại tờ giấy phép thì mọi người yên lặng chờ đợi. Chỉ khi Dít trả lại tờ giấy phép cho Tnú, xác nhận giấy phép có chữ ký của người chỉ huy thì tiếng cười nói mới rộ lên. Cái không khí “im lặng chờ đợi” và “rộn lên chật cả căn nhà nhỏ” phản ánh tâm trạng âu lo của dân làng: sợ Tnú nhớ làng quá mà vi phạm kỷ luật quân đội. Niềm vui của mọi người là niềm tự hào của cụ Mết, khi kể chuyện Tnú, ông cụ lại nhắc lại lời khẳng định của Dít  về cái giấy phép một lần nữa.
            Ngay cả bữa cơm đón người xa về của cụ Mết vẫn ghế rất nhiều củ pom chu. Cụ nói với Tnú như thanh minh: “Năm nay làng không đói. Gạo đủ ăn tới mùa suốt. Nhưng phải để dành, dự trữ mỗi bếp cho được ba năm. Mày đi cách mạng, người chỉ huy cũng dạy mày rồi, đánh thằng Mĩ phải đánh dài”. Nguyên tắc gìn giữ kỷ luật còn được phản ánh trong đời sống thường ngày, buổi chiều tối, cụ Mết nhắc bọn trẻ con ra con nước đầu làng tắm “kẻo chị Dít phê bình”. Dít là con cháu trong làng, thay Tnú làm cán bộ, thế nhưng cụ Mết – người chỉ huy dân làng Xô Man đứng lên, mỗi khi nhắc đến đều thể hiện sự tôn trọng. Dân làng Xô Man coi việc giữ gìn nguyên tắc kỷ luật là lẽ sống. Thấm sâu vào máu thịt, lẽ sống ấy được nâng lên thành lòng trung thành, dũng cảm. Một lần đi liên lạc, bị giặc bắt, sau mỗi câu hỏi: “đứa nào là cộng sản” là một nhát chém vào lưng, Tnú chỉ tay vào bụng, trả lời bọn giặc: “Cộng sản ở đây này”. Lần nhảy xổ ra cứu mẹ con Mai, anh lại bị bắt, bị tra tấn. Bọn giặc dùng nhựa cây xà nu tẩm giẻ quấn mười đầu ngón tay đốt. Đau đớn thể xác gần như đã tột cùng ấy, trong suy nghĩ, anh vẫn kiên trung nguyên tắc cách mạng: “Trời ơi! Cha mẹ ơi! Anh không thấy lửa cháy mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Anh không kêu rên. Anh Quyết nói: “người cộng sản không thèm kêu van”. Tnú không thèm, không thèm kêu van. Nhưng trời ơi! Cháy, cháy cả ruột đây rồi! Anh Quyết ơi! Cháy! Không! Tnú sẽ không kêu! Không!”
            Ngoài kiểu tra tấn, hành hạ bằng chém, đốt, roi vọt, bọn giặc còn dùng đòn tra tấn tâm lý. Đó là đánh vào nỗi sợ hãi. Khi bắt được con Dít đi tiếp tế cho Cụ Mết và đám thanh niên ở ngoài rừng về, chúng không dánh mà “lên đạn tôm xông rồi từ từ bắn từng viên một, không bắn trúng, đạn chỉ sượt qua tai, sém tóc, cày đất xung quanh hai chân nhỏ của Dít. Váy nó rách tợt từng mảng. Nó khóc thét lên nhưng rồi đến viên thứ mười nó chùi nước mắt, từ đó im bặt. Nó đứng lặng giữa bọn lính, cứ mỗi viên đạn nổ, cái thân hình mảnh dẻ của nó lại quật lên một cái nhưng đôi mắt vẫn nhìn bọn giặc bình thản lạ lùng”.
            Tất cả sự chịu đựng đều có giới hạn, trước tội ác tày trời của giặc phải đứng lên để tự cứu mình. Sau khi giết hết bọn lính, cứu được Tnú, dân làng Xô Man khởi nghĩa. “cụ Mết chống giáo xuống sàn nhà, nói vang vang: - Thế là bắt đầu rồi. Đốt lửa lên! Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây dụ, một cây rựa. Ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông. Đốt lửa lên!”
            Khẩu lệnh: “Đốt lửa lên!” là lời tuyên chiến của dân làng, núi nước này không còn chịu đọa đày, tối tăm nữa. Câu nói của cụ Mết thời điểm ấy thấm đẫm tư tưởng, đường lối đánh giặc từ  Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, ngày 19 tháng 12 năm 1946:
            Hỡi đồng bào!
            Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân cứu nước.
            Truyện ngắn Rừng xà nu phân chia ranh giới ta – địch rất rõ ràng. Hình tượng đồng bào Strá làng Xô Man được khắc họa sống động, nhất là tính cộng đồng cao, không vụ lợi mà rất hồn nhiên. Cụ Mết, một con người từng trải, kiên cường là thế nhưng vẫn rơi những giọt nước mắt như nhìn tấm lưng Tnú đầy sẹo hay câu hỏi trong bữa cơm thật cảm động: “Mười ngón tay mày vẫn cụt như thế à? Không mọc ra được nữa à?...”
            Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng, bây giờ đọc lại Rừng xà nu vẫn se lòng, hân hoan, rạo rực. Ở thời điểm truyện ngắn được in ra, ngoài cảm xúc đã nói, còn có thêm niềm tin từ thông điệp truyện. Đó là giải đáp câu hỏi lớn: Có dám đánh Mĩ? Đánh Mĩ bằng gì?
            Sức lôi cuốn của Rừng xà nu ngoài cốt truyện, kết cấu, nghệ thuật miêu tả, dẫn chuyện không thể không nói đến tài năng gợi sự tưởng tượng, suy đoán cho độc giả. Chỉ vài chi tiết như: Tnú nạt Mai “cứ tác như con mang” trên đường đi nuôi cán bộ, hay việc học chữ thua Mai, chuyện anh vượt ngục trở về gặp Mai nơi con nước đầu làng, thế thôi, mà tâm tưởng người đọc hiển hiện một tình yêu lứa đôi đẹp, dường như họ sinh ra là để dành cho nhau. Rồi sau ba năm “đi lực lượng” về thăm làng, Tnú bất ngờ về Dít – cô em vợ: “Mai! Trước mắt anh là Mai đấy! Anh không ngờ Dít lớn lên lại giống Mai đến thế. Cái mũi hơi tròn của Dít ngày nay đã thẳng và nhỏ lại, hai hàng lông mày đậm đến che tối cả đôi mắt mở to, bình thản, trong suốt. Dít nhìn Tnú bằng đôi mắt ấy rất lâu”, câu nói của Dít sau khi xem tờ giấy phép: “Thôi cũng được. Về một đêm cho làng thấy mặt là được rồi. Bọn em miệng đứa nào cũng nhắc anh mãi” và chị cùng cụ Mết tiễn Tnú ra đi, người đọc thầm nghĩ chắc chắn họ sẽ đến với nhau, và chỉ như thế mới là cái kết có hậu.

            Tình yêu thương của tất cả mọi người trong cộng đồng xuyên suốt tác phẩm với những chi tiết chồng chi tiết, đan cài với nhau. Người đọc bị cuốn vào mạch truyện khi cao trào, lúc trầm lắng, căm hận rồi yêu thương, sảng khoái rồi trăn trở…nhưng hết sức logic, chặt chẽ. Độ nén của truyện tương đương một cuốn tiểu thuyết, vậy nên, yêu Rừng xà nu người đọc không thể lướt qua, “cưỡi ngựa xem hoa” mà cần chậm rãi nghiền ngẫm từng chi tiết, hình ảnh, câu văn.

4 nhận xét:

  1. Bài viết hay, cảm ơn tác giả.

    Trả lờiXóa
  2. Mới mẻ và sâu sắc, cảm ơn anh.

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết sâu, thuyết phục. Cảm ơn tác giả!

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn tác giả về bài viết!

    Trả lờiXóa