Buổi trưa.
Trời nắng như đổ lửa. Từ trong quán nhìn ra con đường nhựa hơi nóng bốc lên ngùn ngụt. Mỗi khi cơn gió mồ côi tạt qua, cảm giác da mặt như rộp lên.
Quang – lái xe cho sếp Mạnh, nói với mụ Tư Béo:
- Vãn khách, bà chủ uống với sếp tôi vài lon, nói chuyện cho vui.
Mụ Tư Béo lạch bạch mang xô đá lại.
- Nói chuyện thì được chứ uống thì tôi chịu.
Kế toán Hoạch rót bia cho sếp Mạnh, cười cười:
- Bà chủ không uống được thì nói cô Sen lên uống được chứ?
- Lát nữa tôi bảo nó lên, con đó đang ngủ mà gọi là nó cáu như bà chằng.
- Bà lại nói xấu tui có phải không?
Con Sen bước tới bàn, kéo ghế ngồi xuống, quay qua hỏi Hoạch:
- Anh uống được bao nhiêu mà mời tui?
Thằng Hoạch cười:
- Có sếp Mạnh đây làm chứng, một thùng bia anh uống có hai ba lon, còn lại một lon…
- Vậy là uống không hết được một thùng?
- Đúng rồi, còn một lon anh bảo chủ quán qui ra tiền đổi rượu trắng, như vậy nó mới hơi phê phê.
Mụ Tư Béo cười khạch khạch:
- Mấy anh em cháu Mạnh tiếu lâm quá!
Đến lúc này Mạnh mới lên tiếng, nói với mụ Tư Béo:
- Đi nhậu có tiếu lâm uống mới vô dì ạ.
Cụng li với con Sen, Mạnh coi bộ long trọng:
- Mừng mĩ nhân chiếu cố!
Con Sen cũng ra vẻ thẹn thùng:
- Anh lại chọc em rồi. Mời anh!
Thằng Hoạch đặt li xuống bàn, nói nhỏ với mụ Tư Béo:
- Bà Tư làm món gì mà cô Sen thích ấy, để cô nói chuyện với sếp Mạnh cho vui.
- Nó chỉ thích chình đồng nướng, nhưng ba trăm sáu một kg lận.
Hoạch hơi ngần ngừ một chút, rồi gật đầu:
- Cũng được!
Mụ Tư Béo vừa xuống bếp thì một người khách đi chiếc Honda 67 vào quán. Cả xe và người nhuộm bụi đỏ. Đặt cái túi vải lên bàn, đẩy ngược cái kiếng mát lên đầu, người khách ngồi xuống. Con Sen đứng dậy bước sang lau bàn, hỏi:
- Anh dùng gì ạ?
- Quán cô có những thứ gì?
- Trên rừng, dưới biển, đủ cả!
- Cho tôi một dĩa rau muống luộc, một tô nước rau vắt chanh chua chua một chút…
Thằng Hoạch phì cười, con Sen cũng tủm tỉm, nó hỏi vẻ kiểu cách:
- Quý khách dùng gì nữa không ạ, để quán em phục vụ luôn một thể?
- Cho tôi một ly đá.
Con Sen quay lại bàn, nâng li mời Mạnh, nháy mắt:
- Em uống hết li này thôi, còn phải chạy bàn.
Đưa li đá cho khách, con Sen tỏ vẻ tử tế:
- Quý khách có dùng nước gì không?
Không trả lời con Sen, người khách hỏi lại:
- Có mùi chình đồng nướng?
Thằng Hoạch nói vọng sang:
- Phải đấy, chình đồng ở đây rẻ lắm!
Người khách không đáp, nói với con Sen:
- Chình đồng mà nướng với sả là vứt. Phải để nguyên con, sơ muối, ớt xanh.
Thằng Quang bắt chuyện:
- Có vẻ ông anh cũng sành ẩm thực nhỉ?
- Loại ấy ăn hoài nên biết thôi.
Thằng Hoạch xiên xỏ:
- Có lẽ ăn chán nên mới dùng rau muống luộc?
- Đúng thế!
Quay sang con Sen, người khách hỏi:
- Có tôm hùm không cô, luộc cho tôi một con.
Con Sen tưởng rằng người khách nói kháy lại Hoạch, nên nói mát:
- Dạ, quán em hết tôm hùm nhỏ, chỉ còn loại một kg đến ký hai thôi!
- Được đấy, tôm hùm nhỏ quá ăn không ngon.
Con Sen phân vân, thằng Hoạch nháy mắt, nói bâng quơ nhưng đầy ẩn ý:
- Ăn chơi thì sợ gì ai, em nhỉ.
Người khách mở bi đông rót nước vào li đá. Màu nước vàng trong như mật ong non. Một mùi hương thoang thoảng như hương Brandy. Sếp Mạnh nói nhỏ với thằng Hoạch:
- Đừng coi thường người ta, hình như hắn uống rượu tây.
Mụ Tư Béo mang chình lên. Mạnh nói với người khách:
- Bàn còn rộng, mời ông sang uống vài lon cho vui!
Như lấy lòng Mạnh, mụ Tư Béo hùa vào:
- Phải đấy anh à, sếp Mạnh mời, anh sang ngồi cho vui.
Người khách cầm li và bi đông bước sang:
- Cảm ơn các ông, tứ hải giai huynh đệ!
Uống cạn lon bia Mạnh mời, người khách nói:
- Bây giờ tôi mời lại các ông một li.
Đúng là rượu tây xịn. Mạnh hỏi:
- Có phải đây là dòng rượu nho hương Bandy?
- Anh rành đấy. Tôi đổ vào bi đông mang đi cho tiện.
Thằng Hoạch lén nhìn người khách. Anh ta độ ba tư ba lăm gì đó, dáng người đẹp, rắn rỏi, khuôn mặt toát lên vẻ tự tin, rất đàn ông. Chiếc nanh hổ giữa cổ áo không cài nút càng làm cho anh ta có vẻ bụi bặm.
Con Sen bưng dĩa rau lên, Mạnh nhanh nhảu:
- Anh bảo anh bạn sang đây ngồi cho vui.
Nói rồi, Mạnh giới thiệu tên từng người với người khách. Nghe xong, Mạnh rót rượu, mời con Sen:
- Cô chủ uống với chúng tôi một hớp. Xin tự giới thiệu, tôi tên Kiệt, nghề nghiệp “phá sơn lâm, đâm hà bá”.
Con Sen có vẻ không hiểu, thằng Quang nói:
- Vậy anh làm nghề tự do. Trên đời này cứ tự do là sướng.
Kiệt cười lộ hàm răng trắng ngà, chắc đều như bắp:
- Các anh cũng tự do đấy chứ. Hôm nay đâu phải ngày nghỉ.
Thằng Hoạch bao biện:
- Đi công tác nên mới ghé đây thôi anh ạ.
- Thế cơ sở không mời nhậu sao?
- Anh tính trời này cơm làm sao nuốt nổi, nên kiếu, ra đây làm vài lon cho mát.
Kiệt nháy mắt với Mạnh:
- Hình như mát tâm hồn nhiều hơn, phải không sếp?
Đêm.
Chỉ bảo bé Hòa dọn dẹp quán xá xong, mụ Tư Béo xách ghế ra chỗ con Sen nằm đưa võng.
- Mày tính sao?
- Tính sao là tính sao?
- Thì chuyện thằng Mạnh giám đốc ấy.
- Có sao đâu…
Mụ Tư Béo cằn nhằn:
- Mày kén vừa thôi không lại ế chảy nước ra đấy con ạ!
Con Sen ngồi dậy.
- Bà trù tui phải không? Cứ như bà hết đời Bành Tổ cũng không ngóc đầu lên được.
- Con này lạ, mày tưởng mày đẹp mãi được à? Làm vợ giám đốc còn đòi gì nữa!
- Bà để yên, để tui tính.
- Tính cái gì? Hay mày còn lưu luyến thằng Bách?
- Lưu luyến các con khỉ. Hồi đó tui con nít nên thấy mấy đứa yêu tui cũng yêu cho vui. Tui nghĩ có nên trả lại bảy chục triệu nó hùn mở quán không.
- Ngu lắm con ạ. “Bắc thang lên hỏi ông trời, tiền đưa cho gái có đòi được không?”. Mà trước khi nó đi nó bảo cho mày hết rồi còn gì!
Con Sen im lặng, mụ Tư Béo nhỏ nhẹ:
- Hay mày tính lấy Việt kiều?
- Việt kiều có phải đứa nào cũng giàu đâu. Ở bên đó làm cu li, chênh lệch đồng tiền quá lớn về đây mới huênh hoang. Lấy Việt kiều để sang bển làm cu li hay ở bên này chờ hai năm nó về một lần.
Mụ Tư Béo quạt phành phạch, có vẻ bức bối lắm. Con Sen hạ giọng:
- Tui đang tìm hiểu anh Kiệt.
- Kiệt nào? Tao có nghe nói bao giờ?
- Là người khách nhậu với thầy trò sếp Mạnh đó.
- Trời đất! Cái thằng có vẻ bụi đời đó à, có ăn phải bùa mê thuốc lú không con?
Con Sen cười:
- Tui nói để bà nghe, ngay cả sếp Mạnh cũng mắt tròn mắt dẹt với anh ấy đấy. Rượu tây đổ vào bi đông để uống giá gì cũng vài ba triệu, ba kg tôm hùm bà cũng chém gần năm triệu rồi còn gì. Gọi có kg chình đồng chưa đầy bốn trăm bạc mà thầy trò thằng Hoạch còn ngần ngừ thì có chi là giàu. Cái túi vải anh ấy mang theo hơn kg vàng cám đấy.
- Sao mày biết?
- Dào ôi, thật tội cho dân xóm Chợ cứ xem bà là sành sỏi!
Mụ Tư béo cười:
- Cha bố đẻ nhà mày. Nhưng tao thấy thằng Mạnh vẫn chắc ăn hơn.
- Cái gì mà chắc, chức giám đốc là chức của cha nó đặt, bằng cấp mua, coi chừng ra đường lúc nào không hay. Chi bằng kiếm đứa ngoài đường trước nó rành rẽ hơn. Với lại cha hắn nói kiếm cho hắn con vợ “môn đăng hộ đối”, vậy bà có xứng tầm với bí thơ tỉnh không?
Mụ Tư Béo ngạc nhiên:
- Cách chi mà mày biết, biết thế sao còn cặp với nó?
- Lại nữa, tui cặp với nó là cặp hờ thôi, để nó kéo khách tới cho bà chém cho sướng tay. Sơ sơ quà cáp sinh nhật tui, tết nhứt cho bà cũng xấp đôi số tiền Bách hùn rồi.
- Giờ mày tính sao?
- Thì vẫn phải ngọt ngào với Mạnh, đưa đẩy với anh Kiệt, tùy cơ ứng biến, để tìm hiểu anh Kiệt ra sao đã. Bà cứ lờ đi coi như không biết cho tui.
Hai tháng sau.
Thằng Quang vừa đỗ xe, mụ Tư Béo đã chạy ra đon đả:
- Tưởng sếp Mạnh quên cái quán này rồi.
- Mới hơn tuần không ghé chứ mấy. À, tuần rồi tay Kiệt có ghé đây không dì?
- Có, tui nhận không ra, đi xe con đẹp lắm, có tài xế riêng.
- Tay đó là đại gia thứ thiệt đó.
- Sao sếp biết?
- Thì con đi học ở Đà Nẵng. Hôm ra chơi bán đảo Sơn Trà mới biết tay Kiệt đang xây khách sạn ba, bốn sao gì đấy. Hỏi Kiệt Kỳ Nam ai cũng biết.
- Hèn gì. Tuần rồi ghé đây nói vô Sài Gòn làm chi đó, nói bữa nay hay mai ghé lại.
Sếp Mạnh, Quang và con Sen đang nhậu thì tiếng còi xe vang lên. Không nghe tiếng còi có lẽ không biết xe vào đỗ bên hông quán. Chiếc Lexus màu đen bóng loáng mang biển số ngoại giao. Anh tài xế cao lớn, đầu húi cua vòng qua đầu xe mở cửa. Một người đàn ông trung niên sang trọng xách cặp da hàng hiệu Italy bước xuống. Con Sen nhìn ra.
- Trời đất, anh Kiệt, nhận không ra!
Sếp Mạnh đứng dậy, bước tới, chìa tay bắt:
- Chào ông anh đại gia. Vừa rồi tôi đi Đà Nẵng có ghé bán đảo Sơn Trà, anh xây khách sạn lớn quá!
- Người ta làm mình cũng làm cho vui thôi mà.
- Anh làm cho vui có lẽ cả đời bọn tôi theo không kịp quá.
Quay sang anh tài xế, Kiệt nói:
- Chú ra lấy chút quà cho bà Tư, cô Sen.
Mụ Tư Béo mang lên con gà sao hấp lá chanh, nói với Kiệt:
- Cảm ơn anh nhá. Hồi giờ tui mới biết yến huyết. Mà nói thật, cũng chưa biết cách dùng nữa.
Thằng Dương, lái xe cho Kiệt, nhanh nhảu:
- Để chút nữa cháu ghi cách sử dụng cho bà Tư.
Uống xong lon bia, Kiệt nói với thằng Dương:
- Lấy chai Henesy vào đây, cầm luôn hai chai rượu chát Chi lê nữa.
- Lúc nào nhậu anh cũng uống rượu tây à? Quang hỏi.
- Làm gì có, chủ yếu là rượu đế thôi à. Cái thứ mồi tôm hùm hợp với rượu chát hâm nóng.
Con Sen hỏi:
- Có phải cho quả xí muội vào không anh? Em thấy người ta làm thế.
- Đó là đối với loại vang Đà Lạt thôi.
- Anh xây khách sạn cũng đúng, anh là bậc thầy ẩm thực còn gì?
Kiệt cười:
- Nhậu nhiều thành quen. Vừa quen thói vừa quen bè bạn. Quen nên được bè bạn giúp đỡ.
Con Sen gắp cái đùi gà bỏ vào chén Kiệt, thằng Dương đổi chén nó cho Kiệt, nói với con Sen:
- Xin lỗi chị, anh Kiệt chỉ ăn cánh hay miếng xương sống thôi.
Sếp Mạnh cười:
- Anh Kiệt thích bay cao mà!
- Số mình nó khổ nên thích miếng xương xẩu. Nhậu là hưởng thụ nhưng khi gặm miếng xương nó nhắc việc phải làm, nhắc cho mình nhớ cái thuở đói nghèo có được miếng xương mà gặm là sáng mắt.
Con Sen tủm tỉm:
- Anh Kiệt triết lý ghê. Em thì em cứ ngon là được. Có cơ hội hưởng thụ là thụ hưởng, cuộc đời ngắn lắm mà anh.
Sếp Mạnh cụng li rượu với Kiệt, uống cạn:
- Tôi thấy cô Sen nói có lý anh à.
- Thì tôi có phản bác đâu, mỗi người một quan niệm sống nhưng với tôi hình như khi người ta hưởng thụ thì thời gian ngắn lại.
- Có phải vì sợ đời ngắn lại nên trời nắng như đổ lửa mà anh vẫn cưỡi 67 đó không?
- Có lúc phải lăn lộn chứ, thực ra đi 67 hay Lexus cũng vậy, là phương tiện cả thôi. Đi 67 trong đầu nghĩ có một việc, đi Lexus lại bốn năm việc, rối tinh rối mù cả lên.
- Anh nói thế chứ, tôi thấy anh lúc nào phong thái cũng ung dung kia mà.
- Lúc ăn uống nhậu nhẹt chả lẽ chạy. Nói thiệt cái tháng này tôi đang vắt chân lên cổ đây. Tưởng rằng sau chuyến đi này được xả hơi vài tuần nhưng lại phải chạy, lâu lâu có mối lớn bỏ uổng lắm.
Con Sen đùa:
- Chia cho em, em chạy giùm cho!
Sếp Mạnh hỏi con Sen, vẻ tò mò:
- Em chạy giùm anh Kiệt cái gì?
- Bí mật.
Mụ Tư Béo mang tôm hùm lên. Thằng Dương xúc cho Kiệt mấy muỗng gạch rồi nói:
- Tranh thủ thôi anh, không biết nửa tháng có kịp không?
Uể oải cắn khoanh tôm chắc như khoanh giò, thằng Dương cằn nhằn:
- Cũng tại anh nôn, thư thư vài bữa giờ có đỡ khổ không.
Sếp Mạnh hỏi:
- Có việc gì vậy, anh Kiệt?
Kiệt đang ăn muỗng gạch tôm, chưa kịp trả lời, thằng Dương đáp:
- Thì chuyển tiền đầu tư sang Singapore. Giờ phải gom tiền lấy hàng bên Lào. Trăm tỷ chứ có phải trăm triệu đâu.
Sếp Mạnh lắc đầu:
- Anh Kiệt làm ăn ghê thiệt. Không hổ danh là Kiệt Kỳ Nam!
Kiệt ngạc nhiên:
- Tôi tưởng chỉ dân thành phố Đà Nẵng gọi tôi như thế, anh cũng biết à?
- Thì tôi mới đi Đà Nẵng về mà. Nói thiệt, nếu được cho anh em tôi hùn với.
- Có cho mẹ con em tham gia không? Con Sen hỏi.
- Sợ lời lãi ít em không chịu thôi!
Mụ Tư Béo ruột nóng như lửa, theo hẹn đã mười ngày trôi qua rồi vẫn không thấy tin tức của Kiệt. Mụ bấm đốt ngón tay, nói một mình:
- Nó bảo sang Lào rồi đem hàng vô Sài Gòn độ mười ngày, nay hai tám rồi, vị chi là quá hẹn mười ngày. Con Sen điện thoại không bắt máy, giờ biết tính sao đây hở trời…
Rồi mụ òa khóc nức nở:
- Nó giết tôi rồi, trời ơi là trời!...
Con Sen nghe tiếng gào, từ trong nhà lật đật chạy ra:
- Cái gì, bà gào cái gì đấy?...
Đang ngồi trên ghế, mụ Tư béo lăn đùng ra, giãy đành đạch.
- Chết rồi con ơi, tại mày, tao nói ưng thằng Mạnh không chịu nghe…giờ thì chết rồi con ơi…
Con Sen cũng gào lên:
- Đừng có đổ vào đầu tui, tui nói mình có bao nhiêu góp bấy nhiêu, bà tham nên vay mượn thế chấp thêm kia mà. Chờ thêm vài bữa nữa rồi hãy tính.
- Chờ gì nữa mà chờ, bị lừa rồi…khuynh gia bại sản rồi con ơi…
Có tiếng xe máy. Con Sen bảo:
- Bà im đi, có khách, đừng để người ta biết!
Ông Thạch, thằng Dũng đi vào. Ông Thạch tằng hắng:
- Có chuyện gì mà mẹ con to tiếng thế?
Con Sen ấp úng:
- Dạ, chuyện riêng của cháu thôi mà.
Mụ Tư Béo gượng gạo:
- Tui bảo nó lấy chồng nhưng nó không nghe.
Thằng Dũng nhún vai, ra vẻ sành đời:
- Con Sen lấy chồng thì khó gì, chưa đại gia nào vừa mắt nó thôi, bà lo gì.
Ông Thạch nói với bà Tư Béo:
- Hồi trước bà nói vay đúng mười ngày, chậm nhất là mười hai ngày đem trả cho tôi cả vốn lẫn lãi, giờ quá hạn mười ngày rồi tính lãi gộp vào luôn chứ. Ông Kiểm nhờ tôi nói với bà đem tiền sang cho ông ấy để ông ấy trả tiền hàng, đúng kỳ rồi.
Mụ Tư Béo thở dốc, con Sen giọng lập bập:
- Xin bác và anh thư cho vài bữa nữa…Dạ, mẹ con cháu sẽ trả.
Đúng lúc ấy chiếc xe Toyota quen thuộc đỗ xịch trước cửa. Đóng cửa cái rầm, sếp Mạnh hớt hơ hớt hải:
- Mất toi rồi, mất toi hết rồi bà Tư ơi.
Mụ Tư Béo mặt trắng bệch, mắt trợn trừng, miệng ú ớ. Con Sen ngồi phịch xuống ghế.
- Cũng tại cô, tại cô tất cả mà đời tôi đen như chó mực.
Con Sen mặt đanh lại:
- Đừng có đổ tại tôi, tại anh tham. Nhà tôi cũng khác gì anh.
- Khác gì! Khác gì…Cô nói thế mà nghe được. Nhà cô có hai tỷ rưỡi, còn tôi hai lăm tỷ. Hai lăm tỷ, cô nghe rõ không!
Con Sen trả treo:
- Nhà tôi mất hai tỷ rưỡi đồng nghĩa với mất tất cả tài sản cọng thêm nợ nần. Còn anh mất nhà ư? Nhà ấy đâu phải mồ hôi nước mắt anh làm ra, của tham nhũng đấy chứ! Tại gì tôi? Tại anh tham. Mươi, mười hai ngày lãi 25% nên tối mắt thôi. Anh còn leo lẻo rành kỳ nam lắm cơ mà!
Sếp Mạnh đỏ mặt, lớn tiếng:
- Cái nhà chỉ sáu tỷ thôi, còn tôi vay ngân hàng mười chín tỷ kia đấy!
- Anh là giám đốc mới vay được ngân hàng số tiền ấy. Còn tôi vay của dân, người ta đang đến đòi nợ kia kìa.
Ông Thạch, thằng Dũng đưa mắt nhìn nhau. Nuốt nước bọt, ông Thạch nói:
- Hóa ra các người vay để đi buôn lậu!...
Không ai trả lời câu hỏi của ông Thạch. Sếp Mạnh nói với con Sen:
- Thôi cô trả tôi những gì tôi đưa cô. Chúng ta đường ai nấy đi!
Con Sen bỗng cười khanh khách mà nước mắt vẫn chảy tràn:
- Nực cười, đã tặng còn đòi lại!
- Đó là để cô lấy tôi.
- Bắc thang lên hỏi ông trời nhé. Anh làm giám đốc, bố bí thơ tỉnh, con nhà dòng dõi mà quá ti tiện. Anh Bách trước khi chia tay tôi không thèm lấy bảy chục triệu tiền hùn, cho mẹ con tôi mượn cái quán này làm ăn. Tôi có đòi gì ở anh, anh tự nguyện cho chứ. Bây giờ lộ rõ cái bản mặt “phong lưu công tử” rồi nhỉ.
Tháo sợi dây chuyền, cái nhẫn mặt đá ruby, con Sen đưa cho ông Thạch.
- Hai món này trị giá hai trăm triệu, ông cầm lấy. Khi nào có tiền mẹ con tôi sẽ trả. Giờ chỉ còn cái nhà trong xóm, ông lấy thì coi như hết nợ.
- Thế còn món nợ ông Kiểm?
- Tôi gán cái thân tôi là được chứ gì? Con Sen nói giọng chua chát.
Sếp Mạnh trơ trơ đứng nhìn hành động của con Sen thì thằng Quang vào kéo áo:
- Về thôi, thằng Hoạch gọi điện bảo Viện Kiểm sát còn bổ sung tội sử dụng bằng giả để đủ tiêu chuẩn làm giám đốc nữa.
Tháng chạp, ngày hai sáu, ngày cực tốt cho việc hôn thú.
Bé Hòa cứ loay hoay mãi với việc trang điểm cho con Sen. Bực quá, nó nạt:
- Chị khóc thì khóc cho hết nước mắt đi, mất công tui đánh phấn.
Cái Vân, bạn của bé Hòa, đang tết tóc cho con Sen, chọc:
- Người ta vui quá mà. “Cười như cậu khóa hỏng thi/ khóc như cô gái ngày đi lấy chồng”.
Con Sen cố nén tiếng nấc:
- Chị không muốn khóc mà nước mắt cứ trào ra. Nghĩ mà thương anh Bách quá. Như người khác khi về, lấy lại quán cho chị biết mặt, đằng này…
- Thì bây giờ chị tha hồ thương anh Bách, chứ khóc lóc gì.
Rồi bé Hòa hỏi:
- Thím Tư và chị bán quán này ngày nào cũng phải trả nợ cho lão Kiểm à?
- Trả nợ thì đã may. Mụ vợ lão Kiểm ngày nào cũng thu trăm ngàn dù là quán đông hay vắng khách. Mụ bảo khi nào trả đủ một lần năm trăm triệu thì mới hết thu lãi. Biết đến khi nào đây. Anh Bách biết hoàn cảnh nhà chị mà vẫn lấy chị để gánh nợ.
Mụ Tư Béo đi vào giục:
- Lẹ lẹ lên một chút, sắp tới giờ rồi!
Bé Hòa cãi:
- Từ trong buồng bước ra chứ đưa rước đâu mà chậm với trễ.
Con Sen bước ra hôn trường với chiếc áo dài màu tím Huế trông chẳng khác nào tiếp viên hàng không. Đám thanh niên trầm trồ, xuýt xoa về vẻ đẹp mặn mà của nó. Có đứa chặc lưỡi: “đẹp thì đẹp thật nhưng gánh nợ tiền tỷ biết có hạnh phúc không nữa?”.
Khi mời rượu mụ Tư Béo, thằng Bách rút từ túi trong áo vét ra một cái phong bì, nó nói:
- Đây là món quà con tặng mẹ ngày chúng con nên nghĩa vợ chồng. con xin hứa suốt cuộc đời này luôn luôn ở bên, bao bọc, che chở cho vợ con. Mẹ mở ra xem đi.
Mụ Tư Béo đưa phong bì cho bé Hòa mở hộ. Rút từ phong bì ra một cái bìa đỏ gập đôi, bé Hòa đọc:
- Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất…cấp cho bà Huỳnh Ngọc Tư…
Mụ Tư Béo run lẩy bẩy, trào nước mắt:
- Ông ơi…thế là ông có chỗ đi về rồi…tôi biết có bao giờ ông không phù hộ mẹ con tui đâu…
Thằng Bách nói với bé Hòa:
- Đang còn cái giấy trong phong bì nữa, em đọc đi.
Bé Hòa lại lôi ra tờ giấy đọc. Thì ra giấy thanh toán tiền nợ lão Kiểm! Con Sen ôm chặt thằng Bách thổn thức:
- Đời này, kiếp này em nguyện làm trâu ngựa cho anh!...
Thằng Bách siết nhẹ vai con Sen, nhỏ nhẹ:
- Anh chỉ muốn em là vợ hiền của anh thôi. Thực ra anh cũng có lỗi với em đấy…
Bảy năm sau.
Sen đang cho con bé Loan ăn bột thì cu Việt đi học về. Nó chạy đến khoe với mẹ:
- Má, hôm nay con được mười điểm toán nhưng kể chuyện chỉ được tám điểm thôi, tại má đấy.
- Sao lại tại má, con?
- Má không mua truyện cổ tích cho con đọc. Đọc truyện tranh kể khó lắm.
- Ừ, để má nói với ba mua cho con.
Cu Việt đến nựng má con em, con bé cười tít mắt.
- Ăn ngoan vào, ba mua truyện anh hai đọc cho Út cưng nghe.
Con Vân phụ bán quán cho Sen bước vào, chọc cu Việt:
- Gì mà Út cưng, má mày còn để bảy tám đứa nữa, lúc đó anh em mày ra rìa.
Cu Việt trả treo:
- Cô Vân không biết gì cả, cô giáo bảo mỗi gia đình chỉ có hai con thôi.
Con Vân không trả lời cu Việt, đưa cho Sen lá thư.
- Lúc nãy có một cô xinh lắm cùng với tài xế vào ăn quán mình. Ăn xong gửi cho chị lá thư và một gói quà. Gói quà em để ngoài quán. Em nói chị đang có nhà, cô ấy bảo đưa giùm người ta.
Sen mở phong bì, rút lá thư ra . Những dòng chữ đều đặn, cứng cáp, phóng khoáng gây thiện cảm cho người đọc.
Viên chăn, ngày…tháng…năm…
Chào em!
Có lẽ em chưa đoán ra ai gửi bức thư này cho em đâu. Biết tên rồi em sẽ chửi, sẽ hận. Anh biết chắc chắn là như vậy.
Anh là kẻ làm gia đình em điêu đứng, phá sản trước khi em lấy chồng. Nói thế em biết anh là ai rồi!
Cái tên Kệt Kỳ Nam là tên thật của một đại gia ở Đà Nẵng. Ông ta chỉ giống anh ở chỗ buôn bán trầm, kỳ nam và vàng cám thôi. Lần đầu tiên gặp em anh dùng cái tên ấy là có dụng ý. Lúc đầu anh tính lừa em để trả thù cho Bách-ân nhân của anh, mà thôi. Nào ngờ oan gia ngõ hẹp, trời run rủi cho anh gặp luôn thằng Mạnh, con của kẻ thù gia đình anh. Vì chức quyền, bổng lộc mà cha nó đã gài bẫy đưa cha anh vào tù để xóa dấu vết tham nhũng, hối lộ.
“Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Có cơ hội anh nảy sinh ý nghĩ báo thù. Báo thù cho Bách và cho gia đình anh.
Sau khi lừa được thằng Mạnh và nhà em, gặp lại Bách thì anh mới biết Bách vẫn rất yêu em. Hồi đó Bách tham gia nhóm khai thác vàng lậu ở Tân Lộc. Anh không nói cho Bách biết việc anh làm, chỉ âm thầm đạo diễn cho nhóm Bách trúng vàng để Bách trở lại với em.
Chuyện thằng Mạnh chắc em cũng biết rồi, cha nó bỏ tiền ra trả ngân hàng để nó không phải ở tù. Nó chỉ mất chức vì sử dụng bằng giả mà thôi. Mất chức, cha nó cho nó một cái nhà trong Sài Gòn làm ăn buôn bán, nhưng có lẽ nó thừa hưởng dòng máu lừa thầy phản bạn cọng thêm lười biếng, cờ bạc nên nợ nần giang hồ phải trốn ra nước ngoài, làm cu li.
Sau khi em lấy Bách anh cũng cho mấy đứa em qua lại tìm hiểu gia đình em. Tuy rằng khi lấy Bách chưa trả được hết nợ nhưng sống được nên anh dùng số tiền lừa được của gia đình em đầu tư hộ em.
Số tiền anh lấy được của thằng Mạnh đầu tư có lãi bao nhiêu anh làm từ thiện bấy nhiêu. Anh trồng cao su ở Lào, đã thu hoạch được hai năm. Anh tính sẽ trở về đầu tư ở Việt Nam, quê hương vẫn hơn em à. Số tiền của em giờ mua được một khách sạn kha khá ở Đà Nẵng đấy.
Thôi, anh viết vậy cho em biết. Bách là ân nhân của anh vì đã không màng hiểm nguy cứu sống anh giữa dòng suối lũ, rồi cũng đã giúp anh lấy lại được ba lô kỳ nam bị đàn em Kiệt Kỳ Nam cướp. Anh nhớ Bách đã từng nói với anh: “Cái gì cũng phải biết dừng lại đúng lúc”, “Hưởng thụ sung sướng nhất là những gì mình làm ra…”. Không biết Bách đã kể chuyện này cho em nghe chưa.
Em hỏi Bách về anh Trần Tuấn thì sẽ rõ. Tháng sau anh về nước, ghé thăm vợ chồng em. Cho anh gửi lời xin lỗi dì Tư. Chúc toàn gia đình em khỏe, hạnh phúc.
Trần Tuấn.
Con Vân thấy Sen chùi nước mắt, nó hỏi nhỏ:
- Có chuyện chi buồn hả chị?
- Vừa buồn vừa vui em à. Trên đời chuyện gì cũng có thể xảy ra. Giờ nghĩ lại, chị cảm ơn số phận đã cho chị lấy được anh Bách. Nghĩ lại trước kia đã từng ruồng rẫy anh, thật xấu hổ…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét