Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

CÁI TÊN CỦA NHÀ THƠ


     Năm 1938, lúc ấy Tố Hữu 18 tuổi, vừa được kết nạp vào Đảng. Anh sang Lào, gặp một nhà nho lão thành, ẩn dật tại đó, sống bằng nghề câu cá. Anh thanh niên tân học nói chuyện với với cụ hàn nho về chủ nghĩa cộng sản, theo cách của anh, như anh quan niệm. Họ tâm đắc sống trong tình bầu bạn: một ông cụ với một thanh niên. Bấy giờ chàng thanh niên đọc mấy bài thơ của anh. Cũng như mọi nhà nho, cụ ngư ông  yêu thơ, thích Đường thi. Nghe xong, cụ hỏi anh đã lấy tên gì làm bút danh. Không có cái tên nào ngoài tên cha mẹ đặt, anh lúng túng:
     - Tên ư…nhưng mà…
     Ông cụ bảo anh:
     - Anh ạ, anh là một tác giả, anh là thi sĩ. Chắc anh nhớ chuyện Khổng Tử và Hạng Tác chứ? Như thế này: một hôm, Khổng Tử gặp một cậu bé và hỏi cậu ta: “cháu biết có bao nhiêu sao trên trời không?” Cậu bế nhanh nhảu trả lời: “Nhưng ông, ông có biết ông có bao nhiêu sợi lông mày không?”, “Hừm, ta chẳng biết, không…” – “Ông mà không biết ông có bao nhiêu lông mày, làm sao ông lại muốn tôi trả lời có bao nhiêu sao ở trên trời?”. Một điều rất gần mà ta chẳng biết… huống là chuyện trên vũ trụ…nó nói rất đúng! Khổng Tử nghe vậy nói to lên điều này: “Em bé này tự nó có một tâm trí lớn! Ôi, thật là tố hữu!”
     Nguyên văn chữ Hán: Tố là tự mình, trong mình. Hữu là có, sở hữu. Em bé này tự mình có những ý nghĩ lớn…trong mình có – tức là tố hữu.
     Ông cụ thành tâm khuyên:
     - Cái tên đó hợp với anh, anh xứng đáng nhận cái tên đó lắm.
     Và Tố Hữu, một hôm, khi nữ thi sĩ Pháp Mirây Găngxen nhắc lại chuyện trên đây, đã cười và nói thêm:
     - Nhưng tôi không phải là Hạng Thác và cụ nhà nho cũng không phải là Khổng Tử! Cái ấy nó như vậy, đặng mà có một cái tên nào đó, để in ra hoặc là để đăng báo. Đó là lần đầu tiên tôi kể chuyện ấy ra, tôi cũng không muốn biết việc ấy. Đó là một bí mật! Bởi vì chị biết đấy, mà công khai một cái tên như thế là khó lắm, cho nên sau đó, tôi đã cho nó một nghĩa mới: Tố là tự mình, như ng Tố (chữ Nho) cũng có nghĩa là đẹp, trắng, trong – và Hữu cũng có nghĩa là bạn – bạn tôi…Như vậy, hợp với tôi hơn là nghĩa chính. Vả lại, tôi cũng không nghĩ tới nữa. Ấy là một cái tên như những cái tên khác. Tôi có tên đó như người ta có tên gọi là Bạch, là Hoàng, chị biết đấy…
     Còn như tên khi cha mẹ đẻ ra, ôi! Lại là một cái dại khác nữa: Nguyễn Kim Thành – Thành bằng vàng - ấy đó, cái dại này to hơn nhiều. Cho đến bây giờ, tôi chỉ nhận một cái tên thôi. Tên ấy do một bà mẹ đặt cho, một bà cụ nông dân ở Bắc Việt Nam, trong những ngày tôi hoạt động bí mật. Tôi đến nhà bà cụ với một đồng chí nữa, cũng trong vòng bí mật như tôi. Trong hoạt động bí mật, cần phải mỗi người tự đặt cho mình một cái tên. Bà cụ hỏi bạn tôi:
     - Con tên gì, hả?
     - Ô, con ấy à…dạ…(anh ta tìm một cái tên) dạ, con tên Hiền.
Bà cụ quay lại hỏi tôi:
     - Nó tên Hiền con tên Lành, được chứ?
     Không phải tôi nói cái tên ấy lên, chính bà mẹ, bà mẹ đã cho tôi cái tên ấy.
     Đó là sau khi vượt ngục. Giữa đồng chí hoạt động với nhau, cho đến lúc này chưa ai biết tôi là thi sĩ. Khi người ta gọi Tố Hữu, khi gọi là Lành. Nhưng tôi thích hơn là Kim Thành, thành vàng! Tôi là…như vậy đó thôi…luôn luôn là một người bạn…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét