Sáng ngủ dậy, con đứa đi đông đi tây, vợ về quê làm đám giỗ, chán quá. Lúc chưa nghỉ hưu, giờ này không biết nhận lời đi ăn sáng với đứa nào, từ chối đứa nào. Chiều phải cho chúng nó cái hẹn để chúng khỏi phân bì thương đứa này bỏ đứa kia. Thế mà từ khi nghỉ hưu, tính đến nay chưa tròn tháng mà nhà vắng như chùa Bà Đanh.
Gọi điện thoại cho cái thằng mình cất nhắc nó lên thay, chưa xong câu hỏi thăm nó đã bảo bận tối mắt tối mũi, đang vội. Lạng xe qua nhà hàng đặc sản trước đây thường ăn sáng, thấy nó bệ vệ ngồi giữa, mấy đứa trưởng phó phòng xun xoe, thấy mà ghét. Hình như nó thấy ông thì phải. Thôi đành tìm cái quán bình dân vậy. Hết quan hoàn dân, ai cười. Với lại, khi còn làm quan, bổng lộc nhiều, cần quái gì đến mấy đồng lương. Giờ, lương hưu chỉ còn 75%, mấy đứa con, bà vợ quen thói ăn tiêu như hồi ông còn làm Chủ tịch, thành ra, chưa đến nỗi thiếu hụt lắm nhưng cứ chi ra không có thu vào nên cứ bức bối sao sao ấy.
Vừa bước vào quán, loay hoay tìm chỗ ngồi, ông nghe tiếng gọi:
- Anh Tám, vào đây.
Thì ra mấy tay về hưu trước ông mấy tháng. Cậu Hữu, phó phòng Tư pháp nghỉ trước một năm vì hai năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ. Cậu Nam , Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự, chưa đầy năm lăm tuổi nhưng cơ quan cho nghỉ trước mấy tháng chờ quyết định. Chỉ ông Ba Vui, Giám đốc Chi nhánh Du lịch là về đúng tuổi.
Kéo ghế cho ông Tám ngồi, cậu Hữu nói:
- Trái đất tròn, thời gian trôi nhanh thật. Cứ tưởng anh Tám ăn sáng ở nhà hàng đặc sản chứ?
- Thì cũng như mấy ông thôi.
Ba Vui cười:
- Bọn tôi và anh khác nhau chứ, chúng tôi là tiểu nhân, anh là đại nhân!
Ông Tám bực tức:
- Khác cái con khỉ, hết quan hoàn dân, như nhau cả thôi!
Không khí căng thẳng thì mất vui, cậu Nam lái sang đề tài khác:
- Ông Hữu còn nhớ cách đây hơn chục năm, tụi mình nhậu ở nhà anh Ba Vui không?
- Nhớ, nhớ, hôm đó cũng bốn anh em mình, anh Tám lúc đó mới chỉ Chánh văn phòng.
Né người cho chủ quán đặt tô phở lên bàn, Ba Vui nói:
- Mình còn nhớ hôm đó nhậu xong, uống nước trà cao hứng mấy anh em làm thơ liên vận nữa. Mấy ông còn nhớ câu thơ mấy ông làm không? Ai không nhớ tôi đọc hộ cho.
- Nhậu cả ngàn bữa nhưng được mấy bữa nhậu vui như hôm đó, đúng là tri kỷ. Cậu Hữu đọc lại đi, ông Tám góp lời.
Húp một chút nước dùng, đặt muỗng xuống, Hữu đọc với giọng điệu nghiêm trang:
Làm trai phải hiểu lẽ ở đời.
Ba Vui cười, đọc tiếp:
Biết đi đây đó, biết ăn chơi.
Cậu Nam giống Ba Vui, đậm dấu ấn nghề nghiệp, khuyên bảo:
Ngày lễ bia ôm đừng léo hánh.
Ông Tám hạ câu chốt:
Ô to chạy mánh ắt ngon xơi!
Mấy thực khách bàn bên cũng bật cười, có cô gái dùng khăn bịt chặt miệng cho khỏi bị sặc. Ba Vui đề nghị:
- Bây giờ làm bài thơ nói về hoàn cảnh thực tại đi.
Cậu Hữu nói:
- Nghề nghiệp tôi nó khô khan, nó liễm vào đầu óc, làm sau chắc không được, tôi đành hỗn, xin đọc trước:
Về hưu buồn chẳng có bạn chơi.
Ba Vui tiếp, không biết có ý kháy ông Tám hay không:
Lang thang quán xá chẳng ai mời.
Cậu Nam giọng thơ vẫn cái bệnh nghề nghiệp:
Thấy bóng từ xa chúng nó né.
Ông Tám nghe Ba Vui đọc đã bực, cậu Nam đọc lại làm ông tức hơn. Chúng nó cứ như đi guốc trong bụng ông vậy. Mẹ kiếp, chỉ cách đây hơn tháng,…ông đâu có tưởng tượng được cái cảnh này. Đang mãi suy nghĩ, Ba Vui giục:
- Đến lượt anh Tám hạ câu chốt rồi đó!
Như để có thời gian cho ông Tám tìm vận, cậu Hữu đọc lại ba câu thơ:
Về hưu buồn chẳng có bạn chơi
Lang thang quán xá chẳng ai mời
Thấy bóng từ xa chúng nó né
Ông Tám văng tục:
Buồn cho nhân thế đéo mẹ đời!
Câu tục của ông Tám không vượt ra ngoài đề tài cậu Hữu khởi xướng. Nhưng không ai ngờ, một ông Tám trước đây lời ăn tiếng nói luôn chừng mực, giờ lại thế.
Đưa ly nước cho ông Tám, ba Vui nói:
- Buồn đời làm gì anh Tám, ít ra anh cũng có chúng tôi là tri kỷ mà!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét