Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

CHUYỆN CẬU TRỌC LÀNG ĐÔNG (2)



     Từ Khi sinh ra cho tới ngày thôi nôi Cậu trọc quặt quẹo luôn. Bà Cả Nhẫn nghe lời bà cô họ đem bán cho đền Thánh Mẫu, ngôi đền nổi tiếng linh thiêng, như có phép tiên, Cậu Trọc chịu bú, chịu ăn như những đứa trẻ bình thường khác. Ông từ giữ đền bảo cả trăm người đem con bán cho thánh nhưng ngài không nhận, riêng Cậu Trọc xin quẻ, thánh nhận ngay. Con Thánh Mẫu ai cũng phải gọi bằng Cậu, kể cả cha mẹ.
     Năm mười hai tuổi, bà Cả Nhẫn đem Cậu đi lễ. Ông từ lấy cho lá số. Tính toán xong, ông thở dài, bảo Cậu lỗi giờ sinh nhưng nhờ cung phúc đức cha mẹ tốt nên thánh giữ lại giúp việc cho ngài.
     Mười bảy tuổi, đang chuẩn bị thi tốt nghiệp cấp III thì Cậu ốm. Đưa khắp bệnh viện huyện, tỉnh mà bệnh ngày càng nặng. Nhìn Cậu thoi thóp trên giường bệnh ông bác sĩ già cũng chỉ biết lắc đầu. Bà Cả Nhẫn đành đem Cậu về nhà để Cậu được chết dưới mái nhà của Cậu, vong có chỗ khỏi vất vưởng ngoài đường.
     Đưa Cậu về, người làng đến thăm nườm nượp vì tiếc cho làng, Cậu ngoan, học rất giỏi; thương cho bà Cả Nhẫn ăn ở biết điều mà chỉ có một mụn con. Bà cụ Rạng, người cao tuổi nhất làng, nói với bà Cả Nhẫn:
     - Cậu là con của thánh, thánh gọi đi là phải đi. Thôi thì con lấy chai nước giếng làng lên đền thắp hương rồi đem về rửa mặt cho Cậu để Cậu đi cho mát mẻ.
     Ông Hiếu, em bà Cả Nhẫn đổ chai nước vừa đủ ướt chiếc khăn mặt lau cho Cậu. Đang định lau lần nữa thì Cậu mở mắt, đòi uống nước. Cho uống nước sôi để nguội Cậu phun ra. Bà cụ Rạng bảo ông Hiếu:
     - Cho uống nước mang từ đền về con ạ.
     Nghe lời, ông Hiếu cho Cậu uống. Uống xong Cậu thở mạnh và đều hơn, sắc mặt bớt nhợt nhạt. Chiều, Cậu kêu đói, đòi ăn. Rồi bảy ngày sau Cậu khỏi bệnh.
     Khỏi nói bà Cả Nhẫn mừng như thế nào khi Cậu khỏi bệnh. Bà gọi ông Hiếu đến bàn bạc, tính làm mâm xôi, cái thủ lợn lên đền lễ tạ. Biết chuyện, Cậu Trọc nói:
     - Thánh thần chỉ hưởng hương hoa. Lễ bằng hoa quả, trái cây thôi.
     Bà Cả Nhẫn nghe con nói vậy cứ áy náy không biết làm sao, thôi thì mua thêm hoa quả, trái cây chứ lễ như Cậu nói cứ thấy thiêu thiếu, không đành.
     Bà Cả Nhẫn, ông Hiếu sắp lễ chuẩn bị lên đền, Cậu Trọc bảo để Cậu khấn vọng đã. Không biết Cậu khấn thế nào, khấn xong, Cậu bảo:
     - Mâm xôi và cái thủ lợn phần con. Cậu, mẹ lên đền lễ mẹ con chỉ bằng hoa quả thôi.
Nói rồi, Cậu ra vườn rọc lá chuối, xắn một góc xôi, cắt một miếng thịt thủ gói lại, bảo ông Hiếu:
     - Cái này cậu đưa cho ông từ.
Gói một gói xôi thịt như vậy nữa, Cậu đưa cho bà Cả Nhẫn:
     - Cái này biếu cho bà cụ Rạng!
Cậu lọc hết thịt còn lại trên cái thủ lợn, thái miếng gói chung với phần xôi còn lại, Cậu nói với ông Hiếu trước khi bước ra cửa:
     - Phần này của tiểu đồng!
Cậu đem gói xôi thịt ra ngoài bãi gọi đám trẻ chăn trâu lại ăn, chơi với chúng đến chiều tối mới về nhà.

     Từ khi khỏi bệnh tính tình Câu Trọc khác hẳn, lúc trước Cậu nhút nhát, ít lời. Giờ, việc gì trái tai gai mắt là Cậu nói thẳng, quá lắm thì Cậu chửi. Có lần, đội phó đội dân quân tự vệ làng - Đỗ Lại vứt mấy con gà chết dịch ngoài cổng làng, Cậu Trọc thấy, hỏi:
     - Ông đem về vườn ông đào hố chôn, không được vứt như vậy, lây lan gà trong làng thì sao?
Đỗ Lại lớn tiếng:
     - Tao có vứt vào nhà mày đâu mà mày ngứa họng!
Cậu Trọc chửi:
     - Đồ vô lại nhà mày. Mày là đồ vô lại thì đúng hơn tên mày là Đỗ Lại!
     Đỗ Lại sừng sộ nắm cổ áo Cậu Trọc. Nhổ bãi nước bọt, Cậu nói:
     - Mày gan cỡ nào mà dám đánh Cậu? Để Cậu khấn thánh vặn cổ nhà mày!
Đỗ Lại buông tay, bỏ đi. Chiều, cả nhà đang ngồi ăn cơm thì nghe tiếng chó sủa, rồi tiếng "bịch". Đỗ Lại chạy lên thì thấy mấy con gà chết ngổn ngang trước cửa. Ngoài ngõ, thấp thoáng bóng Cậu Trọc. Đỗ Lại chạy theo, chưa kịp chạm vào Cậu thì Cậu la lớn:
     - Bớ làng nước ơi, thằng Đỗ Lại có gà chết dịch đem quăng đầu cổng làng, bớ làng nước...
Một vài người nghe kêu chạy đến. Cậu Trọc chỉ vào mặt Đỗ Lại:
     - Nó vứt gà đầu cổng làng, tôi bảo nó đem chôn, nó còn đòi đánh tôi nữa đấy.
Một chị trung niên tay cầm nắm rau, quay qua hỏi Đỗ Lại:
     - Sao lại làm thế, ông Lại?
     - Thật quá quắt, đội phó dân quân tự vệ mà thế à? Mấy người hùa theo.
Cơ chừng đôi co người làng kéo đến đông hơn nên Đỗ Lại không nói không rằng, cúi mặt lủi vào cổng, đóng cửa lại.

     Năm Cậu Trọc hai mươi tuổi, bà Cả Nhẫn ướm xem ý tứ hỏi vợ cho Cậu, Cậu hỏi:
     - Người mẹ ướm cho con có đẹp không?
     - Mẹ thấy có duyên, hay lam hay làm.
     - Có thông minh không?
     - Mẹ không rõ nhưng nết na, lễ phép.
Cậu Trọc hỏi tên cô gái rồi bảo bà Cả Nhẫn:
     - Mẹ muốn con lấy vợ thì mời bố hay mẹ cô ấy đến chơi đã.
     Một đêm trăng, ông Khuyên, bố cô gái và ông Hiếu đến chơi. Mời hai ông uống nước chè xanh, ăn kẹo lạc, Cậu Trọc nói:
     - Chắc bác và cậu đến chơi có chuyện, để con nói mẹ con lên tiếp.
Cậu vừa dứt lời, bà Cả Nhẫn bưng ra rổ ngô luộc, cười:
     - Bác Khuyên, cậu Hiếu ăn cho vui.
Ông Hiếu nói:
     - Chị ngồi xuống đây, tôi nói chuyện.
Ông Hiếu nói về chuyện mai mối. Cậu Trọc hỏi ông Khuyên:
     - Xin lỗi bác, cháu hỏi thật, vì sao bác đồng ý gả em Linh cho cháu?
Trao điếu thuốc lào cho ông Hiếu, ông nói, giọng trầm trầm:
     - Thứ nhất là con gái bác thích cháu, thứ hai gia đình cháu căn cơ, thứ ba, gả con ở gần đỡ lo, đỡ nhớ.
     - Cháu con nhà nông không biết làm ruộng, gả cho cháu bác không sợ con gái bác đói khổ à?
     - Bác đã nói điều này với con gái bác, nó bảo tuy anh không thi để có tấm bằng đại học nhưng với hiểu biết của anh chắc không nỡ để vợ con đói. Chúng tôi quí anh ở tính chân thực. Nó bảo thời nay đàn ông, con trai như thế là hiếm.
     Tổ chức đám cưới, bà Cả Nhẫn muốn làm cho kha khá, bằng làng, bằng xã nhưng Cậu Trọc bảo:
     - Mẹ để con lo.
Người thân Cậu đến mời, người sơ Cậu gửi thiệp, Cậu xin làng cho mượn đình làng làm hôn trường. Khác tất cả các đám cưới khác, Cậu nhờ chi đoàn thanh niên đứng ra tổ chức. Tiệc cưới chỉ có kẹo bánh, thuốc lá, nước chè xanh nhưng rất vui vì không quá câu nệ lễ nghĩa, vì các tiết mục văn nghệ góp vui đặc sắc. Kết thúc buổi lễ, Cậu nói:
     - Tôi xin thay mặt gia đình cảm ơn đoàn thể, bà con hai bên, bạn bè thương mà đến dự đám cưới của tôi và em Linh. Tất cả những gì thiếu sót hãy trách cứ vào Trọc tôi, sau này đừng bàn tán gì, em Linh nghe được buồn thì tội lắm.
Đám thanh niên nhao nhao: "Cậu Trọc đội vợ lên đầu rồi". Cậu Trọc cười: "Có phúc mới đội vợ lên đầu nhé".
     Mà Cậu Trọc không đến nỗi "đội vợ lên đầu" nhưng chiều vợ thật. Cậu không chơi lông bông như trước nữa, mỗi tuần ba ngày đạp xe đi khắp làng trên xóm dưới mua đồng nát lên huyện bán. Đâu chừng được hai tuần, Cậu chở bà Cả Nhẫn lên bệnh viện huyện đo mắt, cắt cho bà cặp kính. Bà trả tiền, Cậu bảo: "Đây là đồng tiền tự tay con làm ra, mẹ trả tiền là coi con như con nít đấy". Đưa bà ra chợ, mua thêm cái khăn bông lớn, Cậu nói: "Cái khăn lau mặt cũng được, vấn trên đầu cũng được, tiện với mẹ lắm". Bà Cả Nhẫn bảo: "Để mẹ mua cho vợ Cậu cái chi, đi chợ huyện không có chi làm quà cho nó thì tội lắm". Cậu bảo để Cậu. Rồi Cậu mua cho vợ cục xà phòng Camy, hai bộ quần lót, su chiêng Thái.
     Tin Cậu Trọc mua đồ lót cho vợ lan nhanh như gió. Bọn trai làng chọc, Cậu bảo:
     - Đẹp phải từ trong đẹp ra. Đẹp bên ngoài là đẹp cho thiên hạ, đẹp bên trong là đẹp cho Cậu. Thằng nào ngu mới để vợ mặc đồ lót rách.
     Không dưng mua chửi. Mà Cậu nói có lý, bọn trai làng im tịt. Sau này, sinh hoạt chi đoàn, các cô cứ thơm phưng phức. Rồi lần lần, hàng xã, hàng huyện kháo nhau gái ;làng Đông biết ăn mặc.

     Năm trước, đại hạn, ngay cả giếng làng cũng khô cạn. Cậu Trọc lên nhà trưởng thôn hỏi:
     - Răng ông không cho vét giếng làng để bà con có nước uống, nước sinh hoạt?
     - Các cụ bảo ngày xưa hạn hán, cũng có người vét giếng thì lập tức nhà cháy. Thành ra không ai dám làm cả.
     - Thuê người nơi khác đến làm?
     - Cũng không ai dám.
Suy nghĩ một lúc, Cậu Trọc nói:
     - Làng có dám thuê tôi?
     - Thuê Cậu? Cậu mà làm được gì, với lại bà Cả Nhẫn, vợ Cậu không cho đâu!
Nói mãi, ông trưởng thôn bảo phải họp làng đã. Khi nghe Cậu Trọc đứng lên nhận vét giếng làng, bà Cả Nhẫn tái mặt, đổ mồ hôi trán. Cậu bảo: "Mẹ đừng lo nhà cháy, con là con Thánh Mẫu mà".
     Thỏa thuận nếu giếng làng có nước, mỗi gánh trả cho Cậu hai hào hay một quả trứng gà. Đỗ Qua nói khích:
     - Cậu Trọc vét giếng có nước tôi cạp đất!
     Ngày hôm sau Cậu mua sáu xe trâu đá khối, cho chở đến giếng làng. Một mình Cậu xắn bùn, gánh đi đổ. Cô Linh thương chồng, bỏ việc nhà ra làm. Bà Cả Nhẫn không dám nấu nướng, cứ chạy ra chạy vào nhìn lên mái nhà, miệng lẩm nhẩm khấn vái gì không rõ. Vợ chồng Cậu làm hết buổi thì nước mạch rịn ra. Cậu bảo vợ:
     - Em chạy ra chợ mua mấy cái bánh chưng, mình ăn rồi làm tiếp.
     - Sao không về nhà ăn cơm?
     - Mẹ không dám nấu mô!
Cô Linh tạt qua nhà, đúng như lời Cậu nói thật.
     Ăn xong, làm tiếp, bất ngờ lưỡi xẻng Cậu xắn phải cái gì cưng cứng, moi dần thì ra là một cái thạp lớn được đậy kín, gắn sơn ta.
     Dân làng Đông nghe tin Cậu Trọc đào được cái thạp lớn, nặng lắm, hai vợ chồng khiêng mới nổi, chạy ra xem. Người ta nhao nhao bàn tán:
     - Có khi có vàng trong ấy đấy.
     - Vàng làm gì mà nhiều thế, tiền đồng thôi.
Cậu Trọc nói:
     - Cái thạp ở giếng làng là của chung của làng. Ai muốn chia của thì xuống đây chèn đá giúp vợ chồng tôi.
     Đám thanh niên xuống giúp. Họ ngượng với việc không dám vét giếng làng, chứ có vàng thật họ cũng chẳng được một xu.
     Chèn xong mấy xe đá, nước mạch chảy mạnh, dâng lên thấy rõ. Cậu Trọc nói:
     - Tát hết nước bùn, chiều tối nay có nước dùng rồi.

     Mọi người vừa lên khỏi giếng thì anh em Đỗ Thừa, Đỗ Qua đến.
     - Mang cái thạp về trụ sở hợp tác xã lập biên bản. Đỗ Thừa lên tiếng.
Cậu Trọc cười:
     - Ông muốn biển thủ đấy à, tôi mở ra ngay tại đây để mọi người cùng chứng kiến!
Nói rồi Cậu tháo lưỡi xẻng ghè nhè nhẹ cho bong lớp sơn. Cậu nhắc:
     - Ai muốn coi thì đứng trên gió, đứng xa xa, lỡ có khí độc!
Mọi người dạt ra, lách lưỡi xẻng vào khớp nắp, Cậu nạy manh. Một tiếng khè như rắn hổ phun, cái nắp bể, cát chảy lộ ra cái hộp gỗ. Kéo cái hộp gỗ ra, dốc ngược thạp, chỉ có cát.
     Đỗ Qua lấy cái cán xẻng vạch vạch, chỉ cát và cát. Cậu Trọc nghiêng đầu, với bàn tay mở nắp hộp. Một cái bọc lụa đỏ, trong đó có mấy tờ giấy nền hình rồng, mây viết chữ Hán có đóng dấu đỏ. Xem qua một lượt, Cậu Trọc cười:
     - Đại cát, đại cát, làng ta đại cát!
Rồi Cậu giảng giải:
     - Tôi chỉ biết dăm ba chữ Hán, nhưng chắc chắn đây là sắc phong của nhà vua về làng ta.
Đỗ Qua vứt cán xẻng, đứng dậy, lẩm bẩm:
     - Mẹ kiếp, lỡ mất bữa rượu...
Chưa dứt câu, Đỗ Qua loạng quạng ngã sấp, đập mặt xuống đất, gãy hai cái răng cửa, máu, đất cát đầy mồm giống như ma cà rồng hút máu trong phim.
     Đỗ Thừa xốc thằng em lên chiếc cub50, nổ máy chạy. Khói xe đen kịt, mù mịt giống như yêu quái bị Tôn Ngộ Không đánh thua, chạy trốn.
     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét