Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Tặng em - cô bé kiêu sa

Anh muốn vẽ bầu trời thương nhớ
Gửi tặng em cô bé kiêu sa
Mượn tứ thơ Puskin ngôn từ Hainơ  cảm xúc Tagor
Gửi Nguyễn Du nhờ viết hộ bài thơ thổ lộ tâm tình.

Anh không phải  họa sĩ nên không vẽ được
Anh không là thi sĩ làm gì biết làm thơ
Nhưng anh biết tình yêu của anh dành cho em
Chẳng kém gì những nhà thơ, họa sĩ và có khi còn hơn thế.

Bức tranh gửi em là bầu trời màu xanh thương nhớ
Màu tím đợi chờ và mây trắng ngẩn ngơ
Bài thơ anh tặng em là tiếng chim ríu rít
Tiếng sóng vỗ bờ, tiếng mẹ ru con.

Còn tình yêu nào lớn hơn tình yêu quê hương xứ sở
Nén chặt tim anh và vỡ òa ra khi dâng tặng cho em - cô bé kiêu sa
Bầu trời nhớ thương thành cánh đồng hoa sao đêm nhấp nhánh
Nhạc điệu bài thơ tiếng tơ tiếng trúc ôm ấp em nâng cánh ước mơ xanh!

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

TIẾNG CHUÔNG

     Reng . . .reng . . .reng . . .
Bà Thảo ra mở cửa. Không có ai. Cách 3 ngôi nhà có một thằng bé cầm một quả bóng bay màu xanh, nhìn bà rồi vội vàng quay đi, bên hông có một túi xách in lô gô xổ số kiến thiết.
     Ngày hôm sau, hôm sau nữa vẫn tiếng chuông như vậy, vẫn thằng bé bán vé số với quả bóng bay màu xanh, vẫn vào một giờ nhất định: 16 giờ15 phút.
     Bà Thảo than phiền với bác tổ trưởng khu phố nhà kế bên. Mấy hôm nay bà nóng ruột chờ Hiếu - con trai bà, đi làm sao không thấy về, không điện thoại. Bà lạ nước lạ cái vì mới ở quê lên thăm con lần đầu.
     Reng . . . reng . . .reng . . .Tiếng chuông chưa dứt thì một bàn tay nắm chặt vai thằng bé. Vừa lúc bà Thảo cũng từ trong nhà bước ra.
     - Sao lại chọc phá người ta như vậy, có muốn giam vào đồn công an không? Bác tổ trưởng khu phố quát.
     - Sao cháu nghịch thế? Bà Thảo hỏi.
     - Cháu không phải nghịch mà là . . .mà là . . .cháu xin ông bà cho cháu đi kẻo trễ giờ.
     Thấy thằng bé có vẻ hiền lành, lễ phép nên bác tổ trưởng buông tay:
     - Ừ đi đi cho kịp, đừng nghịch nữa nghe chưa? Thằng bé "dạ" rồi chạy biến đi.
     16 giờ 15 phút hôm sau.
Không có tiếng chuông. Thì ra khu phố mất điện.
     Reng . . .reng . . reng . . .
Bà Thảo lật đật mở cửa, thằng bé với quả bóng xanh bên kia đường. Bác tổ trưởng khu phố:
     - Tao bắt được thì liệu hồn. Quay sang bà Thảo, bác nói:
     - Mấy đứa bán vé số có khi là tai mắt bọn trộm. Có khi chúng bấm chuông xem chủ nhân có nhà không, nếu không sẽ đột nhập. Bà phải cảnh giác.
     Reng . . .reng . . .reng . . .Bà Thảo giật mình. Không phải là tiếng chuông cửa mà là tiếng chuông điện thoại. Bà nhấc máy, đầu dây bên kia tiếng Hiếu: "Má ra mở cửa cho con"
     Gặp má, Hiếu vội xin lỗi vì không nói rõ lý do biệt tích cả tuần để má lo lắng. Anh hỏi:
     - Con dâu tương lai chăm sóc má có chu đáo không? Bà Thảo ngạc nhiên nhìn Hiếu, không nói. Anh nghĩ có lẽ má giận.
     Tuần trước, vừa hết giờ làm việc, Giám đốc vào phòng Hiếu:
     - Gay quá, cậu Khanh giờ này vào trực in sao đề thi thì phải mổ ruột thừa cấp. Em thay cậu ấy nhé, muộn quá rồi. 
Ông dẫn Hiếu bàn giao cho bộ phận an ninh. Vào phòng rồi Hiếu giật mình chưa báo với má. Xin gọi điện về nhà không được, Hiếu đành cùng nhân viên an ninh xuống cổng sở để nhắn tin. Tan sở, chẳng còn ai.
Chợt, cậu bé bán vé số cầm quả bóng bay màu xanh đi qua. Quân là tên cậu bé.Hiếu móc bóp lấy một tờ giấy bạc 50.000đ đưa cậu bé, nói:" em đến số nhà 18 đường Ngọc Hân công chúa, gặp cô Ngọc nói thầy Hiếu nhờ đến chăm sóc mẹ ở số nhà . . .
     - Nhà thầy thì em biết. 
     - Và vào khoảng thời gian này đi ngang qua đây em cầm quả bóng bay này là thầy biết bà cụ khỏe. Mỗi ngày thầy trả cho em hai chục ngàn được không?
     Quân trả thầy tờ giấy bạc, lễ phép nói: " Em sẽ giúp thầy, em không lấy tiền của thầy đâu. Thầy giúp gia đình em quá nhiều rồi".
     - Em là con cái gia đình nào, sao thầy không biết?
     - Thầy không biết em đâu, em biết thầy là do má và em gái kể lại. Má em nằn ở bệnh viện K. Thôi em xin phép thầy đi nộp vé số kẻo muộn.
     Reng . . .reng . . .reng . . .
     Hiếu ra mở cửa.
     - Sao cả tuần nay gọi điện mà anh không bắt máy. Ngọc bực bội.
     - Thế ra cả tuần nay em không đến chăm sóc mẹ?
     Sự xuất hiện của bà Thảo làm Ngọc ngạc nhiên. Chào bà, Ngọc giải thích:
     - Tuần rồi em tập huấn chuyên đề điều trị u bướu bằng phương pháp mới ở Hà Nội. Việc gấp quá em gọi điện cho anh nhưng anh không bắt máy, rồi cả tuần cũng vậy, bay vào em đến anh ngay.
     Hiếu vỡ lẽ về sự im lặng của má vừa rồi. Bà Thảo vỡ lẽ vì sự biệt tích của con trai. 
Khi nghe mẹ kể chuyện tiếng chuông cửa, Hiếu nói: 
     - Thằng bé thật ngoan, thật thông minh.
     Ngọc nao nao lòng. Không biết phương pháp điều trị mới kéo dài sự sống cho mẹ bé Quân được bao lâu nữa đây. Quay mặt đi để giấu Hiếu những giọt nước mắt đang trào ra, cô thấy phía bệnh viện của mình một chiếc bong bóng màu xanh bay lên.

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Vài mẩu chuyện vui về tài đối đáp của cụ Phan Bội Châu

                                                                  Hồ mã tê sóc phong
                                                                  Việt điểu sào nam chí

     Tổng kết cuộc đời hoạt động cách mạng của mình cụ Phan Bội Châu (1867 – 1940) đánh giá: “Trăm thất bại không một thành công”. Nhưng thực ra vai trò của cụ trong lịch sử dân tộc Việt nam là rất lớn. Khi ngọn cờ Cần Vương thất bại, công cuộc chống Pháp thoái trào, cụ là một trong những người tích cực cổ vũ và giữ ngọn lửa  yêu nước dân tộc. Tinh thần ấy thể hiện quá rõ trong văn thơ, trong cuộc đời hoạt động cách mạng. Ở bài viết này không bàn về vai trò, sự nghiệp cách mạng của cụ, chỉ ghi lại những mẩu chuyện vui về tuổi trẻ Sào Nam, rất hóm hỉnh, thông minh, nhằm góp phần hiểu thêm con người trác việt, mẫn tiệp ấy.

1.CHUYỆN VUI VỀ SINH HOẠT VĂN HÓA QUÊ HƯƠNG:

Làng Đan Nhiệm, xã Nam Hòa, Nam Đàn quê hương của cụ Phan Bội Châu nổi tiếng hiếu học. Những đêm trăng trai gái trong làng thường hát đối đáp. Trai một bên, gái một bên. Nơi hát là sân đình hay cánh đồng đầu làng. Khoảng cách để hát đối đáp khá xa, không dễ đoán dáng hình người hát. Mỗi bên đểu có người “bẻ câu”- thường là những người có học, hay chữ, ứng đối nhanh. Người “bẻ câu” bị đối phương gọi đúng tên tuổi là phải chịu thua hoặc nghe xong câu hát mà không đối được cũng thua. Thông thường phía bên nữ hát trước, họ cố “bẻ” những câu hóc búa, không phải cứ có chữ là trả lời ngay được:
-         Nghe chàng đi học, đi thi
Cha ông Y Doãn tên chi hỡi chàng?
     Sử sách Trung Quốc đâu có nói điều gì về cha ông Y Doãn! Phải trả lời sao đây? Người “bẻ câu” nghĩ chưa ra thì một chàng trai lên tiếng:
-         Anh đây chẳng học, chẳng thi
Cũng biết cha anh đĩ Doãn là cụ cố Si, Mậu Tài
Anh ta “cố tình” nghe nhầm Y Doãn thành đĩ Doãn. Ở Nghệ An ngày xưa sinh con đầu lòng là trai thì gọi là “bố cu”, sinh con gái gọi là “bố đĩ”. Làng Mậu Tài có cụ Si cha anh “đĩ” Doãn thật. Thế là bên gái cũng phải bật cười, bẻ câu khác:
-         Nghe chàng đi học, đi thi
Cá nằm dưới cỏ chữ chi hỡi chàng?
Cỏ là chữ “thảo”, cá là chữ “ngư”, ghép vào luận mãi không ra, thời gian gấp gáp, thôi đành trả lời cho có cái đã:
-         Anh đây chẳng học chẳng thi
Cá nằm dưới cỏ có khi cá tràu.
Lại “nghe nhầm” nữa, chữ chi lại nghe ra cá chi. Biết hát nữa thì thua đến nơi, nên có anh bạo miệng:
-         Dưới cỏ chỉ có chạch lươn
Em mà đơm đó hắn trườn hắn vô.
Bên nữ cười rúc rich, kéo nhau về nhà, hát nữa là bị chọc quê mà thôi.
     Sinh ra trong cái nôi hát đối, hát ví dân gian , lại là con nhà nho, hiếu học, thông minh, môi trường ấy đã sản sinh ra “thần đồng” Phan Bội Châu.

2. CHUYỆN VUI VỀ ĐỐI ĐÁP CỦA CỤ PHAN BỘI CHÂU:

2.1 Có lần, cụ đồ Phổ ( thân sinh cụ Phan) cõng Phan Bội Châu, lúc ấy mới bốn năm tuổi, lội suối sang làng bên dạy học. Cùng lúc ấy có hai chị em  dáng con nhà khá giả ra suối gánh nước. Biết cụ đồ Phổ hay chữ, chị em nhà nọ trêu:
     - Anh đồ, đối được thì qua, không đối được thì đừng qua. Mời anh đồ đối : “Cha áo thâm, con áo thâm, phụ tử hữu tình thâm chi nghĩa”
Áo thâm là áo nhà nho thường mặc, “phụ tử hữu tình thâm chi nghĩa” là tình nghĩa cha con sâu nặng. Câu đối vừa nôm vừa Hán, rất khó đối. Ngồi trên lưng cha, Phan Bội Châu đáp ngay: “Chị trằm bạc, em trằm bạc, tỷ muội vô phận bạc chi duyên”. Trằm bạc là đôi bông tai làm bằng bạc con nhà khá giả thường đeo. “Tỷ muội vô phận bạc chi duyên” nghĩa là chị em phận tình duyên không bạc. Người ra câu đối vừa hay, vừa hợp hoàn cảnh, người đối vừa chỉnh vừa sắc sảo. Mới bốn năm tuổi, chưa đi học mà đối được như thế đúng là thần đồng.

2.2 Năm 13 tuổi, Phan Bội Châu lên huyện đi thi hương. Mải chơi, đến trường thi thì đã trễ, nằng nặc xin vào thi nhưng lính canh không cho vào. Thấy chú bé khôi ngô, lanh lợi, quan chủ khảo ra đề bài: “Hoa khai bất cập xuân” ( hàm ý về việc  Bội Châu đi trễ ), nói làm được thì cho vào thi, Phan Bội Châu liền đọc:
            Bởi chúa xuân lưu ý
            Xếp hàng đầu trăm hoa
            Nhưng vì lòng khiêm tốn
            Nên để nở dần dà.
     Nghe xong bài thơ, quan chủ khảo nói: “Thủ khoa đây rồi”. Và quả thật kỳ thi ấy Phan Bội Châu đỗ đầu.

2.3 Sau bao năm bôn ba hoạt động cách mạng, trở về thăm quê, đến cây đa đầu làng trời vừa đứng bóng, mấy cô ngày xưa cùng Phan Bội Châu đi hát đối đáp cũng vừa dưới ruộng lên. Vừa gặp nhau, có cô đã cất tiếng hát:
            Hay chi một cuộc cờ tàn
      Mà chàng xe ngựa một đoàn quá giang.
Hàm ý nói việc Phan Bội Châu đưa thanh niên ra nước ngoài học tập để sau này chống lại Pháp trong khi Pháp đã bình định xong đất nước. Phan Bội Châu đáp:
            Rất hay là cuộc cờ tàn
     Mã lên chiếu bí pháo toan chiếu trùng.
Cô khác đưa Bội Châu nắm ngô rang, trêu chọc:
            Đưa chàng một nắm  ngô rang
      Chàng gieo nơi mô cho mọc thiếp theo chàng vu quy.
Ngô rang thì gieo nơi nào mọc được? Không trả lời không xong, thôi thì đối đáp theo lối gian gian vậy:

            Nơi mô mà nắng không khô
      Mà mưa không ướt gieo vô mọc liền
Mấy cô thẹn đỏ mặt, cười: “Anh San hóm như ngày xưa”.
     Chí lớn, tài năng mà rất đời thường! Cái “hóm” cụ Phan có điểm nào đó giống cụ Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du. Không thể có cái tài của các cụ “giắt lưng ngày tháng để dần chơi”, ta học được chút hóm hỉnh của cụ Sào Nam cũng đủ vui sống với cuộc đời.

          

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Lai rai chiều . . .




- A lô! 5 giờ chiều thứ bảy ra quán Sơn Pháp lai rai với mình nghen, lâu rồi không gặp cũng nhớ. Vậy nhen.
     Bao giờ cũng vậy, gọi điện kêu tôi đi nhậu không bao giờ anh nói quá năm câu. Và tôi chưa từ chối anh bao giờ bởi vì tôi thích cách nói chuyện của anh hóm hỉnh, chân thật mà sâu sắc. Tôi tự hỏi sao lúc nào anh gọi tôi cũng đúng vào lúc mình rảnh rỗi? Hỏi anh, anh nói biết rảnh rỗi mới gọi chứ.
     Anh làm nghề thầu khoán. Người cùng nghề như anh việc làm lúc có lúc không, còn anh không lúc nào hết việc. Có lần đi theo anh một ngày “cho biết” công việc anh làm tôi ớn đến tận cổ. Lòng vòng chỗ thi công này đến công trường khác cũng mấy trăm cây số. Ngồi trên xe anh mở sổ ghi ghi chép chép. Đến công trình, đội trưởng đưa cho anh tờ giấy a4 ghi những việc đã làm trong trong ba hay năm ngày qua. Xem xong, anh kiểm tra một lượt, giao đội trưởng tờ giấy viết việc cần làm. Gặp gỡ công nhân hỏi thăm, động viên vài câu rồi đi. Hôm ấy, công nhân than phiền nhà bên cạnh công trình khó chịu, anh bảo: “Người ta khó chịu thì mình chịu khó, thế nhé”.
     Khi tôi vào quán thì đông đủ cả. Mấy người bạn của anh cũng là bạn của tôi, có điều là mỗi người mỗi nghề khác nhau nhưng khá đồng điệu ở chỗ hài hước và biết sẻ chia.
     Tôi chưa kịp ngồi, Hoan “bọ ngựa” cười cười thay cho lời chào:
- Cứ như ông Thắng là nhất, hè này rảnh rỗi, sang “ngậm đắng”, chiều “nuốt cay”.
- Nhàn cư vi bất phú mà ông. Rảnh chỉ tổ tốn tiền thôi. Cứ như mấy ông vừa có làm có chơi có tăng thu nhập, thế mới sướng.
Anh Tuấn – ông chủ thầu, quay sang Hoan “bọ ngựa”:
- Vào cái nào. Rượu vào thì lời ra, chưa có ly nào sao mấy ông hăng thế.
- Ừ thì vào! Xong một tua, Đức râu xoa xoa cằm:
- Anh Tuấn, tính khi nào mời chúng tôi ăn cưới cháu Thắm? Con bé nhà anh phải nói là xinh nhưng hơi ốm.
- Hơi ốm đã may, trông cứ như con mèo hen đi kiết. Hoan “bọ ngựa” cười sặc sụa:
- Trông như con mèo hen đã ghê rồi, còn thêm “đi kiết”, lời lẽ ông là quá quá lắm. Anh đá xoáy sang tôi:
- Mình học ông Thắng đấy chứ. Con bé Thắm hồi học 12 khoe tôi chưa bao giờ được nghe bài giảng hay đến thế. Ông phân tích cái câu: “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình . . .” là cách so sánh con sông với mái tóc đã hay rồi, nhưng hai từ tuôn dài tuôn dài nối tiếp nhau tạo hình tượng mềm mại, sống động. Người giỏi văn chỉ viết được như vậy, đằng này còn thêm “như một áng tóc trữ tình” thật là câu thần.
- Té ra anh lấy cái thần của văn chương ứng dụng để nói bậy.
- Văn chương là tinh hoa của con người, làm con người cao đẹp hơn, còn bọn mình dân công trường bụi bặm nên nói năng bụi bặm nó quen rồi, ông thông cảm. Chính vì thế mà nhậu với ông tôi “sạch bụi” ít nhiều đấy.
- Làm tua nữa nào, Đức râu nâng ly:
- Tôi thấy khi nào nhậu có ông Thắng là anh hay nói, lại màu mè nữa, thường ngày anh mấy khi mở miệng.
- Mở miệng làm gì, nói dai thành nói dại. Ở đây mình có nói dại đã có “thầy” sửa, học được nhiều điều. Nhậu như thế này chú mày mới thấy cái dại của anh chứ.
- Anh dại cũng bằng ông Bành Tổ khôn.
- Đừng có nói bậy, anh chuyển đề tài:
- Nhắc đến ông Bành Tổ mình lại nhớ chuyện Đông Phương Sóc. Một hôm, trong một buổi chầu, Hán Vũ đế nói: “Ta nghe nói người nào nhân trung dài một tấc thì sống thọ 100 tuổi”. Các quan im lặng lắng nghe, Đông Phương Sóc thì cười ha hả. Các quan giận lắm, cho là Sóc vô lễ phải đánh đòn. Đông Phương Sóc biện bạch: “Tôi cười là cười ông Bành Tổ, ông sống 800 năm, nhân trung ông dài tám tấc, như vậy mặt ông phải dài một trượng”. Nghe vậy, ai cũng bật cười . . .Rồi anh tiếp: có lẽ từ chuyện này mà nhân dân sáng tạo ra chuyện “Đào trường thọ” của Trạng Quỳnh phải không ông Thắng?
     Nghe anh hỏi tôi giật mình, dạy văn mấy chục năm nhưng chưa bao giờ thấy ai liên hệ như thế. Ngẫm, cũng có lý, tôi nói:
- Đúng vậy, nhưng đây là phát hiện của anh.
- Thì chuyện này có trước “Đào trường thọ” mà.
Hoan “bọ ngựa” chen vào:
- Thế thì anh học được gì qua “Đào trường thọ”?
- Được nhiều chứ. Như mình biết nguy nhưng vẫn làm, làm tốt rồi thì gải quyết được cái nguy. Nhiều người đọc thơ văn để giải trí, còn tôi xem trong đó có ý tưởng gì để rồi suy nghĩ có thực hiện được với mình không, với xã hội không. Tôi hỏi:
- Anh cho vài ví dụ cụ thể xem nào.
Gắp cho tôi miếng bao tử cá, anh nói:
- Như việc giao cho đội trưởng gạch đầu dòng công việc đã làm trong thời gian tôi vắng trên một mặt giấy a4 vừa là báo cáo vừa là căn cứ để đánh giá tiến trình công việc. Từ đó đưa ra quyết định chính xác. Về nhà xem kỹ lại để chỉ đạo hợp lý hơn. Cái này ông nói trong một bữa nhậu về cung cách quản lý trong một cuốn sách nào đó của nước ngoài. Từ khi áp dụng nó, tôi làm cùng lúc 5 công trình có sao đâu. Còn dự án công trình tránh bão làng chài kết hợp xây cảng cá, bãi sửa chữa tàu thuyền là bắt đầu từ ý tưởng “Chiếc thuyền ngoài xa”đó chứ. . .
- Còn gì nữa không anh? Đức râu xoa cằm hỏi.
- Còn chứ, còn trong “tiềm ẩn”. Tôi tâm đắc với câu nói của ông Thắng: “Cũng lượng thức ăn đó, cũng công sức đó mà nuôi con gì cho hiệu quả, cho hơn người là ở cái đầu”. Chuyện này tôi tính lập trang trại để sau này về “hưu”, còn lập ở đâu đang tính. Hoan “bọ ngựa” tiếp:
- Giàu như anh giờ nghỉ ăn suốt đời không hết, cứ quần quật chi cho khổ.
 - Thôi, uống đi. Làm được cứ làm, nó vừa xem khả năng mình tới đâu vừa góp phần tạo công ăn việc làm cho công nhân chứ. . .
Nghe anh nói tôi chạnh lòng về thời gian rỗi rãi của mình. Như đón được ý tôi, anh nói:
- Ông rảnh thì đọc sách, viết văn hay làm thơ. Tôi thấy những điều ông nói viết sách được đấy. Việc của tôi làm có đống góp cho xã hội chỉ là có việc cho hơn trăm con người để người ta khỏi đói, tôi không làm thì người khác làm. Còn nghề giáo như ông là nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ con người. Có được ý tưởng là khó chứ lao động chân tay ai làm chả được. . .
Hoan “bọ ngựa” vỗ tay đồm độp, phán:
- Chiều thứ bảy tuần sau tôi mời mọi người, ai vắng là vĩnh viễn không chơi với người đó nữa.
     Tàn cuộc nhậu, trở về nhà tôi trăn trở mãi về điều anh nói. Chưa viết được văn thì ghi lại chuyện lai rai chiều qua gửi blog giữ hộ để mỗi khi đọc lại như một lời nhắn nhủ đừng bao giờ bỏ phí thời gian.


Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

EM CÓ VỀ QUÊ ANH

Anh sẽ đưa em về quê anh
Có dòng sông xanh
Giữa miền đất đỏ,
Có cái nắng cái gió hun khô chân mày,
Có giây phút ngất ngây
Em đi giữa mùa hoa càfê trắng,
Có bát canh lá lằng đăng đắng
Cà nhút mặn giòn
Bữa cơm ngon làng quê mỗi tối.
 Quê anh
Hết núi lại đồi 
Hết khe lại suối
Ruộng gối bậc thang
Mùa nắng: nắng chang chang
Mùa mưa: mưa thối đất
Bão giông chớp giật
Đông về
Buốt như dao cắt nứt nẻ đôi môi
Thiên nhiên hà khắc
Tạo nên dáng vóc con người
Mộc mạc cộc cằn như củ sắn củ khoai.
Ngày mai
Em có cùng anh vượt dặm đường dài
Về miền quê gian khổ
Nơi không có thú vui thành phố
Không nhạc Bet tô ven trong quán càfê đèn mờ đèn tỏ,
Chỉ có tiếng mõ trâu
Hoàng hôn xuống
Thăm thẳm rừng chiều.
Anh tin
Khi đã yêu
Em yêu tất cả những gì người yêu em thương mến
Chẳng trở ngại nào ngăn em đến 
Bến bờ hạnh phúc tương lai . . .
Ngày mai
Về quê anh em nhé.

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Chói chang phượng đỏ rực trời
Gió rang cái nóng rong chơi suốt ngày,
Đàn gà ngủ gật bóng cây
Giật mình ngơ ngác nghe bầy ve ran
Nắng dường như bớt chói chang
Lời mẹ ru với quạt nan quạt đều