Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Vài mẩu chuyện vui về tài đối đáp của cụ Phan Bội Châu

                                                                  Hồ mã tê sóc phong
                                                                  Việt điểu sào nam chí

     Tổng kết cuộc đời hoạt động cách mạng của mình cụ Phan Bội Châu (1867 – 1940) đánh giá: “Trăm thất bại không một thành công”. Nhưng thực ra vai trò của cụ trong lịch sử dân tộc Việt nam là rất lớn. Khi ngọn cờ Cần Vương thất bại, công cuộc chống Pháp thoái trào, cụ là một trong những người tích cực cổ vũ và giữ ngọn lửa  yêu nước dân tộc. Tinh thần ấy thể hiện quá rõ trong văn thơ, trong cuộc đời hoạt động cách mạng. Ở bài viết này không bàn về vai trò, sự nghiệp cách mạng của cụ, chỉ ghi lại những mẩu chuyện vui về tuổi trẻ Sào Nam, rất hóm hỉnh, thông minh, nhằm góp phần hiểu thêm con người trác việt, mẫn tiệp ấy.

1.CHUYỆN VUI VỀ SINH HOẠT VĂN HÓA QUÊ HƯƠNG:

Làng Đan Nhiệm, xã Nam Hòa, Nam Đàn quê hương của cụ Phan Bội Châu nổi tiếng hiếu học. Những đêm trăng trai gái trong làng thường hát đối đáp. Trai một bên, gái một bên. Nơi hát là sân đình hay cánh đồng đầu làng. Khoảng cách để hát đối đáp khá xa, không dễ đoán dáng hình người hát. Mỗi bên đểu có người “bẻ câu”- thường là những người có học, hay chữ, ứng đối nhanh. Người “bẻ câu” bị đối phương gọi đúng tên tuổi là phải chịu thua hoặc nghe xong câu hát mà không đối được cũng thua. Thông thường phía bên nữ hát trước, họ cố “bẻ” những câu hóc búa, không phải cứ có chữ là trả lời ngay được:
-         Nghe chàng đi học, đi thi
Cha ông Y Doãn tên chi hỡi chàng?
     Sử sách Trung Quốc đâu có nói điều gì về cha ông Y Doãn! Phải trả lời sao đây? Người “bẻ câu” nghĩ chưa ra thì một chàng trai lên tiếng:
-         Anh đây chẳng học, chẳng thi
Cũng biết cha anh đĩ Doãn là cụ cố Si, Mậu Tài
Anh ta “cố tình” nghe nhầm Y Doãn thành đĩ Doãn. Ở Nghệ An ngày xưa sinh con đầu lòng là trai thì gọi là “bố cu”, sinh con gái gọi là “bố đĩ”. Làng Mậu Tài có cụ Si cha anh “đĩ” Doãn thật. Thế là bên gái cũng phải bật cười, bẻ câu khác:
-         Nghe chàng đi học, đi thi
Cá nằm dưới cỏ chữ chi hỡi chàng?
Cỏ là chữ “thảo”, cá là chữ “ngư”, ghép vào luận mãi không ra, thời gian gấp gáp, thôi đành trả lời cho có cái đã:
-         Anh đây chẳng học chẳng thi
Cá nằm dưới cỏ có khi cá tràu.
Lại “nghe nhầm” nữa, chữ chi lại nghe ra cá chi. Biết hát nữa thì thua đến nơi, nên có anh bạo miệng:
-         Dưới cỏ chỉ có chạch lươn
Em mà đơm đó hắn trườn hắn vô.
Bên nữ cười rúc rich, kéo nhau về nhà, hát nữa là bị chọc quê mà thôi.
     Sinh ra trong cái nôi hát đối, hát ví dân gian , lại là con nhà nho, hiếu học, thông minh, môi trường ấy đã sản sinh ra “thần đồng” Phan Bội Châu.

2. CHUYỆN VUI VỀ ĐỐI ĐÁP CỦA CỤ PHAN BỘI CHÂU:

2.1 Có lần, cụ đồ Phổ ( thân sinh cụ Phan) cõng Phan Bội Châu, lúc ấy mới bốn năm tuổi, lội suối sang làng bên dạy học. Cùng lúc ấy có hai chị em  dáng con nhà khá giả ra suối gánh nước. Biết cụ đồ Phổ hay chữ, chị em nhà nọ trêu:
     - Anh đồ, đối được thì qua, không đối được thì đừng qua. Mời anh đồ đối : “Cha áo thâm, con áo thâm, phụ tử hữu tình thâm chi nghĩa”
Áo thâm là áo nhà nho thường mặc, “phụ tử hữu tình thâm chi nghĩa” là tình nghĩa cha con sâu nặng. Câu đối vừa nôm vừa Hán, rất khó đối. Ngồi trên lưng cha, Phan Bội Châu đáp ngay: “Chị trằm bạc, em trằm bạc, tỷ muội vô phận bạc chi duyên”. Trằm bạc là đôi bông tai làm bằng bạc con nhà khá giả thường đeo. “Tỷ muội vô phận bạc chi duyên” nghĩa là chị em phận tình duyên không bạc. Người ra câu đối vừa hay, vừa hợp hoàn cảnh, người đối vừa chỉnh vừa sắc sảo. Mới bốn năm tuổi, chưa đi học mà đối được như thế đúng là thần đồng.

2.2 Năm 13 tuổi, Phan Bội Châu lên huyện đi thi hương. Mải chơi, đến trường thi thì đã trễ, nằng nặc xin vào thi nhưng lính canh không cho vào. Thấy chú bé khôi ngô, lanh lợi, quan chủ khảo ra đề bài: “Hoa khai bất cập xuân” ( hàm ý về việc  Bội Châu đi trễ ), nói làm được thì cho vào thi, Phan Bội Châu liền đọc:
            Bởi chúa xuân lưu ý
            Xếp hàng đầu trăm hoa
            Nhưng vì lòng khiêm tốn
            Nên để nở dần dà.
     Nghe xong bài thơ, quan chủ khảo nói: “Thủ khoa đây rồi”. Và quả thật kỳ thi ấy Phan Bội Châu đỗ đầu.

2.3 Sau bao năm bôn ba hoạt động cách mạng, trở về thăm quê, đến cây đa đầu làng trời vừa đứng bóng, mấy cô ngày xưa cùng Phan Bội Châu đi hát đối đáp cũng vừa dưới ruộng lên. Vừa gặp nhau, có cô đã cất tiếng hát:
            Hay chi một cuộc cờ tàn
      Mà chàng xe ngựa một đoàn quá giang.
Hàm ý nói việc Phan Bội Châu đưa thanh niên ra nước ngoài học tập để sau này chống lại Pháp trong khi Pháp đã bình định xong đất nước. Phan Bội Châu đáp:
            Rất hay là cuộc cờ tàn
     Mã lên chiếu bí pháo toan chiếu trùng.
Cô khác đưa Bội Châu nắm ngô rang, trêu chọc:
            Đưa chàng một nắm  ngô rang
      Chàng gieo nơi mô cho mọc thiếp theo chàng vu quy.
Ngô rang thì gieo nơi nào mọc được? Không trả lời không xong, thôi thì đối đáp theo lối gian gian vậy:

            Nơi mô mà nắng không khô
      Mà mưa không ướt gieo vô mọc liền
Mấy cô thẹn đỏ mặt, cười: “Anh San hóm như ngày xưa”.
     Chí lớn, tài năng mà rất đời thường! Cái “hóm” cụ Phan có điểm nào đó giống cụ Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du. Không thể có cái tài của các cụ “giắt lưng ngày tháng để dần chơi”, ta học được chút hóm hỉnh của cụ Sào Nam cũng đủ vui sống với cuộc đời.

          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét