Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Lai rai chiều . . .




- A lô! 5 giờ chiều thứ bảy ra quán Sơn Pháp lai rai với mình nghen, lâu rồi không gặp cũng nhớ. Vậy nhen.
     Bao giờ cũng vậy, gọi điện kêu tôi đi nhậu không bao giờ anh nói quá năm câu. Và tôi chưa từ chối anh bao giờ bởi vì tôi thích cách nói chuyện của anh hóm hỉnh, chân thật mà sâu sắc. Tôi tự hỏi sao lúc nào anh gọi tôi cũng đúng vào lúc mình rảnh rỗi? Hỏi anh, anh nói biết rảnh rỗi mới gọi chứ.
     Anh làm nghề thầu khoán. Người cùng nghề như anh việc làm lúc có lúc không, còn anh không lúc nào hết việc. Có lần đi theo anh một ngày “cho biết” công việc anh làm tôi ớn đến tận cổ. Lòng vòng chỗ thi công này đến công trường khác cũng mấy trăm cây số. Ngồi trên xe anh mở sổ ghi ghi chép chép. Đến công trình, đội trưởng đưa cho anh tờ giấy a4 ghi những việc đã làm trong trong ba hay năm ngày qua. Xem xong, anh kiểm tra một lượt, giao đội trưởng tờ giấy viết việc cần làm. Gặp gỡ công nhân hỏi thăm, động viên vài câu rồi đi. Hôm ấy, công nhân than phiền nhà bên cạnh công trình khó chịu, anh bảo: “Người ta khó chịu thì mình chịu khó, thế nhé”.
     Khi tôi vào quán thì đông đủ cả. Mấy người bạn của anh cũng là bạn của tôi, có điều là mỗi người mỗi nghề khác nhau nhưng khá đồng điệu ở chỗ hài hước và biết sẻ chia.
     Tôi chưa kịp ngồi, Hoan “bọ ngựa” cười cười thay cho lời chào:
- Cứ như ông Thắng là nhất, hè này rảnh rỗi, sang “ngậm đắng”, chiều “nuốt cay”.
- Nhàn cư vi bất phú mà ông. Rảnh chỉ tổ tốn tiền thôi. Cứ như mấy ông vừa có làm có chơi có tăng thu nhập, thế mới sướng.
Anh Tuấn – ông chủ thầu, quay sang Hoan “bọ ngựa”:
- Vào cái nào. Rượu vào thì lời ra, chưa có ly nào sao mấy ông hăng thế.
- Ừ thì vào! Xong một tua, Đức râu xoa xoa cằm:
- Anh Tuấn, tính khi nào mời chúng tôi ăn cưới cháu Thắm? Con bé nhà anh phải nói là xinh nhưng hơi ốm.
- Hơi ốm đã may, trông cứ như con mèo hen đi kiết. Hoan “bọ ngựa” cười sặc sụa:
- Trông như con mèo hen đã ghê rồi, còn thêm “đi kiết”, lời lẽ ông là quá quá lắm. Anh đá xoáy sang tôi:
- Mình học ông Thắng đấy chứ. Con bé Thắm hồi học 12 khoe tôi chưa bao giờ được nghe bài giảng hay đến thế. Ông phân tích cái câu: “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình . . .” là cách so sánh con sông với mái tóc đã hay rồi, nhưng hai từ tuôn dài tuôn dài nối tiếp nhau tạo hình tượng mềm mại, sống động. Người giỏi văn chỉ viết được như vậy, đằng này còn thêm “như một áng tóc trữ tình” thật là câu thần.
- Té ra anh lấy cái thần của văn chương ứng dụng để nói bậy.
- Văn chương là tinh hoa của con người, làm con người cao đẹp hơn, còn bọn mình dân công trường bụi bặm nên nói năng bụi bặm nó quen rồi, ông thông cảm. Chính vì thế mà nhậu với ông tôi “sạch bụi” ít nhiều đấy.
- Làm tua nữa nào, Đức râu nâng ly:
- Tôi thấy khi nào nhậu có ông Thắng là anh hay nói, lại màu mè nữa, thường ngày anh mấy khi mở miệng.
- Mở miệng làm gì, nói dai thành nói dại. Ở đây mình có nói dại đã có “thầy” sửa, học được nhiều điều. Nhậu như thế này chú mày mới thấy cái dại của anh chứ.
- Anh dại cũng bằng ông Bành Tổ khôn.
- Đừng có nói bậy, anh chuyển đề tài:
- Nhắc đến ông Bành Tổ mình lại nhớ chuyện Đông Phương Sóc. Một hôm, trong một buổi chầu, Hán Vũ đế nói: “Ta nghe nói người nào nhân trung dài một tấc thì sống thọ 100 tuổi”. Các quan im lặng lắng nghe, Đông Phương Sóc thì cười ha hả. Các quan giận lắm, cho là Sóc vô lễ phải đánh đòn. Đông Phương Sóc biện bạch: “Tôi cười là cười ông Bành Tổ, ông sống 800 năm, nhân trung ông dài tám tấc, như vậy mặt ông phải dài một trượng”. Nghe vậy, ai cũng bật cười . . .Rồi anh tiếp: có lẽ từ chuyện này mà nhân dân sáng tạo ra chuyện “Đào trường thọ” của Trạng Quỳnh phải không ông Thắng?
     Nghe anh hỏi tôi giật mình, dạy văn mấy chục năm nhưng chưa bao giờ thấy ai liên hệ như thế. Ngẫm, cũng có lý, tôi nói:
- Đúng vậy, nhưng đây là phát hiện của anh.
- Thì chuyện này có trước “Đào trường thọ” mà.
Hoan “bọ ngựa” chen vào:
- Thế thì anh học được gì qua “Đào trường thọ”?
- Được nhiều chứ. Như mình biết nguy nhưng vẫn làm, làm tốt rồi thì gải quyết được cái nguy. Nhiều người đọc thơ văn để giải trí, còn tôi xem trong đó có ý tưởng gì để rồi suy nghĩ có thực hiện được với mình không, với xã hội không. Tôi hỏi:
- Anh cho vài ví dụ cụ thể xem nào.
Gắp cho tôi miếng bao tử cá, anh nói:
- Như việc giao cho đội trưởng gạch đầu dòng công việc đã làm trong thời gian tôi vắng trên một mặt giấy a4 vừa là báo cáo vừa là căn cứ để đánh giá tiến trình công việc. Từ đó đưa ra quyết định chính xác. Về nhà xem kỹ lại để chỉ đạo hợp lý hơn. Cái này ông nói trong một bữa nhậu về cung cách quản lý trong một cuốn sách nào đó của nước ngoài. Từ khi áp dụng nó, tôi làm cùng lúc 5 công trình có sao đâu. Còn dự án công trình tránh bão làng chài kết hợp xây cảng cá, bãi sửa chữa tàu thuyền là bắt đầu từ ý tưởng “Chiếc thuyền ngoài xa”đó chứ. . .
- Còn gì nữa không anh? Đức râu xoa cằm hỏi.
- Còn chứ, còn trong “tiềm ẩn”. Tôi tâm đắc với câu nói của ông Thắng: “Cũng lượng thức ăn đó, cũng công sức đó mà nuôi con gì cho hiệu quả, cho hơn người là ở cái đầu”. Chuyện này tôi tính lập trang trại để sau này về “hưu”, còn lập ở đâu đang tính. Hoan “bọ ngựa” tiếp:
- Giàu như anh giờ nghỉ ăn suốt đời không hết, cứ quần quật chi cho khổ.
 - Thôi, uống đi. Làm được cứ làm, nó vừa xem khả năng mình tới đâu vừa góp phần tạo công ăn việc làm cho công nhân chứ. . .
Nghe anh nói tôi chạnh lòng về thời gian rỗi rãi của mình. Như đón được ý tôi, anh nói:
- Ông rảnh thì đọc sách, viết văn hay làm thơ. Tôi thấy những điều ông nói viết sách được đấy. Việc của tôi làm có đống góp cho xã hội chỉ là có việc cho hơn trăm con người để người ta khỏi đói, tôi không làm thì người khác làm. Còn nghề giáo như ông là nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ con người. Có được ý tưởng là khó chứ lao động chân tay ai làm chả được. . .
Hoan “bọ ngựa” vỗ tay đồm độp, phán:
- Chiều thứ bảy tuần sau tôi mời mọi người, ai vắng là vĩnh viễn không chơi với người đó nữa.
     Tàn cuộc nhậu, trở về nhà tôi trăn trở mãi về điều anh nói. Chưa viết được văn thì ghi lại chuyện lai rai chiều qua gửi blog giữ hộ để mỗi khi đọc lại như một lời nhắn nhủ đừng bao giờ bỏ phí thời gian.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét