Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG ĐỜI


CHƯƠNG VII

            Thằng Vệ lăn qua lăn lại trên chiếc dát giường đặt trên nền xi măng. Nó không thể ngủ được vì muỗi, rệp. Buồng tạm giam không chật lắm nhưng ẩm mốc, bốn bức tường loang lổ, lở lói do nước mưa ngấm và những dòng chữ, hình vẽ bậy bạ được khắc vào đó. Thằng Vệ cũng muốn khắc chữ gì đó để giết thời gian, và quan trọng hơn, để một “kỷ niệm” ở đây, sau này được thả ra có chuyện mà nói với đám bạn. Hai bao phân đạm, bán được sáu đồng rưỡi, có lẽ hợp tác xã mua cùng lắm là mười đồng. Chẳng lẽ bố mẹ nó không vay mượn đâu ra mười đồng đền cho người ta để nó được về nhà. Bố nó không dám để nó bị giam lâu đâu, nó biết. Bị giam lâu có nghĩa là nặng tội. Nó nặng tội thì bố càng khó nhìn mặt người làng. Nếm mùi một đêm ở đây là đủ rồi, vài ba đêm chắc chết.

            Phẩy tay đập con muỗi trên má, mông nó lại bị rệp cắn. Chống tay ngồi dậy, bắp chân lại bị cắn miếng nữa. Rệp đâu mà lắm thế! Tính dậy dựng dát giường lên dỗ, giết hết bọn rệp quái ác nhưng nền buồng giam tối sao mà thấy được? Nó nghĩ ra cách khác, không nằm trên dát giường nữa, nằm trên nền xi măng tốt hơn. Áp má vào nền, mùi ẩm mốc, khai khai nồng nặc hơn. Cái mùi khai bất giác làm nó buồn tiểu. Bụng dưới của nó mỗi lúc một căng ra. Từ chín giờ tối qua tới giờ nó chưa đi tiểu. Cửa buồng giam khóa, làm sao bây giờ? Không nín được nữa, nó đứng dậy xỉa chim vào tường. Nước tiểu không loang ra nền nhà mà chảy theo khe nứt giữa móng và nền. Nó cảm thấy nhẹ cả người.
            Ánh sáng ngọn đèn điện ngoài hành lang chiếu qua cửa sổ lên bức tường đối diện như màn hình chiếu bóng. Hai chữ “oan quá” được khắc lớn, ở giữa màn hình làm nó liên tưởng chữ “hết phim”. Cách đây một tuần, sau khi xem xong bộ phim “Những người báo thù không thể bị bắt”, nó rủ thằng Tập đến kho hợp tác xã ăn trộm phân đạm. Thằng Tập hỏi ngộ nhỡ bị bắt thì sao, nó nói đếch có thằng nào coi kho thì ai bắt. Thằng Tập lưỡng lự, nó lại nói hai đêm trước nó đã lấy được bảy kg. Thằng Tập vẫn còn do dự, nó bảo có bị bắt nó chịu hết cho, lúc đó thằng Tập mới dám đi theo.
            Chuyện nó ăn cắp phân đạm giống như ai đó xui khiến. Mẹ kêu nó đi chăn trâu luôn tiện cắt gánh cỏ để bà đi nhận phân đạm nhưng nó không chịu. Chăn trâu cắt cỏ phải mất cả buổi, lên kho hợp tác xã nhận hai chục kg phân còn khối thời gian đi chơi.
            Chờ mãi gần tới ba giờ chiều bà kế toán Diệu Ly mới tới ký phiếu xuất kho. Cái dáng đi điệu đà, hơi nhún nhảy với dép cao gót, tóc phi dê của bà ta hợp với dự đám cưới, lên sân khấu hơn là đi trên con  đường đầy phân trâu và in dấu chân trần nông dân gánh vã. Chỉ mươi mười lăm người mà ai cũng nhao nhao đòi nhận trước. Anh Được thủ kho nuôi vợ đẻ nên Diệu Ly xuất kho giùm. Bà ta nói với nó: “Ở đây chỉ có cậu là trai tráng, vô kéo mấy bao phân ra chút coi”. Nhờ đó, nó mới phát hiện ra cái vách gỗ có mấy tấm ván xộc xệch lắp không đúng khe, chỉ cần xoay qua một chút là tháo ra được. Trên đường về, nó nghe bà Sáu sẹo nói với chị Thảo: “Không biết kiếm đâu ra mà mụ Suất khi nào cũng có phân đạm bán lẻ, vài ba kg lúc nào cũng có”, “Thế còn mua cả bao?”, “Thì lên chợ huyện, mấy nhà gần cổng chợ đó”, “Xa quá, mất công quá, chi bằng cứ đặt trước bà Suất năm bảy bữa khỏe hơn”, “Cũng chẳng khỏe gì, mua bằng tiền của mình mà vẫn cứ phải lén lén lút lút như đi ăn cắp…”
            Nghe bà Sáu sẹo và chị Thảo bàn tán vậy, gánh về nhà, nó kiếm cái bì ni lông, hốt một mớ dem giấu ngoài cổng, ăn cơm xong nó đem ra nhà bà Suất hỏi bán. Nó sẽ giành cho bà chị nỏ mồm của nó một sự bất ngờ.
            - Có ai biết cậu đem ra đây không?
            - Không đâu!
Nhấc nhấc bịch phân đạm, bà Suất nói:
            - Ba hào.
            - Răng có ba hào? Bà cân lên thử coi!
            - Có chút xíu chứ nhiều nhặn chi mà cân cho mất công. Không bán cậu đem đi chỗ khác!
Nó đành gật chứ đem đi đâu được. Cất chỗ phân đạm, phủi tay, rót bát nước chè xanh, mở thẩu lấy miếng kẹo lạc đưa cho nó, bà ta nói:
            - Ăn kẹo, uống nước đi, tui không trừ tiền mô mà cậu lo.
Rồi bà Suất dặn từ nay về sau có món gì cứ đem ra bà mua tất. Nó hỏi vậy cả bao phân đạm giá bao nhiêu, bà ta đáp:
            - Cứ chục cân là đồng mốt ba xu, cứ rứa mà tính.

            Mờ mờ sáng, nó nghe tiếng còi rồi tiếng chân chạy rậm rịch, tiếng hô thể dục ở khu tập thể đồn công an. Thế là đã qua một đêm. Không biết bố nó có lên xin cho nó về không, tự nhiên bụng nó như có lửa đốt.
            Thời gian chậm chạp trôi đi, hết đứng lên, ngồi xuống lại vịn cửa sổ nhìn ra xa. Cái đường luồn hẹp bởi bức tường dãy nhà làm việc mới xây chắn ngang, có cố nhìn cũng chỉ thấy một khúc đường ngắn. Những dáng người trên xe đạp, gồng gánh vừa hiện ra đã vội biến mất, không đủ để nhận dạng một ai dù rất đỗi thân thiết. Còn sớm quá, có lẽ bố chưa lên được đâu, từ nhà lên đây cũng mấy tiếng đồng hồ chứ ít gì. Nghĩ vậy, nó lại nằm xuống nền buồng giam. Chong mắt nhìn những dòng chữ, hình vẽ trên tường, chợt nó nhớ phải khắc chữ gì đó. Mò trên nền xi măng nó tìm được viên đá bằng đầu ngón tay gần cửa ra vào. Chọn được một khoảng trống gần cửa ra vào, ngang tầm mắt nó miết viên đá vào tường. Viết chữ chi hè? Nó đứng đực ra giống y như thầy giáo gọi lên bảng hỏi bài cũ. Không thể viết lại những gì người ta đã viết. Trên tường đã xuất hiện một vệt hơi xeo xéo do nó cứ cà đi cà lại viên đá. Phải rồi, cứ ghi tên mình là hay nhất. Cà xong chữ Vệ, nó lại nghĩ như thế chưa mấy ai biết nên khắc tên bố vào luôn. Hừm, sau này làng nó có đứa nào vào đây chắc chắn sẽ thấy tên nó…Đang cà chữ “B” thì cửa buồng giam mở. Chưa kịp vất viên đá thì “bốp”, mắt nó thấy cả trời sao:
            - Đã vào đây còn phá phách, đi ra!
“Ông nội mày”, thằng Vệ rủa thầm nhưng vẫn cung cúc theo sau. Đến trước sân đồn, anh ta nói:
            - Quét cho sạch cái sân đi!
Làm xong việc được giao, vừa ngồi xuống bậc tam cấp, nó lại “được” anh ta giao việc khác:
            - Xách hai cái xô này xuống giếng múc nước đổ vào cái bể kia. Khi nào đầy thì vào báo.
Cái bể nhìn thì nhỏ nhưng xách đổ mãi mực nước không lên được bao nhiêu, cứ y như là lủng đáy vậy. Hay thế thật? Đổ xong xô nước, nhìn kỹ đáy bể, không có vấn đề gì cả. Cái van xả nước cũng không rỉ một giọt. Chán nản quá. Rồi nó cứ uể oải dần. Gàu nước xách lên nặng hơn, đoạn đường từ giếng đến bể cũng xa hơn. Mỏi tay, mỏi chân, cả người như rã rời. Múc gàu nước không còn đầy nữa, xô nước đổ vào bể cũng lưng dần. Đói, đói quá. Bụng réo, mồ hôi trán đổ ra, chân tay bủn rủn. Ra sao thì ra, nó không thể xách nước được nữa. Ở nhà giờ này có bát cơm nguội hay củ sắn vào bụng rồi…
            - Xong chưa mà ngồi đấy?
Nó đáp:
            - Tui làm không nổi. Đói quá, mệt quá.
Anh công an nhìn chằm chằm vào mặt nó:
            - Con nhà nông mà lười lao động. Mấy cái việc vặt này mà không làm nổi thì bảo sao không vướng vào…
Bỏ lửng câu nói, cho nó nghỉ, bảo nó rửa mặt rồi vào phòng làm việc của anh ta ngồi chờ. Từ bếp ăn tập thể trở về, anh công an đưa cho nó bát ngô răng ngựa hầm.
            - Tiêu chuẩn sáng của chúng tớ đấy, ăn tạm nhé!
Bát ngô hầm cứng, chưa sạch mùi vôi nên dù đói thằng Vệ cũng không thể ăn nhanh được. Nhìn nó nhai trệu trạo, anh công an cười:
            - Mỏi răng lắm hả? Trừ lúc đói quá, nếu không tớ nhịn luôn.
          Anh công an cũng không ác lắm, thằng Vệ nghĩ thế. Mình bị ăn cái tát là cũng do mình. Nhưng mà đau quá. Có lẽ anh ta thường xuyên luyện võ nên mạnh tay chăng? Người ta nói công an giỏi võ. Mà không giỏi sao bắt cướp, bắt gián điệp! Làng nó hồi trước có ông Bát Sinh giỏi võ lắm, chưa một ai to tiếng với ông. Không dám vì sợ bị đánh hay ông hiền quá nên không đụng chạm đến ai không biết nữa. Cứ có võ là thích rồi! Các anh lớp trước xin ông dạy võ cho, ông nói:
            - Học võ phải kiên trì, mất thời gian lắm. Thời bình rồi các cháu học chữ, học nghề tốt hơn…
Nó nghĩ lan man, quên cả nhai, anh công an hỏi:
            - Không ăn nổi à? Ra bể rửa giùm cái bát rồi vào đây làm việc.
Thằng Vệ đứng lên, nó nghĩ phải “hỏi cung” chứ sao lại “làm việc”? Thôi, mặc kệ, gì cũng được, mong sao sớm được thả là được, nằm một đêm buồng giam ớn lắm rồi.
            Khi nó ngồi xuống chiếc ghế thì anh công an đã để sẵn tờ “biên bản lấy lời khai” trên bàn. Anh vừa hỏi vừa ghi.
            - Cậu trộm phân đạm hợp tác xã bao nhiêu lần?
            - Hai lần.
Dừng lại một chút, anh công an nói:
            - Thế cậu bán phân đạm mấy lần?
Thằng Vệ cúi mặt xuống bàn:
            - Dạ, ba lần.
            - Thế sao nói ăn cắp có hai lần?
            - Dạ, một lần lấy ở nhà hai lần lấy ở kho hợp tác xã.
Rồi đột nhiên nó nói:
            - Em khai hết anh có cho em về không?
Anh công an gõ gõ cây bút lên mặt bàn.
            - Cũng còn tùy thuộc vào mức độ thành khẩn hay diễn biến sự việc nữa.
Rồi anh lấy tờ giấy manh đưa cho nó, nói:
            - Cậu viết tường trình vào đây, theo thứ tự sự việc, không được bỏ sót chi tiết nào nhé.
            Thằng Vệ cố gắng nắn nót, mấy dòng đầu nét chữ khá đều rồi sau đó cứ xiên xẹo dần. Nó chặc lưỡi, thôi kệ, miễn người ta đọc được là được, có phải làm văn để chấm điểm đâu. Viết xong mặt giấy, ngẩng lên không thấy anh công an đâu cả nó lại cúi xuống viết tiếp. Từ khi đi học đến giờ chưa khi nào nó nghiêm túc như lúc này. Bài văn cô giáo cho về làm ở nhà phải bốn năm bữa nó mới viết xong. Có lần, bài văn của nó được cô giáo đem ra đọc “mẫu”. “Một bài văn mẫu vì lỗi diễn đạt và logic”. Đề bài nói về gương lao động, học tập của anh thương binh ở địa phương mà em biết. Lúc đầu nó viết về chú Tấn, được nửa mặt giấy nó sực nghĩ chú Tấn không phải là tấm gương “học tập”, với lại chú nhiều người yêu quá, ai cũng biết nên nó không viết nữa, bỏ vào túi xách, để đấy rồi quên béng đi. Sinh hoạt mười lăm phút đầu giờ, lớp phó học tập nhắc cuối buổi nộp bài cho cô, nó mới cuống lên, hỏi mượn bài thằng Huy sứt để chép thêm vào phần bài nó đã viết. Nó sửa đôi chút cho cô giáo không phát hiện. Thằng Huy sứt viết: “Anh Diệu bị hai vết thương, một ở chân trái, một ở Khe Sanh”, nó sửa: “Anh Điệu bị hai vết thương, một ở Khe Sanh, một ở chân phải”…Đoạn đầu nó viết về chú Tấn, khúc sau lại “anh Điệu”, cô giáo hỏi sao lại thế, cả lớp cười ầm lên, con Thu lém chọc: “Đó là tên khác của của chú Tấn mà bạn Vệ mới “phát hiện” cô ạ”…

            Có bước chân đi ngang qua trước cửa, nhìn ra thấy ông chủ nhiệm hợp tác xã và bà kế toán Diệu Ly. Thấy nó, ông ta cười khẩy, quay sang bà kế toán, cốt cho nó nghe thì phải:
            - Anh Cường đội trưởng hẹn gặp ở phòng làm việc. Vào đồn công an bọn trộm cắp khôn hồn thì người ta nói gì nghe nấy, bảo chép gì phải chép nấy, nếu không ở tù mọt gông.
Nghe lão nói mà ghét. Người ta kháo nhau lão là con mọt có cỡ. Công xá chủ nhiệm, giỏi lắm gấp đôi bố nó, năm thì mười họa mới ra đồng nhưng nhà ngói cột lim, xe đạp hai cái. Lão ta  cưỡi chiếc fa-vô-rít Tiệp, bà vợ thỉnh thoảng trèo lên chiếc xe mi-fa, mỗi khi đạp phải nhón chân, lưng lắc lư theo cái mông đít ngoay ngoáy, nhìn từ phía sau ai cũng phải bật cười. Cái xe mi-fa chắc không rẻ hơn chiếc fa-vô-rít, thằng Đinh, con lão đạp xe đến trường, đám học trò xúm đen xúm đỏ bóp chuông, thử phanh, có đứa hỏi giá bao nhiêu, nó vênh mặt: “fa-vô-rít đạp ít đi nhiều, ai hỏi bao nhiêu - một ngàn năm chục”.
            Khoảng mười giờ sáng anh công an mới quay lại. Cầm bản tự khai của thằng Vệ đọc đi đọc lại mà vẻ mặt cứ trầm ngâm. Thằng Vệ sốt ruột hỏi:
            - Khi nào thì em được về hả anh?
Anh công an không trả lời câu hỏi của nó, hỏi lại với tiếng “em”, nghe thân mật hơn:
            - Khi em đến kho có nhớ chất mấy lớp bao không?
            - Em không để ý nhưng chất dưới thăt lưng của em.
            - Bằng cách nào em tháo hai tấm ván vách sau được?
Thằng Vệ trả lời việc nó nhìn thấy hai tấm ván không lắp vào ngạch dưới, chỉ cần xoay một chút là gỡ ra được. Anh công an lại hỏi:
            - Lần lấy bảy kg em có gỡ ván ra không?
            - Em không gỡ, chỉ lấy ống nứa vót nhọn thọc qua khe xuyên vào bao cho nó chảy ra thôi.
Anh công an gõ gõ bút trên bàn, thằng Vệ hỏi:
            - Anh cũng biết đánh trống đội à?
            - À, ừ, hồi học cấp hai anh tham gia đội nghi thức của trường. Rồi anh hỏi lại nó:
            - Lần sau lấy trộm xong em có dựng tấm ván lại không?
            - Dạ có.
            - Vì sao em dựng lại?
            - Em sợ người ta phát hiện.
            - Em sợ phát hiện, lắp lại để sau này lấy tiếp, đúng không?
Thằng Vệ nhìn anh công an, ánh mắt trong sáng:
            - Anh đoán sai rồi, anh không nghe người ta nói “sự bất quá tam” à?
            - Là sao?
            - Là đi ăn trộm lần thứ ba sẽ bị lộ. Bà Tuyết và mấy bà, cả bố em cũng từng nói như thế.
            - Em có tin không?
            - Sao không tin, em bị bắt rồi đấy thôi!
Anh công an rót cho nó ca nước, chờ nó uống xong, anh hỏi:
            - Em không sợ ăn cắp nhà trường biết chuyện sẽ đuổi học à?
            - Em không sợ, nhà trường không đuổi em cũng nghỉ học.
            - Sao thế?
            - Tại em học dốt quá.
            - Vì em không chịu khó thôi, anh trông em mặt mũi cũng sáng sủa đấy chứ. À, mà sao em vác được hai bao?
            - Khiêng chứ anh! Nó buột miệng.
Anh công an nhìn thẳng vào mắt nó, nói chậm rãi:
            - Em nói khai thành khẩn nhưng thật ra em còn che dấu người phạm tội. Anh biết điều đó, em có cần anh nói ra hay không? Anh muốn tự em nói để xem mức độ thành khẩn đến đâu mà thôi.
Thằng Vệ cúi mặt xuồng, nói lí nhí:
            - Em sợ…
            - Nhà trường đuổi học không sợ, vậy sợ cái gì?
            - Sợ bạn em nói không giữ lời.
            - Giữ lời hứa là tốt nhưng em giữ lời hứa với bạn là bao che cho tòng phạm, như vậy tội em nặng hơn đấy.
Ngần ngừ một lát, thằng Vệ nói:
            - Anh biết rồi em cũng nói luôn, là do em rủ thằng Tập. Em năn nỉ mãi nó mới nghe. Anh đừng bắt nó, nhà trường đuổi học nó thì bố nó giết nó mất, nó học giỏi lắm.
Anh công an trầm ngâm một lúc, lại gõ gõ cây bút lên bàn.
            - Thế em chia tiền cho cậu Tập như thế nào?
            - Em đưa nó ba đồng hai năm xu nhưng nó không lấy. Nó bảo nếu mua dép cho chị còn thừa tiền thì mua cho nó một xếp giấy trắng để nó kẻ giấy kiểm tra.
            - Mua dép cho chị là sao?
            - Chị em dành dụm tiền mua đôi dép nhựa gót cao, chưa mua được thì tiêu hết vì bố em bệnh.
            - Em cũng thương chị đấy nhỉ nhưng quà tặng phải tự tay mình làm ra mới có ý nghĩa chứ.
            - Em cũng biết vậy nhưng em tức…
            - Tức cái gì?
            - Bà Diệu Ly nói với vợ ông chủ nhiệm: “Con gái ông Bạc hỏi tui mua dép ở đâu, giá bao nhiêu. Tui nói mua ở cửa hàng bách hóa huyện, chỉ mấy đồng thôi hà…cái ngữ ấy là gà thì chịu kiếp gà đi còn se sua đội lốt công”.
            - Vì một câu nói mà em hành động như thế à? Nếu người ta xúc phạm nặng hơn thì em giết người ta chắc?
Mặt thằng Vệ đỏ lên, nói với anh công an bằng lời nói cương cường, vị thế của người không chịu lép, chịu kẻ khác ức hiếp:
            - Ai nói sao cũng mặc kệ nhưng bà Diệu Ly thì không thể được. Bà ta làm kế toán mà sao giàu thế? Em nghe người ta nói bà ta và cả ông chủ nhiệm nữa, giàu có là do tham ô. Bà ta đi làm ruộng như mọi người thì có giàu không? Giàu không chính đáng mà khinh người.
Anh công an đẩy ca nước về phía thằng Vệ.
            - Uống miếng nước đi.
Nhìn thằng Vệ như xem tướng, anh nói:
            - Giả sử đi, anh nói giả sử nhé, người ta tham ô, em ăn trộm thì có gì khác nhau. Em biết tham ô hay ăn trộm là xấu, cần phải lên án, trừng trị mà em cũng mắc phải đấy thôi.
            Thằng Vệ nghĩ anh công an nói đúng nhưng không biết nói sao cho anh hiểu mình ăn cắp không phải là cho mình, mình khác bà Diệu Ly và ông Hoàng Hói. Nó định nói ăn cắp một lần rồi thôi. Nói thế anh công an có tin không? Nó đã ăn cắp ba lần, mà lần sau lại nhiều hơn lần trước…Nó nghe nói bà kế toán và ông chủ nhiệm tham ô nhưng tham ô cái gì thì không ai chỉ ra được, chỉ thấy người ta giàu hơn, vượt bậc hơn xã viên hợp tác xã nên bàn tán vậy. Ghét nhất là vợ ông Hoàng Hói, bà Diệu Ly trước mặt người khác hở ra là khoe của, khinh người…
            Bà kế toán, ông chủ nhiệm đi ngang qua cửa phòng, họ nói chuyện với nhau nhưng có lẽ cốt để cho anh công an và thằng Vệ nghe thấy:
            - Để trong kho còn mất, vụ trước gửi nhà ông đội trưởng có trời mà biết được phải không anh?
            - Có lẽ phải họp toàn thể xã viên để lấy ý kiến đề nghị tống mấy thằng trộm cắp vào tù. Nhơn nhơn ở ngoài còn gì là an ninh làng xã nữa.
            Đợi họ đi ra khỏi cổng, anh công an nói với thằng Vệ:
            - Em ngồi đây viết bổ sung bản tường trình, viết đầy đủ các chi tiết em vừa nói nhé!

            Nói xong anh công an đi ra ngoài. Thằng Vệ bưng ca nước uống, chợt nó nhìn thấy chú Tấn dắt xe vào cổng đồn, chi Lài cắp nón cúi mặt đi sau. Nó nghĩ bố hay mẹ lên thì còn đỡ chứ chị Lài gặp nó thì làm toáng lên cho mà xem.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét