CHƯƠNG VI
Cánh
đồng Rộc lúa đang thì con gái xanh mơn mởn. Mỗi khi có gió, những làn sóng xanh
gợn lên, trông mê mẩn người. Năm nay thuận trời nên không đám ruộng nào bị bỏ
hoang.
Hai
sào ruộng nhà ông Bạc, mọi khi cha con ông làm một ngày là xong, nhưng nay làm
cỏ trễ lại một mình Lài nên xem chừng phải hai công rưỡi. Vừa làm cỏ cô vừa cố
nuốt cục tức. Tuần trước, Lài phải lên bệnh viện chăm bố, cứ nghĩ ở nhà mẹ và
thằng Vệ làm cỏ xong rồi. Lài và ông Bạc về, bà Mùi không nói chuyện cỏ rả gì cả,
cứ thế lên đồi nhổ sắn về xắt lát phơi khô.
Trưa
hôm qua, ông Bạc đi họp về, nói:
-
Mai hai bố con đi làm cỏ lúa, cỏ nhiều quá.
Lài ngạc nhiên, bước xuống bếp hỏi
mẹ:
-Tuần
trước bà mần chi mà không làm cỏ lúa? Khi tui về cũng không nói?
Bà Mùi mát mẻ:
-
Tui không phải ba đầu sáu tay, vườn tược, trâu nghé bỏ được à?
-
Rứa thằng Vệ ở mô?
-
Ở mô, ở mô có trời mà biết! Ngoài bữa ăn ra là biến mất dạng!
Lài
không nói nữa, có nói cũng thế thôi. Cứ nghĩ sau này mình đi lấy chồng, bố già
đi, ốm đau luôn thì không biết cái nhà này sẽ như thế nào. Thằng Vệ, bằng thằng
Toàn mà suốt ngày tụm năm tụm ba lêu lổng. Mà giờ này thằng Toàn ở đâu, có tìm
được mẹ không? Nghĩ tới thằng Toàn, Lài cứ áy náy trong người. Thực tình, Lài
không ghét thằng Toàn nhưng vì chuyện mẹ nó nên ghét lây. Hồi thằng Toàn bỏ đi
được hai hôm, chị Phượng không nói chắc chắn bố bỏ công buổi đi tìm nó. Cái
hình ảnh bố bỏ ăn, không làm nên việc gì, gương mặt khó đăm đăm, rầu rĩ trông
thật tội nghiệp. Rồi không hiểu vì sao nó lây sang Lài nỗi chán chường. Ba giờ
sáng, thức dậy đi tiểu, thấy bố vẫn thức ngồi hút thuốc lào vặt đầu hồi nhà,
nói bố vào ngủ, ông thở dài: “Bố có tội với chú Triệu, bố chết không nhắm mắt
được con à.”
Mặt
trời dần khuất sau dãy núi xa xa. Khi ánh nắng chiếu ngược lên, từ cánh đồng
nhìn vào, dãy núi cứ xanh đậm dần, hình như là xanh tím. Thỉnh thoảng, từng đàn
cò bay ngang vẽ nên một không gian yên ả lạ lùng. Lài vừa vơ cỏ, nhấn sâu xuống
bùn vừa hát. Lẩm nhẩm trong miệng không rõ giai điệu nên cô lấy hơi hát nho nhỏ:
Dòng sông quê em, dòng sông quê anh
Sóng xanh như mắt trẻ,
sao giống nhau đến thế
Tiếng mưa như tiếng tằm
ăn, tiếng mưa như tiếng tằm ăn
Sông cho anh làm thơ…
-
Anh nỏ mần thơ mô, chỉ mần thợ thôi!
Sau câu nói là tiếng cười của chú
Tấn làm Lài giật mình, đỏ mặt. Chưa biết đối đáp sao thì chú lại tiếp tục:
-
Hát hay rứa mà không tham gia đội văn nghệ xã.
Lài đánh trống lảng:
-
Chú Tấn đi mô về rứa?
Chú Tấn cười:
-Ở
nhà gọi chú vô rú (rừng) gọi anh. Em
không gọi được một tiếng “anh” cho tình cảm à?
Lấy lại được sự tự tin, láu lỉnh
vốn có, Lài cười:
-
“Chú anh Tấn” chưa trả lời em là đi cưa bà lão nào về?
-
Đã sinh ra kiếp đàn bà hơn dăm ba tuổi vẫn là làm em. Với lại, như anh đây đẹp
trai nhất huyện nhì xã thứ ba xóm thì ra đường em mô mà nỏ mê. (em nào chẳng mê)
-
Nhiều em mê nên mãi tới bây giờ chưa chọn được em nào “trộm khăn móc túi”!...
-
Nhiều thì nhiều người thật, nhưng anh đây có người thương rồi.
-
Ai rứa anh?
-
Con gái ông Bạc, bà Mùi!
Lài móc cục bùn ném. Chú anh Tấn
cười như xe ben đổ đá:
-
Yêu anh, Lài ném cục bùn
Yêu Lài, chìa má anh
hun cấy mồ (hôn cái nào)
Hai tay cầm hai cục bùn, bước lên
bờ thì chú anh Tấn đã chạy xa rồi. Vừa chạy vừa quay đầu lại lè lưỡi
“lêu..lêu…”
Lài
bật cười, quay xuống ruộng. Thế nào rồi mai mốt cũng rộ lên chuyện Lài là người
yêu của “chú anh Tấn” cho mà xem. Ở cái làng này, hơn chục cô chưa chồng là
“người yêu” của chú anh Tấn(!) Về tuổi tác, đám thanh niên gọi chú Tấn là đúng
nhưng chú Tấn không đời nào chịu. Cứ là con gái, mười sáu mười bảy tuổi trở lên
cho đến trung niên, chưa có chồng là chú Tấn xưng “anh – em” ngọt lịm. Ai “cả
gan’ xưng “chú – cháu” là thế nào cũng có chuyện. Người ta sợ cái độ lì của
chú, không trưa thì tối, đến nhà căn vặn người ta: “tui còn trai tân răng gọi
là chú?”. Biện bác lại, chú lại “lý luân” viện dẫn cả cách xưng hô tây tàu đối
chiếu, so sánh…Sau này, làng xóm hiểu ra có mà thừa hơi mà tranh cãi với anh
khùng, gọi tiếng “anh” cho xong chuyện. Người “phát minh” ra cách gọi “chú anh
Tấn” là Phượng. Đám thanh niên chọc: “Người ta là trai tân mà sao o Phượng gọi
là “chú anh Tấn” hè(!) Chú anh Tấn biện bác: “Cũng có tiếng “anh” chớ, em Phượng
gọi rứa được vì em Phượng đẹp, làm người yêu tui được”.
Chú
Tấn học giỏi có tiếng, đi bộ đội đánh Mĩ được tặng nhiều danh hiệu, nào là
“Dũng sĩ diệt Mĩ”, “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”, huân chương chiến công…Bị thương ở
chiến trường Quảng Trị, chú được chuyển ra bắc điều trị, có chế độ ở trại
thương binh vĩnh viễn nhưng chú xin phục viên. Về quê, bỏ luôn chế độ thương
binh, ai nói sao cũng mặc. Chú nói: “Bạn
bè trong đại đội chết hết, tui còn sống là may mắn lắm rồi. Mấy ông nói cống hiến,
nói xương máu? Cống hiến chính là cha mẹ vợ con người lính. Còn xương máu, nên
tập trung chế độ cho liệt sĩ. Mấy ông không ở chiến trường nên không biết, hy
sinh nhiều lắm. Bị thương như tui lại càng nhiều. Thôi, cứ coi như tui bị tai nạn
lao động đi. Còn sức lao động được thì đừng ỉ lại, đừng dựa vào ai, kể cả nhà
nước”.
Rồi
xã cử chú đi học lớp Trung cấp chính trị, tính sắp đặt công việc gì đó cho phù
hợp. Học được hai ngày, chú kêu đau đầu, nghỉ luôn làm thợ mộc. Khéo tay, cẩn
thận, sáng tạo, nhận tiền công vừa phải nên không hết việc làm. Việc nặng nhọc
thì kêu thêm người, chú chủ yếu quản khâu kỹ thuật. Đợt xã tổ chức lao động
công ích thủy lợi, Phượng hỏi:
-
Chú anh Tấn răng không học dể mần cán bộ?
Chú Tấn cười:
-
Mần dân thích hơn. Mần cán bộ thì làm chi gần gũi được với các em yêu.
-
Ai mà dám yêu chú anh Tấn. Người ta yêu phải chung thủy, đằng này chú anh Tấn
thấy em mô đẹp cũng yêu cả.
Chú Tấn bỗng nhiên nghiêm nghị:
-
Răng nói anh không chung thủy? Răng nói anh yêu nhiều người?
Rồi bỗng dưng chú khóc, không ai
hiểu chuyện gì cả. Chú nói trong tức tưởi:
-
Hu…hu…Thành ơi…Dũng ơi…Sơn ơi…Có nghe em Phượng nói không…bây hấp hối nói tau
…phải sống cho bây…hu…hu… yêu cho bây nữa…tau chưa tìm được người yêu cho thằng
Hoàn…nói chi cho tau…Sơn ơi…em Phượng của mày nói tau …hu …hu không chung thủy…mà
tau…đã có người…yêu..mô…hu…hu…
Bầu trời như thấp xuống, nặng nề
u uẩn. Mấy đứa con gái mắt rưng rưng. Thì ra là vậy, chú Tấn mang theo ký ức
hòa lẫn vào đời sống thực. Sang chấn tâm lý, hậu quả ghê gớm hội chứng chiến
tranh làm chú Tấn mê mà tỉnh. Lâu nay, đám thanh niên chọc ghẹo chú như chọc ghẹo
một người khùng. Mà có lúc người ta vô tâm quá, ngay như chuyện hành xử tức thì
của Lài cũng vậy. Khi không thật quan tâm, hiểu và cảm thông cho người khác thì
bột phát trong ứng xử cũng là tự nhiên thôi. Nghĩ lại, Lài thấy việc quan tâm
người khác thành nếp, thường trực trong ý thức khó quá…Cho đến bây giờ, chỉ
mình anh Tân là Lài luôn lo lắng, yêu chiều những gì có thể.
Con
cua đồng kẹp vào ngón út đau điềng, rảy nó không thả. Lài giơ nó lên khỏi ngọn
lúa, đưa tay trái tính bẻ càng nó, chưa kịp bẻ cái càng cua còn lại kẹp luôn
vào ngón tay cái. Đưa càng cua vào miệng cắn, bất ngờ nó thả ngón tay cái kẹp
ngay vào cánh mũi Lài. Chưa bao giờ gặp phải tình huống như thế này. Tức chết
đi được nhưng vẫn còn may. May vì không có ai ở đây, chứ không người ta cười
cho thúi mũi. Bẻ cái càng cua kẹp ngón út, nó nhíp lại đau hơn. Đau tay một
chút không là gì chứ bẻ càng kẹp mũi nó nhíp cho chảy máu, lỡ nhiễm trùng sưng
tấy đỏ thì hóa thành thị Nở mất. Mỗi tay cầm một mấu càng, Lài kéo ra thật mạnh.
Gỡ được rồi định ném thật mạnh lên đường cho bõ tức thì thấy cái yếm nó cơi lên
đầy một bụng trứng nên Lài thả nó xuống ruộng. “Mi là con cua đực thì nát thân
với tau rồi”, cô lẩm bẩm.
Sâm
sẩm tối, có cố thế nào cũng mất buổi nữa đành ra mương nước rửa tay chân. Vừa
bước lên đường thấy thằng Tập hớt hơ hớt hải chạy lại.
-
Chị Lài về mau, công an bắt thằng Vệ đưa lên huyện rồi!
Lài hốt hoảng:
-
Răng mà bị bắt, công an bắt khi mô?
-
Hồi chiều, hắn bị bắt vì ăn trộm phân đạm của hợp tác xã.
Chân tay Lài bủn rủn. Cô nghĩ đứa
em chơi bời lêu lổng do tính nết lười biếng cộng với sự nuông chiều của bố mẹ,
còn việc nó trộm cắp chưa bao giờ thoáng qua trong suy nghĩ của cô. Từ nay về
sau người trong làng trong xóm sẽ nhìn nhà mình với con mắt khác, đàm tiếu, móc
máy rồi một nói thành năm, thành mười, thêm dấm thêm ớt, thành câu chuyện làm
quà…mẹ thì có lẽ không sao chứ bố khó vượt qua được cú sốc này. Đôi khi trò
chuyện với Lài, bố tự hào: “Họ hàng bên nội các con người giàu có, nghèo có
nhưng tuyệt đối không ai trộm cắp, vướng vào vòng lao lí”. Không biết ông có
nói điều đó với ai không nữa? Bố không nói thì người ta dè bửu một, nếu nói thì
dè bửu mười. Cứ nghĩ đến đó trong lòng cô phấp phỏng bồn chồn, những tháng ngày
tới đối mặt với xóm làng sao đây…Rồi Lài nổi cơn bực tức, từ đứa em lêu lổng đến
ông Bac, bà Mùi. Cô đay nghiến trong lòng: “Đó, bà mặc kệ nó giờ nó bôi tro
trát trấu vào mặt rồi:, “Bố cái gì cũng nhẫn nhịn, nhẫn nhịn để tạo cái vỏ gia
đình nền nếp à? Bố chống mắt lên xem thằng con trai quý tử, thằng cháu đích tôn
báo hiếu đó…”
Tới
đầu ngõ xóm, dưới cây đa, mấy người xóm ngoài đi nhổ sắn về, ngồi nghỉ, túm tụm
bàn tán.
-
Thật tội cho ông Bạc, chưa hết chuyện em dâu nay lại chuyện con cái.
Bà Sáu sẹo the thé:
-
Nào chỉ có chuyện em dâu, con cái. Bà Mùi cũng xí xọn lắm, cái sừng trên đầu
ông Bạc thành cái gạc nai rồi.
Bà Tuyết cởi khăn trùm đầu lau mồ
hôi trán, nói:
-
Bà đừng nói rứa mà phải tội, cái chi biết thì mới nói. Biết năm biết mười mà
nói một thì nó hay hơn.
-
Xì…bà đừng có mà đạo đức giả. Tui dựng chuyện chắc?!
Nhác thấy Lài, mọi người im bặt.
Bà Sáu sẹo giả lả:
-
O Lài đi làm ruộng về à, siêng quá. Ai cưới được o Lài là phúc đức lắm đó.
Lài nén cục tức lại, cố ra vẻ
bình thản nhưng trong giọng nói không khó để người ta nhận ra sự mai mỉa:
-
Cái phúc bên vợ không bằng cái nợ bên chồng mô bà ạ!
Một
câu nói nghe qua thường tình thôi nhưng với bà Sáu sẹo thì đau hơn hoạn, đám
người đi chung hiểu thế. Chả là con gái bà Sáu sẹo “xinh nhất hàng tổng”, đám
trai làng đừng có mà xớ rớ. Nó xinh như thế phải gả vào nơi quyền quý cao sang
nở mày nở mặt chứ không thể lam lũ được. Bà Sáu sẹo nói thế và làm thế thật. Gả
cái Luyến cho con ông trưởng phòng tài chính huyện, đám cưới rình rang lắm.
Ngày lại mặt, hai vợ chồng xe hơi về làng bấm còi bin bin, oách lắm. Rồi đám giỗ
nhà vợ, chàng rể lại đánh xe con chở nhạc phụ đi mời mấy ông tai to mặt lớn
trong làng, trong xã. Khổ nổi khi đi quên mang theo cái que xâu dép bằng đồng
lá, nên khi dép tụt quai đành bỏ trong xe, ông Hiệp chân đất vào nhà chủ nhiệm
hợp tác xã. Bà vợ Hoàng Hói từ bếp xách siêu nước lên, thấy vậy cười:
-
Áo bỏ trong quần, thắt củ lạc, răng mà lại đi chân đất, ông Hiệp?
-
Dép tụt quai, tui để trong ô tô.
Phượng cầm chiếc nón đứng dậy,
mói:
-
Chân dép lốp bước lên tàu vũ trụ còn
được, chân đất bước lên xe hơi là chuyện thường, ông nhẩy.
Hoàng Hói cười cái điệu cười nịnh:
-
Hi..hi...o Phượng hài hước mà sâu sắc ghê!
Phượng chào ông Hiệp, vợ chồng
Hoàng Hói, bước ra cổng. Con rể ông Hiệp cười với lời chào, đong đưa:
-
Chào người đẹp, người đẹp đi đâu, lên xe anh chở đi.
Phượng cau mày;
-
Sao dám xưng anh với tui?
-
Em bằng tuổi vợ anh, chắc là bạn bè, phải không? Mà bạn của vợ cũng là bạn của
chồng, đúng không nà!
Phượng nghĩ cái loại háo sắc này
không trị không được, cô à ơi:
-
Tui cũng nghĩ rứa. Với lại tui không xứng ngồi trên chiếc xe ni.
-
Trời, em mà không xứng thì trên trái đất này không còn ai xứng, anh chỉ sợ ngược
lại thôi.
-
Đàn ông ai cũng đầu môi chót lưỡi. Tui chừ lên huyện, có chở được không?
-
Được, được chứ! Chở ông chủ nhiệm về nhà bố Hiệp rồi anh đón em đi liền. Con rể
ông Hiệp liến thoắng. Phượng làm bộ e ngại:
-
Rứa có được không? Còn đám giỗ nhà vợ thì…
-
Không sao đâu, chàng rể bà Sáu sẹo cướp lời, năm nào chả có đám giỗ.
-
Nhưng mà răng lại tự nguyện chở tui đi?
-
Anh đã nói rồi, giúp bạn là việc nên làm. Với lại có người đẹp ngồi bên tay lái
là niềm tự hào. Anh tôn sùng cái đẹp mà!
-
Luyến đẹp nhất hàng tổng, Bà Sáu khẳng định thế còn gì?
-
Luyến đẹp nhất hàng tổng thì em đẹp nhất hàng tỉnh, hàng quốc gia, anh nói thật
đấy!
Phượng bỗng nghiêm nét mặt, giọng
đanh lại:
-
Lúc nãy chừ mi xưng anh với tau, lại còn cợt nhả, tán tỉnh nữa. Mi không biết
thì về hỏi vợ mi. Mẹ vợ mi kêu tau bằng o, o lớn đó, rứa thì mi biết phải kêu
tau răng rồi!
Con
rể bà Sáu sẹo tái mặt. Vừa lúc ông Hiệp, Hoàng Hói đi ra, Hoàng Hói cười đểu:
-
Xe đẹp nhẩy, o Phượng?!
-
Cháu gặp bà o, hỏi chút chuyện. Con rể bà Sáu sẹo lấp liếm.
Hoàng Hói nghĩ không ra, Phượng
có họ hàng chi với bà Sáu sẹo mà thằng rể ông Hiệp kêu “bà cô”? Khi ăn cỗ,
Hoàng Hói đem chuyện hỏi, Bà Sau sẹo chửi:
-
Mẹ tổ cái con mất dạy, tui với nó có họ hàng chi mô!
Hôm sau, đi chợ, bà Sáu sẹo nói
chuyện với bà Suất – người hay đưa chuyện nhất làng:
-
Con Luyến về nhà chồng mà không quên giỗ chạp. Vợ chồng nó về lo hết. Tui mời
mười mâm khách mà nó kêu ít!
Chừng
hơn một năm sau tai họa ập xuống nhà chàng rể. Luyến sinh đứa con gái bị sứt
môi. Ông nội đứa bé bảo phải ra Hà Nội vá, chưa kịp đi thì ông bị đình chỉ công
tác về tội tham ô. Chồng Luyến gây tai nạn, mà là tai nạn kép. Thì ra chiếc xe
lâu nay chàng rể đi là mượn của hợp tác xã liên hiệp vận tải. Đầu xe bẹp rúm,
nghe đâu sửa lại được cũng bằng hai phần ba số tiền mua xe mới. Lại nữa, cô gái
đi cùng bị gãy chân, dập lách phải chuyển ra Hà Nội điều trị dài dài. Chàng rể chấn
thương sọ não, bác sĩ bảo sống được nhưng rất khó hồi phục trí nhớ… Bà mẹ chồng
chỉ mặt Luyến:
-
Mày là con ác nanh mỏ đỏ mang tai họa đến nhà tau. Một mình mày báo chưa đủ hay
sao mà đẻ thêm con ác nanh con nữa, trời ơi là trời…
Luyến
đành đem con về nhà mẹ đẻ. Mẹ con cứ thay nhau ốm đau bệnh tật. Mới mấy tháng
mà gái một con trông gần như đã năm mươi. Khổ nhất là nghe người ta móc máy: “Dạo
này không thấy ô tô về làng nữa, ông nhẩy”, “Đám giỗ nhà bà Sáu sẹo năm nay chắc
hơn chục mâm chớ, năm ngoái đã chục mâm rồi…”, “Đời nỏ biết ai hơn ai, như ngồi
xe bò lốp anh Hoài đánh đi mời đám giỗ hơn ngồi ô tô khét lẹt mùi xăng bà nhẩy…”
Hoài
là chàng trai năm xưa cưa cẩm Luyến. Khi nghe bà Sáu sẹo tuyên bố chỉ gả con
gái cho nơi phú quí, Hoài chém nhát dao vào cột thề phải giàu sang hơn bất cứ
người nào trong dòng họ bà Sáu sẹo. Hai lăm tuổi, anh đã có cơ ngơi người trong
làng ai cũng mong muốn. Ao cá rộng, có nước ra nước vào, mỗi năm thu vài tấn.
Chân ruộng cao và mấy công đất đồi trồng cỏ nuôi tám con bò cái. Từ khi sắm được
chiếc xe bò lốp kéo thuê cho người ta không hết việc, sợ con trâu mộng không đủ
sức nên lại tậu thêm một con nữa. Mười ngày đi kéo xe đủ trả tiền thuê người phụ
việc và chi phí chi tiêu cả tháng cho Hoài và bà mẹ già. Làm ăn vững vàng, kinh
tế phát triển thấy đươc là thế nhưng Hoài vẫn chưa nghĩ gì đến chuyện vợ con. Mỗi
lần thấy bóng Hoài là Luyến lại lánh mặt. Có lần Hoài chặn lại, nhìn Luyến với
ánh mắt xót xa: “Tui có phải hủi đâu mà Luyến trốn. Luyến yếu đuối thì gục luôn
đó, cố mà đứng lên, đứng lên được thì cố đi, đi được rồi chạy, cái chi cũng phải
cố gắng, tình cảm cũng rứa, Luyến à!”
Tối
đó, Luyến bỏ cơm. Bà Sáu sẹo nói:
-
Mi không thương cái thân mi thì thương tau với. Đổ bệnh xuống đó thì ai lo? Cố
mà nuốt những thứ ngày xưa từng nuốt đi con ạ, có nghe tau không?
-
Nghe bà nên tui giờ mới thế này đây!
-
Mi nói rứa mà được à? Hồi đó mi cũng ưng làm dâu nhà đó chớ.
-
Tại bà cấm cửa anh Hoài. Chừ đi mô người ta cũng đàm tiếu, tui muốn chết quách
cho xong.
Bà Sáu sẹo hạ giọng:
-
Mi đừng nghĩ quẩn. Có lẽ mi hồng nhan nên bạc phận con à. Nhà đó đuổi thì ly dị
đi, rồi kiếm đám khác, khi khỏe lên, đẹp ra thì khối thằng mê!
-
Thằng mô mà mê gái bỏ chồng, họa có điên.
Rồi Luyên lại bàn, xới bát cơm hấp
sắn cố nuốt mà cứ nghẹn mãi. Ở nhà chồng ăn trắng mặc trơn, bữa nay món này mai
món khác. Nhà mình quanh năm suốt tháng hết cà lại nhút, canh rau vặt, bữa nào
vội lại chan nước chè khô. Gắp miếng nhút, Luyến tự nhủ: phải tập lại, phải
quen trở lại. Anh Hoài nói đúng lắm, phải cố lên không thì gục mất…
Bà
Sáu sẹo cứ trân ra sau câu nói của Lài. Sao nó ác khẩu thế. Ừ, con gái bà sa cơ
nhưng nhà bà cô có hơn gì? Mà cái thân cô nữa, qua truông rồi hãy hay cô a!
Ở
đời, ai cũng cho mình là tốt, mình có quyền phán xét người khác. Họ có hay đâu
những câu nói, ánh mắt, cái khịt mũi, phẩy tay…làm tổn thương kẻ khác chính là
liều thuốc độc đang dần dần hủy hoại nhân cách họ. Người ta thấy cái xấu, cái
sai của người khác rõ như nhìn bằng kính hiển vi. Cho nên, việc phán xét, bình
phẩm, nhạo báng cũng tương đồng theo cách nhìn ấy. Lẽ ra nên thông cảm, sẻ chia
cho nhau thì người ta lại làm điều ngược lại. bà Sáu sẹo cũng quá mà o Lài cũng
không vừa. Thấy bà Sáu sẹo trân ra, bà Tuyết thở dài, cho đòn gánh vào đầu
gióng, nói:
-
Ta về thôi, bà Sáu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét